Ngày 10 Tháng 03, 2022

Trò chuyện trực tuyến với Tiến sĩ Shawn F. McHale về Chiến tranh Việt Nam trong những năm 1945-1956

Ngày 10 Tháng 03, 2022, 20:00 – 21:30

Đến với buổi trò chuyện tiếp theo, Fulbright Speakers Series: Thế giới qua những trang sách vui mừng đón chào một vị diễn giả vô cùng đặc biệt, Tiến sĩ Shawn F. McHale. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm trực tuyến, Tiến sĩ Shawn F. McHale sẽ chia sẻ về cuốn sách mới xuất bản của mình “The First Vietnam War: Violence, Sovereignty, and the Fracture of the South, 1945-1956” (Tạm dịch: Chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất: Bạo lực, Chủ quyền và Sự tan rã của miền Nam, 1945-1956).

Tiến sĩ Shawn F. McHale sẽ lý giải vì sao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dù đang trên đà thắng lợi, lại thất bại tại miền Nam Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Tiến sĩ McHale đã tái hiện rõ nét một khối đại đoàn kết toàn dân bất đắc dĩ dưới lời kêu gọi giải phóng của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc giành lại chủ quyền dân tộc từ tay Pháp thời bấy giờ. Tuy nhiên, tới năm 1947, sức mạnh đoàn kết kháng chiến tan vỡ, và những cuộc bạo lực của người Việt gốc Khmer đã chia cắt vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Kể từ thời điểm này, chiến tranh tại miền Nam Việt Nam đã trở thành một cuộc nội chiến công khai trong vỏ bọc của kháng chiến chống Pháp.

Trong nửa đầu của cuốn sách Chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất: Bạo lực, Chủ quyền và Sự tan rã của miền Nam, 1945-1956, Tiến sĩ Shawn F. McHale tập trung mô tả “sự tan rã nhân đôi” từ năm 1945 đến năm 1947, mà tâm điểm là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với tình hình chính trị, dân tộc và tôn giáo diễn biến hết sức phức tạp. Ở đó, khối đại đoàn kết chính trị giữa các cộng đồng người Việt đã tan vỡ, người Khmer thì tách khỏi dân tộc Việt Nam một cách đầy bạo lực. Góp phần vào sự chia rẽ nội bộ này, thực dân Pháp đã lợi dụng kết hợp với các nhóm người Việt và Khmer nhằm đánh bại cuộc kháng chiến do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lãnh đạo. Có thể nói, những sự kiện này đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng mang tính định hình miền Nam Việt Nam.

Đến với nửa sau của cuốn sách, tác giả phân tích các yếu tố cụ thể xác định tính chất của cuộc nội chiến: từ chủng tộc, quyền lực, chủ quyền, bạo lực, đến sự sụp đổ và tái lập mang tính thể chế. Cuốn sách đặc biệt mô tả một “liên minh” Pháp – Việt bao gồm thực dân Pháp, một nhà nước người Việt manh nha tự phát, và nhóm quân lính nông thôn với những người đàn ông bạo lực, tất cả đều mang dã tâm chia cắt và quân sự hóa miền Nam Việt Nam. Sự thất bại của cuộc kháng chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tại miền Nam trước “liên minh” này phần nào giải thích cho tình trạng tạm thời chia đôi nước ta thành hai miền Bắc – Nam tại Hiệp định Genève năm 1954, cũng như xác định nguồn gốc sự ra đời kỳ lạ của Quốc gia Việt Nam nhằm chống phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng năm đó.

Hãy tham gia buổi chia sẻ trực tuyền về chủ đề hấp dẫn này cùng Đại học Fulbright Việt Nam và Tiến sĩ Shawn F. McHale!

⏰ Thời gian: Thứ Năm, 10/03/2022, 20:00 – 21:30 (Giờ Việt Nam)

👉 Đăng ký tại: https://bit.ly/FSS-DrShawnMcHale

***

Fulbright Speakers’ Series là chuỗi những cuộc đàm thoại với các tác giả nổi bật ở trong nước và quốc tế, bàn về những khía cạnh đa sắc màu của cuộc sống thông qua những trang sách. Trong chuỗi sự kiện này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá nhiều chủ đề như lịch sử phát triển, vị trí của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, và cả tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, v.v, từ những những góc nhìn độc đáo và ngòi bút sắc sảo của từng vị khách mời.

Đôi điều về diễn giả:

Tiến sĩ Shawn F. McHale là Phó Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Khoa Lịch sử, Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington, Hoa Kỳ. Ông sinh ra ở Malaysia và có khoảng thời gian sinh sống tại Philippines, Việt Nam, Campuchia, Hoa Kỳ và Pháp. Sau khi nhận bằng Cử nhân danh dự của Trường Cao đẳng Swarthmore, ông tiếp tục nghiên cứu và nhận bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Châu Á của Đại học Hawaii, bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về Lịch sử Đông Nam Á của Đại học Cornell (1995). Các lớp học đại học và sau đại học mà ông phụ trách giảng dạy xoay quanh các chủ đề lịch sử Đông Nam Á, Việt Nam, lịch sử – ký ức, và chủ nghĩa thực dân. Các công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Shawn F. McHale tập trung vào lĩnh vực phi thực dân hóa, chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, xung đột sắc tộc và Phật giáo Việt Nam.