Ngày 06 Tháng 01, 2022

Trò chuyện trực tuyến với TS. Nora Taylor về vai trò của nghệ sĩ trong thời đại tái hiện lịch sử

Ngày 06 Tháng 01, 2022, 20:00 – 21:30

Vào thứ Năm đầu tiên của năm 2022, sự kiện Fulbright Speakers’ Series: Thế giới qua những trang sách vui mừng đón chào một vị diễn giả vô cùng đặc biệt: Tiến sĩ Nora Taylor – Hiệu trưởng lâm thời của Đại học Fulbright Việt Nam. Trong buổi trò chuyện sắp tới, Tiến sĩ Nora Taylor sẽ chia sẻ về tiểu luận mới nhất của bà mang tên “Hunter-Gatherer or the Other Ethnographer? The Artist in the Age of Historical Reproduction” (Tạm dịch: “Kẻ săn lùng-lượm lặt hay Nhà dân tộc học Ngoại lai? Nghệ sĩ trong thời đại tái hiện lịch sử”). 

Thế nào là một nghệ sĩ dân tộc học? Theo như nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ Hal Foster (1995), đó là người nghệ sĩ đưa những yếu tố thuộc nền văn hóa của dân tộc khác vào phương thức thực hành nghệ thuật của mình. Ở giai đoạn đầu của Nghiên cứu Hậu Thuộc địa, ông đã thách thức thẩm quyền của giới nghệ sĩ phương Tây trong việc lấy tiếng nói của họ làm đại diện cho Nam bán cầu (nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latinh và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á).

Tại buổi trò chuyện sắp tới, Tiến sĩ Nora Taylor sẽ xem xét bài tiểu luận năm 1995 của Hal Foster qua một lăng kính mới. Cụ thể hơn, bà sẽ bàn về phương thức thực hành của nghệ sĩ Đan Mạch gốc Việt Danh Võ, gồm việc ông hay thu thập các chất liệu lịch sử trong quá trình sáng tác. Nếu như Hal Foster đặt vấn đề trong thập niên 1990, khi thế giới bước vào thời kỳ hậu thuộc địa và chủ nghĩa tư bản đa quốc gia lên ngôi, các nghệ sĩ phương Tây lại có những ảo tưởng về chủ nghĩa nguyên thủy, thì nay, Tiến sĩ Nora Taylor xem phương thức thực hành của Danh Võ là sự đảo ngược vai trò giữa “bản thân” và “người khác” trong nghệ thuật phương Tây. Ông chuyên thu thập đồ vật thông qua các buổi đấu giá, quá trình thương lượng với chủ sở hữu, và hoạt động khai quật từ địa điểm gốc. Khi Danh Võ mua lại những kỷ vật có từ thời Chiến tranh Việt Nam từ Nhà Trắng (Mỹ) tại các phiên đấu giá, hay khi ông cứu vớt những bức tượng cổ từ các nhà thờ Công giáo Việt Nam như là một phương thức thực thành nghệ thuật, ông đã chứng minh ngược lại những giả định của Hal Foster và các nhà phê bình khác về danh tính của nghệ sĩ châu Á và sự chiếm đoạt bản sắc của “người khác” của các nghệ sĩ phương Tây qua các trưng bày dân tộc học. 

Mời bạn tham gia buổi chia sẻ về đề tài thú vị này cùng Đại học Fulbright Việt Nam và Tiến sĩ Nora Taylor:

Thời gian: Thứ Năm, 06/01/2022, 20:00 – 21:30 (Giờ Việt Nam) 

👉 Đăng ký tại: https://bit.ly/FSS_DrNoraTaylor 

Link tham gia trực tuyến sẽ được gửi email đăng ký trong vòng 24 giờ trước khi sự kiện bắt đầu. 

Fulbright Speakers’ Series là chuỗi những cuộc đàm thoại với các tác giả nổi bật ở trong nước và quốc tế, bàn về những khía cạnh đa sắc màu của cuộc sống thông qua những trang sách. Trong chuỗi sự kiện này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá nhiều chủ đề như lịch sử phát triển, vị trí của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, và cả tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, v.v, từ những những góc nhìn độc đáo và ngòi bút sắc sảo của từng vị khách mời. 

Đôi điều về diễn giả: Tiến sĩ Nora Taylor nhận bằng Tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật Đông Nam Á tại Đại học Cornell (Mỹ). Bà tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu về tiếng Việt và lịch sử Việt Nam, nghệ thuật và khảo cổ Đông Nam Á, Phật giáo và nhân chủng học. Từ năm 1992 đến năm 1994, bà nhận được khoản tài trợ nghiên cứu cho luận án tiến sĩ và chuyển đến sống tại Hà Nội để thực hiện dự án. Trong 25 năm qua, bà tham gia giảng dạy Lịch sử Nghệ thuật Đông Nam Á và Việt Nam cho Tổ chức Hội đồng Trao đổi Giáo dục Quốc tế (The Council on International Education Exchange) tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Arizona State, Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Đại học Công nghệ Nanyang, và Trường Học viện Nghệ thuật Chicago. Tiến sĩ Nora Taylor từng tham gia nhiều hội thảo ở châu Âu và châu Á, cũng như dành phần lớn thời gian tại Việt Nam. Bà đã xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan tới Nghệ thuật Việt Nam và Đông Nam Á, có thể kể tới như “Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art” (tạm dịch “Họa sĩ ở Hà Nội: Nghệ thuật Việt Nam dưới góc nhìn dân tộc học”), Changing Identity: Recent Works by Women Artists from Vietnam (tạm dịch “Danh tính đổi thay: Tác phẩm mới của các nữ nghệ sĩ Việt Nam”), Modern and Contemporary Southeast Asian Art: An Anthology (tạm dịch “Tuyển tập: Nghệ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại”) và Studies in Southeast Asian Art: Essays in Honor of Stanley J. O’Connor (tạm dịch “Nghiên cứu về nghệ thuật Đông Nam Á: Tiểu luận tôn vinh Stanley J. O’Connor”)