Tin Tức

Trao cơ hội tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng

image

Tại nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, học phí và các chi phí học tập khác đang là một rào cản lớn trong giáo dục và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ học, bỏ học và lao động trẻ em. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam.

Theo Thông tư số 86/2015/ND-CP của Chính phủ, học phí để một  trẻ đi học từ mẫu giáo đến đại học trong hệ thống trường công rơi vào khoảng 112.550.000 đồng (USD4,826.33), tương đương 75.000 đồng đến 155.000 đồng mỗi tháng (USD3.22 ~ USD6.65) cho giáo dục phổ thông và 2.200.000 đồng mỗi tháng (USD94.34) cho bậc đại học.

Đây không phải một con số quá lớn nhưng ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, số tiền này có thể là cả gia tài đối với nhiều gia đình. Vài năm trở lại đây, trung bình GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.566 USD. Như vậy, với một gia đình hạt nhân có hai con, chỉ riêng tiền học phí có thể chiếm tới 25-45% tổng thu nhập hộ gia đình. Ngoài học phí, những chi phí khác như tiền đồng phục, giày dép, sách vở, chi phí đi lại và học thêm đều là những trở ngại trong việc phổ cập giáo dục cho trẻ em.

Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bất bình đẳng kinh tế đang ngày càng trầm trọng hơn ở Việt Nam. Năm 2010, nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập cao gấp 9,2 lần nhóm 20% dân số nghèo nhất. Đến năm 2019, sự chênh lệch này đã tăng gấp 10,2 lần, theo nguyên Phó Thủ tướng và hiện là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Việc bất bình đẳng kinh tế ngày càng sâu sắc đồng nghĩa với gia tăng khoảng cách về cơ hội học tập giữa “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”.

Ngay từ bậc tiểu học, không ít trẻ em bị buộc phải thôi học vì gia đình không đủ khả năng chi trả học phí và học liệu, hoặc vì các em phải tham gia vào những công việc đồng áng giúp kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Những em may mắn được tiếp tục đi học cũng khó có thể theo kịp các bạn khá giả hơn trong lớp có điều kiện đi học bổ túc hoặc học thêm ngoại ngữ. Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, các em đến từ gia đình có thu nhập thấp cũng ít được đi học đại học hơn. Đối với nhiều em, những gánh nặng của nghèo đói gây ảnh hưởng lớn đến học tập, khiến các em khó có cơ hội thoát khỏi cái nghèo luẩn quẩn đã kéo dài suốt nhiều thế hệ, tước đi của các em cơ hội được sống hạnh phúc và sung túc.

Sự chênh lệch về trình độ giáo dục ngày càng gia tăng đe dọa không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế lâu dài của Việt Nam. Với một số ít cá nhân được hưởng thụ thành quả giáo dục tốt nhất, Việt Nam sẽ không thể phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế của lực lượng lao động tương lai. Để phát triển kinh tế, Việt Nam cần cung cấp cơ hội giáo dục và chăm sóc cho trẻ em đến từ mọi hoàn cảnh và mức sống, thay vì ưu tiên tầng lớp thu nhập cao. Câu hỏi quan trọng là: làm thế nào để thực hiện được điều này?

Học bổng

Có nhiều đề xuất và tranh cãi xoay quanh việc làm thế nào thu hẹp khoảng cách về trình độ giáo dục và đảm bảo sinh viên có thu nhập thấp được tiếp cận với giáo dục đầy đủ. Một trong những phương án được đưa ra là trao tặng học bổng, đặc biệt là ở bậc đại học. Bằng cách trao tặng học bổng cho sinh viên có thu nhập thấp, các trường có thể hướng đến những nhóm đối tượng cụ thể, mở rộng cơ hội và cải thiện kết quả học tập. Tuy nhiên, hầu hết các học bổng tại Việt Nam đều được trao dựa trên thành tích, tức là sinh viên có thành tích càng xuất sắc càng có nhiều cơ hội nhận được học bổng.

Điều này làm nảy sinh một nghịch lý, bởi học sinh sinh ra trong gia đình khá giả vốn có nhiều cơ hội được trau dồi, bồi dưỡng kiến thức – kĩ năng hơn như đi học thêm, học ngoại ngữ, chơi thể thao, tham gia vào ban cán sự trường hay tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện. Những hoạt động này giúp học sinh phát triển toàn diện hơn và có lợi thế giành được học bổng dựa trên thành tích.

Hơn nữa, học sinh có thu nhập thấp, đặc biệt là học sinh ở các vùng nông thôn ít khi được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ. Sự thiếu hụt về thông tin khiến nhiều học sinh tài năng bỏ lỡ những cơ hội nộp đơn xin học bổng mà đáng lẽ các em hoàn toàn đủ điều kiện. Chính vì vậy, một số người cho rằng nếu không được lên kế hoạch và thực hiện một cách hợp lý, học bổng sẽ không thể giúp khắc phục tình trạng bất bình đẳng mà ngược lại còn khơi sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo.

Chính sách ưu tiên nhóm yếu thế

Ở Việt Nam, một số chính sách quan trọng đã và đang được triển khai nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học. Ví dụ, học sinh thuộc các nhóm đối tượng đặc biệt như học sinh vùng sâu vùng xa và miền núi (Khu vực 1), học sinh vùng nông thôn (Khu vực 2-NT) hay học sinh là người dân tộc thiểu số, con em thương bệnh binh… sẽ được hưởng điểm cộng trong kỳ thi THPT quốc gia.

Một ví dụ khác là chế độ cử tuyển đại học. Hàng năm, một số học sinh từ các tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn có thể được đặc cách vào học tại một trường đại học công lập nhất định mà không cần tham gia kỳ thi tuyển sinh. Chính quyền tỉnh sẽ đề xuất số lượng học sinh được cử tuyển dựa trên trình độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, những học sinh này vẫn phải vượt qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và học dự bị một năm trước khi bắt đầu chương trình đại học chính thức. Học sinh dân tộc thiểu số thường được ưu tiên trong quá trình cử tuyển.

Mặc dù những chính sách ưu tiên này giúp gia tăng sự đa dạng trong trường đại học, Giáo sư Michael Sandel, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Phải trái Đúng saicho rằng nó dẫn tới hai vấn đề. Thứ nhất, một vấn đề mang tính nguyên tắc mà chính sách ưu tiên gây ra là sự bất công trong tuyển sinh đối với những ứng viên đủ điều kiện nhưng không thuộc nhóm được ưu tiên. Những học sinh này có thể có thành tích học tập tốt hơn so với những học sinh được ưu tiên nhưng bị đặt vào thế bất lợi cạnh tranh mà không phải do lỗi của các em.

Thứ hai, một vấn đề mang tính thực tiễn của chính sách ưu tiên là chúng có thể gây tổn thương lòng tự trọng của học sinh thuộc dân tộc thiểu số, làm gia tăng tình trạng phân biệt chủng tộc từ cả hai phía, gia tăng mâu thuẫn chủng tộc và kích động sự phẫn nộ của nhóm đa số. Đồng tình với quan điểm này là Malcolm Gladwell, tác giả cuốn David và Goliath.Theo Gladwell, những nhóm đối tượng ưu tiên chưa chắc đã thực sự được hưởng lợi từ những chính sách này. Khi phải học cùng lớp với những người bạn đồng trang lứa có nền tảng học thuật tốt hơn hẳn, những sinh viên này có thể hình thành cảm giác tự ti, mặc cảm và thậm chí có thể dẫn đến bỏ học.

Giáo dục miễn phí

Trong bài giảng môn Công lý, Giáo sư Sandel đề cập rằng để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, “một trong những mục đích cơ bản của một nền chính trị vì lợi ích chung là tái tạo cơ sở hạ tầng của đời sống công dân”.Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư vào các trường công lập miễn phí, chất lượng cao mà người giàu và người nghèo đều muốn theo học.

Trong một thế giới lý tưởng, giáo dục miễn phí có thể giúp giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên và khuyến khích việc đi học đại học. Tuy nhiên, thế giới vốn không hoàn hảo, và giải pháp này vẫn có những hạn chế nhất định.

Rõ ràng, việc miễn giảm học phí sẽ đặt ra một bài toán khó cho việc vận hành trường đại học. Các trường này phải xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để duy trì chi phí đào tạo và cơ sở hạ tầng. Việc cấp vốn này tạo áp lực lên ngân sách, vô hình trung buộc nhà nước phải tăng thuế. Điều này dường như khó có thể được thực hiện trong tương lai gần.

Trong cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 21 (Capital in the Twenty-First Century)”, tác giả Thomas Piketty cho rằng chính những sinh viên vốn có gia cảnh tốt lại được hưởng lợi nhiều hơn từ việc miễn giảm học phí, bởi miễn học phí không đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt miễn phí. Trên thực tế, chi phí sinh hoạt mới chiếm phần lớn tổng chi phí khi đi học đại học. Hầu hết các trường đại học tọa lạc tại những đô thị lớn với chi phí đắt đỏ, tạo gánh nặng cho sinh viên có thu nhập thấp.

Vậy làm thế nào để xóa bỏ bất bình đẳng trong giáo dục và giúp các hộ nghèo tiếp cận giáo dục đại học? Mặc dù giáo dục miễn phí có thể là một chính sách tuyệt vời, triển khai trên thực tế sẽ cần rất nhiều thời gian thử nghiệm và hoàn thiện. Bất cập trong giáo dục đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và sẽ phải mất thêm nhiều thập kỷ nữa để khắc phục.

Trong khi đó, một giải pháp ngắn hạn khác được đưa ra, đòi hỏi sự nỗ lực, nguồn lực tài chính cũng như kỹ năng tổ chức: các giải pháp hỗ trợ.

Các giải pháp hỗ trợ

Để tăng cường tính đa dạng và mang đến nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh có thu nhập thấp, các trường nên xem xét việc cung cấp các hình thức hỗ trợ một cách thích hợp trước, trong và sau khi nhập học. Đây cũng là cách mà Đại học Fulbright Việt Nam đang áp dụng để thực hiện sứ mệnh của mình đối với xã hội Việt Nam.

Để thu hẹp khoảng cách về cơ hội tiếp cận thông tin, Fulbright tổ chức nhiều hoạt động thông tin và tuyển sinh tại các trường trung học trên khắp cả nước. Chương trình thăm điểm trường nhằm mục đích đặt Fulbright trong tầm với của bất kỳ học sinh nào cho dù việc học tập tại đây thoạt nhìn có thể vượt quá khả năng chi trả của gia đình các em, bằng cách cung cấp cho các em những thông tin chính xác và những hướng dẫn cần thiết để các em hiểu rõ các cơ hội hỗ trợ tài chính và quy trình tuyển sinh.

Bên cạnh đó, Fulbright cũng sắp xếp xe buýt đưa đón học sinh từ những tỉnh thành lân cận đến tham gia các sự kiện tuyển sinh, thường được tổ chức tại các thành phố lớn và ngay tại khuôn viên trường. Những hoạt động này mang đến cho học sinh THPT cơ hội trải nghiệm đời sống sinh viên thú vị tại Fulbright, các hoạt động ngoại khóa cũng như tham gia các lớp học thử do giảng viên đại học và sau đại học giảng dạy.

Hai năm trở lại đây, dù đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động tuyển sinh truyền thống kể trên gặp trở ngại, Fulbright vẫn nỗ lực hết sức để tiếp cận trực tiếp với các bạn học sinh trên khắp cả nước thông qua các hội thảo trực tuyến, lớp học thử trực tuyến phối hợp tổ chức cùng các trường phổ thông nơi các bạn đang theo học.

Với những bạn quan tâm và mong muốn được học tập tại Fulbright nhưng chưa tự tin về khả năng học tập, điều kiện tài chính gia đình hoặc còn lạ lẫm với quy trình tuyển sinh và xét hỗ trợ tài chính của Fulbright, Đội ngũ Tuyển sinh luôn sẵn sàng trợ giúp, tư vấn.

Quy trình tuyển sinh tại Fulbright truyền cảm hứng bởi những trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ, nhưng được điều chỉnh để phù hợp với nền tảng văn hóa, xã hội và giáo dục của Việt Nam. Nhận thấy sự chênh lệch đáng kể về trình độ giáo dục trong nước, Đại học Fulbright đã thiết kế một bộ hồ sơ độc đáo và thú vị, cho phép mỗi ứng viên thể hiện bản sắc cá nhân của mình. Quy trình xét tuyển của Fulbright cũng được thiết kế sao cho ứng viên được đánh giá một cách công bằng nhất, bất kể vị thế kinh tế xã hội.

Fulbright cũng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam cung cấp hỗ trợ tài chính dựa trên gia cảnh của sinh viên. Mức hỗ trợ tài chính được trao hoàn toàn trên cơ sở điều kiện tài chính của gia đình mà không xét đến thành tích học tập của sinh viên. Gói hỗ trợ tài chính này bao gồm cả học phí và các chi phí sinh hoạt khác, tạo cơ hội cho những sinh viên có thu nhập thấp theo học tại Fulbright.

Sau khi nhập học, sinh viên Fulbright còn nhận được nhiều hình thức hỗ trợ khác, giúp các bạn vượt qua những mặc cảm nếu có và hoàn thành chương trình học bốn năm tại Fulbright một cách tốt nhất. Tại Fulbright, những sinh viên còn chưa tự tin về khả năng ngoại ngữ của mình có thể tham gia Chương trình Cầu nối, một khóa học ngắn kéo dài bảy tuần được tổ chức vào mùa hè nhằm giúp các bạn trau dồi tiếng Anh trước khi năm học chính thức bắt đầu. Trong suốt bốn năm, nếu sinh viên gặp khó khăn trong học tập hoặc các vấn đề cá nhân, đội ngũ Hỗ trợ Học thuật và Trung tâm Sức khỏe Tinh thần luôn sẵn sàng giúp đỡ qua các buổi tư vấn và định hướng.

Tại Fulbright, chúng tôi tin rằng kiến ​​thức là dành cho tất cả mọi người và mọi học sinh, sinh viên đều có quyền tiếp cận giáo dục, bất kể gia cảnh hay vị thế xã hội. Vẫn còn đó một hành trình dài để tiến tới bình đẳng trong giáo dục, nhưng mọi hành trình đều phải bắt đầu từ những bước đầu tiên.

Thạch Thảo

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer