Tin Tức

Tranh biện và hành trình xuyên qua nỗi sợ hãi

image

Trong cuộc thi Nhà vô địch Tranh biện châu Á (UADC 10) diễn ra tháng 6 vừa qua, đội Fulbright với sự tham dự của ba sinh viên: Phan Thục Anh, Phan Hoàng Dũng, Nguyễn Như Phương Anh trở thành đội đầu tiên trong số các đội chơi Việt Nam vượt qua vòng đấu loại trực tiếp EFL (tiếng Anh là Ngoại ngữ), và dừng chân ở Vòng tứ kết.

Dưới đây là những chia sẻ của Phan Thục Anh về chặng hành trình vừa qua.

Như thế nào là tranh biện?

Tranh biện như một nghệ thuật

Tôi từng cực kì sợ hãi và căm ghét việc tranh biện. Nhưng giờ tôi phải thừa nhận rằng, tranh biện, theo một nghĩa nào đó, là nghệ thuật của sự thuyết phục. Để những lập luận của đội mình đủ sức chinh phục khán giả, người tranh biện phải trải qua hai giai đoạn phức tạp: chuẩn bị và trình bày.

Đầu tiên trong giai đoạn chuẩn bị kéo dài 30 phút, nhà tranh biện cần huy động tất cả vốn kiến thức cũng như các kỹ năng về tư duy phản biện và suy nghĩ logic. Trong khoảng thời gian này, họ phải có khả năng xác định vấn đề cốt lõi của một bản khuyến nghị và nguyên do hợp lý để đưa vấn đề này lên “bàn tranh biện”.

Để làm được những điều đó, đòi hỏi người tham gia ít nhất phải có một số hiểu biết cơ bản về các vấn đề thế giới và tư duy phản biện. Tiếp theo, nhà tranh biện vận dụng tư duy logic và tư duy phân tích để triển khai lý lẽ nhằm ủng hộ hay phản bác bản khuyến nghị. Lý lẽ đưa ra yêu cầu phải mạch lạc, dựa trên bằng chứng rõ ràng, và thể hiện thành công sự kết nối giữa những phần của nó.

Sau quá trình chuẩn bị, các “chiến binh” tiến thẳng vào “cuộc chiến” tranh biện. Phần này là sự kết hợp phức tạp giữa kỹ năng nghe hiểu, tư duy phản biện và tổng hợp với khả năng nói trước công chúng và vận dụng ngôn ngữ cơ thể linh hoạt.

Người tham dự cùng một lúc phải “tiêu hóa” các nội dung đối thủ tung ra và nảy ra những luận điểm phản bác thuyết phục cũng như sắp xếp lý lẽ của mình. Khi nhà tranh biện bước lên bục trình bày, họ nên kiểm soát chặt chẽ những điều họ nói và khai thác ngôn ngữ cơ thể của mình như giao tiếp bằng mắt, dùng cử chỉ, giọng điệu, tốc độ nói… phù hợp.

Bên cạnh tài năng thiên bẩm, một nhà tranh biện thành công cần có kỉ luật và tập luyện trong thời gian dài. Điều này khiến tôi có những ý nghĩ như sau…

Từ trái sang: Phan Thục Anh, 
Nguyễn Như Phương Anh, Phan Hoàng Dũng.

Tranh biện như một môn thể thao

Với bản thân tôi, tranh biện đích thực là một môn thể thao, vì nó đòi hỏi quá trình đào tạo, luyện tập và làm việc nhóm đặc biệt khắt khe. Nhà tranh biện phải vô cùng hòa hợp trong cách làm việc với đồng đội, cũng như huấn luyện viên của mình.

Giống như bất kỳ môn thể thao nào khác, tranh biện đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, chiến lược và kinh nghiệm thực chiến. Tranh biện là trận đấu của thắng, thua và tận dụng mọi khoảnh khắc. Do đó, người tham dự có cơ hội nâng cao kỹ năng, trí thông minh, sự nhạy bén, lòng quyết tâm, tính kiên trì và ý chí kỷ luật. Tóm lại, tham gia tranh biện cũng có lợi như chơi bất kỳ môn thể thao nào.

Làm việc nhóm trong quá trình tranh biện

Tranh biện có nhiều hình thức, như một người có thể lập thành một đội, nhưng vì chúng tôi chọn Hình thức Nghị viện châu Á nên chúng tôi phải học cách chơi theo một đội 3 người.

Trước hết, chúng tôi cần am hiểu điểm mạnh và điểm yếu của nhau để phân bổ các vị trí một cách tối ưu. Chúng tôi thử tất cả các khả năng sắp xếp có thể trước khi thống nhất phương án cuối cùng. Trong suốt quá trình luyện tập, chúng tôi rèn tính nhẫn nại với những điểm chưa hoàn hảo của đồng đội và kiên trì với quá trình học tập từng bước của bản thân.

Chúng tôi cũng học cách để ý theo dõi phần trình bày của đồng đội để vào cuối buổi có thể đưa ra những góp ý xây dựng. Những phản hồi và góp ý liên tục như thế này giúp chúng tôi phát triển và cải thiện các kỹ năng một cách đáng kể.

Hành trình đi xuyên nỗi sợ hãi

Không thể phủ nhận rằng ngay từ nhỏ tôi đã khiếp hãi việc tranh biện. Tôi luôn gặp khó khăn trong việc biểu đạt suy nghĩ của mình cũng như trong việc tranh luận để ủng hộ hay phản đối ý kiến nào đó. Tôi hầu như không thể tranh cãi với chị gái của mình và luôn kết thúc bằng việc khóc tấm tức.

Tôi cũng hiếm khi có thể trình bày mạch lạc một vấn đề nếu không chuẩn bị “đến tận răng” từ trước. Và chỉ một năm cách đây, khi nộp đơn vào Fulbright, tranh biện chính là câu trả lời của tôi cho phần “Khó khăn trong học tập”.

Nhưng giờ tôi đang ở đây – tham gia giải đấu (quốc tế) đầu tiên về tranh biện. Điều gì đã đưa tôi đến đây? Tôi nhận ra rằng tôi sợ tranh biện vì lẽ khi tôi còn là một đứa bé đang đánh vật với từ ngữ, không ai ở đó để giúp tôi. Không có cánh tay nào đưa ra và tôi không cách nào tống khứ nỗi sợ hãi của mình.

Tôi không biết cách khắc phục vấn đề này. Tôi chỉ cố chạy trốn khỏi nó và để nỗi sợ càn quét bản thân. Sợ hãi, ngày qua ngày, trở thành căm ghét. Tôi ghét tranh biện và ghét tất cả những ai thích tranh biện. Tôi thấy tranh biện là vô nghĩa, cực đoan và không cần thiết.

Thời gian trôi và tôi dần nhận ra tôi ghét tranh biện vì tôi không thể làm điều đó, và để làm những việc trước đây tôi không thể làm, tôi phải vượt qua “rào chắn” do mình dựng nên.

Có một khoảnh khắc, giọng nói bên trong thúc giục tôi: “Đối mặt với chúng, đương đầu với tất cả, vượt qua nỗi sợ hãi, làm những thứ mình ghét nhất, làm những thứ mình sợ hãi nhất. Và tốt hơn là mình nên giỏi tranh biện.” Và tôi cứ đi theo tiếng gọi đó.

Tôi không hề tự hào thú nhận rằng tôi đã căng thẳng kinh khủng trong suốt hai tuần ở Hà Nội. Lần đầu tiên trong đời, tôi trải nghiệm cảm giác mất ngủ, lo lắng, sợ hãi, chán ăn, thất vọng và cáu kỉnh.

Khoảng thời gian tập luyện với tôi vẫn còn chịu đựng được, nhưng mỗi lần chúng tôi bước vào một cuộc tranh biện, tất cả sự khó chịu và bực bội lại trào lên. Nhưng tôi vẫn kiên trì tham dự các cuộc tranh biện với đội của mình. Tôi tự nhủ với bản thân “mình có thể làm được, mình phải làm được, mình nên làm được”.

Trước khi trận đấu bắt đầu, mỗi giây trôi qua tôi đều cảm nhận sức nặng đang đè lên cơ thể: đầu đau, toàn thân run rẩy, tim đập bình bịch trong lồng ngực. Trước lúc giờ G điểm, tôi thấy nỗi sợ xé toạc bản thân mình ra. Tôi cố tìm nhiều cách để đương đầu với trạng thái choáng ngợp này: Tôi hát, tôi nhảy, tôi nghe nhạc. Tôi thầm thì với bản thân “chỉ một lần nữa thôi”.

Nhưng có một điều tôi tự hào về mình – là khả năng chặn đứng tất cả cảm xúc ngay khoảnh khắc bước vào cuộc tranh biện. Lúc đó, tôi tập trung toàn bộ tâm trí vào nhiệm vụ và làm tốt hết mức có thể. Sau mỗi vòng đấu, tôi vô cùng mãn nguyện khi nhìn đứa trẻ bên trong mình và reo lên đắc thắng, “aha, mình lại làm được rồi”.

Càng tranh biện nhiều, tôi càng hiểu cách làm và càng kiểm soát nó tốt hơn. Tuy nhiên căng thẳng không hề biến mất, trước mỗi vòng đấu nó đều quay trở lại và ám ảnh tôi. Sau này tôi so sánh những khoảnh khắc đó với việc “nhảy ào ra khỏi máy bay và lao bổ xuống khoảng không 9 lần và cứ thế…”

Sau giải đấu, nhờ thiền định và suy ngẫm tôi trở lại bình thường và thoát khỏi trạng thái căng thẳng. Nhưng tôi rất hiểu rằng: mối đe dọa do căng thẳng gây ra là có thật. Bây giờ, hơn bao giờ hết, tôi thấy lo lắng cho những người không nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc cần thiết để đương đầu với tình trạng căng thẳng.

Từ những trải nghiệm của mình ở UADC, tôi nhận ra có lẽ căng thẳng đã giết đi phần nào đứa trẻ bên trong tôi, nhưng nó cũng cho “đám tro phượng hoàng” để tôi được “tái sinh” và giải phóng bản thân khỏi lo lắng. Một cô gái lão luyện về tranh biện vẫn chưa xuất hiện nhưng đứa trẻ từng khóc tấm tức vì bất lực đã thay đổi.

Giờ đây, cô gái ấy có thể đứng vững để đối mặt với con quái vật bên trong mình, biết rằng đó không còn là con quái vật gớm ghiếc nữa – mà là một phần đời mới của cô. Cô biết mình có thể làm được, cô có đủ sự hỗ trợ và hướng dẫn. Câu hỏi duy nhất còn sót lại là làm thế nào để cô cải thiện năng lực bản thân.

Thục Anh và đồng đội tập luyện trước trận đấu.

Hai đồng đội Dũng và Phương Anh từng hỏi tôi rằng: tranh biện có dành cho tất cả mọi người? Và tôi trả lời: “Có. Người ta có thể làm những việc họ căm ghét và lớn lên từ đó, chỉ cần đảm bảo rằng họ đủ sức chịu đựng, sự dẻo dai và phương tiện để vượt qua.”

Về tương lai và những bước đi kế tiếp

Trong quá trình luyện tập, một số câu hỏi trở đi trở lại với tôi: Tại sao ở Việt Nam văn hóa tranh biện vẫn còn hạn chế? Chúng ta muốn phát triển nó như thế nào? Làm thế nào để thay đổi nó?” Tôi muốn thực hiện nghiên cứu cẩn thận và chi tiết hơn về vấn đề này, nhưng hiện tại tôi nghĩ là:

Tranh biện có thể không phải lúc nào cũng tốt do bản chất cực đoan của nó, tuy nhiên không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc biểu đạt suy nghĩ của bản thân một cách hiệu quả. Sinh viên Việt Nam vô cùng sáng láng và sở hữu nhiều khả năng tiềm ẩn, nhưng phần lớn họ vẫn gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân.

Họ không thể trình bày những gì họ nghĩ, không thể thu phục trái tim người khác, không thể chiến đấu cho chính kiến của họ. Và mọi thứ cứ mãi như vậy – tiếng nói của họ không được nghe thấy, tài năng của họ bị tắt lịm và tiềm năng của họ đứng chết trân.

Để thay đổi tình trạng này không hề dễ dàng. Mặc dù là một trong những thành phố đứng đầu cả nước, nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng tranh biện hầu như không tồn tại, nếu có chỉ vài nhóm nhỏ lẻ tẻ đếm trên đầu ngón tay.

Thậm chí ở Hà Nội – nơi cộng đồng tranh biện phát triển mạnh mẽ hơn thì nó vẫn không đủ khả năng cung cấp những nền tảng chính thức để xây dựng các lớp tranh biện hiệu quả và chuẩn hóa.

Lúc đầu, tôi xem xét chất lượng những đội tranh biện đã được thành lập từ trước ở Việt Nam. Nhưng tôi sớm phát hiện ra rằng khả năng của những đội này chỉ bằng 1/5 so với những đội quốc tế khác, ví dụ như Đại học Quốc gia Úc (ANU), có thể làm được.

Kỹ năng tranh biện của họ, bao gồm cả lợi thế tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, đã khiến trận đấu được nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới. Nhưng đó không phải là tất cả. ANU không phải là đội xuất sắc nhất ở Úc và Úc chỉ là một phần nhỏ trong cộng đồng tranh biện trên thế giới. Việt Nam đứng ở đâu?

Tuy nhiên sẽ thật thiếu sót nếu tôi không nhận thấy tiềm năng tranh biện của Việt Nam đang nở rộ. Lấy học sinh của Vinschool làm ví dụ: trình độ tiếng Anh, sự tự tin và bản lĩnh của họ thật sự ấn tượng. Olympia và Trường Teen là những ví dụ khác chứng minh cho “đợt sóng mới” của sinh viên tích cực tham gia tranh biện.

Đợt sóng này gồm một loạt các sinh viên từ cả trường tư thục, công lập, và trường nội trú. Họ trải qua nhiều ngày đêm trên các chuyến tàu để đến được địa điểm thi đấu và biến tranh biện thành một phần vững chắc trong cuộc sống của họ.

Thục Anh tự tin trong buổi gặp gỡ các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

Có một vấn đề là sinh viên Việt Nam muốn tranh biện thường phải tìm nguồn đào tạo bên ngoài trường học. Những cơ sở giáo dục của chúng ta đang làm gì?

Và quay trở lại nơi tôi học, Fulbright đang làm gì?

Một điều căn bản mà chắc chắn chúng tôi có thể thực hiện là phát triển và cải thiện câu lạc bộ Tranh biện Fulbright – do sinh viên Hoài Linh và Trang Quách của Fulbright sáng lập. Huyền Nguyễn, tân sinh viên sắp tới của chúng tôi, cũng sẽ tham gia góp sức củng cố môi trường tranh biện ở Fulbright.

Câu lạc bộ hướng đến thành lập ít nhất 2 đội tranh biện, tìm kiếm huấn luyện viên, kết nối và hợp tác với cộng đồng tranh biện trong nước và quốc tế, và tham dự các giải đấu khác nhau để tích lũy kinh nghiệm. Câu lạc bộ cũng có thể tổ chức các buổi workshop và thực hành tranh biện thường xuyên cho cộng đồng.

Bên cạnh nỗ lực thành lập câu lạc bộ Tranh biện, Fulbright nên hướng tới việc gắn tinh thần tranh biện vào quá trình học tập của sinh viên. Những lựa chọn có thể cân nhắc là tiến hành nghiên cứu về phát triển giáo dục tranh biện dành riêng cho Việt Nam, khuyến khích sinh viên áp dụng các kỹ năng biện luận và tranh biện trong lớp học (đây là điều chúng tôi đã đề xuất trong năm Đồng kiến tạo) và đứng ra tổ chức các giải đấu tranh biện.

Lời kết

Như trên đã nói, nhóm chúng tôi hy vọng sẽ tận dụng tốt những kinh nghiệm của mình để là khởi điểm giúp Fulbright thiết lập môi trường giáo dục tranh biện. Hành trình của Fulbright cũng như cộng đồng tranh biện của Fulbright chỉ vừa mới bắt đầu, và chúng tôi mong mỏi nhận được sự đồng hành, hỗ trợ và tham gia của mọi người trong suốt chặng đường sắp tới. XIN CẢM ƠN.

Phan Thục Anh

Kết nối với chúng tôi

image

VAI TRÒ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH BẢO TRỢ XÃ HỘI TRONG VIỆC GIẢM TÍN DỤNG ĐEN. Trong thời gian qua nạn tín dụng đen nổi lên gây bức xúc trong xã hội. Các biện pháp giải quyết hiện tập trung vào triệt phá các nhóm cho vay nặng lãi và nỗ lực cải cách hệ thống tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Những chính sách này là phù hợp nhưng liệu đã đủ? Liệu có thể giải quyết được tận gốc nguyên nhân phát sinh nạn tín dụng đen? Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, sẽ mang đến góc nhìn sâu hơn về vấn đề này. -- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. 👉Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 📌Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer