Tin Tức

Vĩ Tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân qua lăng kính Điện ảnh

image

Vĩ Tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân của Đạo diễn Joris Ivens (đạo diễn người Hà Lan) là tác phẩm điện ảnh tư liệu được chọn giới thiệu trong khuôn khổ Việt Nam học – học kỳ mùa Xuân năm nay của Đại học Fulbright. Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, một nhân chứng, thành viên đoàn làm phim đã đến để trao đổi với sinh viên.

Khu quân sự Vĩ Tuyến 17 hình thành sau Hiệp định Geneva (1954) là một đề tài ngồn ngộn chất liệu, phản ánh lịch sử đất nước trong một giai đoạn trọng yếu thời kỳ chiến tranh. Bối cảnh làm phim là một thực tế day dứt: sau Hiệp định Geneve (1954), cầu Hiền Lương cùng sông Bến Hải (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở thành giới tuyến tạm thời thuộc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, chia cắt 2 miền Nam-Bắc. Theo Hiệp định, khu phi quân sự vĩ tuyến 17 được lập ra dưới sự giám sát quốc tế, để sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956, giới tuyến tạm thời sẽ bị xóa bỏ.

Tác phẩm điện ảnh của Joris Ivens thuộc dòng tư liệu minh hoạ, chọn góc phản ánh Vĩ Tuyến 17 ở mặt trận phía sau bom đạn sống động, day dứt và ám ảnh mãnh liệt. Đặt sinh viên Fulbright vào trong không gian của màn ảnh và những câu chuyện hậu trường bộ phim qua sự dẫn dắt của đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, Việt Nam học muốn tạo ra không gian đa chiều sử liệu để bổ sung cho các bài giảng thuần tuý học thuật trong các lớp học.

Những câu chuyện phía sau mặt trận bom đạn 

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng dù đã ở tuổi 90 vẫn nhớ trọn vẹn cái không gian đặc quánh màn đêm “như âm ty” của hôm đầu tiên ngủ trong lòng đất địa đạo Vĩnh Linh (Quảng Trị). Bà theo chân đoàn làm phim của đạo diễn Joris Ivens và người bạn đời của ông, bà Marceline Loridan (phụ trách thu tiếng động hiện trường cho phim) theo sự phân công nhiệm vụ của Hồ Chủ tịch trong vai trò bác sĩ – kiêm phiên dịch, hướng dẫn đoàn cùng 7 quay phim thuộc 4 xưởng phim Việt Nam. Họ đến chiến trường Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 tại Vĩnh Linh, Quảng Trị trong thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất ở mặt trận này, một ngày tháng 5 năm 1967.

Sinh viên Fulbright trao đổi với đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng

Hành trình từ Hà Nội vào Vĩnh Linh trên những chiếc xe jeep là cuộc tập dượt đầu tiên với sự khốc liệt của mặt trận : vừa đi chạy tránh bom đạn khiến quãng đường thực dài 600km bị kéo dài và đến 28 ngày mới đến nơi. Trên chặng đường hành trình khởi đầu, một số thành viên trong đoàn bị thương, cả đoàn không ít lần thoát chết, những chiếc xe jeep chở đoàn bị phá nát… Căn hầm nghỉ ngơi dành cho đoàn ở địa đạo Vĩnh Linh chỉ vừa mới được đào xong trước khi họ đến. Bà Phượng vẫn nhớ cảm giác“dò dẫm lần từng bậc xuống, một tay phải sờ vào vách hầm để lựa bước chân, vách đất tua tủa những rễ cây vừa mới bị xén, chất nhựa và rễ đâm nhói buốt tay” và không khí trong hầm đầy ngột ngạt, tối bưng, đen thui….

Nhưng Joris Ivens không mở đầu Vĩ Tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân khốc liệt như trải nghiệm của bản thân.

Hình ảnh đầu của bộ phim là lá cờ đỏ sao vàng rách lỗ bởi bom đạn của bờ Bắc bay phấp phới sang bờ Nam như một ý nguyện thống nhất hai bờ đất nước, được những người làm phim gọi là ngọn cờ Hiền Lương, quay bằng tất cả ý chí mãnh liệt và sự can đảm đối mặt bom đạn bủa vây. Cảnh cuối bộ phim là lớp học bình dân học vụ cho trẻ con trong hầm trú ẩn sôi nổi giữa tiếng máy bay đan xen bom đạn ở trên. Xuyên suốt bộ phim là những câu chuyện cuộc sống của người dân ở phía sau mặt trận, từ lao động, sản xuất, chuẩn bị luyện tập cho chiến đấu bảo vệ vùng đất, cho đến những trò chơi bắt giặc lính Tây của trẻ con, và cả những khung cảnh đau thương chết chóc, cảnh chạy bom đạn, máy bay giữa cuộc sống thường nhật…

Những góc máy không sắp đặt, phản ánh một thực tế tự nhiên dung dị phơi bày trước mặt. Nếu xét về ý đồ, Joris Ivens chỉ để lộ rõ nhất ý chí tiết chế sự khốc liệt của bom đạn xuất hiện trong phim để làm nổi bật trực diện những câu chuyện cuộc sống phía sau mặt trận đầy thông điệp hàm chứa.

Có rất nhiều câu thoại sống, âm thanh của cuộc sống được Marceline Loridan thu lại và đưa vào trong phim. Nếu những hình ảnh chân thực của những nhà quay phim của xưởng phim truyện VN mô tả đắt giá không gian thường nhật ở Vĩnh Linh thì những âm thanh được Marceline Loridan thu lại là chất liệu không thể thiếu, mang tính quyết định để bộ phim đạt đến sự minh hoạ nguyên bản hoàn hảo. Nhiều câu thoại sống ám ảnh những người làm phim, trong đó có những câu như “ngay cả nếu chúng ta phải hi sinh, chúng ta vẫn tiếp tục trồng lúa”…

“Joris Ivens đặt tên bộ phim không phải cuộc chiến đấu nào đó mà là cuộc chiến tranh của nhân dân. Chúng tôi làm một bộ phim để thấy cuộc chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tranh bất bại” – bà nhấn mạnh.

Hai tháng quay phim là trải nghiệm của những người tận mắt chứng kiến sinh tử, tình người và tình yêu của con người nơi tuyến lửa Vĩnh Linh. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng giữ mãi những ký ức về câu chuyện tình yêu mới chớm của một quay phim trong đoàn với cô thanh niên xung phong ở mặt trận. Họ gặp gỡ, vừa mới chớm bén duyên tình cảm. Người con gái mong muốn gìn giữ tình cảm thuần khiết ngày đầu hẹn hò để chờ ngày đất nước thống nhất, hoà bình. Nhưng một ngày, trong khi quay cảnh bom đạn chết chóc ở mặt trận, anh quay phim nhận ra sau ống kính của mình là xác người con gái hẹn thề chờ đợi…

Nhưng ở mặt trận khốc liệt, người ta cũng tìm thấy những hy vọng của cuộc sống. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng đã trải qua cảm giác hạnh phúc tột cùng khi nghe tiếng khóc của người cha đứa bé mà bà đỡ đẻ trong hầm tối quện vào tiếng khóc chào đời của cậu con trai. Dù hầm hào tối không hình dung nổi sự nhọc nhằn của ca sinh đẻ nhưng sáng kiến ghi âm lại những âm thanh của ca sinh với những tiếng khóc của người mẹ, tiếng bác sĩ gào thét chỉ dẫn sinh, tiếng khóc của người cha và đứa trẻ… của một thành viên trong đoàn khiến sau đó ai nghe lại cũng bồi hồi cảm động rơi nước mắt. Hoàn cảnh khốc liệt, thiếu thốn và mong manh sự sống của con người trong nơi bom đạn khiến cho sự sinh trở nên thiêng liêng, như liều thuốc tinh thần chữa lành những đau đớn, sợ hãi.

Nhắc lại kỷ niệm này, bà vẫn bồi hồi thương nhớ với cảnh hai ông bà Ivens đã chờ suốt đêm, lo lắng cho số phận của một em bé Vĩnh Linh. Khi ca sinh đẻ thành công, ông Joris đã nói với bà rằng, họ được làm một nghề nghiệp cho phép chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, là niềm hạnh phúc và may mắn ghi được sự sống ngay trong lòng đất, ngay cả khi cái chết cận kề.

Điện ảnh và cảm hứng với cách mạng

Điện ảnh với những người làm phim không chỉ dừng ở sứ mệnh nghề nghiệp. Điện ảnh bắc cầu cho họ những cảm hứng tinh thần với cách mạng.

Sau hơn 2 tháng lăn lộn ở mặt trận Vĩnh Linh làm phim, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng trở lại cuộc sống thường nhật ở phòng khám bệnh đầy đủ tiện nghi của mình ở Hà Nội. Vẫn là công việc chăm sóc sức khỏe những vị khách nước ngoài quan trọng đến thăm Việt Nam. Nhưng bà rơi vào cảm giác thường trực nhớ da diết những ngày sống trong bom đạn Vĩnh Linh, dù bị bom đạn dập vùi mà vẫn thanh thản đi vào giấc ngủ sâu trong địa đạo tối tăm ngột ngạt. Bởi ở đó có tình nghĩa gắn bó, thương yêu nhau, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho nhau của đoàn làm phim, của những người dân ở Vĩnh Linh… Lúc này, bác sĩ mới nhớ tới lời khuyên của ông Ivens trước khi chia tay.

Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng (Đại học Fulbright) trao đổi với đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng

Tôi nhớ ông nói nghề bác sĩ hay nghề phiên dịch rất cần thiết nhưng tìm được một nữ làm phim chiến trường ở Việt Nam thật không dễ dàng. Vì vậy, ông mong muốn tôi mạnh dạn làm cuộc cách mạng cho chính mình, đến với những công việc mà đất nước đang rất cần.“– bà nhớ lại.

Và ở tuổi 37, dù đã có gia đình và ba con, bà quyết tâm từ giã sự nghiệp an toàn, đủ đầy kinh tế để bắt đầu những bước chân chập chững của nghề làm phim chiến trường, trở thành đạo diễn, nữ phóng viên chiến trường đầu tiên của Việt Nam. Bà đã có mặt ở nhiều mặt trận, từ chiến trường miền Nam cho đến chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia.

“Đi vào nơi 90% chết, 10% sống, sau khi sống những tháng ngày khốc liệt ở Vĩnh Linh, chứng kiến tinh thần của người dân trong chiến đấu, đùm bọc lẫn nhau, điều đó đập vào tâm trí của tôi. Người ta chỉ sống một lần thôi, hãy cố gắng làm được điều thấy cần thiết đúng đắn… Vĩnh Linh đã thay đổi tôi về cách nhìn cuộc sống, thay đổi cái tôi nhân văn, cách đánh giá con người, giúp tôi trở thành phóng viên chiến trường một cách tự nguyện hăng say cho đến ngày đất nước hoà bình”– đạo diễn Nguyễn Xuân Phượng chia sẻ.

Người thầy dạy làm phim đầu tiên của bà, ông Joris Ivens là một nhà làm phim tư liệu chiến tranh có một số phận đặc biệt, chọn con đường gắn bó với dòng phim tài liệu nói về các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Tự thân không gian nghề nghiệp đã đưa ông đến những định mệnh cuộc sống vô thường. Người bạn đời của ông, bà Marceline Loridan là một phụ nữ Do Thái từng bị giam trong trại tập trung Auschwitz của Phát xít Đức. Chỉ còn năm ngày đến lượt bị vào lò thiêu nhưng bà may mắn được quân Đồng Minh kịp đến giải phóng. Họ cùng nhau chọn nghiệp điện ảnh nhưng điện ảnh không chỉ dừng ở cảm hứng và đam mê nghề nghiệp.

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng cùng sinh viên, giảng viên Fulbright sau buổi chiếu phim và trò chuyện về Vĩ Tuyến 17: Chiến tranh nhân dân

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng chia sẻ một câu chuyện sau này khi bà đến Pháp chia tay Joris Ivens từ giã cõi đời. Marceline gặp lại và kể với bà về chuyến thăm viếng Paris của một nhà phát hành phim trên các kênh truyền hình của Mỹ. Lúc này, Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân bắt đầu cuộc sống công khai của mình tại một rạp chiếu bóng tuy nhỏ nhưng uy tín tại Paris. Nhà phát hành phim Mỹ sau khi xem phim này của Joris Ivens, nói: “Thưa ông Ivens, tôi không thể nào đề xuất phát hành phim này trên các kênh truyền hình. Bởi vì nếu phim được đông đảo người Mỹ xem thì mọi người sẽ hiểu rằng người Mỹ chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến tranh này”.

Cùng với lưu trữ tại Pháp, Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân sau này được Chính phủ Hà Lan trao tặng lại cho Việt Nam. Đây là một trong chùm bốn phim tư liệu về Việt Nam do Joris Ivens làm, được Viện Châu Âu Joris Ivens Hà Lan trao tặng lại cho Viện phim Việt Nam. Không chỉ có phim thành phẩm, Joris Ivens còn để lại 2000 trang tài liệu giấy, 140 ảnh và áp phích mà ông nâng niu trong suốt sự nghiệp như minh chứng tình yêu đặc biệt của ông dành cho Việt Nam.

Xuân Linh

Kết nối với chúng tôi

image

TRƯỜNG FULBRIGHT VÀ HÀNH TRÌNH “VIỆT NAM HÓA” TRI THỨC TOÀN CẦU Bên cạnh hoạt động giáo dục đào tạo, đông đảo công chúng Việt Nam biết đến Fulbright nhờ những nghiên cứu mang tính phản biện khoa học về tình hình kinh tế - chính trị và những đối thoại chính sách thẳng thắn với các nhà lãnh đạo về những vấn đề hóc búa nhất mà đất nước phải đối mặt. Tuy nhiên, ít người biết rằng, những kết nối sâu sắc này đã được ươm mầm từ hơn ba mươi năm trước khi nhóm giáo sư Harvard lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Đầu năm 1989, Thomas Vallely, cựu lính thủy đánh bộ trong chiến tranh Việt Nam, khi đó là Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, cùng Giáo sư Dwight Perkins, lúc đó là Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard đến thăm Việt Nam, khi hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ. Những vết thương chiến tranh với Mỹ đã cản trở bất kỳ khả năng hợp tác nào. Ngoại trưởng Việt Nam khi ấy, ông Nguyễn Cơ Thạch chia sẻ với nhóm giáo sư Harvard rằng ông phải đọc và dịch sang tiếng Việt cuốn Kinh tế học của Paul Samuelson để tìm hiểu về các khái niệm của kinh tế thị trường – bất kỳ điều gì để tìm ra con đường thoát khỏi hiện trạng đổ nát hoang tàn thời hậu chiến. Tầm nhìn thực tế này của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đóng vai trò tiên quyết cho sự hình thành của trường Fulbright. Ngược với những lo ngại ban đầu, nhóm chuyên gia của Harvard thấy mình được chào đón ở Việt Nam và đươc tạo điều kiện nghiên cứu bất kỳ vấn đề kinh tế quan trọng nào (nông nghiệp và công nghiệp là hai trọng tâm nghiên cứu ban đầu). Nhưng có lẽ, những nỗ lực giáo dục mà chương trình Việt Nam của Harvard đã triển khai mới để lại dấu ấn lâu dài hơn cả. Xem toàn bài tại: https://fsppm.fulbright.edu.vn/vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-fsppm/truong-fulbright-va-hanh-trinh-viet-nam-hoa-tri-thuc-toan-cau/ -- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer