Tin Tức

Thế giới hậu Covid: Cơ hội của điện ảnh Việt và cú lót đường từ giáo dục

image

Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc thốt lên một thực tế phũ phàng với các đồng nghiệp đó là Việt Nam không có đủ nhân lực kỹ thuật để đáp ứng số lượng phim được sản xuất theo nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Điều này khiến bà suy nghĩ: phải quay trở lại vấn đề giáo dục, ươm dưỡng tài năng để hình thành đội ngũ biên kịch, biên tập, sản xuất làm việc thực sự chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn thị trường.

Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc, người được tạp chí Forbes Việt Nam xếp vào danh sách  50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, đưa ra những trao đổi trong cuộc thảo luận trực tuyến do Đại học Fulbright Việt Nam chủ trì. Bàn tròn xới xáo những vấn đề thách thức và cơ hội của điện ảnh Việt, đặc biệt trong bối cảnh tác động của Covid, cùng với sự tham gia của Dan Truong, Giám đốc thu mua nội dung phim ảnh Mỹ của Amazon, đạo diễn – nhà sản xuất phim Charlie Nguyễn, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn – nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh và Tiến sĩ Nguyễn Nam của Đại học Fulbright Việt Nam.

Ý tưởng bàn tròn được khởi xướng sau cuộc trò chuyện trực tuyến đầu tiên của Dan Truong, một người Mỹ gốc Việt đang làm việc cho đế chế Amazon với sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua. Thông qua Fulbright, Dan Truong tiếp tục kết nối với những đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi đình đám trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay để tìm hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết từ sản xuất phim của Mỹ.

Cơ hội xen thách thức

Dịch bệnh Covid đã làm chao đảo toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh trên toàn cầu trong suốt hai năm qua. Những bộ phim bon tấn Mỹ xếp trong kho, những dự án phim ảnh bị huỷ, hoãn vốn đầu tư, đắp chiếu sản xuất trong khi các nhà phát hành và hệ thống các rạp chiếu phim thế giới và khu vực lâm vào cảnh không có phim mới xếp hàng chờ ra mắt. Nhưng, các nhà làm phim Việt Nam đã nhanh chóng lấp vào khoảng trống trên khi dũng cảm hoàn thành nhiều dự án phim ra mắt trong khoảng tạm lắng của dịch bệnh.

175 tỷ đồng doanh thu bán vé của “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, đã tạo ra một cú chấn động phòng vé của một bom tấn nội địa 100%. Nó trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong năm 2020 và là một trong những tác phẩm có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Ròm cũng trở thành hiện tượng của năm này khi đạt doanh thu phòng vé ấn tượng với 2 triệu USD (hơn 46 tỉ đồng) chỉ sau 1 tuần công chiếu. Không chỉ thu hồi vốn rủng rỉnh, Ròm còn trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Dòng Chảy Mới (New Currents Award) danh giá tại Liên hoan phim Quốc tế Busan (Hàn Quốc) lần thứ 24 cũng như ẵm nhiều giải thưởng điện ảnh lớn tại những liên hoan phim quốc tế uy tín. Năm 2021 không thể không nhắc tới Bố Già của Trấn Thành với doanh thu đạt gần 400 tỉ đồng, lọt vào top 30 doanh thu cao nhất thế giới (theo thống kê của Box Office Mojo), xác lập kỷ lục mới của thị trường điện ảnh Việt Nam. Sau đại náo phòng chiếu trong nước, bộ phim hiện được phát hành ở các thị trường quốc tế.

Điện ảnh Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng trong một thập kỷ trở lại đây. Các phim nội địa sản xuất bắt đầu có sức cạnh tranh phòng vé với các bom tấn ngoại. Với mức tăng trưởng 20-25% hàng năm, nhu cầu phim ảnh trên thị trường đang gia tăng nhanh chóng. Những con số doanh thu của những bộ phim thành công cho thấy tiềm năng lợi nhuận khổng lồ nhưng về cơ bản, điện ảnh vẫn là lĩnh vực sản xuất đầy rủi ro. Đặc biệt đối với các bộ phim nghệ thuật, phim độc lập, các nhà đầu tư thường tỏ ra khá dè dặt. Bên cạnh đó, chi phí để sản xuất một bộ phim cũng ngày càng đắt đỏ. Như Ròm vừa mang yếu tố nghệ thuật vừa gần gũi với công chúng của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy từng lao đao khởi đầu gọi vốn. Nó khiến cho Huy “đánh mất thanh xuân” tâm tư và nỗ lực đến 8 năm.

Đạo diễn Việt Kiều Charlie Nguyễn chia sẻ: “Một bộ phim được sản xuất bây giờ sẽ có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với những bộ phim có kinh phí tương đương cách đây hai năm. Chúng tôi buộc phải giảm bớt nhân viên, sản xuất gấp rút, và thậm chí địa điểm quay cũng ngày càng tốn kém hơn trước. Tất cả những yếu tố này tạo thêm rất nhiều áp lực cho nhà sản xuất”.

Nhà sản xuất Bích Ngọc cho rằng, sự phát triển bùng nổ của các nền tảng phát hành trực tuyến trong đại dịch Covid đã khiến cho các bộ phim điện ảnh có “tuổi thọ” cao hơn, tiếp cận với đông đảo khán giả ngay cả sau khi đã ngừng công chiếu tại rạp. Nhưng, nhấn mạnh cung không đủ cầu, nhà sản xuất Bích Ngọc chỉ ra sự thực đắng lòng nhất, bản chất nhất đó là thị trường chưa có đủ nội lực để đáp ứng sự tăng trưởng. Trong đó, bà nhấn mạnh:

Chúng tôi không có đủ nhân lực kỹ thuật để đáp ứng số lượng phim ngày càng tăng được sản xuất trong một năm.”

Trong tương lai, ngành công nghiệp điện ảnh được kỳ vọng sẽ chứng kiến ​​những thay đổi lớn. Từ vai trò tiếp nhận thụ động, khán giả sẽ có thể chủ động đầu tư vào những nội dung họ muốn xem thông qua hình thức mua vé từ trước khi phim sản xuất. Những đóng góp và hỗ trợ tài chính từ người hâm mộ – “fan-vestment” – được dự đoán là một trong những xu thế mới của điện ảnh hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu của các nhóm khán giả đa dạng, các nền tảng phim trực tuyến sẽ đẩy mạnh đầu tư mua bản quyền và sản xuất những nội dung mang tính địa phương hóa, tạo cơ hội cho các bộ phim độc lập có cốt chuyện sáng tạo, độc đáo.

Xu thế mới đòi hỏi một nguồn lực nhân sự tham gia vào ngành công nghiệp này rất lớn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể anh từng cố gắng tìm kiếm vị trí thiết kế sản xuất cho một bộ phim của mình. Cậy nhờ người hợp tác quen biết từ lâu nhưng anh không thể giữ mối vì người này quá bận rộn cho những bộ phim đã đặt hàng trước.

Chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn tốt để làm việc và cũng rất khó để tìm ra những gương mặt mới.”theo Nhật Linh.

Giáo dục và ươm dưỡng tài năng

Nhìn vào gốc rễ vấn đề, bà Bích Ngọc thẳng thắn chỉ ra: “Tất cả đều quay trở lại vấn đề ươm dưỡng tài năng và giáo dục đào tạo để đội ngũ biên kịch, biên tập, sản xuất biết cách làm việc trong môi trường chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, hiện chỉ có một số ít trường đại học đào tạo chính quy về sân khấu điện ảnh, thiên về đào tạo tài năng là chính yếu. Trong khi đó, ngành công nghiệp điện ảnh có nhiều chuyên môn công việc khác nhau. Chưa kể, đây là ngành nghề đòi hỏi trải nghiệm va đập công việc thực tế rất khắc nghiệt. Không chỉ những nhà làm phim, nếu không có những công việc chuyên môn khác sẽ không thể tạo ra một hệ sinh thái phong phú ươm dưỡng cho ngành công nghiệp phim ảnh phát triển.

Nhận thức điều này, bên cạnh công việc chuyên môn, Phan Gia Nhật Linh dành đặc biệt nhiều tâm huyết cho giáo dục. Xinê House là tên gọi của một trung tâm đào tạo do anh sáng lập và bảo trợ chuyên môn. Cũng như Nhật Linh, nhiều nhà làm phim tâm huyết từ kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ trong nghề thường tổ chức một số chương trình đào tạo ngắn hạn để tìm kiếm tài năng kế nghiệp cũng như chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Những lớp đào tạo căn bản như Lớp Làm phim Vỡ lòng với công chúng cũng là một cách nuôi dưỡng, tìm kiếm những người đam mê với phim ảnh. Và thường ở những không gian này, người học lại cảm thấy những kiến thức mới mẻ hữu ích.

“Nơi đây dành cho các tài năng trẻ làm phim. Chúng tôi cố gắng mời các nhà làm phim có kinh nghiệm và uy tín đến để chia sẻ kinh nghiệm với các nhà làm phim trẻ tuổi.” – theo đạo diễn Nhật Linh. Anh cũng bày tỏ mong muốn những đại học như Fulbright và Hoa Sen đưa điện ảnh vào chương trình giảng dạy, với nhiều khía cạnh của sản xuất, làm phim là điều rất đáng hoan nghênh.

Đó chính là những gì chúng ta còn đang thiếu.” – Nhật Linh nhấn mạnh.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, sẽ rất có giá trị nếu tất cả cùng kiến tạo một môi trường sáng tạo tương trợ lẫn nhau.

Tôi muốn phát triển một diễn đàn để các nhà làm phim có thể giúp đỡ nhau và để những gương mặt mới có được sự hỗ trợ từ một cộng đồng sáng tạo gắn bó” đạo diễn Charlie Nguyễn nêu ý tưởng riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Nam bày tỏ mong muốn có được sự hợp tác của các nhà làm phim trong những chương trình dạy về Điện ảnh của Đại học Fulbright sắp tới. Các nhà làm phim cũng mong sẽ sớm được quay lại và trò chuyện với sinh viên Fulbright.

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer