Ngày 17 Tháng 03, 2022

Lần đầu công chiếu và tọa đàm phim tài liệu “Những người đối mặt với chất độc da cam” tại Việt Nam

Ngày 17 Tháng 03, 2022, 18:30 – 21:00

Đại học Fulbright Việt Nam thân mời bạn tham dự buổi công chiếu trực tiếp và thảo luận bộ phim tài liệu “The People vs. Agent Orange: We have the right to protect ourselves from being poisoned” (Tạm dịch: Những người đối mặt với chất độc da cam: Chúng tôi có quyền tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm độc). Buổi chiếu phim lần đầu tiên với công chúng tại Việt Nam có sự tham dự đặc biệt của ông Alan Adelson và bà Kate Taverna – hai đạo diễn phim, bà Susan Hammond – nhà sáng lập tổ chức War Legacies Project, bà Trần Tố Nga – nhà hoạt động xã hội người Pháp gốc Việt và Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng – trợ lý nghiên cứu của bộ phim và đồng thời cũng là giảng viên Lịch sử và Việt Nam học tại Fulbright.

Đã gần 60 năm kể từ những ngày chiến tranh khốc liệt mà chất độc màu da cam đã được sử dụng như một vũ khí hóa học tàn bạo nhất trong lịch sử, nhưng hậu quả của nó vẫn mang lại bao đau thương gây chấn động dư luận ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Bộ phim tài liệu “Những người đối mặt với chất độc da cam” là hành trình theo chân hai nhà động xã hội trong cuộc chiến đối đầu quả cảm với những “ông lớn” ngành công nghiệp hóa chất và yêu cầu trách nhiệm về những ảnh hưởng chết chóc kéo dài nhiều thế hệ của thứ vũ khí diệt cỏ độc hại này.

Bà Trần Tố Nga, người Pháp gốc Việt và bà Carol Van Strum, người Mỹ đều là những nhà hoạt động xã hội cùng mang trong mình nỗi đau và khát vọng kiếm tìm công lý. Bà Trần Tố Nga đã dành bảy năm để chuẩn bị cho một vụ kiện lịch sử chống lại ngành công nghiệp hóa chất Mỹ với hành vi đầu độc bà và gia đình, khi hơn 45 triệu lít chất diệt cỏ độc hại được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong những năm 1960-1970, gây ra những di chứng nghiêm trọng về sức khỏe và dị tật. Còn ở tiểu bang Oregon (Hoa Kỳ), bà Carol Van Strum phải chống lại sự chèn ép và đe dọa từ các nhà buôn gỗ khi bà công bố các tài liệu chứng minh hiểm họa chết người của hoạt chất hóa học diệt cỏ 24D, khi nó được phun trên diện rộng tại cộng đồng nơi bà sinh sống mà không có bất kì sự tham vấn hoặc cảnh báo của chính quyền địa phương.

Bộ phim tài liệu “Những người đối mặt với chất độc da cam” là câu chuyện của hai nhà hoạt động xã hội, dù cách nhau nửa vòng trái đất nhưng luôn cháy bỏng nhiệt huyết và tinh thần chính nghĩa, trong một cuộc đấu tranh gây sửng sốt dư luận khi đối đầu với tội ác khủng khiếp của thế lực lắm tiền, nhiều quyền lực và chưa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bộ phim đã giành được giải thưởng của Ban giám khảo trong Liên hoan phim Môi trường Eugene năm 2020 và giải thưởng Erik Barnouw của Tổ chức các nhà sử học Mỹ năm 2021. “Những người đối mặt với chất độc da cam” cũng được đánh giá 100% điểm trên Rotten Tomatoes – một trang tin tổng hợp các đánh giá lâu đời và đáng tin cậy nhất thế giới về lĩnh vực phim truyện. Xem trailer giới thiệu chính thức của bộ phim TẠI ĐÂY.

Trong lần đầu được công chiếu tại Việt Nam, bộ phim sẽ được trình chiếu trực tiếp tại Khuôn viên Quận 7, Đại học Fulbright Việt Nam. Vui lòng không quay phim, chụp hình trong khi bộ phim được trình chiếu. Phần thảo luận sẽ được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến qua phần mềm Zoom, đồng thời được phát trực tiếp trên trang Facebook chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam.

Hãy tham gia buổi công chiếu và thảo luận phim tài liệu “Những người đối mặt với chất độc da cam” cùng Đại học Fulbright Việt Nam!

⏰ Thời gian: Thứ Năm, 17/03/2022, 18:30 – 21:00 (Giờ Việt Nam)

📌Địa điểm: Phòng 501, Tầng 5, Khuôn viên Quận 7, Đại học Fulbright Việt Nam

👉 Đăng ký tại: https://bit.ly/ThePeopleVsAgentOrange

***

Fulbright Speakers’ Series là chuỗi những cuộc đàm thoại với các tác giả nổi bật ở trong nước và quốc tế, bàn về những khía cạnh đa sắc màu của cuộc sống thông qua những trang sách. Trong chuỗi sự kiện này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá nhiều chủ đề như lịch sử phát triển, vị trí của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, và cả tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, v.v, từ những những góc nhìn độc đáo và ngòi bút sắc sảo của từng vị khách mời.

Đôi điều về các diễn giả:

Ông Alan Adelson là Đạo diễn, Nhà sản xuất, Biên kịch của bộ phim. Ông là nhà sản xuất phim tài liệu và phóng viên báo chí điều tra kì cựu. Ông đã sản xuất và đồng đạo diễn cùng bà Kate Taverna phim Lodz Ghetto (1988) – bộ phim tài liệu nằm vào danh sách đề cử của Giải Oscar cho Phim tài liệu hay nhất năm 1989. Cặp đôi nhà làm phim này cũng sản xuất và đạo diễn phim Two Villages in Kosovo (2006) cho Kênh truyền hình Arte, và In Bed with Ulysses (2012) – bộ phim được công chúng biết đến rộng rãi. Ông Adelson đặc biệt gây rung động toàn thế giới với các bài báo điều tra của ông trên tạp chí Esquire và tạp chí Phố Wall, tiết lộ sự biến mất của kim loại phóng xạ plutonium đã được điều chế trong một nhà máy tái chế hạt nhân của Mỹ.

Bà Kate Taverna là Đạo diễn, Nhà sản xuất, Biên tập viên của bộ phim. Bà đã đồng đạo diễn và biên tập bốn bộ phim tài liệu với ông Adelson. Bà Taverna đã biên tập hơn 50 phim tài liệu, phim ngắn và phim truyền hình cho các đài PBS, Arte, BBC, HBO, A&E, IFC và nhiều đài truyền hình toàn cầu khác trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 35 năm của mình. Phim Asylum (2004) và Killing in the Name (2011) đều được đề cử Giải Oscar ở hạng mục Phim tài liệu ngắn hay nhất. Pray the Devil Back to Hell đã đoạt giải Phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim Tribeca năm 2008 và là bước đệm cho giải thưởng Nobel được trao cho nhân vật chính của bộ phim, bà Leymah Gbowee.

Bà Trần Tố Nga là một công dân Pháp gốc Việt, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam. Trong khoảng thời gian làm phóng viên tại chiến trường, bà bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống, gây nên nhiều căn bệnh và sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Cả ba người con gái của bà đều nhiễm độc, trong đó con gái đầu đã mất khi mới 17 tháng tuổi, hai người con và cháu ngoại của bà cũng mắc nhiều bệnh do ảnh hưởng của dioxin. Vào năm 2014, thông qua tòa án Pháp, bà đệ đơn kiện 26 công ty Mỹ đã cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ chất da cam để sử dụng trong Cuộc chiến tranh Việt Nam những năm 1960-1970. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2021, Tòa án Evry đã tuyên bố “không có thẩm quyền xét xử” đối với vụ kiện của bà. Ở tuổi đã gần 80 và mang trong người đủ thứ bệnh có thể bộc phát bất kỳ lúc nào do ảnh hưởng của chất độc da cam, bà vẫn thường xuyên đi về giữa hai nước Pháp – Việt để đấu tranh đòi công lý và hơn hết là lan tỏa khát vọng mong xã hội cùng chung tay vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho nạn nhân chất độc da cam.

Bà Susan Hammond là một nhà tài trợ của bộ phim và đồng thời là người sáng lập Dự án Di sản Chiến tranh. Là con gái của một cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Susan bắt đầu quan tâm đến Đông Nam Á thời hậu chiến sau khi đến Việt Nam và Campuchia vào năm 1991. Bà đã tham gia vào các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam, Lào, Campuchia và giải quyết các ảnh hưởng lâu dài của chiến tranh với cương vị là Phó Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển từ năm 1996 đến năm 2007. Năm 2007, bà Susan trở về bang Vermont (Hoa Kỳ), quê hương của mình và thành lập Dự án Di sản Chiến tranh. Năm 2019, bà Susan đã được trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước nhờ các nỗ lực trợ giúp nạn nhân da cam Việt Nam trong suốt 20 năm qua.

Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng là trợ lý nghiên cứu của bộ phim và là một nhà sử học về Việt Nam và Châu Á – Thái Bình Dương thế kỷ 20. Tiến sĩ nghiên cứu về an ninh quốc gia và khu vực, kinh tế, lợi ích và sự hình thành bản sắc cũng như nạn diệt chủng. Các nghiên cứu của Minh Hoàng thường xuyên được cộng đồng chuyên môn đánh giá cao tại các hội nghị quốc tế như các cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á, Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ và Gắn kết với Việt Nam, Tạp chí Việt Nam học, cùng nhiều xuất bản nổi bật khác. Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng hiện là giảng viên Lịch sử và Việt Nam học tại Đại học Fulbright Việt Nam.