Tin Tức

“Cả nhà Tỉnh thức, Gia đình Hạnh phúc” – Áp dụng Tâm lý học và Tỉnh thức vào cuộc sống

image

Vào ngày 15 tháng 10, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Phòng Phát triển và Sáng kiến Chiến lược, cùng Chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright) vừa tổ chức hội thảo “Cả nhà tỉnh thức, Gia đình hạnh phúc.” Hội thảo là một bước khởi đầu quan trọng cho chuỗi sự kiện liên ngành về tâm lý học, giáo dục và văn hoá, tập trung vào xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, nhằm góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. 

Phát biểu khai mạc chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Fulbright, nêu bật kỳ vọng của hội thảo: giúp “tái lập, củng cố quan hệ giữa cha mẹ và các con,” để mối quan hệ gia đình “ngày càng trở nên thấu cảm và lành mạnh hơn.”  

Tiến sĩ Nguyễn Nam phát biểu khai mạc hội thảo "Cả nhà Tỉnh thức, Gia đình Hạnh phúc"

Tiến sĩ Nguyễn Nam phát biểu khai mạc hội thảo “Cả nhà Tỉnh thức, Gia đình Hạnh phúc” và nêu bật kỳ vọng của hội thảo: giúp “tái lập, củng cố quan hệ giữa cha mẹ và các con,” để mối quan hệ gia đình “ngày càng trở nên thấu cảm và lành mạnh hơn.”

Ông chỉ ra tầm quan trọng của quan hệ gia đình lành mạnh trong thế kỷ 21, khi mà cuộc sống hiện đại đem đến nhiều áp lực và thay đổi về quan hệ con người:  

“Áp lực của công việc, học tập và cuộc sống, khoảng cách thế hệ, xung đột về lối sống, cảm giác cô độc, gánh nặng trầm cảm và nhiều điều khác nữa đang len lỏi vào đời sống gia đình, làm tổn hại quan hệ giữa cha mẹ và con cái. […] Trước những bức bách trong quan hệ gia đình, cha mẹ và các con đều tìm đến những kênh trao đổi riêng để giải toả. […] Thế nhưng 2 nhân tố chính của quan hệ gia đình là cha mẹ và các con tiếc thay đã không thiết lập được một phương thức giao tiếp để trò chuyện và thấu hiểu lẫn nhau.” 

Giải pháp đề ra cho khó khăn này là phương pháp thực hành tỉnh thức. Ông nhận định: “Đảm đương được những chức trách của cha mẹ, bảo đảm được những bổn phận của con cái không phải là những kỹ năng bẩm sinh, di truyền mà là những điều phải học và thực hành với sự tỉnh thức, với thái độ thận trọng, chú tâm quan sát để thích ứng tốt nhất với hoàn cảnh đặc thù, cụ thể.” 

Phụ huynh cùng con cái tham gia sự kiện "Cả nhà Tỉnh thức, Gia đình Hạnh phúc"

Phụ huynh cùng con cái tham gia sự kiện “Cả nhà Tỉnh thức, Gia đình Hạnh phúc”

Chương trình buổi sáng tập trung vào 3 bài tham luận chuyên sâu từ Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga – Giảng viên ngành Tâm Lý Học tại trường Đại học Fulbright Việt Nam, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương – Nguyên Đồng sáng lập và Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế (CASP-I), Nhà Đào tạo và Tác giả trong lĩnh vực Tâm lý và Giáo dục, và Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến – Nhà sáng lập và Chủ tịch Mindful Living Institute. Các diễn giả đào sâu phân tích những khó khăn trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, và hướng người tham dự đến với thực tập chánh niệm để luyện tập kỹ năng quán chiếu, từ đó tiến đến điều chỉnh hành vi, lời nói sao cho tốt đẹp nhất trong mối quan hệ gia đình.  

Tiến sĩ Tố Nga trong bài phát biểu của mình đã đi sâu vào các khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Ưu tư của cha mẹ nằm ở việc tăng hành vi tích cực và giảm hành vi tiêu cực ở con, quản lý cán cân quyền lực trong quan hệ cha mẹ và con, đến việc tìm hiểu thế giới xã hội, tình cảm của con mà không gây áp đặt và gò bó. Tiến sĩ rút ra bài học chung rằng sự tỉnh thức là hết sức cần thiết để xác định được những vết thương hay khó khăn kéo dài xuyên thế hệ. Cha mẹ tự chữa lành sẽ nhận diện được mục đích cho hành vi của bản thân (việc mình làm là vì con hay vì mình, là theo nhu cầu thiết yếu hay không cần thiết ở con, v.v…) và soi ra được những nỗi muộn phiền, tổn thương cần được chữa lành ở con cái và ở chính bản thân mình.

Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga phát biểu tham luận tại chương trình

Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga phát biểu tham luận tại chương trình

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nối tiếp với thảo luận  về khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái bằng những quan sát về cách tư duy cũ. Nổi bật là tư duy Tiếp nối Thế hệ: “Thế hệ này đến thế hệ kia luôn mong muốn kéo dài sự tương đồng,” tránh xung đột, dẫn đến sự ì ạch về lối tư duy và cách đối đãi giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó là nhận định về “tính giai cấp” trong quyền được biểu đạt cảm xúc, mà qua đó cha mẹ thường hay nóng giận, o ép con cái, nhưng không cho con có quyền biểu đạt cảm xúc phản kháng. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh rằng việc cha mẹ trở về với bản thân, chuyển hóa tư duy, hành vi, lời nói qua sự tỉnh thức, và việc họ chịu trách nhiệm với bản thân là cách để cải thiện mối quan hệ với con cái. 

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương phát biểu tại sự kiện

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương phát biểu tại sự kiện

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương giải thích mô hình SIBAM áp dụng vào luyện tập lối sống tỉnh thức

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương giải thích mô hình SIBAM áp dụng vào luyện tập lối sống tỉnh thức

Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến chia sẻ sâu về phương pháp thực hành tỉnh thức. Thạc sĩ nhắc mọi người nhớ về hơi thở để giữ mình ở thực tại, và ghi nhớ 2 việc trong các quan hệ xã hội: Mindfulness –  có mặt (trọn vẹn) và Clear awareness – thấy biết rõ ràng. 

Thạc sĩ cũng nhắc người nghe lưu tâm bộ ba “Thân – Tâm – Cảnh”, tức Thân thể – Tâm ý – Hoàn cảnh.  Thạc sĩ làm rõ: mọi hiện tượng đều xảy ra trong tương quan thân, tâm, cảnh. Do đó, chớ vội dán nhãn sự kiện, mà phải dùng tỉnh thức để nhận rõ lý do, mục tiêu của lời nói hay hành động, rồi cũng bằng sự tỉnh thức mà đáp trả trong sự bao đung. 

Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến đào sâu về cốt lõi phương pháp tỉnh thức trong bài nói chuyện

Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến nhắc người nghe lưu tâm bộ ba “Thân – Tâm – Cảnh” trong các tương tác xã hội

Sau các bài phát biểu, người tham dự được chia nhóm để thảo luận và trình bày về các vấn đề tồn tại trong mối quan hệ cha mẹ – con cái của cá nhân. Qua đó, cha mẹ và con cái có cơ hội được đối thoại trực tiếp để hai bên tìm hiểu ưu tư và giải tỏa vướng mắc đang tồn tại. Người tham dự đặt những câu hỏi về đứt gãy trong giao tiếp, sự khác biệt trong lối sống và cách tư duy, hay việc không được đối phương thừa nhận dù đã nỗ lực hỗ trợ. Bên cạnh đó, người tham dự cũng nhận được các giải đáp từ chuyên gia cho các câu hỏi của mình, bao gồm các tư vấn về tâm lý đến từ tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, giảng viên thỉnh giảng ngành Tâm lý học tại Fulbright, giải đáp về góc độ xã hội từ Tiến sĩ Nguyễn Nam, và học tập các phương pháp về Chánh niệm từ Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến. 

Các bạn trẻ thảo luận về khó khăn và ưu tư trong mối quan hệ với cha mẹ

Các phụ huynh thảo luận về khó khăn và ưu tư trong mối quan hệ với con cái

Các phụ huynh thảo luận về khó khăn và ưu tư trong mối quan hệ với con cái

Cha mẹ và con cái xem nội dung chia sẻ của đôi bên sau phần thảo luận nhóm

Cha mẹ và con cái xem nội dung chia sẻ của đôi bên sau phần thảo luận nhóm

Phụ huynh chia sẻ về khúc mắc trong mối quan hệ với con, đưa ra câu hỏi và tìm lời đáp từ đại diện các bạn trẻ, cũng như từ chuyên gia trong buổi hội thảo

Phụ huynh chia sẻ về khúc mắc trong mối quan hệ với con, đưa ra câu hỏi và tìm lời đáp từ đại diện các bạn trẻ, cũng như từ chuyên gia trong buổi hội thảo

Sinh viên trả lời câu hỏi từ đại diện phụ huynh về khoảng cách thế hệ

Sinh viên trả lời câu hỏi từ đại diện phụ huynh về khoảng cách thế hệ

Hội thảo nhận được sự tham gia tích cực của quý  khách mời trong và ngoài Đại học Fulbright Việt Nam. Một trong những sứ mệnh của trường đại học là đào tạo con người toàn diện. Viện Nghiên cứu Việt Nam tại Fulbright tin rằng người học trước hết phải được giáo dục để ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân và gia đình. Đó là nền tảng, là điểm xuất phát cho sự hình thành người công dân có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Hội thảo hy vọng đã mang lại một không gian tích cực và khoa học, giúp người tham dự nhìn nhận lại tương quan mối quan hệ cha mẹ – con cái trong gia đình mình, hướng đến việc trở thành những con người toàn diện hơn.  Đây cũng là bước đầu để hình thành nên một cộng đồng gắn kết, với mục tiêu ngày càng mở rộng các sự kiện của Viện Nghiên cứu Việt Nam, mang lại lợi ích và nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội.  

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giảng viên Thỉnh giảng tại Đại học Fulbright Việt Nam, giải thích các thắc mắc về mối quan hệ cha mẹ - con cái từ góc nhìn tâm lý học

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giảng viên Thỉnh giảng tại Đại học Fulbright Việt Nam, giải thích các thắc mắc về mối quan hệ cha mẹ – con cái từ góc nhìn tâm lý học

Tiến sĩ Nguyễn Nam chia sẻ khía cạnh văn hóa - xã hội của quan hệ gia đình

Tiến sĩ Nguyễn Nam chia sẻ khía cạnh văn hóa – xã hội của quan hệ gia đình

Người tham dự chụp hình kỷ niệm cuối chương trình

Người tham dự chụp hình kỷ niệm cuối chương trình

Hội thảo “Cha mẹ tỉnh thức, Gia đình Hạnh phúc” được tổ chức với sự tài trợ của Công ty Tư vấn C + P.  

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer