Tin Tức

Đằng sau tấm rèm lớp học

image

Một tấm bảng, một người thầy đứng lớp, vây xung quanh là những sinh viên đang ngồi chăm chú nghe giảng, thi thoảng viết xuống tập, và cố gắng ghi nhớ những gì thầy dạy sau đó. Đấy là cách những lớp học truyền thống vận hành hàng thế kỷ nay.

Tiếp cận sáng tạo

Ở Fulbright, các lớp học được cấu trúc theo một cách hoàn toàn khác. Trong năm học Đồng kiến tạo, sinh viên đã khám phá những mô hình lớp học mới và trải nghiệm một phương thức học tập độc đáo: học thông qua việc giảng dạy, học bằng cách đặt mình vào đúng vị trí của người thầy đứng trên bục giảng.

Năm học Đồng kiến tạo ở Fulbright là một hành trình nơi những giới hạn giáo dục không ngừng bị thử thách, bị phá vỡ và xây mới.

Thay vì ban lãnh đạo và giảng viên ngồi với nhau để xây dựng một chương trình khung dựa trên những kinh nghiệm chủ quan và tham khảo các mô hình hiện có, Fulbright đã chọn một cách tiếp cận đầy thách thức nhưng cho phép khai phá đến tận cùng tiềm năng sáng tạo: phương pháp thiết kế xoay quanh trải nghiệm của người dùng, thông qua việc triển khai Năm học Đồng kiến tạo trước khi bắt đầu chương trình đại học chính thức.

Thiết kế xoay quanh trải nghiệm của người dùng là phương pháp phát triển các sản phẩm dựa trên các trải nghiệm và góp ý của người dùng mà Iphone của Apple là minh họa rõ nét nhất. Google, Amazon, Netflix, và hàng ngàn công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở thung lũng Sillicon, Hoa Kỳ đều sử dụng cách tiếp cận này.

Tương tự, trong năm học Đồng kiến tạo, sinh viên sẽ được trải nghiệm và phản hồi để hoàn thiện chương trình và văn hóa đại học tại Fulbright, từ cách tổ chức lớp học, các môn học cho tới các trải nghiệm học tập ngoài giảng đường, các hoạt động ngoại khóa.

Hành trình đặc biệt

Hành trình đặc biệt đó của các em được bắt đầu từ việc học để trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng học tập ở Fulbright. Mô-đun (đơn vị chương trình đại học) đầu tiên của Năm học Đồng kiến tạo, Learning to Co-Learn được tổ chức trong bốn tuần.

Tuần đầu tiên, các giảng viên tham gia hàng loạt buổi thảo luận (sprint) để thiết kế các bài học nhằm xây dựng cho sinh viên kỹ năng biểu đạt, kỹ năng đưa ra phản hồi cũng như biết phân tích các điểm mạnh và điểm yếu trong khóa học.

Hai tuần tiếp theo, sinh viên được chia thành nhóm học các chủ đề khác nhau. Cuối cùng, dưới sự dẫn dắt của các thầy cô, các bạn sinh viên đã tự thiết kế các lớp học của chính nhóm mình về Việt Nam.

Tiến sĩ Naoko Ellis vẫn nhớ những cuộc tranh luận giữa bà và đồng nghiệp trong suốt quá trình kiến tạo khóa học.

Khác với những cuộc họp thông thường, những buổi thảo luận này được thiết kế như một dự án, trong đó cả nhóm phải thống nhất về mục tiêu, phác thảo về công việc và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, trong đó có một trưởng nhóm (product owner) chịu trách nhiệm đưa ra đường hướng tổng thể và một thành viên khác đóng vai trò quản lý dự án (scrum master), theo dõi và quản lý các nhiệm vụ.

Không khí làm việc trong suốt những ngày “chạy sprint” đó khẩn trương và tập trung. Từng nhóm tụ tập bàn bạc sôi nổi đến quên cả giờ ăn trưa, giống như cảnh tượng của một công ty khởi nghiệp, nơi các nhóm làm dự án quên ăn quên ngủ.

Thông qua quá trình “chạy sprint” này, các giảng viên thiết kế mô-đun và sinh viên thiết kế các lớp học đã học được rất nhiều điều về cách làm thế nào mà các khóa học được thiết kế, tổ chức và truyền thụ đến người học, cũng như ý thức được rằng mọi thành viên tham gia, từ giảng viên cho đến sinh viên, cần tham gia vào quá trình xây dựng khóa học.

Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh viên Năm học Đồng kiến tạo không quên cảm giác ngạc nhiên khi các giảng viên rất thẳng thắn nhận xét về những điều đã bị bỏ lỡ trong lớp học cũng như những kỳ vọng của họ đối với học trò. Sau vài buổi bỡ ngỡ, lớp của Dung đã bắt đầu quen với việc chia sẻ các quan điểm về bài đọc và đưa ra ý kiến góp ý để khóa học hoàn thiện hơn.

Giảng dạy xuyên ngành

Năm học Đồng kiến tạo cũng là lần đầu tiên các giảng viên trải nghiệm một phương pháp giảng dạy mới mẻ: co-teaching, khi các giảng viên từ những lĩnh vực chuyên môn khác nhau sẽ cùng đứng lớp.

Tiến sĩ Naoko Ellis, chuyên gia hóa học và Tiến sĩ Ian Kalman, chuyên gia ngành nhân học, đã cùng nhau dạy một lớp học như thế trong suốt hai tuần. Họ đã thảo luận rất nhiều về cách làm thế nào để những kinh nghiệm chuyên môn và phương pháp sư phạm khác biệt của họ có thể bổ sung cho nhau một cách tốt nhất.

“Chúng tôi phải chuẩn bị một buổi học, trong đó có việc đọc một số tài liệu về tính chính trực, và chúng tôi đã quyết định tổ chức lớp học đó thành một phiên thảo luận”, Tiến sĩ Ellis nhớ lại.

“Sinh viên được chứng kiến cách một nhà nhân học nhìn nhận về bài đọc cũng như “lật ngược” các giả định như thế nào; trong khi, một nhà kỹ sư sẽ bám sát thực tiễn và ứng dụng các khái niệm vào làm việc nhóm ra sao”.

Tiến sĩ Jill Siri mô tả phương pháp giảng dạy theo hướng “xuyên ngành” (transciplinary) như một trải nghiệm đặc biệt đối với tất cả những ai tham gia.

“Cách tư duy xuyên ngành đòi hỏi các giảng viên và sinh viên phải tiếp cận một vấn đề từ nhiều lĩnh vực khác nhau và hiểu được làm thế nào mà các phương pháp nghiên cứu xuyên ngành có thể dẫn đến những giải pháp mang tính tổng thể hơn”.

Thành viên tích cực

Sau hai tuần học những kỹ năng căn bản này, giảng viên sẽ đóng vai trò trưởng dự án và quản lý dự án trong “sprint” của sinh viên, kéo dài một tuần. Sinh viên được phân thành 8 nhóm, cùng thảo luận và xây dựng các lớp học của riêng họ để dạy cho thầy cô, những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, về di sản văn hóa phong phú của Việt Nam.

Học hỏi từ cách các thầy cô xây dựng chương trình học theo nhu cầu của sinh viên, các bạn đã dành hàng giờ thảo luận sôi nổi về những gì họ mong muốn các thầy cô sẽ nhận được sau khóa học và cùng nhau xác định đâu là những thông điệp quan trọng mà mình muốn chia sẻ về đất nước Việt Nam.

Một nhóm bạn mong muốn các thầy cô mình hiểu nhiều hơn về thời kỳ bao cấp ở Việt Nam. Thay vì chỉ thuần túy đề cập đến khía cạnh lịch sử của thời kỳ bao cấp, họ đã đi xa hơn và tìm hiểu sâu các trải nghiệm tâm lý và xã hội của người Việt Nam thời kỳ đó.

Nhóm cũng nỗ lực sáng tạo ra các cách thức tổ chức lớp học nhằm giúp các thầy cô trải nghiệm thời kì bao cấp một cách sống động như thật thông qua việc tham gia phiên chợ mô phỏng thời bao cấp.

Thành quả của các nhóm còn lại cũng ấn tượng không kém. Sau một tuần miệt mài nghiên cứu, thảo luận và xây dựng chương trình, những lớp học về một Việt Nam với chiều sâu văn hóa và lịch sử được phục dựng sinh động thông qua những lát cắt về âm nhạc, ẩm thực, văn chương, cà phê…

Sau mỗi buổi trình bày, không chỉ các giảng viên nước ngoài mà ngay cả các nhân viên người Việt cũng háo hức đăng kí tham gia các lớp học để tìm hiểu về một Việt Nam mà ngay chính những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này cũng cảm thấy thật đẹp đẽ và mới lạ qua lăng kính của các bạn trẻ.

Những bài học vô hình

Thế nhưng, với 54 sinh viên Đồng kiến tạo, bài học giá trị nhất họ nhận được, không phải là thành quả ấn tượng kể trên, mà là cách họ cùng làm việc với nhau để vượt qua những thách thức khi vận hành dự án.

Lê Kiều Oanh chia sẻ, nhóm đã từng “sốc” như thế nào khi phải ngồi làm lại dự án từ đầu theo một hướng tiếp cận hoàn toàn khác sau khi đã mất vài buổi say xưa theo đuổi nhưng bị thầy hướng dẫn thẳng thắn phê phán.

Cơ chế phản hồi theo phương pháp sprint, theo Tiến sĩ Siri, giúp cho sinh viên tiến bộ đáng kể. “Trong phiên góp ý thảo luận, sinh viên của tôi nhận ra việc trao đổi, giao tiếp có vấn đề. Từ đó, các bạn đã quyết định tập trung cải thiện chất lượng các cuộc trao đổi nhằm đảm bảo mọi thành viên đều bắt kịp tiến độ công việc”.

Với Kiều Oanh và các thành viên cùng nhóm, đó là những giá trị vô hình nhưng không kém phần ý nghĩa mà họ nhận được từ lớp học. “Những vấn đề như lắng nghe một cách chủ động, sự kiên nhẫn và kỹ năng giao tiếp đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực và nghiêm túc. Chúng là một phần của trải nghiệm này”.

Không chỉ có sinh viên, mà ngay chính những giảng viên của Fulbright cũng học được rất nhiều từ các học trò của mình. “Khi chúng tôi chạy sprint này, có rất nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Đó là lý do vì sao chúng tôi cần có các hoạt động đồng kiến tạo như thế này. Tôi muốn học hỏi rất nhiều điều với sinh viên của mình” – Tiến sĩ KinHo Chan cho hay.

Ở Fulbright, các hoạt động học tập không chỉ giới hạn ở sinh viên. Mọi thành viên Fulbright, từ sinh viên, giảng viên cho tới nhân viên đều là những nhân tố tích cực trong một cộng đồng học tập.

Bằng việc cùng nhau học hỏi, mỗi thành viên sẽ học được cách thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Sự đồng cảm và hiểu biết này sẽ giúp cho mỗi người cảm thấy thoải mái khi đặt câu hỏi và nêu lên ý kiến dù chúng đi ngược lại với số đông.

Minh Châu – Kyle Witzigman

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer