Tin Tức

Sinh viên vượt 1400km để theo đuổi Giáo dục Khai phóng và chạm tay đến ước mơ công nghệ

image

Yến Nhi là sinh viên Khóa 2022-2026, hiện đang học năm Hai tại Đại học Fulbright Việt Nam. Với ước mơ ứng dụng công nghệ để giúp đỡ xã hội xung quanh, Yến Nhi đang theo đuổi  ngành Khoa học Máy tính để không ngừng trau dồi và phát triển kỹ năng. Hãy cùng lắng nghe đôi lời tâm sự về hành trình theo đuổi đam mê công nghệ từ Fulbright đến hai cuộc thi SheCodes và Design Thinking Hackathon của bạn nhé!

“Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ở miền Trung, mình đã chứng kiến những khó khăn, từ thiếu thốn vật chất đến hạn chế về cơ hội giáo dục và phát triển. Với mình công nghệ, với sức mạnh trong việc kết nối và mở rộng kiến thức, có thể là chìa khóa mở ra cánh cửa mới. Cuộc sống của người dân quê mình có thể không chỉ được cải thiện sinh kế, mà còn tiếp cận với những cơ hội mới, từ giáo dục đến sức khỏe và phát triển kinh tế.

Vượt qua hơn 1400 km xa quê hương, mình quyết tâm mang tâm nguyện này đến Fulbright. Xa gia đình, mình trở thành người đầu tiên trong nhà, trong trường và trong làng để theo đuổi nền “giáo dục khai phóng” tại Việt Nam. Đến Fulbright là một bước gần hơn với ước mơ của mình. Tại Fulbright, mình được hỗ trợ và hướng dẫn tận tình để đào sâu hơn về lĩnh vực công nghệ từ các thầy cô và bạn bè thông qua các môn học đa dạng và đa chiều.

Yến Nhi

Hãy sáng tạo và đa dạng trong quá trình tìm kiếm ý tưởng

Một trong những lớp học mà mình nhớ nhất ở Fulbright chính là môn học nền tảng Design & Systems Thinking (Tư duy Thiết Kế và Hệ thống). Mình không chỉ học được các quy trình để tạo nên một sản phẩm mà còn cùng nhóm thực hiện một sản phẩm đầu tay ngay chính tại Fulbright.

Khi quan sát cộng đồng xung quanh, nhóm mình nhận thấy nhiều người thường quên uống đủ nước mỗi ngày. Tưởng chừng như là một vấn đề nhỏ, tuy nhiên, việc thiếu nước dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Hiểu được tầm quan trọng của việc uống đủ nước, nhóm mình đã phát triển sản phẩm WATAR PRODUCT với mong muốn giúp mọi người duy trì thói quen uống đủ nước hàng ngày. Sản phẩm này có hai tính năng: nhắc nhở người dùng uống nước theo giờ và theo dõi lượng nước mà bạn uống mỗi ngày.

sinh-vien-theo-duoi-giao-duc-khai-phong-va-cham-tay-den-uoc-mo-cong-nghe
Sản phẩm công nghệ WATAR PRODUCT của nhóm Yến Nhi trong lớp Design & Systems Thinking

Tiến sĩ Trương Trung Kiên – người thầy đã giảng dạy mình trong lớp này luôn nhắc nhở sinh viên rằng: “Trong quá trình sáng tạo ý tưởng, điều quan trọng không phải là tìm ra ý tưởng hoàn hảo ngay từ đầu. Điều cốt lõi là khuyến khích sự đa dạng trong suy nghĩ, vì không có ý tưởng nào là tệ hay không được trân trọng”. Lời khuyên này đã trở thành kim chỉ nam cho mình trong mọi dự án. Mình học cách luôn lắng nghe và cân nhắc mọi ý kiến, từ đó phát triển và hoàn thiện ý tưởng. Sản phẩm tạo ra không chỉ sáng tạo mà còn đáp ứng nhu cầu của người dùng.

sinh-vien-theo-duoi-giao-duc-khai-phong-va-cham-tay-den-uoc-mo-cong-nghe
Tiến sĩ Trương Trung Kiên và các sinh viên

SheCodes và ước mơ mang công nghệ để giải quyết vấn đề trong xã hội

Gần đây, mình có cơ hội tham gia vào cuộc thi SheCodes Hackathon. Đây là cuộc thi dành riêng cho phái nữ tại Việt Nam, với mục tiêu phá vỡ rào cản về giới tính trong lĩnh vực công nghệ. Trong vòng 48 giờ, các đội thi sẽ thỏa sức sáng tạo để xây dựng những dự án công nghệ vượt trội, mang đến những giải pháp tối ưu nhất cho các vấn đề xã hội hiện nay.

Mình thật sự ấn tượng với câu chuyện của những bạn nữ dũng cảm khi bước ra khỏi vùng an toàn trong SheCodes. Khi ấy, mình hiểu rằng giới tính không quyết định bản thân mình là ai. Hãy dám thử thách bản thân với những điều mà xã hội định kiến “bạn không thể”. Vì chính mình mới có thể biết tiềm năng và cách mình đóng góp cho xã hội xung quanh.

Đồng hành cùng với mình trong 48 giờ “hackathon” là những người đồng đội đến từ những trường đại học khác nhau. Mặc dù là lần đầu làm việc với nhau, chúng mình đã phối hợp rất ăn ý khi phân chia nhiệm vụ phù hợp với điểm mạnh của từng thành viên. Mình đã tham gia với vai trò là một Thiết kế Sản phẩm (Product Designer). Mình có đam mê vẽ từ nhỏ nên mình rất thích việc thiết kế nên những ứng dụng vừa gần gũi, vừa dễ dùng đối với người dùng.

Nhóm chúng mình ấp ủ ý tưởng tạo ra một ứng dụng để hỗ trợ các bác sĩ trong hành trình giúp trẻ em tự kỉ bước ra ngoài xã hội. “Tự kỉ” không phải là một căn bệnh, mà là một thế giới nội tâm sâu kín, nơi những đứa trẻ sống và cảm nhận thế giới xung quanh theo cách của riêng mình.

Với vai trò là một Product Designer, mình băn khoăn về cách tạo ra một ứng dụng kích thích sự hứng thú nhưng vẫn gần gũi với các em tự kỷ. Nhớ lại lời thầy Kiên dạy, mình tìm kiếm ý tưởng xung quanh cuộc sống của mình. Mình nhận thấy rằng mèo là con vật mà hầu như các gia đình thường nuôi, không phân biệt hoàn cảnh tài chính. Từ vẻ bề ngoài đến tiếng kêu của mèo rất dễ thương, chúng có thể xoa dịu những căng thẳng hay những sợ hãi trong lòng chủ nhân.

sinh-vien-theo-duoi-giao-duc-khai-phong-va-cham-tay-den-uoc-mo-cong-nghe
Yến Nhi cùng đồng đội thắng Giải Nhất cuộc thi SheCodes

Vì vậy, mình quyết định vẽ mèo là linh vật đồng hành cùng trẻ tự kỷ trong suốt hành trình giúp trẻ bước ra thế giới bên ngoài. Nhóm mình đặt tên cho linh vật đó là “Mèo Mi”, người bạn đồng hành sẽ cùng các bé thực hiện những bài tập tô màu, hay hướng dẫn bé thực hiện những thử thách để giúp đỡ bố mẹ.

Học để kết nối và mở rộng cánh cửa bước ra thế giới

Gần đây, mình còn có cơ hội được trao đổi và học tập với các bạn sinh viên Singapre trong một cuộc thi Design Thinking Hackathon do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo (CEI) của Fulbright cùng Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore (SUTD) phối hợp tổ chức.

Mình đã cùng đồng đội giải quyết đề bài để tìm ra giải pháp xanh và bền vững cho hai doanh nghiệp tác động xã hội trong lĩnh vực Thực phẩm và Đồ uống là One4One và Datfoods. Đây là hai thương hiệu đồng hành cùng người nông dân để gia tăng sinh kế và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm thân thiện với môi trường như dầu dừa, tinh dầu, nước giặt sinh học hay các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ.

Với mỗi vấn đề đặt ra, mình không chỉ học cách nhìn nhận và phân tích từ nhiều góc độ khác nhau, mà còn được trải nghiệm quá trình tạo ra giải pháp sáng tạo, từ ý tưởng ban đầu đến phát triển sản phẩm hoàn thiện. Qua mỗi cuộc thảo luận, mình nhận ra rằng mỗi cá nhân, dù đến từ bất kỳ nơi đâu trên thế giới, đều mang trong mình những giá trị và hiểu biết sâu sắc có thể cùng nhau chia sẻ và học hỏi. Những khác biệt về văn hóa không phải là rào cản, mà chính là cầu nối giúp chúng mình mở rộng tầm nhìn và phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu.

Những môn học tại Fulbright, giải Nhất chung cuộc trong SheCodes Hackathon hay trải nghiệm tại cuộc thi Design Thinking Hackathon thật sự là những bước tiến lớn trên chặng hành trình của mình, để vững tin thêm đam mê và lòng nhiệt huyết cho con đường mình đã chọn.”

sinh-vien-theo-duoi-giao-duc-khai-phong-va-cham-tay-den-uoc-mo-cong-nghe
Yến Nhi cùng các thành viên cùng nhóm tham gia Design Thinking Hackathon

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer