Bài học đạo đức từ thực hành từ bi gắn với trí tuệ

image

“Đạo đức” là môn học vỡ lòng quen thuộc mà gần như bất kỳ học sinh Việt Nam nào cũng đã trải qua ở bậc tiểu học. Nhưng “đạo đức” không nên chỉ dừng lại ở những bài học thời thơ ấu như thể chỉ cần thế là đủ, mà còn là việc vừa học vừa hành thường xuyên, trải dài suốt cuộc đời của mỗi người. Và hơn hết, “đạo đức” không phải là những quy chuẩn cố định buộc người học phải thực hành theo một cách máy móc, mà “đạo đức” cần được nuôi dưỡng, vun bồi trong sự thấu cảm, thấu hiểu sâu sắc qua những phân tích, phản biện và linh hoạt trong tình huống thực tế. Môn học “Đạo đức học thực hành” (Ethics in Practice) tại trường Đại học Fulbright Việt Nam được Tiến sĩ Nguyễn Nam thiết kế và giảng dạy với nguyên lý như thế. Môn học truyền cảm hứng cho một thế hệ sinh viên toàn diện, không chỉ có Tri thức và Kỹ năng mà còn có Phẩm chất đạo đức – được xây dựng dựa trên những triết lý Á đông (ở đây là Phật giáo) gắn với căn tính người Việt.

Thầy Nguyễn Nam hướng dẫn sinh viên Fulbright trong một chuyến đi thực địa năm 2019

Những năm gần đây, đặc biệt trong thời điểm nhiều biến động do đại dịch, có lẽ đâu đó chúng ta vẫn thường nghe đến những khái niệm như tỉnh thức (mindfulness), tâm từ (loving kindness) hay thiền Vipassana (Vipassana là một thuật ngữ Phật giáo, thường được dịch là “Thiền minh sát”). Sự phổ biến của các thực hành bắt nguồn từ Phật giáo này cho thấy một điều tích cực rằng người Việt đã quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần, tâm linh và năng lượng nội tại. Thế nhưng, khi nhìn vấn đề một cách phản biện, việc đời thường hóa các thực hành này đã làm mờ đi triết lý nền tảng, để mất đi những giá trị đạo đức bản thể, và thậm chí ở một số trường hợp còn đi ngược lại với lời dạy của Đức Phật. Vì lẽ đó, môn học “Đạo đức học thực hành: Triết lý Đạo đức Phật giáo tại Việt Nam và khu vực” – kỳ thu 2021 đi về cội nguồn của lý thuyết Phật Giáo, lý giải những thực hành có tính triết học – luân lý, và hướng người học soi chiếu những hành vi  trong cuộc sống đương đại từ góc độ giáo lý nền tảng. Bên cạnh bài đọc và bài giảng như bao môn học khác, điểm đặc biệt của môn này là sự tham gia của đa dạng khách mời từ nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, người thực hành Phật pháp đến chuyên gia thực hành Tỉnh thức để mang đến cho học viên cái nhìn đa chiều về Đạo đức trong Đạo Phật ở cả góc độ học thuật lẫn tôn giáo, cũng như yêu cầu “học tập phụng sự cộng đồng” và nghiên cứu nhóm cuối kỳ nhằm tạo ra những trải nghiệm đạo đức thực tế cho người học.

Vô ngã và tiếp hiện

Một trong những lý thuyết Phật giáo nền tảng được giới thiệu trong môn học là con đường Phật giáo Dấn thân (Engaged Buddhism) được khởi xướng bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh.  Phật giáo Dấn thân hàm nghĩa hành động một cách hoàn toàn tự nguyện nhằm đưa Phật giáo gắn liền với cuộc sống thường nhật, làm vơi đi nỗi đau của những người xung quanh. Truyền thống nhập thế của Việt Nam đã có tự hàng nghìn năm trước, nhưng Phật giáo Dấn thân như một thực hành xã hội đã bắt đầu từ giữa thế kỷ XX, và tiếp tục được đón nhận do tính thực tiễn và liên quan trực tiếp đến đời sống đương đại. Và nền tảng của thực hành chính là “vô ngã” (no-self) và “tiếp hiện” (interbeing).

Khi bài thơ “Call me by my true names” (Hãy gọi đúng tên tôi) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được giới thiệu trong lớp học, hẳn dấy lên những điểm va chạm về cả cảm xúc và lý trí ở trong mỗi học viên. Nhìn nhận chẳng có “cái tôi/ bản ngã” nào tồn tại độc lập mà luôn tồn tại liên lập (interdependent), hình thành nên bởi rất nhiều nhân tố, chịu ảnh hưởng của đa dạng mối quan hệ, khiến chúng ta ý thức được sự phức hợp kiến tạo nên một “bản ngã” bất biến ảo tưởng khi nói về “cái tôi”. Thoát ra khỏi ảo tưởng “mình ta là duy nhất” là bước đầu tri nhận “bản thân” mình là một phần của xã hội, tự nhiên, và tinh thần vị tha cũng bắt đầu từ đấy. Đó chính là một sự thay đổi tâm thức không hề dễ dàng, nhất là khi chúng ta lớn lên trong định hướng khơi gợi cái tôi độc nhất và cạnh tranh lẫn nhau để khẳng định bản thân. Khó là thế nhưng qua 12 tuần học, học viên bắt đầu dần nhận ra “vô ngã” và “tiếp hiện” chính là nền tảng của sự thấu cảm, sự đồng lòng và là con đường dẫn đến những hoạt động vì xã hội hiệu quả, sự hòa hợp trong gia đình và thậm chí to lớn hơn là hòa bình thế giới.

Yêu cầu hoàn thành “học tập phụng sự cộng đồng” (service-learning) là một đặc điểm khác của lớp. Với đề tài “Dạy tiếng anh cho học sinh khó khăn” của nhóm 2, Nguyễn Thị Thường (Sinh viên Khóa 2024) trong vai trò kết nối cộng đồng đã có trải nghiệm tỉnh thức khi suy xét về mưu cầu của cái tôi.

“Khi quảng bá về hoạt động của nhóm, có hơn 70 người đăng ký khiến em tham vọng rằng đây sẽ là một workshop rất lớn. Đến khi học chỉ có khoảng 20 bạn tham gia, em đã cảm thấy thất vọng. Nhưng khi nghĩ về những gì mình đã được học, em nhận ra mình đã sai khi đặt mong cầu của mình lên trên nhu cầu những học sinh và em đã từ bỏ được trạng thái thất vọng đó. Em nghĩ mình giúp được chừng nào hay chừng đó và còn gửi bài giảng cho những bạn không tham gia nữa. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng với một người luôn muốn hoàn hảo như em thì đây là một sự thay đổi lớn”

Báo cáo của nhóm 2 về hoạt động “Dạy tiếng anh cho học sinh khó khăn”

Còn nhóm 1 thì đặt mình trong “tâm thế của người sơ học” (the beginner’s mind – Shoshin theo Thiền Phật Giáo) để có thể thiết kế ra chương trình học lập trình dành cho người khiếm thị. “Khi dạy môn Khoa học máy tính cho chúng em thì thường thầy sẽ code mẫu hoặc mô tả bằng hình ảnh, để có thể truyền đạt cho các bạn khiếm thị, chúng em phải chuyển tất cả [hình ảnh] sang lời nói, điều đó không phải dễ dàng. Vì thế có những bài rất đơn giản, nhưng vì cách dạy và tiếp thu khác hẳn nên kéo dài đến cả buổi học” – Lý Minh Tú (Sinh viên khóa 2023) chia sẻ. Sáu tuần học trực tuyến tuy ngắn và còn nhiều hạn chế, nhưng nhóm đã gieo những hạt mầm về niềm tin và hứng thú trong tâm trí của những bạn khiếm thị tham gia lớp học, như chia sẻ của học viên Em đã từng nghĩ lập trình là thứ mà người khiếm thị không bao giờ có thể chạm tới, thế nhưng nhờ các bạn em thấy chỉ cần mình cố gắng hơn một chút là có thể học được”.

Lý Minh Tú – sinh viên Khóa 2023, chia sẻ về trải nghiệm của nhóm mình

Hiểu và thương trong tỉnh thức

Ở Việt Nam, một trong những lý do tạo nên khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái nói riêng và các cộng đồng đa dạng nói chung, chính là sự khác biệt trong thực hành các giá trị đạo đức. Khoảng cách ấy có thể tạo ra những khổ đau trong hình dạng của sự giày vò hoặc trong chính vỏ bọc của sự yêu thương. “Cha mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng biết cách nuôi dạy để con mình hạnh phúc, vì thường họ sẽ nuôi dạy con theo vòng lặp vô thức, theo cách mình đã được dạy” – cô Mỹ Yến, chuyên gia thực hành tỉnh thức, khách mời của buổi học “Hiểu và Yêu, Cha mẹ và con” chia sẻ: “Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: không hiểu, tình thương sẽ khiến mình ngột ngạt. Thay vì tình thương là một sự trao tặng hết sức tự do và vô điều kiện thì nó lại trở thành một mối quan hệ có điều kiện của ái, thủ, hữu, và điều đó khiến chúng ta đau đớn vô cùng”. Tình yêu thương đến từ sự thấu hiểu sáng rõ chính là nền tảng để mỗi chúng ta có thể hiện diện trọn vẹn ở hiện tại, đón nhận mọi thứ với một phong thái tĩnh tại, từ bi với người khác và với cả bản thân mình. Và đó chính là thực hành tỉnh thức của hiểu và thương.

Mô hình “cây đời” nhắc nhớ sự đa dạng về môi trường mà mỗi con người sinh ra và trưởng thành, do đó không nên áp đặt “cây đời mình” lên “cây đời người khác”

Để có thể kiểm soát được những phản ứng bản năng được tạo nên từ môi trường mà ta lớn lên là điều nói thì dễ nhưng làm thì khó vô cùng. Nó đòi hỏi người trong cuộc phải chậm lại, lùi một bước và quan sát tỏ tường những suy nghĩ, cảm xúc và hiện tượng cấu thành nên hành vi, để bản thân mình không bị cuốn theo những cảm xúc nhất thời mà hành động bộc phát. “Tỉnh thức” không có nghĩa là chối từ những cung bậc cảm xúc thường bị xem là tiêu cực như giận dữ hay đau buồn, mà là việc nhận ra sự phát sinh của những cảm xúc ấy, quan sát những hoạt động của tâm đang diễn ra thế nào, và nhờ vậy, có một thái độ ứng xử bình tĩnh và đúng mực trên tinh thần Từ, Bi, Hỉ, Xả trong mọi tình huống. Tử tế và từ bi với chính mình là khởi đầu cho sự chuyển hóa nhận thức và hành vi trong ứng xử với người khác.

Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất ở buổi học do cô Mỹ Yến hướng dẫn là “Món quà 1 phút – 3 bước từ bi với bản thân”: Ghi nhận cảm xúc, đưa tay ôm lấy mình và nói lời tử tế với bản thân. “Lúc đầu con nghĩ mình ôm tay vào người mình chắc cũng không có gì đâu, nhưng sau đó con thấy ồ ấm áp thật, con thấy bình tĩnh hơn, một cái sự bình tĩnh của những ngày mệt mỏi, tự nhiên con thấy run người” – Nguyễn Thị Thanh Lam ( Sinh viên Khóa 2024) chia sẻ.

Nguyễn Thị Thanh Lam – sinh viên Khóa 2024 chia sẻ cảm nhận sau một phút từ bi với bản thân

“Cảm ơn cô đã giúp con kết nối với bố mẹ” – lời cảm ơn của một bạn học viên kết thúc buổi học về Hiểu và Yêu mở ra một sự hứa hẹn về một chặng đường yêu thương trong tỉnh thức của các bạn, không chỉ trong mối quan hệ với cha mẹ mà còn với những mối quan hệ ngoài xã hội khác, để có thể thấu cảm và kết nối với nhau hiệu quả hơn.

Những câu hỏi lớn của “kiếp người”

Không chỉ tiếp thu và vận dụng trong đời sống, môn học còn tạo điều kiện cho sinh viên quan sát và phân tích những thực hành đương đại được xem là có nguồn gốc hoặc liên quan đến giáo lý Đạo Phật thông qua đề án nghiên cứu nhóm cuối kỳ. Tám nhóm tiếp cận những khía cạnh khác nhau của đời sống mang đến một “bữa tiệc” của tri thức, sự thảo luận chuyên sâu và cả những hứa hẹn phát triển nghiên cứu sau này. Chủ đề của các nhóm đa dạng từ nhận thức của người dân về các khái niệm Phật giáo như Nghiệp, Luân hồi; đến những quan điểm về bình đẳng giới trong Phật pháp, Lễ hằng thuận tại nhà chùa, phóng sinh trong đời sống và mối liên hệ giữa những thực hành xã hội – tôn giáo khác, ví như Đạo Phật với việc ăn chay hay tinh thần bao dung Phật giáo với cộng đồng LGBTIQ+. Tham gia buổi chia sẻ về bài tập nhóm cuối kỳ của sinh viên còn có những sư thầy, sư cô và chuyên gia thực hành tỉnh thức, vì thế sự thảo luận mang tính xây dựng và đi sâu vào những lý giải đa chiều được thúc đẩy hiệu quả.

Phim thuyết trình của nhóm 5 – “Phóng sinh hay sát sinh” mang đến một góc nhìn phản biện về thực hành phóng sinh phổ biến trong xã hội

Đồng hành cùng thầy Nguyễn Nam và các bạn sinh viên trong suốt 12 tuần của môn học, Cô Mỹ Yến chia sẻ trong niềm xúc động và tự hào “Dưới sự dẫn dắt của thầy Nam, các bạn trẻ đã dám đặt ra những câu hỏi lớn, của cả một kiếp người chứ không chỉ là những vấn đề nhỏ. Thật sự Yến rất ngưỡng mộ!”. Việc khuyến khích sinh viên đặt ra những câu hỏi lớn, thách thức những chuẩn mực sẵn có để cùng nhau bóc tách và thảo luận vấn đề dưới tiếp cận liên ngành và tự do học thuật, là một trong những thực hành giáo dục mà trường Đại học Fulbright Việt Nam hướng đến.

Môn học “Đạo đức học thực hành” mở ra cho sinh viên những cách nhìn mới về bản thân, đạo đức xã hội từ góc độ Phật giáo, truyền cảm hứng về thực hành “tỉnh thức” trong việc điều hòa cảm xúc và hành vi hằng ngày và hơn hết là góp phần định hình trụ cột “phẩm chất” trong những tâm hồn trẻ tuổi, để “sinh viên không chỉ biết về những vấn đề quan trọng, chúng tôi còn muốn sinh viên có khả năng làm những việc ý nghĩa và trở thành một người sống có chủ đích và trọn vẹn”, như lời bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định.

An Bình

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer