Tin Tức

Tiến sĩ Hoàng Hà Thi: Tìm nơi mình thuộc về

image

Hoàng Hà Thi lý giải cái tên “là lạ” mẹ đặt cho do bà là người yêu thi ca – người viết văn ấm áp lãng mạn. Xuất thân là nhà giáo, bà coi trọng giáo dục nhân cách và gieo vào trái tim con cái triết lý sống, làm những việc tốt đẹp vì mọi người. Ảnh hưởng sâu sắc mẹ từ nhỏ, Hoàng Hà Thi chọn học ngành y khoa với mong ước làm bác sĩ, chữa bệnh cứu người. Những hoài bão khoa học đưa anh từ một bác sĩ lâm sàng bước vào con đường nghiên cứu, trở thành nhà khoa học thần kinh và sinh học phân tử; cho đến khởi nghiệp, làm doanh nhân đầu tư mạo hiểm công nghệ sinh học. Hoàng Hà Thi luôn bắt đầu bằng những ý tưởng – như anh mô tả – ngây thơ, hoặc thật điên rồ để được trải nghiệm những giấc mơ lớn của khoa học hay phiêu lưu táo bạo trong khởi nghiệp.

Hoàng Hà Thi thụ hưởng giáo dục của Đức từ bé. Từ 5 tuổi, Hà Thi sang Đức định cư theo gia đình. Bố của anh làm về vật lý lượng tử và mẹ là một nhà giáo dạy Văn tại Hà Nội. Cuộc di cư từ thập niên 80 thế kỷ trước buộc họ phải từ bỏ nghề nghiệp, mưu sinh kinh tế ở đất nước mới bằng công việc khác. Nhưng sinh kế nhọc nhằn không làm họ phai nhạt nền tảng của một gia đình trí thức và ảnh hưởng tích cực đến con cái. Khi định hướng nghề nghiệp, Hoàng Hà Thi theo học ngành y khoa tại Đại học Free, Berlin, Đức với mong muốn trở thành một bác sĩ, như một lẽ tự nhiên nối nghiệp gia đình khi người thân bên ngoại của anh hầu hết đều làm ngành y, riêng ông ngoại lại là cháu mấy đời của danh y Hải Thượng Lãn Ông.

“Khi học y khoa, tôi rất quan tâm đến não bộ. Để hiểu con người, chúng ta phải hiểu được bộ não. Nhưng khi làm việc trong bệnh viện, tôi nhận ra có nhiều bệnh liên quan đến não nhưng những hiểu biết về não bộ còn hạn chế” – Hoàng Hà Thi chia sẻ. Khoa học thần kinh não bộ đặc thù khó nhưng lại không kết nối với thực tiễn của người bệnh. Anh nhận ra khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học, thậm chí cảm thấy “thất vọng”.

“Tôi quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu với hy vọng có thể tìm ra những phương pháp điều trị những căn bệnh kinh niên về não như Alzheimer’s (một bệnh về não gây ảnh hưởng đến suy nghĩ hành vi và trí nhớ, hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để). Nghe như tôi là kẻ ngây thơ. Nhưng những nghiên cứu căn bản nhiều khi thường rời xa con người. Tôi có lợi thế xuất phát từ lâm sàng nên xác định rõ hướng đi của mình đứng giữa giao thoa nghiên cứu và ứng dụng vào cuộc sống” – Hà Thi chia sẻ. Anh muốn thực hiện những nghiên cứu tiền đề, góp phần tạo ra những thuốc điều trị mới cho các bệnh liên quan đến thần kinh, não.

Phiêu lưu những giấc mơ

Hoàng Hà Thi dành trọn những năm tháng tuổi trẻ đầy năng lượng theo đuổi nghiên cứu khoa học tại những cái nôi đỉnh cao học thuật thế giới về khoa học thần kinh. Anh hoàn thành nghiên cứu Tiến sĩ về Khoa học Thần kinh và Sinh học Phân tử tại Phòng Nghiên cứu Sinh học Phân tử MRC nổi tiếng thế giới, trực thuộc Đại học Cambridge, Anh Quốc. Đây là cái nôi của sinh học phân tử hiện đại, là nơi sản sinh ra 11 giải Nobel trong 60 năm qua. Tại Cambridge, những khám phá của anh đã đặt nền móng cho các nỗ lực nghiên cứu và phát triển thuốc tân dược mới của các hãng dược lớn. Anh cũng là học giả nghiên cứu tại các tổ chức học thuật y khoa hàng đầu của Mỹ như Đại học Yale, Đại học Y khoa Harvard. Trong sự nghiệp nghiên cứu, Hoàng Hà Thi đã công bố các công trình nghiên cứu liên quan phương pháp chẩn đoán sớm đa xơ cứng, một bệnh ảnh hưởng đến tế bào thần kinh ở não và tủy sống rất phổ biến; đóng góp trong các nghiên cứu về chứng rối loạn não bộ ở trẻ như chứng động kinh, thiểu năng trí tuệ; các nghiên cứu về sự chết đi của các tế bào thần kinh trong căn bệnh Alzheimer…

Hoàng Hà Thi và bạn bè chụp ảnh kỷ niệm tại lễ nhận bằng Tiến sĩ, Đại học Cambridge, Anh Quốc

“Tôi muốn đến những nơi này để tận dụng các cơ hội, nguồn lực, mạng lưới của giới nghiên cứu thế giới. Để làm nghiên cứu, điều quan trọng nhất không phải bạn thông minh bao nhiêu mà bạn phải có rất nhiều nguồn lực. Những tổ chức học thuật này đặc biệt vì ở đó có nhiều nguồn lực khổng lồ dành cho nghiên cứu. Thực tế, có rất nhiều tiền đổ vào các nghiên cứu không có ý nghĩa nhiều trong ứng dụng. Bản thân tôi đến Harvard với mục đích tìm kiếm cơ hội, nguồn lực dành cho các nghiên cứu khả thi thương mại hoá. Nếu có những nghiên cứu hữu ích, thú vị, bạn có thể tìm kiếm nguồn lực ở những nơi như vậy để thực hiện. Những nghiên cứu về phương pháp điều trị có giá trị nhất, sau cùng là những nghiên cứu gắn với thực tiễn cuộc sống, tạo ra những tác động cho người bệnh.” – Hà Thi chia sẻ.

Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công, Hoàng Hà Thi muốn dừng lại công việc nghiên cứu và lao vào khởi nghiệp.  Anh muốn hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu, tạo ra thuốc chữa trị cũng như phương pháp điều trị. Thành lập 2 công ty công nghệ sinh học, trong đó một công ty đặt tại Áo và một công ty hoạt động tại London (Anh), Hà Thi từng nếm mùi thất bại chập chững khởi nghiệp. Công ty tại London phải đóng cửa sau hai năm hoạt động nhưng công ty tại Áo vẫn trụ vững và hoạt động tốt. Do y dược là lĩnh vực đặc thù, Hà Thi chọn hướng đi tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm, làm vai trò tư vấn cho các công ty đầu tư khởi nghiệp.

“Thay vì chờ đợi, thay vì bị động, hay chờ đợi các nghiên cứu mới xuất hiện, tôi muốn mình chủ động…” – Hà Thi chia sẻ. Ở Mỹ, anh kết nối với cộng đồng đầu tư mạo hiểm ở Boston và tham gia vào Flagship Pioneering, một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên xây dựng các công ty công nghệ sinh học với những ý tưởng khoa học mang tính đột phá. Một trong những công ty Flagship Pioneering rót vốn đầu tư cách đây 10 năm là Moderna, Inc, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở đặt tại Cambridge, Massachusetts. Ngày nay công ty này nổi danh toàn cầu với thương hiệu vaccine ngừa Covid-19 Moderna, giúp bảo vệ mạng sống hàng trăm triệu người trước dịch bệnh Covid nguy hiểm hoành hành khắp thế giới.

“Flagship Pioneering cho tôi cơ hội làm việc với nhiều nhà khoa học từ các ngành khoa học, chuyên môn khác nhau. Chúng tôi cùng tham gia vào những ý tưởng, có thể nói điên rồ và đôi chút ngây thơ hình thành những công ty công nghệ sinh học mới như vậy. Nhưng chúng tôi đã có những cơ hội trao đổi về những viễn cảnh ở giai đoạn khởi thủy của những ý tưởng, như thể chúng tôi đang mơ những giấc mơ lớn. Tôi đã đóng góp cho việc hình thành hai công ty khởi nghiệp trong hình thái như vậy”.

Hơn một thập kỷ khởi nghiệp ngành y từ công việc bác sĩ chữa bệnh, rồi trở thành một nhà khoa học thần kinh và sinh học phân tử, một nhà tư vấn, một doanh nhân khởi nghiệp từ những hoài bão mộng mơ, Hoàng Hà Thi bôn ba một hành trình phiêu lưu kỳ lạ, khác thường.

“Hầu hết các bạn học của tôi đã trở thành bác sĩ thành đạt. Họ có một cuộc sống ổn định, nhà cửa và cơ sở hành nghề. Tôi lại chọn cho mình một hành trình di chuyển khắp nơi trên thế giới, một lựa chọn cuộc sống ít an toàn hơn, mạo hiểm hơn. Nhưng lựa chọn này phù hợp với tính cách thích phiêu lưu của tôi. Một hành trình phiêu lưu luôn chứa đựng những trải nghiệm độc đáo, cho phép tôi làm những công việc thực sự thú vị. Tôi có thể nhìn về bệnh tật, y học không chỉ từ góc nhìn của một bác sĩ y khoa, mà còn từ góc độ một nhà khoa học hay góc độ một doanh nghiệp”.

Khối mâu thuẫn về bản sắc

Năm 2019, chuyến đi trở lại Việt Nam hai tuần của Hà Thi khởi đầu cho một ngã rẽ sự nghiệp anh không ngờ tới. Thi rời Việt Nam khi quá nhỏ nhưng không vì thế kết nối với quê hương bị xóa nhòa. Mẹ của anh có “vũ khí” ngăn cản xa cách, kết nối cội nguồn là ẩm thực. Những món ăn truyền thống của Việt Nam, những món ngon đặc trưng của người Hà Nội tạo không khí, niềm vui cho gia đình suốt những năm tháng tuổi thơ. Tình yêu ẩm thực của mẹ lan toả, ngôn ngữ mẹ đẻ không làm cho anh quên nơi sinh ra nhưng ý niệm sâu sắc về bản sắc gốc gác lại đi qua một hành trình thật dài. Hành trình đó đi qua những khúc xung đột mơ hồ, với những mâu thuẫn âm ỉ len lỏi không dễ nhìn ra thẳng băng như việc Thi đặt mục tiêu rời Berlin đến Cambridge hay Harvard để thỏa mãn đam mê nghiên cứu khoa học.

“Sống và lớn lên ở châu Âu, tôi ảnh hưởng bởi môi trường đa dạng nuôi dưỡng tư duy cởi mở. Tôi có bạn bè khắp nơi trên thế giới, điều khiến tôi vô cùng hạnh phúc vì giúp mình trải nghiệm, hình thành một tư duy, tầm nhìn khoáng đạt, rộng mở, cả trong những suy tư về sự tồn tại sống. Điều gọi là “tư duy quốc tế”, “tư duy toàn cầu” được nuôi dưỡng đã giúp những đứa trẻ thuộc nền văn hóa thứ ba như tôi, sống và lớn lên trong một quốc gia, một nền văn hóa khác biệt với nền văn hóa gốc của bố mẹ, hoà nhập và thích ứng một cách thuận lợi. Nhưng đã có một điều mơ hồ len lỏi” – Thi kể. Xung đột diễn ra khi đến tuổi mới lớn, anh nhận thấy bạn bè người Việt ở Đức có xuất thân như mình có xu hướng khép kín trong cộng đồng riêng, không thể cởi mở với những văn hoá khác biệt. Những người bạn chỉ quanh quẩn với chính họ khiến Thi khó hiểu.

“Điều đó làm tôi thấy khó kết nối với họ và quyết định rằng, mình không thuộc về thế giới đó. Bởi tôi luôn muốn tư duy mình rộng mở và phát triển cởi mở với bên ngoài” – Thi nói.

Hào hứng với tuổi trẻ bôn ba bồi đắp trải nghiệm tri thức, khi thế giới đã quen thuộc trong tâm thức, Thi nhận ra bản thân rơi vào mâu thuẫn nội tâm ngày một rõ hơn: “Rốt cuộc mình là ai? Mình thuộc về nơi nào?”. Chất xúc tác làm cho những mâu thuẫn âm ỉ len lỏi nội tâm bị phơi bày khi một ngày Thi  trở lại quê hương, nói tiếng Việt, ăn những món ăn đường phố, uống cà phê sữa, trò chuyện cùng một ngôn ngữ với những người cùng sinh ra trên một đất nước. Khi ngồi trên máy bay rời Việt Nam trở lại Boston, Thi nhận ra những trải nghiệm “về nhà” là một cú sốc tinh thần. Nó sáng tỏ những yêu thương nuôi dạy con theo tư duy truyền thống của người Việt của bố mẹ, mà khi lớn, có đôi lúc Thi từng nghĩ không chút kết nối.

“Tôi rời Việt Nam với một cú sốc. Tôi nhận ra đã yêu Việt Nam đến nhường nào. Khi ngồi trên máy bay, tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi không phải người dễ dàng phơi bày nước mắt đến thế” -Thi kể.

Sau chuyến đi trở lại Việt Nam, Thi ghi chép lại những cảm xúc và chia sẻ với bạn bè trên trang cá nhân: “Định nghĩa về nguồn cội và bản thân luôn là một thách thức đối với Thi. Là Thi “mất gốc”, hay Thi là con người của tự do? Có phải Thi sẽ mãi mắc kẹt giữa ranh giới của cả hai điều đó? Thi thấy mình như đang phải tìm kiếm những mảnh ghép còn thiếu cho một bức tranh khổng lồ với hy vọng một ngày nào đó bức tranh ấy sẽ hiển lộ những hình khối rõ ràng với những màu sắc tươi sáng và hài hoà. Nhưng chuyến đi trở về Việt Nam đã giúp Thi mường tượng ra bức tranh đó. Điều này vượt quá sự mong đợi. Bằng việc kết nối với người thân, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ Thi được học những năm đầu đời, thưởng thức ẩm thực tuyệt vời nơi đây, đặt chân đến một vài phần rất nhỏ của dải đất hình chữ S xinh đẹp, và hơn hết có những mối liên hệ sâu sắc với bạn bè Việt Nam, Thi đã phần nào có thể khám phá ra và tìm lại sợi dây liên kết với phần con người Việt, bản sắc Việt bên trong mình”.

Hà Thi bắt đầu kết nối các dự án với Việt Nam mà anh cho rằng “bản sắc cá nhân đi kèm trách nhiệm”. Khởi đầu là dự án thiện nguyện hỗ trợ học sinh sinh viên nghèo đi học được Thi giới thiệu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai và dự án hợp tác giữa Viện nghiên cứu hệ Gen tại Hà Nội (Institute of Genome Research) và một công ty về hệ gen học có trụ sở tại New York để lập bản đồ các biến thể bệnh di truyền hiếm gặp ở các dân tộc thiểu số vùng cao Việt Nam. Dự án có mục tiêu thúc đẩy sự phát triển về nghiên cứu hệ gen tại Việt Nam, lâu dài sẽ giúp phát triển những phương pháp chữa bệnh mới.

Trong hai năm qua, Hà Thi tích cực tham gia các hoạt động kết nối, trao đổi chuyên môn trong nước, giúp đỡ, huấn luyện các bạn trẻ Việt Nam về học tập nghiên cứu… Sau những trải nghiệm này, Thi nhận thấy đến lúc trở về. Mùa Thu này, anh sẽ chính thức trở thành giảng viên toàn thời gian của Đại học Fulbright Việt Nam. Nghề giáo của mẹ với triết lý nhân sinh lấy con người làm trung tâm nay trở thành nghiệp chính của mình. Cho dù đến chân trời nào, Hà Thi luôn phân luồng trái tim ngoài tình yêu dành trọn cho y học, âm nhạc, giáo dục là một phần không thể tách rời.

Nắm bắt rủi ro, thích ứng bất định

Tiến sĩ Hoàng Hà Thi gia nhập Đại học Fulbright trong vai trò là giảng viên nòng cốt của Học viện YSEALI. Anh sẽ dành phần lớn thời gian giảng dạy cho các chương trình đào tạo của Học viện, đồng thời tham gia giảng dạy môn Khoa học tích hợp của Chương trình Cử nhân. Khoá học đầu tiên do anh dẫn dắt tại Học viện YSEALI có chủ đề “Định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp” sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Tại Học viện YSEALI, không chỉ làm việc với các nhà lãnh đạo trẻ tiềm năng của Đông Nam Á, anh coi đây là cơ hội tiếp tục học hỏi, quan sát và tìm những người đồng chí hướng khởi nghiệp. Hà Thi manh nha ý tưởng thông qua Học viện xây dựng năng lực cho Đông Nam Á trở thành một “Thung lũng Silicon” tiếp theo, hình thành các công ty đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của khu vực.

“Tôi không muốn các quốc gia Đông Nam Á chỉ được nhìn nhận, biết đến như một công xưởng sản xuất cho thế giới. Nơi đây, con người có đủ năng lực trí tuệ để xây dựng những sản phẩm thương hiệu riêng. Tôi hy vọng kết nối với những nhân tố có tư duy đột phá để cùng họ làm việc và thảo luận trong các khoá học tại Học viện YSEALI” – Tiến sĩ Hoàng Hà Thi chia sẻ. Anh mong muốn sẽ thu nạp những ứng viên có viễn kiến, tư duy cởi mở và khát khao thôi thúc làm những công việc có ý nghĩa mà họ tận tâm không chỉ riêng cho doanh nghiệp, mà cả cộng đồng, xã hội.

Tiến sĩ Hoàng Hà Thi cũng sẽ mang tinh thần khai phóng trong giảng dạy trong các môn học dành cho sinh viên cử nhân tại Đại học Fulbright. Đó là học từ trải nghiệm, nắm bắt rủi ro và thích ứng với sự bất định như những thực hành tất yếu cho việc khởi tạo một ý tưởng mới.

“Tôi nghĩ điều mình có thể làm trong giảng dạy sinh viên đó là dạy cho họ cách nắm bắt những rủi ro, thích ứng bất định, học cách thử nghiệm, tháo rỡ và lắp ráp những thứ xung quanh cuộc sống. Điều đó vô cùng quan trọng sau khi các em bước chân ra ngoài cuộc sống làm bất kể công việc chuyên môn, ngành nghề nào. Mỗi ngành khoa học giờ đây đều mang tinh thần liên ngành. Để thực hiện mỗi ý tưởng sáng tạo, trui rèn khả năng thích ứng với sự bất định là năng lực quan trọng cần thiết nhất trong một thế giới biến động ngày càng trở nên phức tạp” – Tiến sĩ Hà Thi lý giải.

Xuân Linh

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer