Đời sống Sinh viên

Khi lớp học là những con đường trung tâm quận 1

image

Hồi bé, mỗi lần được đi ngoại khóa, đi tham quan, đi ra ngoài lớp học để học hỏi mình đều cảm thấy cực kì hào hứng vì đơn giản là được “đi chơi”. Thế nhưng cho đến khi mình phải đi nhiều đến mức cảm tưởng rằng, lớp học của mình là những con đường trung tâm quận 1 chứ chẳng còn là Crescent quận 7 nữa thì lại khác…

Xuyên suốt khóa học Khám phá Thành phố Hồ Chí Minh, tụi mình được chia ra để đi đến những địa điểm khác nhau ở các nơi trong thành phố để tìm hiểu về các khía cạnh địa lý, người dân, lịch sử và cả tìm cách giải quyết các vấn đề “nhức não” của vùng ấy.

Nếu buổi chiều của ngày đi thực nghiệm đầu tiên mọi người cực kì hào hứng kể câu chuyện của nhóm mình khắp thành phố, thì sáng hôm sau mặt ai cũng đã phải giảm đi vài phần thần thái vì lượng bài tập và bài đọc của tối hôm trước. Đi học bằng cách thực nghiệm tiêu tốn năng lượng hơn tụi mình nghĩ khi tất cả giác quan đều phải thi nhau hoạt động hết công suất cùng lúc.

Tụi mình phải đi bộ qua lộ trình đã được nghiên cứu trước trên Google map để đảm bảo không bỏ qua những yếu tố thú vị nào trên đường đi, vừa phải chú ý quan sát, trao đổi với nhau và còn phải suy nghĩ cách chụp những hình ảnh theo yêu cầu của lớp.

Cụ thể, tụi mình sẽ phải thu thập những bức hình theo các chủ đề “hạnh phúc”, “sự lười biếng”, “những người không thuộc về thành phố Hồ Chí Minh”,… tất cả đều là những chủ đề rất chung, và đặc biệt là, không hoàn toàn có một đáp án chính xác nào cho từng chủ đề cả. Các bức ảnh chính là ngôn ngữ để tụi mình nói lên suy nghĩ và góc nhìn của bản thân mình.

Trong các chuyến đi, tụi mình còn phải suy nghĩ tám phương chín kế để nghĩ cách tiếp cận, nói chuyện với người dân ở đó. Bởi vì còn câu chuyện nào chân thật và thú vị hơn là câu chuyện của chính những người sinh sống ngay tại nơi đấy.

Có bạn “bấm bụng” mua vài gói hàng để được cô mời vào nói chuyện, có bạn đồng ý chạy grab vòng vòng thành phố chỉ để nghe chú tâm sự đời mình, hay mình ngồi uống nước cam và chơi với con sóc của cô chú để nói chuyện với cô cả sáng.

Đó không chỉ là việc làm bài tập phỏng vấn của tụi mình, mà đó còn là cách tụi mình thật sự lắng nghe, chia sẻ các câu chuyện của mọi người, của văn hóa, và còn là của cả một thành phố nữa. Không chỉ là những câu hỏi xã giao, khi tìm hiểu về những vấn đề cơ sở hạ tầng của từng khu vực, tụi mình còn phải tìm cách đề cập với người dân những vấn đề “nhạy cảm” một cách khéo léo nhất.

Một điều thú vị của lớp học này là, giáo viên phụ trách của tụi mình không hề đứng lớp giảng bài một ngày nào cả! Tất cả các ngày học nếu có mặt trên campus, tụi mình đều là những người chủ động kể lại những câu chuyện, trải nghiệm, và đưa ra những vấn đề tụi mình đã xác định được.

Tụi mình đặt câu hỏi và học từ nhau, học từ cả những kiến thức, cảm xúc, cho đến cách khai thác nhưng vật liệu mà tụi mình đang có. Còn nếu không, các thầy cũng sẽ chỉ mời các giáo sư từng những lĩnh vực khác nhau đến để cho tụi mình cái nền chung để tiếp tục tự thân chinh chiến với kiến thức riêng mà mình học được ngoài thành phố.

Thật ra tên tiếng Việt của khóa học đã bị thiếu mất đi một chữ, đó chính là chữ “critical” – tư duy phản biện. Theo mình, đây chính là chữ quan trọng nhất, là giá trị cốt lõi của của cả khóa học này, và được tụi mình ứng dụng liên tục qua hàng loạt câu hỏi cũng như những cuộc tranh luận đến cùng trong mỗi vấn đề.

Có phải những điều các nhà triết gia đều là chân lí luôn đúng? Có thể, nhưng tụi mình vẫn sẽ tìm ra những vấn đề khác nhau trong ấy mà bàn luận với nhau, chẳng phải là ai đúng ai sai, điều tối quan trọng nhất chính là để thấy được nhiều khía cạnh của một vấn đề từ nhiều người ở đa dạng nền tảng! Làm sao một đám sinh viên có thể giải quyết được vấn đề lớn của thành phố?

Không, không chắc sẽ giải quyết được, nhưng tụi mình có những ý tưởng đột phá cho nó, và ít nhất là, tụi mình đã dám nghĩ về những “việc người lớn” ấy.

Trong suốt khóa học Khám phá Thành phố Hồ Chí Minh, tụi mình chẳng bao giờ nghe về định nghĩa “đúng” hay “sai”.

Mà cũng chính bởi vì yếu tố “critical”-phản biện (bị thiếu mất trong bản dịch tên) nên vấn đề nào cũng sẽ có cả “đúng” cả “sai” hết. Tụi mình không tập trung học về thành phố qua những bài giảng hay hàng loạt nghiên cứu, tụi mình học về thành phố như cách nó vốn dĩ, tụi mình nghĩ về thành phố theo lăng kính của riêng mỗi người.

Và sau suốt hành trình khám phá cùng nhau ấy, tụi mình nhận ra rằng, Thành phố Hồ Chí Minh thú vị, nhưng lại là phiên bản độc nhất của mỗi cá nhân.

 Lê Đoàn Phương Nhi 
Sinh viên Năm học Đồng kiến tạo 

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer