Ngày 15 Tháng 01, 2022

Tọa đàm trực tuyến về cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai

Ngày 15 Tháng 01, 2022, 09:30 – 11:30

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Fulbright Speakers’ Series: Thế giới qua những trang sách, Đại học Fulbright Việt Nam thân mời bạn tham dự buổi tọa đàm trực tuyến về cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày mai. Buổi tọa đàm hân hạnh đón chào sự có mặt của ban chủ biên cuốn sách – Giáo sư Trần Văn Thọ và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh cùng nhóm tác giả bao gồm ông Trần Hữu Phúc Tiến, ông Trương Trọng Nghĩa, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du và Tiến sĩ Phạm Chi Lan.

Nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đang ở trên đường phát triển nhưng còn đối diện nhiều vấn đề mà trí thức cần đóng góp trí tuệ để góp phần làm cho tương lai đất nước tốt đẹp hơn. Nhìn từ góc độ nào, từ văn hóa, giáo dục, y tế đến kinh tế, xã hội, nghiên cứu khoa học, ta đều thấy có nhiều vấn đề cần cải cách, cải thiện, trong đó không ít vấn đề làm mình bức xúc. Dân số nước ta sắp đạt 100 triệu. Hiếm có nước nào đông dân như thế mà có sự thống nhất cao về văn hóa, ngôn ngữ, và hầu như không có mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo. Một nước có các tính chất đó rất dễ phát triển thành một nước tiên tiến. Tiềm năng để Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh là rất lớn. Nhưng những vấn đề, những bức xúc về nhiều mặt hiện nay phải được giải quyết thì tiềm năng mới được khơi dây. Năm nay ngẫu nhiên có nhiều sự kiện mở đầu một giai đoạn mới của Việt Nam: Hậu đại dịch Covid-19, kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, 45 năm từ ngày có hòa bình và thống nhất đất nước, đón một thập niên mới đánh dấu bằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v… Nhân cơ hội này, trước những vấn đề cần giải quyết, chúng ta có thể phát đi một thông điệp, đưa ra các ý tưởng để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển không?

Cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai là tập hợp suy nghĩ của một nhóm trí thức trong và ngoài nước về những chủ đề lịch sử, văn hóa, tư tưởng, thể chế, giáo dục, y tế, kinh tế và kinh doanh. Như một nhà lãnh đạo châu Á từng nói “Lịch sử luôn cho thấy những quốc gia được dẫn dắt bởi những trí thức năng động, tham vọng và nhiệt tình sẽ phát triển nhanh hơn những quốc gia không có” – nhóm tác giả mong muốn chia sẻ trách nhiệm này.

Mời bạn tham gia buổi tọa đàm về cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai cùng Đại học Fulbright Việt Nam, ban chủ biên cùng nhóm tác giả bao gồm Giáo sư Trần Văn Thọ, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, ông Trần Hữu Phúc Tiến, ông Trương Trọng Nghĩa, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du và Tiến sĩ Phạm Chi Lan:

⏰ Thời gian: Thứ Bảy, 15/01/2022, 09:30 – 11:30 (Giờ Việt Nam)

👉 Đăng ký tại: https://bit.ly/VietnamTodayAndTomorrow

Fulbright Speakers’ Series là chuỗi những cuộc đàm thoại với các tác giả nổi bật ở trong nước và quốc tế, bàn về những khía cạnh đa sắc màu của cuộc sống thông qua những trang sách. Trong chuỗi sự kiện này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá nhiều chủ đề như lịch sử phát triển, vị trí của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, và cả tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, v.v, từ những những góc nhìn độc đáo và ngòi bút sắc sảo của từng vị khách mời. 

Đôi điều về nhóm tác giả:

  • Đồng chủ biên Trần Văn Thọ là giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản. Tháng 4 năm 2020, ông được trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự tại đây. Năm 2018, Giáo sư nhận Huân chương Thụy bảo Tia Vàng của Chính phủ Nhật Bản. Ông từng là thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Xuân Phúc. Cuốn sách Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam của Giáo sư Trần Văn Thọ được trao Giải Sách Hay 2016. Bài in của ông trong cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai là “Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch”. 
  • Đồng chủ biên Nguyễn Xuân Xanh tốt nghiệp Tiến sĩ Habil Toán tại CHLB Đức. Ông là một cây bút viết tiểu luận và là tác giả của các cuốn sách Einstein, Đại Học − Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới, và Nước Đức thế kỷ XIX. Tiến sĩ cũng đồng thời là dịch giả, chủ biên, đồng chủ biên của nhiều số kỷ yếu khoa học, giáo dục như Max Planck − Nhà khai sáng thuyết lượng tử, Đại học Humboldt 200 Năm, Hạt Higgs. Bài in của ông trong cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai là “Francis Bacon, Fukuzawa Yukichi và Việt Nam”.
  • Tác giả Trần Hữu Phúc Tiến hiện đang là Giám đốc Công ty giáo dục Hợp Điểm tại TP. Hồ Chí Minh. Là một cử nhân chuyên ngành Lịch sử, từ năm 1984 đến năm 2000, ông từng là nhà báo của báo Tuổi Trẻ, Saigon Times, Thế Giới Mới. Ông đã xuất bản nhiều đầu sách bao gồm Đường vào Đại học (1987), Sài Gòn không phải ngày hôm qua (2016), Sài Gòn hai đầu thế kỷ (2017), Bươn chải trong khủng hoảng (chủ biên, NXB Trẻ, 2008). Bài in của ông trong cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai là “Sài Gòn mỹ lệ xuyên thời gian và không gian”.
  • Tác giả Trương Trọng Nghĩa tốt nghiệp Cử nhân Luật vào năm 1980 tại Đại học Leipzig, Đức và tiếp tục lấy bằng Thạc sỹ Luật tại Đại học New York, Hoa Kỳ vào năm 1995. Tác giả từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải từ năm 1998 đến năm 2006. Sau đó, ông từng giữ chức Đại biểu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam khóa 13 và 14. Từ năm 2008 đến nay, ông là một luật sư chuyên nghiệp. Bài in của ông trong cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Đặc thù chính trị của Việt Nam”.
  • Tác giả Huỳnh Thế Du hiện là Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ông luôn quan tâm đến các vấn đề về hành động tập thể, đặc biệt là các cơ chế để tối ưu hóa các quyết định cho mục đích chung. Quyển sách Making Megacities in Asia: Comparing National Economic Development Trajectories (Tạm dịch: “Sự hình thành các siêu đô thị ở châu Á: So sánh các quỹ đạo phát triển kinh tế quốc gia) được xuất bản năm 2019 của tác giả đã bàn luận về vấn đề này. Bài in của ông trong cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai là “Suy nghĩ về con đường phát triển của Việt Nam”.
  • Tác giả Phạm Chi Lan là một chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập. Bà từng tham gia biên tập tập sách Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới xuất bản. Từ năm 1996 đến năm 2006, Tiến sĩ Phạm Chi Lan từng là chuyên gia tư vấn của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Từ năm 1966 đến năm 2003, bà làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại đây bà giữ chức Tổng thư ký từ năm 1993 đến năm 1997, Phó Chủ tịch từ năm 1997 đến năm 2003. Bài in của bà trong cuốn sách Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai là “Doanh nghiệp Việt và giấc mơ Việt Nam thịnh vượng”.