Tin Tức

Thuyết trình về Đạo đức Thế kỷ 21 của Giáo sư Harvard tại Đại học Fulbright (Phần 1)

image

[Phần 1]: Người tốt= làm những gì bạn giỏi + tránh những gì bạn dở?

Trong năm 2019, Đại học Fulbright ra mắt chuỗi Speaker Series/Diễn giả với công chúng với diễn giả đầu tiên là Giáo sư Michael Puett, Giáo sư Lịch sử Trung Quốc và Nhân học tại Đại học Harvard. Ông đã có bài thuyết trình với công chúng Việt Nam tại Đại học Fulbright về chủ đề “Đạo đức trong Thế kỷ 21”. Fulbright trân trọng giới thiệu bạn đọc nội dung của bài thuyết trình theo các hợp phần nối tiếp.

Có một góc nhìn về Đạo đức đã hoàn toàn thống trị ở Mỹ, gần đây lan rộng ra toàn cầu. Nhưng, trước tiên, tôi sẽ bắt đầu bằng cách nói đôi chút về Đạo đức được dạy khi lớn lên ở Mỹ. Những điều tôi nói ra đây, bạn sẽ thấy, nó đã tạo ra được tiếng vang trên toàn cầu. Vì đây là nước Mỹ, bạn sẽ không ngạc nhiên khi nghe rằng đạo đức được xây dựng hoàn toàn dựa trên cá nhân. 

Và đây là cách biện luận tôi được dạy:

Làm thế nào để trở thành một con người tốt? Rất đơn giản, hãy nhìn vào bên trong và tìm bản ngã, cái tôi đích thực, tìm con người thật của mình và khám phá mình thực sự là ai. Tìm hiểu mình giỏi, có tài năng gì, thiên phú của mình là gì, biết được mình không giỏi, không thực sự tài năng khi làm điều gì. Phải yêu bản thân và trân trọng bản thân cho dù mình như thế nào đi chăng nữa. Yêu những mặt tốt, yêu cả những mặt xấu vì đó chính là bản thân mình… Không chỉ được dạy như vậy, chúng tôi có hẳn một lộ trình/hình thức tổ chức hoàn chỉnh để giúp tôi tìm thấy bản thân mình.  

Ví dụ, tôi đã làm những bài kiểm tra để biết tôi là ai. Sau khi làm bài kiểm tra, bạn nhận được một tờ giấy cho ra kết quả mình thuộc kiểu người như thế nào, cùng với những giải thích về tính cách như là tuýp người nhút nhát hay cởi mở…Nó cho bạn biết bạn giỏi, tệ cái gì và cung cấp một danh sách những nghề nên theo đuổi dựa trên những thứ bạn giỏi, và cả một danh sách những công việc đừng mất công tìm hiểu nếu bạn không giỏi trong những lĩnh vực này. 

Ý nghĩa của việc làm bài kiểm tra là để biết mình giỏi và không giỏi cái gì, sau đó hướng cuộc đời vào những thứ mình giỏi. Khi vào đại học, bạn dành bốn năm tập trung sức lực vào những điều mình giỏi. Bạn được đào tạo để phát triển sự nghiệp và theo những định nghĩa được nghe về bản thân, bạn sẽ thành công trong công việc bởi vì nó được xây dựng dựa trên tính cách của bạn. Với những định nghĩa đó, bạn sẽ tránh được tất cả những thứ không hợp với mình, những thứ không đủ giỏi để làm. 

Tôi được rót vào tai như thế và bảo đây chính là đạo đức, vì nếu làm những thứ tôi đề cập trên, bạn sẽ có một sự nghiệp thành công. Bạn sẽ trở thành một người tốt bởi vì luôn luôn sống đúng với bản thân mình, đặt mình trong những tình huống có khả năng giải quyết, và không làm những thứ biết mình không giỏi.

Như vậy, nếu nhút nhát, bạn sẽ không đặt mình vào những tình thế buộc phải bày tỏ ý kiến. Hoặc nếu là người hướng ngoại, bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong những tình huống khi người ta cần ai đó lên tiếng, vì đó chính là bạn. 

Thực tế, không chỉ tôi được nói cho nghe những điều này, mà như tôi đã đề cập, các hình thức tổ chức cũng dựa trên ý tưởng này, và khi tôi học đại học, lạ lùng là chương trình giảng dạy cũng được xây dựng trên những điều này bởi vì bạn được theo sát để đảm bảo làm những việc dựa trên điểm mạnh.

Đến đây, bạn có thể suy ra từ giọng điệu tôi nói, hẳn tôi nghĩ điều này thật kinh khủng, vì một số lý do. 

Có lẽ tôi phức tạp hơn những thứ mà một tờ giấy kết quả nhỏ xíu của bài kiểm tra về mình cho biết. Khi cảm giác cách thức này có sự hạn chế, tôi tìm đọc về triết học toàn cầu, đọc về những ý tưởng ở khắp mọi nơi trên thế giới và bắt đầu nhận ra, có lẽ đây không chỉ là một cách suy nghĩ hạn chế, có lẽ quan điểm về đạo đức như thế này thực sự rất nguy hiểm. 

Tôi đọc nhiều hơn và bắt đầu có những nhìn nhận khác về Đạo đức, với những lập luận mạnh mẽ hơn nhiều. Có những quan điểm về cách trở thành người có đạo đức đã phát triển trong suốt chiều dài lịch sử thế giới và chúng mang đến sự khác biệt sâu sắc. 

Nhưng tôi muốn nói về một hướng suy nghĩ về cuộc sống và cách để trở thành người tốt theo cách khác, với quan điểm đưa ra phần lớn được phát triển trên nền tảng triết học châu Á, ít liên quan đến tuyên bố về việc đi tìm kiếm cái tôi đích thực và làm những thứ mình có năng khiếu bẩm sinh. 

Hãy để tôi gợi ý cho các bạn một số ý tưởng nảy sinh từ triết học châu Á về những điều thực sự khiến chúng ta là một con người.

Liệu khi sinh ra chúng ta đã có một cái tôi đích thực với những điểm mạnh và điểm yếu được quy định sẵn, và nên dành cả cuộc đời để yêu, trân trọng và sống theo tất cả những thứ đó? Không. Không hề!. 

Chúng ta là một mớ hỗn độn rối rắm của những năng lượng khác nhau và có thể phân loại chúng thành những thứ như hạnh phúc, giận dữ, buồn bã, vui sướng. Chúng là năng lượng bên trong và những thứ gọi là tính cách, thiên hướng, năng lực – tất cả những định nghĩa đó – khi con người sinh ra, hoàn toàn chưa được hoàn thiện. Những mớ hỗn độn rối rắm của những năng lượng là những thứ khiến chúng ta là con người. 

Khi còn nhỏ, chúng ta sống với những người khác ở xung quanh, tương tác với họ. Cách tương tác với họ tạo ra những cảm xúc khác nhau: vui, buồn, giận dữ, tùy thuộc vào những người chúng ta gặp. Từ khi còn rất nhỏ, chúng ta đã được dạy về cách cư xử, không phải vì được bảo phải hành động như vậy, mà vì chúng ta được nuôi dưỡng trong những nền văn hóa khiến chúng ta học những thói quen trong cách cư xử. 

Những thói quen đó hình thành trên những cảm xúc cố hữu, trở thành cách để trải nghiệm thế giới. Chúng ta trải qua những ngày trong cuộc đời chỉ đơn giản bằng cách lặp đi lặp lại những thói quen. Những thói quen sẽ tạo ra những phản ứng cảm xúc khác nhau và theo thời gian, chúng ta bắt đầu lặp lại những thói quen và khuôn mẫu đó vì thấy thoải mái về nó. 

Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã rơi vào lối mòn của những thói quen cư xử và lặp đi lặp lại chúng cho đến hết cuộc đời. Lặp lại những thói quen, lặp lại những khuôn mẫu, lặp đi lặp lại những phản ứng cảm xúc với thế giới xung quanh và chúng ăn sâu vào cách chúng ta hành động, cảm nhận, tương tác với những người xung quanh.

Tất cả những thứ này thêu dệt trong đầu chúng ta suy nghĩ, rằng tính cách chúng ta đơn giản như thế, hay kinh khủng hơn, khi lớn lên, chúng ta nghĩ chúng là cái tôi đích thực của mình. Những thói quen này liên quan đến hầu hết những thứ chúng ta định nghĩa là tính cách. 

“Tôi là kiểu người có thể trở nên giận dữ với những điều nhỏ nhặt”? Với câu hỏi kiểu này, có lẽ tôi là kiểu người có thể nổi giận với những điều tủn mủn, nhưng điều đó không liên quan đến việc tôi là ai, không liên quan đến bản ngã của tôi, thậm chí cũng không hề dính dáng gì đến tính cách của tôi. Chỉ đơn giản là khi còn bé, tôi rơi vào thói quen trở nên tức giận với mọi thứ. 

“Tôi thực sự có năng khiếu trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng.” Câu hỏi này có thể chính xác nếu xét về mặt kinh nghiệm. Đó là vì tôi có thói quen cho phép mình suy nghĩ thông suốt khi đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. 

Một ví dụ khác, “Tôi rất tệ trong việc xử lý các tình huống căng thẳng.” Điều này có thể chính xác về mặt kinh nghiệm nhưng không liên quan gì đến con người thật của tôi. Nó chỉ có nghĩa là khi còn rất trẻ, vì bất kì lý do nào đó, tôi rơi vào những tình huống căng thẳng và không thể xử lý rốt ráo. Khi lớn lên, tôi được dạy bảo hãy tuân theo con người thật của mình, xác định cuộc đời, sự nghiệp và tất cả mọi thứ dựa trên con người mình, dựa trên những thứ tôi giỏi và tránh làm những thứ tôi không có khả năng. 

Tìm ra những thói quen tích lũy từ lúc còn nhỏ với sự trợ giúp của những bài kiểm tra tính cách và dành cả cuộc đời để định nghĩa bản thân mình dựa trên chúng. Đó là những gì tôi được dạy bảo. Thậm chí còn rùng mình hơn khi tôi được bảo đây là cách để bạn có một cuộc sống hạnh phúc và thành công. Buồn cười hơn nữa, tôi được bảo đây còn là cách để bạn trở thành người có đạo đức. 

Không! Từ quan điểm này, những gì tôi được bảo chỉ là trở thành một sinh vật mãi mãi lặp đi lặp lại những thói quen giống nhau và không bao giờ phát triển thành một con người. Không bao giờ lớn lên như một con người. Thậm chí còn tệ hơn khi tôi sống trong một môi trường giáo dục bảo đây là điều nên làm. Tại sao chúng ta phải có giáo dục khi mục tiêu của giáo dục là dạy bạn cách tìm ra những khuôn mẫu của bản thân và gắn chặt với nó, đừng bao giờ thay đổi? 

Chỉ cần nhìn vào chính cuộc đời mình bạn sẽ thấy cuộc đời bạn đã lặp lại lặp lại những khuôn mẫu như nhau nhiều như thế nào. Tưởng tượng đến trường hợp khi chúng ta phân loại mọi người theo kiểu: người này xấu tính, người này dễ thương – chúng chỉ đơn giản là những thói quen! Chúng ta đi đến câu hỏi chủ chốt, nếu quan điểm về bản ngã là nhận thức về hành vi thì chúng ta làm được gì? 

Nếu mục tiêu không phải là nghe theo quan điểm về bản ngã, tìm thấy bản thân mình, cống hiến và sống theo những điều đã tạo nên con người hiện tại của chúng ta, chúng ta làm gì? Làm thế nào trở thành con người đạo đức, làm gì để trở nên có đạo đức? Chúng ta suy nghĩ về giáo dục như thế nào? Vâng, tôi sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời mà các nhà triết học ở châu Á đã phát triển, tranh luận.

Phần 2: Học gì từ tư tưởng Khổng Tử?

Xem video bài thuyết trình (Tiếng Anh) của Giáo sư Michael Puett tại Đại học Fulbright Việt Nam:

https://www.youtube.com/watch?v=8GEOLSPEcns

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer