Ngày 26 Tháng 02, 2022

Trò chuyện cùng GS. TS. Phạm Quang Minh về những đổi mới của Việt Nam nhìn từ góc độ so sánh khu vực

Ngày 26 Tháng 02, 2022, 09:30 – 11:00, Phòng 501, Tầng 5, Khuôn viên Đại học Fulbright Việt Nam, Quận 7

Tiếp nối sự thành công của chuỗi sự kiện Fulbright Speakers’ Series: Thế giới qua những trang sách, Đại học Fulbright Việt Nam hân hạnh đón chào sự có mặt của GS. TS. Phạm Quang Minh trong buổi trò chuyện thân mật vào sáng thứ 7 ngày 26 tháng 2 sắp tới tại khuôn viên Đại học Fulbright tại Hồ Bán Nguyệt, Quận 7. GS. TS. Phạm Quang Minh sẽ chia sẻ về đề tài nghiên cứu mới nhất của mình “Lịch Sử Không Cáo Chung: Đổi Mới Của Việt Nam Nhìn Từ Góc Độ So Sánh Khu Vực.

Trong nửa cuối những năm 1980, thế giới chứng kiến những sự thay đổi mang tính cấu trúc và toàn cầu. Đó là sự chấm dứt của Chiến tranh lạnh, kéo theo sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của chế độ dân chủ nhân dân ở các nước Đông Âu và trật tự thế giới hai cực đã tồn tại hơn 50 năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1947-1989). Chứng kiến những biến chuyển có tính chất chấn động như thế, năm 1989 Giáo sư Francis Fukuyama đã đưa ra luận thuyết về cái gọi là “Sự cáo chung của lịch sử” (The end of History) đăng trên tạp chí “The National Interest” (Lợi ích quốc gia). Theo Fukuyama, nội dung chính của luận thuyết này là cùng với sự tan rã của Liên Xô và trật tự hai cực, loài người chứng kiến sự cáo chung của sự tiến hóa về tư tưởng và sự toàn thắng của nền dân chủ tự do phương Tây với tư cách là mẫu hình cuối cùng của nền quản trị nhân loại trong tương lai.

Tuy nhiên, từ cuối những năm 1970 và giữa những năm 1980, các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, nhất là hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành cải cách mở cửa, thực hiện các chính sách hợp lòng dân, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại và vì vậy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và các lĩnh vực khác. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước châu Á (Trung Quốc, Lào, Việt Nam) đã thành công trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân và từng bước tạo ra một mô hình nhà nước mới? Ở đó, nhà nước vẫn do Đảng cộng sản lãnh đạo, nhưng nền kinh tế lại có nhiều thành phần. Ngược lại, tại sao các nước Đông Âu đã không thành công trong việc cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, quản lý xã hội, mặc dù có trình độ phát triển kinh tế cao hơn? Để trả lời những câu hỏi này, GS. TS. Phạm Quang Minh sẽ làm rõ một số yếu tố chủ yếu tác động tới sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu. Đồng thời, tác giả sẽ trả lời câu hỏi tại sao các nước xã hội chủ nghĩa Đông Á thành công và phân tích một số đặc trưng về con đường đổi mới của Việt Nam. Với sự thành công của công cuộc cải cách ở một số nước Đông Á như Trung Quốc, Lào và Việt Nam, luận điểm về “sự cáo chung của lịch sử” đã bộc lộ hạn chế, không phản ánh hết sự phát triển đa dạng của thế giới. Mỗi nước vẫn có con đường phát triển riêng của mình, và vì thế vẫn cần có nhiều nghiên cứu trường hợp ở các khu vực, địa phương khác nhau.

Hãy tham gia buổi chia sẻ trực tiếp về chủ đề thú vị này cùng Đại học Fulbright Việt Nam và GS. TS. Phạm Quang Minh!

⏰ Thời gian: Thứ Bảy, 26/02/2022, 09:30 – 11:00 (Giờ Việt Nam)

Địa điểm: Phòng 501, Tầng 5, Khuôn viên Đại học Fulbright Việt Nam, Hồ Bán Nguyệt, Quận 7

👉 Đăng ký tại: https://bit.ly/FSS_GSPhamQuangMinh

***

Fulbright Speakers’ Series là chuỗi những cuộc đàm thoại với các tác giả nổi bật ở trong nước và quốc tế, bàn về những khía cạnh đa sắc màu của cuộc sống thông qua những trang sách. Trong chuỗi sự kiện này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá nhiều chủ đề như lịch sử phát triển, vị trí của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, và cả tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, v.v, từ những những góc nhìn độc đáo và ngòi bút sắc sảo của từng vị khách mời.

Đôi điều về diễn giả:

Phạm Quang Minh là Giáo sư Lịch sử và Chính trị tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH), Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ về Đông Nam Á học tại Đại học Humboldt Berlin, Đức, 2002, ông trở thành Phó Trưởng khoa, và sau đó là Trưởng Khoa Quốc tế học. Từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 9 năm 2020, ông giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, ông là Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDS), thuộc Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.