Tin Tức

Đổi mới giáo dục đại học: Ảnh hưởng giáo dục khai phóng

image

Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề, dù là một nghề cao cấp. Từ khi đổi mới giáo dục đại học (GDĐH), Bộ GD&ĐT đã chủ trương đưa giáo dục khai phóng vào chương trình cử nhân. Những năm 90, trong nỗ lực đổi mới, giáo dục đại cương được thiết kế nhằm đảm bảo cho người tốt nghiệp đại học có tầm nhìn, có phương pháp tư duy, có tình cảm nhân văn.

Fulbright: Trong phần hai, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp tiếp tục đề cập đến một trong những nỗ lực đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam đầu thập niên 90, trong đó có việc thiết kế đại học đại cương, chịu ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ. Từ đây ông dẫn dắt đến những nhu cầu hình thành mô hình giáo dục phù hợp cho các nhu cầu ở thế kỷ 21 cho Việt Nam. Giới thiệu bạn đọc tham khảo:

Trong kinh tế thị trường, để dễ tìm việc, người có bằng cử nhân phải được đào tạo theo diện rộng, sau khi có chỗ làm việc và có định hướng chuyên môn họ có thể quay lại trường để học chuyên sâu hơn.

Những trở ngại trong quá trình đổi mới là không tránh khỏi, nhưng dù sao đã đã đặt một dấu mốc về giáo dục khai phóng.

Với quan niệm đó, chương trình cử nhân từ thời đổi mới đã được thay đổi, được quy định gồm có hai thành phần: phần giáo dục đại cương (general education) và phần giáo dục chuyên nghiệp (professional education).

Việc thiết kế chương trình cử nhân có hai thành phần như trên, ngoài việc nhằm mục đích phù hợp với kinh tế thị trường, cũng có phần chịu ảnh hưởng của mô hình GDĐH Hoa Kỳ.

Phần giáo dục đại cương đảm bảo cho người tốt nghiệp đại học có tầm nhìn, có phương pháp tư duy, có tình cảm nhân văn. Nói cách khác, bậc đại học không chỉ đào tạo con người như một công cụ, mà còn cần giáo dục con người như một mục đích, đó là con người nhân văn.

Mặt khác, đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề, dù là một nghề cao cấp. Như vậy từ khi đổi mới GDĐH, Bộ GD&ĐT đã chủ trương đưa giáo dục khai phóng (GDKP) vào chương trình cử nhân.

Đào tạo đa lĩnh vực

Ý tưởng về cấu trúc chương trình giáo dục đại học gồm hai thành phần như trên biểu hiện rõ nhất ở Quyết định 2677/GD-ĐT năm 1993, quy định thời lượng cho phần giáo dục đại cương bao gồm khoảng 0,4 khối lượng chương trình cử nhân (90/210 đơn vị học trình).

Đồng thời với việc đổi mới chương trình đào tạo bậc cử nhân như trên, BộGD&ĐT còn chủ trương phân chia chương trình đào tạo cử nhân thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 cung cung cấp phần giáo dục đại cương, giai đoạn 2 cung cấp phần giáo dục chuyên nghiệp.

Mục tiêu chính của việc phân chia hai giai đoạn là: 1) hợp lý hóa và nâng cao chất lượng đào tạo phần giáo dục đại cương ởcác đại học đa lĩnh vực (tổ chức một trường đại học đại cương chung để mọi sinh viên học giai đoạn đầu); 2) tạo điều kiện để sinh viên có thể học chuyển tiếp sau giai đoạn 1 trong hệ thống GDĐH, đặc biệt là giữa các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học khác.

Mô hình đào tạo nhiều giai đoạn đã được nhiều nước thực hiện: Pháp, Nhật, Mỹ…Chẳng hạn, ởPháp, sau giai đoạn đầu sinh viên được cấp bằng Đại học đại cương DEUG (diplôme d’ études universitaires générales – DEUG).

Ở Nhật, hiện nay ở một số trường đại học, như Tokyo University vẫn có College of Liberal Arts giảng daỵ chung phần giáo dục đại cương cho sinh viên mọi ngành học ở hai năm đầu.

Ở Mỹ, trong từng trường đại học không có phân chia 2 giai đoạn vì hệ thống tín chỉ được áp dụng, nhưng trong cả hệ thống GDĐH có khoảng 1700 trường cao đẳng cộng đồng đào tạo chương trình đại học 2 năm cấp bằng American Associate Degree, tạo cơ hội để mọi sinh viên có bằng đó có thể học hai năm giáo dục chuyên nghiệp ở các trường đại học có chương trình cử nhân.

Khi hướng dẫn các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo có thành phần giáo dục đại cương, Bộ GD&ĐT thường bị phản ứng từ những người đã quen xây dựng chương trình theo kiểu Liên Xô.

Việc đưa phần giáo dục đại cương vào chương trình đào tạo, chẳng hạn một số môn khoa học xã hội – nhân văn vào các ngành khoa học tự nhiên – kỹ thuật; cũng như một số môn khoa học – công nghệ vào các ngành khoa học xã hội thường rất khó khăn.

Môn Tiếng Việt thực hành được dự kiến đưa vào phần giáo dục đại cương cũng không thành công, tuy năng lực viết và nói đúng tiếng Việt của sinh viên tốt nghiệp rất kém.

Dễ chấp nhận nhất là môn Văn hóa Việt Nam và môn Tin học. Khi áp dụng quy trình đào tạo hai giai đoạn, vì một số trường đại học tổ chức thi chuyển giai đoạn quá căng thẳng gây nhiều phản ứng trong xã hội nên Chính phủ đã ra văn bản quy định “bỏ kỳ thi chuyển giai đoạn như một kỳ thi quốc gia” và bỏ mô hình trường đại học đại cương trong các đại học đa lĩnh vực. Đây là một điều đáng tiếc cho một chủ trương đúng của quá trình đổi mới GDĐH.

Mô hình cho nhu cầu của thế kỷ 21

Tuy chủ trương xây dựng phần giáo dục đại cương và quy trình hai giai đoạn trong chương trình cử nhân gặp nhiều trở ngại do có sự khác nhau về nhận thức, nhưng ở một số bộ phận nó đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Rõ nhất là đối với các trường quân đội: vào thập niên 1990 hai Đại học mở đã đào tạo một vài khóa giáo dục đại cương cho các trường quân đội, giúp đảm bảo chất lượng đàotạo giai đoạn 1 và tạo điều kiện giúp các trường quân đội đại học hóa trong các thời kỳ sau.

Ngoài ra, từ một số trường cao đẳng và đại học ở Thanh Hóa cũng đã tổ chức được việc chuyển tiếp liên thông với ĐHQG Hà Nội.

Như vậy, trong giai đoạn đầu đổi mới GDĐH nước ta, phần giáo dục đại cương theo tinh thần GDKP đã được đưa vào chương trình cử nhân.

Dù dịch sang tiếng Việt là giáo dục đại cương, giáo dục tổng quát (general education) hoặc giáo dục khai phóng (liberal education hoặc liberal arts education) thì nội dung cũng như nhau, đó là giáo dục “giúp sinh viên phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội cũng như các kỹ năng thực tiễn và tri thức mạnh mẽ như giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế”.

Những trở ngại trong quá trình đổi mới là không tránh khỏi, nhưng dù sao đã đặt một dấu mốc về GDKP. Sau đó đã diễn ra sự dằng co giữa GDKP và đào tạo nghề theo diện hẹp trong nhiều trường ĐH, và có thể nói tinh thần GDKP chưa được khẳng định một cách vững chắc.

Tuy nhiên vào những năm đầu thế kỷ 21, nhu cầu về những “kỹ năng mềm” đối với sinh viên tốt nghiệp đã nổi lên, và nhiều trường đại học đã đưa vào chương trình chính khóa cũng như ngoại khóa một số nội dung về GDKP.

Chúng ta có thể tin rằng khi xã hội biến đổi nhanh chóng theo hướng công nghệ số cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tinh thần GDKP sẽ càng được khẳng định trong chương trình GDĐH nước ta.

(Từ tham luận của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp tại Hội thảo Giáo dục khai phóng do Đại học Fulbright phối hợp với Đại học Việt-Nhật đồng tổ chức 10.2017)

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer