Toàn cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, phân tích ảnh hưởng VN

image

Sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc nổ ra hồi đầu tháng 7, khi Mỹ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 818 dòng sản phẩm bị áp thêm thuế mới chỉ là đợt 1 của cuộc chiến thương mại.

Đợt 2 sẽ mở rộng danh mục lên hàng hóa với tổng giá trị 50 tỷ USD. Không dừng ở đó, chính quyền Mỹ còn đe dọa sẽ áp thêm thuế suất 10% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, đưa tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt lên đến 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ quốc gia này vào Mỹ (xem Hình 1).

 

“Một điều ai cũng đang suy tính là nếu chiến tranh thương mại leo thang, hàng hóa Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ, họ sẽ tìm cách xuất khẩu sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Quốc gia nào để đồng tiền của mình lên giá so với NDT quá nhiều sẽ chịu áp lực cạnh tranh nhiều nhất từ hàng Trung Quốc”.

  1. Chiến tranh thương mại đợt 1

Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã ban hành một báo cáo, gọi là Section 301, cáo buộc Trung Quốc sử dụng các biện pháp phi kinh tế để chiếm lĩnh công nghệ của Mỹ, trong đó có cả việc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, hay buộc chuyển giao công nghệ khi đầu tư vào Trung Quốc. Đó là cơ sở để Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhìn vào con số 34 tỉ USD có thể thấy là tỉ lệ quá ít nếu so với tổng cộng 505 tỉ USD Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2017. Nghiên cứu kỹ hơn, các mặt hàng chịu thuế chủ yếu là hàng trung gian như máy móc cơ khí, máy móc thiết bị điện và điện tử, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1%. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp đối với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là không nhiều (xem Hình 2).

Dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỉ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ 545 triệu USD.

Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể.

Hơn thế nữa, vì những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải… chứ không phải hàng tiêu dùng, vì thế nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam (xem Hình 3).

2. Tác động đến tỷ giá

Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ. Ta có thể thấy đồng NDT xuống giá nhanh kể từ khi khả năng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện rõ, từ mức 6,3 NDT/1 USD vào tháng 4 thì nay đã lên trên 6,7 NDT/USD (Hình 4).

Chính nỗi lo ngại về sự leo thang của chiến tranh thương mại đã gây ảnh hưởng lên tỷ giá.

 

Thứ nhất, về tâm lý các nhà đầu tư. Chiến tranh thương mại leo thang sẽ ảnh hưởng tới cả Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng như các nền kinh tế khác trên Thế giới. Nhưng nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất sẽ là Trung Quốc. Như vậy, nhà đầu tư có dấu hiệu tháo chạy khỏi đồng NDT.

Trong khi sự phản ứng của thị trường khiến đồng NDT mất giá, thì động thái của của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại là không can thiệp.

Dù không có thông điệp chính thức từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhưng trên thị trường, người ta nghi ngại rằng cơ quan điều hành chính sách tỷ giá của Trung Quốc chủ động để đồng NDT xuống giá như một biện pháp để đối phó lại việc Hoa Kỳ áp thuế đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Thuế trừng phạt làm hàng Trung Quốc vào Hoa Kỳ đặt lên thì ngược lại NDT mất giá sẽ làm giá hàng giảm xuống.

Sau đó, thông tin tăng trưởng kinh tế quý II/2018 của Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, chỉ có 6,7% so với 6,8% trong Quý 1. Đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, trước tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền cũng sẽ làm đồng Nhân Dân Tệ mất giá. Đó là tác động tiếp theo, sau tác động của chiến tranh thương mại làm đồng Nhân Dân Tệ mất giá.

Về mặt điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn muốn ổn định tỷ giá giữa tiền đồng với USD. Nhưng việc NDT xuống giá so với USD có nghĩa là VND lên giá so với NDT.

Sức ép lên tỷ giá giữa VND và USD là từ đó. Điều này chúng ta đã có dịp quan sát vào những đợt NDT xuống giá mạnh so với USD (2015 và 2016), VND cũng chịu áp lực xuống giá trong khi những điều kiện nội địa Việt Nam không có gì thay đổi (Hình 4).

 

Đối với đồng USD, tỷ giá chính thức của các ngân hàng thương mại đều đã nhích lên trong thời gian qua. Chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do cũng xuất hiện. Điều này diễn ra trong bối cảnh các số liệu tăng trưởng vĩ mô trong nước của Việt Nam, cũng như thông tin về thị trường tiền tệ vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực, khả quan.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu cao ở mức 16%, thặng dư trên cán cân vãng lai lên tới 8,2 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 6,7 tỷ USD, vốn gián tiếp nước ngoài chảy vào là 1,1 tỷ USD, tiền kiều hối gửi về là 4,8 tỷ USD.

Có thể thấy, tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng là từ những diễn biến trên thế giới và trong khu vực, cụ thể là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự xuống giá của NDT.Đương nhiên với dự trữ trên 63 tỷ USD hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá.

Nhưng nếu quá cứng nhắc và chiến tranh thương mại còn leo thang nữa thì đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường. Có thể hiểu động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua của NHNN là dựa theo tín hiệu thị trường và căn cứ vào những tác động từ bên ngoài.

So với thời điểm cách đây gần 2 năm, cơ chế điều hành tỷ giá ở Việt Nam đã khác. Thay vì điều hành tỷ giá “giật cục”, mỗi lần điều chỉnh ở mức cao thì nay tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh hàng ngày, giúp cơ chế linh hoạt hơn.

Nhiều quan điểm cho rằng dù có sức ép lớn từ bên ngoài, như NDT xuống giá như vậy, song do có dự trữ một lượng lớn ngoại tệ, chúng ta không cần hay không nên điều chỉnh tỷ giá. Nhưng chúng ta phải thấy nếu như không điều chỉnh, mà cứ cứng nhắc, cố định tỷ giá VND với USD trong khi sức ép cạnh tranh từ phía Trung Quốc lớn lên, NDT tiếp tục xuống giá, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ mất tính cạnh tranh.

Đặc biệt, một điều ai cũng đang suy tính là nếu chiến tranh thương mại leo thang, hàng hóa Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ, họ sẽ tìm cách xuất khẩu sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Quốc gia nào để đồng tiền của mình lên giá so với NDT quá nhiều sẽ chịu áp lực cạnh tranh nhiều nhất từ hàng Trung Quốc.

Chưa chắc chiến tranh thương mại đã leo thang. Nhưng trước đây, chúng ta từng dự đoán Hoa Kỳ sẽ không áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu trừ Trung Quốc, nhưng sự thật là họ đã làm. Trong bối cảnh như vậy, việc linh hoạt trong điều hành tỷ giá là rất quan trọng.

Trên thị trường tự do, tỷ giá đã nhích lên. Nếu như NHNN Việt Nam khăng khăng cố định tỷ giá, thì sẽ phải bán ra lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn. Điều này hoàn toàn có thể làm bởi lượng dự trữ ngoại tệ lên tới gần 63 tỷ USD. Nhưng nếu quá cứng nhắc và chiến tranh thương mại còn leo thang nữa thì đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường. Có thể hiểu động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua của NHNN là dựa theo tín hiệu thị trường và căn cứ vào những tác động từ bên ngoài.

  1. Tỷ giá và lạm phát

Đương nhiên điều chỉnh tỷ giá luôn có ảnh hưởng tới lạm phát. Cũng chỉ vì lý do này, mà trong tháng 6.2018, khi xuất hiện những tín hiệu về áp lực tỷ giá, NHNN vẫn không điều chỉnh trước khi số liệu kinh tế 6 tháng cuối năm. Tính chất thời điểm của việc điều chỉnh rất quan trọng.

Ảnh hưởng lớn nhất khi điều chỉnh tỷ giá tới lạm phát là các mặt hàng nguyên-nhiên liệu nhập khẩu sẽ tăng giá, đặc biệt là xăng dầu.

6 tháng đầu năm 2018, giá dầu đã tăng. Lạm phát của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng cao phần lớn là do giá dầu trên thị trường thế giới tăng. Quan ngại của cơ quan quản lý nhà nước là giá dầu tăng đã làm tăng lạm phát rồi, tiếp tục điều chỉnh tỷ giá sẽ tạo ra một cú đúp làm tăng lạm phát.

Tại thời điểm này thì yếu tố cần cân nhắc là giải tỏa áp lực tỷ giá trên thị trường. Nhìn rộng ra, không chỉ có NDT xuống giá mà các các đồng tiền khác như Bath (Thái Lan), Ringgit (Malaysia), SGD (Singapore)… cũng xuống giá so với USD.

Định hướng ổn định tỷ giá là can thiệp bằng dự trữ ngoại tệ để tỷ giá không biến động quá mức trong ngắn hạn.

  1. Điều chỉnh tỷ giá để giảm áp lực thị trường, chứ không phải là chủ động phá giá

Yếu tố đầu tiên khiến đồng Nhân Dân Tệ mất giá là phản ứng khách quan của thị trường trước đe dọa của chiến tranh thương mại. Hiện chưa có một bằng chứng nào để nói rằng đó là chính sách chủ động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Cái chúng ta quan sát được là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không can thiệp khi thấy Nhân Dân Tệ xuống giá chứ không phải họ chủ động phá giá Nhân Dân Tệ.

Ngay khi đồng Nhân Dân Tệ xuống giá, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trả lời trên một số kênh truyền thông, chỉ trích đồng Nhân Dân Tệ xuống giá như là một căn cứ để Mỹ trừng phạt thêm nữa với hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Dù phía Trung Quốc vẫn phản đối hành động áp thuế của Mỹ, song lời nói của họ không quá gay gắt. Người đại diện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng phủ nhận chuyện họ chủ động để Nhân Dân Tệ xuống giá mà họ chỉ nói rằng họ không can thiệp.

Ở  Việt Nam, NHNN không có ý định thả nổi tỷ giá trong tương lai gần, nhưng cũng không cố định tỷ giá cứng nhắc, đi ngược với cung cầu thị trường.

Song việc chủ động phá giá VND không phải là chính sách nên làm. Thứ nhất, xuất khẩu đang tăng trưởng tốt thì chưa chắc anh phá giá VND, xuất khẩu của anh sẽ tăng mạnh hơn. Người ta phá giá nội tệ khi xuất khẩu chững lại hoặc giảm xuống. Còn trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng tới 16% so với cùng kỳ.

Thứ hai, cũng phải tính toán tới bầu không khí bảo hộ thương mại ở khắp nơi hiện nay. Các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với một đối tác nào đó đều là tâm điểm để đối tác đó đe dọa đựa ra biện pháp bảo hộ. Về mặt quan hệ đối ngoại, một quốc gia sẽ bị các đối tác thương mại tấn công nếu chủ động phá giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu.

Điều chỉnh tỷ giá để giảm áp lực trên thị trường, nhưng hoàn toàn không nên chủ động phá giá để tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Quan điểm của tôi là không nên dùng chính sách lãi suất để bảo vệ giá trị của VND. Nếu áp lực thị trường tài chính làm lãi suất tăng thì các ngân hàng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất. Việc chủ động tăng lãi suất để bảo vệ giá trị VND là không cần thiết.

Ta có thể tính đến kịch bản NDT còn xuống giá mạnh nữa. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, người ta dự kiến NDT sẽ tiếp tục xuống giá thêm 1-2%. Nếu mất giá hơn nữa, thì ta có thể phỏng đoán rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ ra tay can thiệp.

  1. Chiến tranh thương mại leo thang

Quan ngại của thị trường là chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục leo thang. Những tuyên bố từ Nhà Trắng cho thấy Hoa Kỳ tiếp tục sẽ áp thuế thêm 10% lên lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị tới 200 tỷ USD từ Trung Quốc, thậm chí còn lên tới 500 tỷ USD – tức là gần 100% kim ngạch hàng hóa Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ.

Theo công bố của phía Hoa Kỳ, số dòng sản phẩm trị giá 200 tỷ USD chịu thuế thêm 10% lên tới gần 5.900. Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%). Nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%). Tác động khi đó sẽ là rất đáng kể (Hình 6).

Năm 2017, Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ 32 tỉ USD, thâm hụt với Trung Quốc là 23 và lớn nhất là với Hàn Quốc lên đến 32 tỉ USD. Trong những năm gần đây xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cũng đã tăng rất mạnh.

Một khi, nếu cuộc chiến tranh thương mại này leo thang, về mặt tự nhiên, cơ hội sẽ đến với một số ngành hàng truyền thống của Việt Nam nông sản, thủy sản, nội thất… và các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị cho điều này.

Một khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế thì các nhà nhập khẩu Mỹ có thể đi tìm nguồn hàng khác, tức là sẽ có sự dịch chuyển thương mại. Điều đáng nói là các nghiên cứu cho thấy so với các nền kinh tế cạnh tranh với Trung Quốc, Việt Nam ở vị thế hưởng lợi nhiều nhất vì các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh nhiều nhất với hàng Trung Quốc.

Trong gần 5900 dòng sản phẩm giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc mà Mỹ đe dọa sẽ áp thuế 10%, thì các sản phẩm cùng mã của Việt Nam xuất sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD, trong đó nội thất chiếm 36,7%, nông thủy sản chiếm 19,4%, thiết bị điện, điện tử 13,5%, túi xách 8,8%.

Đây là nhóm hàng Việt Nam có thể hưởng lợi nếu Trung Quốc bị áp thuế buộc các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang nhập từ Vietnam. Nhưng hàng may mặc và giày dép không có trong danh mục. (Hình 7).

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là, về mặt vĩ mô, chuyện Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ cũng là một cái “gai” trong mắt chính quyền của ông Trump, và nếu như chúng ta đẩy mạnh thặng dư lên nữa thì rất dễ bị rơi vào tầm ngắm của cuộc chiến này.

Tác động tiêu cực sẽ đáng kể trên ba kênh, Thứ nhất, nếu TQ không xuất sang Mỹ thì họ sẽ giảm giá và xuất vào các thị trường khác mà thị trường VN thì cận kề. Hàng hóa không còn là hàng trung gian máy móc thiết bị mà lúc này là hàng tiêu dùng như nội thất, hóa chất, nhựa, cao su, nông thủy sản.

Điều đáng lo là cơn sóng này sẽ kết hợp với vấn đề tỉ giá . Nếu chiến tranh thương mại leo thang, đồng nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục mất giá thêm nữa, và trong khi nếu VND vẫn giữ ổn định với USD thì hàng Trung Quốc đã rẻ sẽ còn rẻ hơn, hàng Việt sẽ đắt hơn và không cạnh tranh nổi.

Nhưng các dòng sản phẩm 200 tỷ USD mà Mỹ đe dọa áp thêm thuế 10% không có hàng may mặc và giày dép. Như vậy sẽ không có lo ngại về các nhóm hàng này tràn vào thị trường Việt Nam. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là hàng may mặc và giày dép của Việt Nam sang Mỹ cũng không được lợi gì nếu Mỹ áp thuế 10%.

Ở kênh thứ hai, các mặt hàng về linh phụ kiện điện, điện tử của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì đây là mặt hàng Việt Nam có giá trị xuất rất lớn sang Trung Quốc. Và một tỷ phần đáng kể các linh kiện này được lắp ráp trong sản phẩm cuối cùng để xuất sang Mỹ. Nếu Mỹ áp thêm thuế lên các mặt hàng này thì xuất khẩu Trung Quốc sẽ giảm kéo theo sự suy giảm của xuất khẩu từ Việt Nam.

Kênh thứ ba là transhipment, hàng chuyển tải, tức là hàng TQ xuất sang VN rồi dán nhãn VN và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng).

Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam, và không chỉ doanh nghiệp mà là cả nhóm sản phẩm. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.

Tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực chắc chắn cũng sẽ có. Tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là ở máy móc thiết bị cơ khí, điện, điện tử, vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, tỉ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Với chính sách đa dang hóa sản xuất, họ đều đã có nhà máy lắp ráp ở nhiều nơi, chứ không chỉ tập trung ở Trung Quốc.

Tác động sẽ không quá tiêu cực khi các tập đoàn này điều chỉnh suôn sẻ hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của họ trên toàn cầu trong ngắn hạn. Về trung hạn, họ cũng sẽ có điều chỉnh đối với FDI đầu tư nhà máy mới.

Đây có thể lại trở thành yếu tố tích cực cho Việt Nam khi dòng vốn FDI chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Các chuyên gia về kinh tế và thương mại quốc tế đều cho rằng chiến tranh thương mại là sai lầm và khi xảy ra thì tất cả mọi người sẽ chịu thiệt. Nhưng có thể nhận thấy chính quyền Mỹ không xuống thang. Vậy thì, quả bóng bây giờ đặt trong chân Trung Quốc: liệu họ có chịu nhân nhượng hay không chứ không phải Mỹ.

Trong thương mại và đầu tư quốc tế từ trước đến nay phương Tây vẫn luôn cho rằng Trung Quốc “chơi không đẹp”. Sau khi Trung Quốc vào WTO thì Mỹ và Châu Âu đều mở cửa thị trường cho nước này trong khi giới đầu tư nước ngoài đầu tư ở vào Trung Quốc lại gặp rất nhiều rào cản.

Và đến nay cũng mới có chính quyền Mỹ “chơi” cứng rắn với mục đích lâu dài là ép Trung Quốc phải mở cửa thị trường, giảm thiểu các hành động phi kinh tế nhằm chiếm lĩnh công nghệ và một mục tiêu khá mơ mộng khác là giảm mạnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vốn lên đến 375 tỉ USD năm 2017.

Hơn nữa, với tính cách của mình, tổng thống Donald Trump có lẽ cần phải tuyên bố giành được chiến thắng thì mới chịu chấm dứt và dĩ nhiên là chiến thắng đó phải đến từ sự nhượng bộ của Trung Quốc. Điều cần nhớ là tháng 11 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ.

Khi đó thì chưa có số liệu kinh tế cho cả năm 2018 nên ông Trump không cần lo ngại chứng minh là có đúng thâm hụt thương mại với Trung Quốc có giảm hay không và liệu tăng trưởng kinh tế có bị ảnh hưởng tiêu cực.

Chính quyền ông Trump cần chứng tỏ với các nhóm cử tri ủng hộ mình là đã có hành động. Vì thế, tôi cho rằng Mỹ sẽ không xuống thang và có thể nói sức ép đối với Trung Quốc là rất lớn. Nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn chịu thiệt lớn hơn vì họ xuất khẩu nhiều hơn.

Họ có thể trả đũa áp thuế lên 34 tỉ USD rồi 50 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ, nhưng nếu leo thang lên 200 tỷ thì họ không thể trả đũa ngang bằng vì Trung Quốc chỉ xuất sang Mỹ 130 tỷ USD. Vì thế họ phải tìm giải pháp khác về tài chính, tiền tệ hay chính trị hay phải nhượng bộ.

Tóm lại, nếu chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chỉdừng lại ở việc trừng phạt thuế suất 25% lên 34 tỷ USD hàng nhập khẩu thì tác động trực tiếp đến ngoại thương là không đáng kể. Nhưng ngay cả khi đó thì tác động mạnh đã diễn ra trên thị trường tiền tệ.

Việc đồng NDT xuống giá đã tạo sức ép lên đồng VND. Việt Nam không nên chủ động phá giá để duy trì tính cạnh tranh, nhưng cũng không nên cứng nhắc cố định tỷ giá và dùng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ.

Chính sách tỷ giá cần linh hoạt theo hướng không để đồng VND lên giá trên 5-6% so với đồng NDT. Nếu NDT tệ xuống giá 8% so với USD, thì VND có thể cho xuống giá 2-3% so với USD; nếu áp lực mạnh hơn và NDT xuống giá 10% thì VND có thể cho xuống giá 4-5%.

Dự kiến là nếu NDT xuống giá trên 10% so với USD, thì ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp vì 2 lo ngại: (i) dòng vốn nước ngoài sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc; và (ii) Hoa Kỳ có thêm cơ để trừng phạt thương mại tiếp.

Tại thời điểm này cũng không thể loại trừ khả năng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn leo thang nữa với khả năng Mỹ áp thuế thêm 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi đó tác động đến ngoại thương toàn cầu, khu vực và Việt Nam sẽ là rất lớn.

Đối với Việt Nam, các sản phẩm xuất khẩu như thiết bị và linh kiện điện, điện tử, đồ gỗ nội thất, nông thủy sản sẽ hưởng lợi khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở thị trường Hoa Kỳ. Những những cũng chính những nhóm sản phẩm này chỉ tiệu thụ ở thị trường trong nước thì sẽ gặp khó khăn khi hàng Trung Quốc không xuất được sang Hoa Kỳ sẽ tràn qua Việt Nam.

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer