Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink đến dự và cắt băng khánh thành Campus của Đại học Fulbright Việt Nam tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nền tảng của trường, là sự tiếp nối của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, hợp tác với Đại học Harvard từ hơn hai mươi năm trước.

“FUV đã có nhiều năm phát triển và Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ cho những nỗ lực tuyệt vời của FUV cũng như việc ra mắt chương trình cử nhân sắp tới.

FUV là sự phát triển nối tiếp của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, hợp tác với Đại học Harvard.

Trong hơn hai thập kỉ qua, Chương trình đã đào tạo thành công trên 2.000 cán bộ, lãnh đạo của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng những sinh viên tương lai tốt nghiệp từ FUV sẽ đưa giáo dục đại học Việt Nam lên một tầm cao mới”, Đại sứ Daniel J.Kritenbrinkphát biểu.

 

Đại sứ cho rằng, FUV là đại diện cho sự khởi đầu những điều mới mẻ và thiết yếu đối với tương lai của Việt Nam.

Đại học Fulbright Việt Nam là trường đại học kiểu Mỹ đầu tiên tại Việt Nam dựa trên truyền thống giáo dục đại học của Mỹ về độc lập trong học thuật, đặt ra những vấn đề mở, nghiên cứu, và tư duy phân tích, nhưng vẫn kế thừa di sản và truyền thống văn hóa phong phú của Việt Nam làm nền tảng.

“Khuôn viên mới của trường là bước khởi đầu cho sự phát triển của FUV tại Việt Nam và củng cố mối quan hệ hợp tác giáo dục vững chắc với Hoa Kỳ, cũng như sự đổi mới sâu sắc trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.

Đại sứ phát biểu: “Xã hội Việt Nam cần những chuyên gia giàu kinh nghiệm, có trình độ cao để đủ khả năng đảm nhận vị trí lãnh đạo trong cả lĩnh vực kinh doanh và Chính phủ. Họ cũng cần những tổ chức sẵn sàng đứng ra đào tạo cho các cá nhân tài năng. Theo cách nhìn đó, FUV có thể có những đóng góp đáng kể cho tương lai Việt Nam, với Hoa Kỳ là đối tác tin cậy.

Kể từ năm 1994, Hoa Kỳ đã là đối tác của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, và chúng tôi rất vui mừng để viết tiếp một chương mới với Đại học Fulbright Việt Nam”.

Cơ hội nhận học bổng toàn phần, bán toàn phần, hoặc hỗ trợ tài chính lên đến 100% học phí cho hai chuyên ngành Thạc sĩ của Đại học Fulbright Việt Nam.

Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) đã thông báo tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2018. Điểm đặc biệt của chương trình tuyển sinh năm nay đó là ngoài chuyên ngành truyền thống là Phân tích chính sách, Trường mở thêm một chuyên ngành đào tạo là Lãnh đạo và Quản lý.

Đối với chuyên ngành Phân tích chính sách, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tiếp tục cung cấp học bổng toàn phần, với tổng trị giá học bổng khoảng 550 triệu đồng/học viên cho học viên theo học tập trung tại Trường.

Học bổng bao gồm học phí, chỗ ở trong ký túc xá FUV, chi phí đi thực địa (nếu có), không bao gồm chi phí sách vở, sinh hoạt ngoại khóa, các dịch vụ trong trường và các chi phí cá nhân.

Trong khi đó, học viên theo học chuyên ngành ngành Lãnh đạo và Quản lý sẽ được nhận học bổng bán phần và chỉ phải đóng 50% học phí còn lại, tương đương 205 triệu đồng cho toàn bộ chương trình.

Học phí không bao gồm chi phí tham dự môn học ở Đại học Harvard, chi phí sách vở, các chuyến đi thực địa, sinh hoạt ngoại khóa, các dịch vụ trong trường và các chi phí cá nhân.

Đặc biệt, những ứng viên có thành tích xuất sắc và có khó khăn tài chính sẽ được xem xét hỗ trợ tài chính lên đến 100% học phí.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, Trường tuyển 40 học viên cho Chuyên ngành Phân tích chính sách và 30 học viên chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý.

Toàn bộ thông tin chi tiết về tuyển sinh, trong đó điều kiện dự tuyển, điều kiện được miễn thi tiếng Anh và điều kiện trúng tuyển về chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2018 xem chi tiết TẠI ĐÂY 

Từ tháng 10/2017, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới toàn cầu các trường Chính sách công, Hành chính công và Quản lý công (NASPAA, Hoa Kỳ). Đây là tiền đề để đảm bảo chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách công đạt chuẩn mực quốc tế.

THÔNG BÁO TUYỂN SINH

Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2018

Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được phép tổ chức hoạt động đào tạo theo Quyết định số 1943/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 6 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ tháng 10/2017, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đơn vị quản lý và vận hành Chương trình Thạc sĩ Chính sách công trực thuộc trường Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới toàn cầu các trường Chính sách công, Hành chính công và Quản lý công (NASPAA, Hoa Kỳ).

Đây là tiền đề để đảm bảo chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách công của FUV đạt chuẩn mực quốc tế.

Kế thừa từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một sáng kiến do Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard khởi xướng, Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) của FUV được xây dựng nhằm góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu.

Trường Đại học Fulbright Việt Nam trân trọng thông báo thông tin tuyển sinh của Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2018 với 02 chuyên ngành: (i) Phân tích chính sách; và (ii) Lãnh đạo và Quản lý, cụ thể như sau:

Mục tiêu của Chương trình

 Chuyên ngành Phân tích chính sách: nhằm xây dựng nền tảng tư duy và kỹ năng vững chắc để phân tích, thiết kế, và thực thi chính sách.

Chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý: nhằm xây dựng nền tảng tư duy và kỹ năng vững chắc để quản lý và lãnh đạo khu vực công.

Đối tượng tuyển sinh

Chuyên ngành Phân tích chính sách: hướng tới cán bộ tham mưu và hoạch định chính sách trong khu vực nhà nước; giảng viên ở các trường đại học, chuyên gia ở các viện nghiên cứu; các nhà quản lý trong các tổ chức phi lợi nhuận; và các nhà quản lý thuộc khu vực tư nhân.

Chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý: hướng tới cán bộ quản lý có kinh nghiệm từ cấp phòng trở lên trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận.

Số lượng tuyển sinh dự kiến

Chuyên ngành Phân tích chính sách: 40 học viên

Chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý: 30 học viên

Điều kiện dự tuyển

 Chuyên ngành Phân tích chính sách:

Có bằng tốt nghiệp đại học;

Ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm công tác trong khu vực công.

 Chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý:

Có bằng tốt nghiệp đại học;

Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm công tác toàn thời gian;

Ưu tiên những ứng viên đến từ khu vực công.

Lưu ý: Những ứng viên tốt nghiệp đại học không thuộc các ngành Kinh tế hoặc Quản lý cần hoàn tất các môn bổ sung kiến thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (xem hướng dẫn chi tiết tại trang tuyển sinh của trường www.fsppm.fuv.edu.vn/apply).

Hồ sơ dự tuyển: Ứng viên đăng ký dự tuyển trực tiếp tại trang web www.fsppm.fuv.edu.vn/apply. Hồ sơ gồm:

Đơn đăng ký (theo mẫu)

Bài tiểu luận

Ảnh chân dung (kích thước 4×6 cm)

Bản quét (scan, không cần công chứng) bằng cấp và bảng điểm đại học (và sau đại học, nếu có)

Lưu ý: Những ứng viên trúng tuyển sẽ được yêu cầu nộp hồ sơ bổ sung, gồm: Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú; Giấy chứng nhận đủ sức khỏe học tập; và Bản sao có công chứng bằng cấp và bảng điểm đại học (và sau đại học, nếu có).

Hình thức tuyển sinh: Thi tuyển, gồm 3 môn:

Kỹ năng định lượng (60 phút)

Kỹ năng phân tích (60 phút)

Tiếng Anh (60 phút): theo quy định về thi tiếng Anh đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ghi chú: Cấu trúc, dạng thức và độ khó của hai bài thi Kỹ năng định lượng và Kỹ năng phân tích tương tự như bài thi GRE (Graduate Record Examinations) truyền thống, một dạng bài thi trắc nghiệm đầu vào được sử dụng phổ biến trong các chương trình sau đại học trên thế giới.

Điều kiện được miễn môn thi tiếng Anh: Ứng viên được miễn môn thi tiếng Anh đầu vào nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

 Chuyên ngành Phân tích chính sách:

Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chính quy ngành tiếng Anh;

Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học mà ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh (không qua phiên dịch);

Có chứng chỉ IELTS quốc tế tối thiểu 5.5 hoặc iBT TOEFL quốc tế tối thiểu 61 trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày nộp hồ sơ.

 Chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý:

Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chính quy ngành tiếng Anh;

Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học mà ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh (không qua phiên dịch);

Có chứng chỉ IELTS quốc tế tối thiểu 4.5 hoặc iBT TOEFL quốc tế tối thiểu 45 trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày nộp hồ sơ.

Có chứng chỉ B1 của các đơn vị sau: Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội; Trường ĐH Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế; Trường ĐH Sư phạm TP. HCM; Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Vinh; Trung tâm SEAMEO RETRAC.

Điều kiện trúng tuyển

Những ứng viên đáp ứng điều kiện dự tuyển theo mục 4, có hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh theo mục 5 và nộp trong thời hạn quy định tại mục 9 của Thông báo này sẽ được mời tham dự thi tuyển sinh.

Những ứng viên đạt từ 50% thang điểm đối với mỗi môn thi sẽ được xem xét mời phỏng vấn.

Kết quả trúng tuyển sẽ được dựa trên kết quả bài thi đầu vào, chất lượng bài tiểu luận, kết quả phỏng vấn và tiềm năng đóng góp cho xã hội.

Lưu ý: Bài tiểu luận và phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Anh đối với ứng viên chuyên ngành Phân tích chính sách.

Kế hoạch tuyển sinh năm 2018

Hạn cuối đăng ký dự tuyển trực tuyến 20/7/2018
Thông báo danh sách đủ điều kiện tham dự thi tuyển sinh 25/7/2018
Thi tuyển sinh 19/8/2018
Thông báo danh sách đủ điều kiện tham gia phỏng vấn 30/8/2018
Phỏng vấn ứng viên 5-7/9/2018
Công bố kết quả trúng tuyển 14/9/2018
Nhập học 15/10/2018

 

Kế hoạch đào tạo

Chuyên ngành Phân tích chính sách:

Hình thức đào tạo: Tập trung toàn thời gian

Tổng thời gian chương trình: 15 tháng

Thời gian học tập: Học các ngày trong tuần

Ngôn ngữ giảng dạy: tiếng Việt và tiếng Anh

Chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý:

Hình thức đào tạo: Bán thời gian

Tổng thời gian chương trình: 18 tháng

Thời gian học tập: Cứ hai tháng tập trung một lần; mỗi đợt tập trung dự kiến học trong 9 ngày (từ thứ 7 tuần này đến hết chủ nhật tuần sau). Học viên có cơ hội đăng ký học một số môn do Trường Fulbright tổ chức tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ).

Ngôn ngữ giảng dạy: tiếng Việt

Địa điểm học: Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cơ sở Phú Mỹ Hưng (105 Tôn Dật Tiên, Phường Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh)

Đội ngũ giảng viên

Tất cả giảng viên giảng dạy của Chương trình đều đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định quốc tế NASPAA – Mạng lưới toàn cầu của các trường Chính sách công, Hành chính công và Quản lý công.

Bằng cấp

Học viên đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chương trình sẽ được cấp bằng Thạc sĩ Chính sách công (chuyên ngành Phân tích chính sách hoặc Lãnh đạo và Quản lý) do Hiệu trưởng Trường Đại học Fulbright Việt Nam cấp.

Học phí và học bổng

Chuyên ngành Phân tích chính sách:

Học viên sẽ đươc nhận học bổng toàn phần trong thời gian học tập trung tại Trường. Học bổng bao gồm học phí, chỗ ở trong ký túc xá FUV, chi phí đi thực địa (nếu có). Tổng giá trị học bổng khoảng 550 triệu đồng / học viên.

Học bổng không bao gồm chi phí sách vở, sinh hoạt ngoại khóa, các dịch vụ trong trường và các chi phí cá nhân.

Chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý:

Học viên sẽ được nhận học bổng bán phần và chỉ phải đóng 50% học phí còn lại, tương đương 205 triệu đồng cho toàn bộ chương trình.

Học phí không bao gồm chi phí tham dự môn học ở Đại học Harvard, chi phí sách vở, các chuyến đi thực địa, sinh hoạt ngoại khóa, các dịch vụ trong trường và các chi phí cá nhân.

Những ứng viên có thành tích xuất sắc và có khó khăn tài chính sẽ được xem xét mức hỗ trợ lên đến 100% học phí.

Thông tin liên hệ

Để tìm hiểu thêm về Chương trình hoặc để được hướng dẫn về cách thức đăng ký dự tuyển, xin vui lòng liên hệ:

Phòng Đào tạo, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Trường Đại học Fulbright Việt Nam

105 Tôn Dật Tiên, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh

Email: admissions.fsppm@fuv.edu.vn

Hotline: 091-102-5103

Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh và Tiến sĩ Ian Kalman Gia nhập đội ngũ giảng viên sáng lập của Đại học Fulbright Việt Nam. 

Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh sống ở khu phố cổ Hà Nội trước khi cùng gia đình chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Anh theo học ngành Kỹ thuật Xây dựng, lấy bằng Cử nhân tại Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm làm việc trong ngành xây dựng, anh bắt đầu  một hành trình ra nước ngoài đã kéo dài ngoài dự tính khi đánh dấu 15 năm tròn vào năm 2018.

Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Viện Công nghệ Châu Á ở Thái Lan, Minh nhận ra rằng còn rất nhiều điều cần phải học và quyết định tiếp tục theo học Tiến sĩ tại Đại học Saitama ở Nhật Bản. Rồi tiếp đó, anh chuyển qua làm  công việc nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và tham gia giảng dạy tại Đại học Luân Đôn (UCL), Vương quốc Anh.

Công việc tại UCL dẫn dắt anh đến một cơ hội khác khi gia nhập Đại học Nazarbayev ở Kazakhstan và trở thành giảng viên sáng lập của một trong những dự án phát triển đại học quốc tế tham vọng nhất trong những năm gần đây.

Trong suốt 15 năm nghiên cứu và giảng dạy ở nhiều quốc gia khác nhau, tôi thường so sánh mô hình giáo dục ở Việt Nam với các quốc gia khác và theo quan sát của mình, tôi nhận thấy mặc dù sinh viên Việt Nam luôn chăm chỉ và ham học hỏi chúng ta không được  đào tạo nhiều để hình thành tư duy phản biện, cũng như không có thói quen tư duy độc lập của một người học chủ động.

Điều mà sinh viên Việt Nam cần là một môi trường ươm tạo, nơi khuyến khích người học đào sâu vào việc học cho chính bản thân mình, biết cách lên kế hoạch, đánh giá và cải thiện hiệu quả hoạt động của mình – phát triển điều này thành một kỹ năng làm việc không chỉ trong trường đại học mà dần dần thành một thói quen thường xuyên  được áp dụng cho bất kì công việc nào mà các bạn theo đuổi sau này.

Với quan điểm về môi trường giáo dục lý tưởng như vậy, tôi đánh giá việc thành lập Trường đại học Fulbright Việt Nam với mô hình giáo dục khai phóng chính là một cơ hội tuyệt vời để phát triển một không gian học tập sáng tạo mới.

Tại đây, sinh viên Việt Nam có thể làm việc cùng nhau và tự học để không chỉ phát triển khả năng chuyên môn hiệu quả trong công việc, mà quan trọng hơn là trở thành những cá nhân có tư tưởng tự do và khả năng tư duy độc lập.

Tôi thấy mình rất may mắn khi được đề nghị một công việc trong mơ –  trở thành một phần của Fulbright. Tôi rất vui khi sẽ được làm việc cùng các nhân viên và học sinh ở đây – những người cùng chia sẻ với tôi về tầm nhìn và cam kết với giáo dục đại học ở Việt Nam,” Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh nói.

Trước khi gia nhập Fulbright, Ian Kalman làm việc tại Khoa Khoa học Chính trị ở Đại học Western (Canada) – nơi anh nhận học bổng nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ về quan hệ liên chính phủ Bản xứ-Địa phương. Ian có bằng Tiến sĩ về Nhân chủng học từ Đại học McGill và là một thành viên liên kết của Học viện Luật và Nhân học Max Planck của Viện Nhân học Xã hội.

Nghiên cứu của ông tập trung vào sự tương tác giữa các cán bộ nhà nước và người dân bản địa, đặc biệt ở các khía cạnh như luật pháp, quản trị và biên giới. Ông đặc biệt quan tâm đến những khía cạnh khi luật pháp cũng như quyền con người được thực thi và trải nghiệm qua những tương tác mặt đối mặt giữa cán bộ nhà nước và người dân bản địa.

Trước khi theo học chương trình cao học, Ian đã lấy bằng cử nhân về Nhân học ở Trường đại học Chicago và là một tình nguyện viên của Peace Corp (một chương trình tình nguyện của Mỹ, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ người sống bên ngoài nước Mỹ hiểu về văn hóa Mỹ, và giúp đỡ người Mỹ hiểu về văn hóa của các quốc gia khác) và là giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung Quốc, Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiến sĩ Graeme Walker từ Đại học Simon Fraser ở Vancouver, Canada và Tiến sĩ Andrew Bellisari từ Đại học Harvard ở Mỹ gia nhập đội ngũ giảng viên sáng lập của Đại học Fulbright.

Tiến sĩ Graeme Walker theo học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Simon Fraser ở Vancouver, Canada, nơi ông đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ vào năm 2015. Mối quan tâm của ông trong nghiên cứu là sự giao nhau của tâm lý học, xã hội học và khoa học thần kinh – thường được gọi là kinh tế học hành vi.

Tiến sĩ Graeme bắt đầu cảm thấy hứng thú với mảng kinh tế học hành vi khi tham gia vào các thử nghiệm khi đang học cao học. Tuy nhiên, Tiến sĩ Graeme vẫn luôn thắc mắc tại sao ông vẫn không thể đạt được điểm cân bằng Nash trong những lần thử nghiệm nghiên cứu.

Chính điều này đã hướng ông đến một chương trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu những khía cạnh khác nhau trong tâm lý có thể khiến con người có những cách hành xử khác nhau.

Nghiên cứu của ông cho thấy các yếu tố tâm lý khác nhau như sự không hòa hợp về nhận thức có thể dẫn đến các hiện tượng xã hội như sự tuân thủ, khuynh hướng liên hệ những người giống mình và sự phân cực. Những điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định trong thị trường tài chính, thương mại và chính trị.

“Tôi rất phấn khích và tự hào được gia nhập FUV. Đây thực sự là cơ hội rất quý giá. Thật khó để tìm thấy một cơ hội được làm việc tại một môi trường đại học mang tinh thần khởi nghiệp của một doanh nghiệp. Chính vì tinh thần này đã làm tôi thật sự mong muốn được đóng góp và trở thành một phần của FUV.”

Tiến sĩ Graeme đã giảng dạy tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 4 năm qua. Suốt thời gian này, hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã được ông hướng dẫn trong các khóa học đại học liên quan đến thống kê và kinh tế cũng như các khóa học MBA về quản trị chiến lược và vận hành.

Ông cũng giám sát một số dự án nghiên cứu MBA về những chủ đề liên quan đến các nhà quản trị nước ngoài tại Việt Nam, cơ cấu quyền lực trong các tổ chức của Việt Nam và tạo ra những đổi mới trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Tiến sĩ Andrew Bellisari nhận bằng Tiến sỹ về Lịch sử Châu Âu Hiện đại tại Trường Đại học Harvard. Trong thời gian tại Harvard, ông còn tham gia làm thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu, và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Weatherhead. Hiện tại, Tiến sĩ Bellisari đang là nghiên cứu sinh của Trường Kennedy, Đại học Harvard.

Tiến sĩ Bellisari lần đầu tiên biết đến tổ chức Fulbright khi nhận học bổng Fulbright và theo học tại Trường Cao học Khoa học Xã hội (École des Hautes Études en Sciences Sociales) tại thành phố Paris. Tại đây, ông theo học chuyên sâu trong lãnh vực về lý thuyết chủ nghĩa hậu thực dân và lịch sử chủ nghĩa thực dân.

Là người từng nhận được học bổng Fulbright, ông Andrew mong sẽ phát triển hơn nữa những giá trị cốt lõi đặc trưng của chương trình học bổng Fulbright và sứ mệnh của Đại học Fulbright: đó là sự tận tâm học hỏi về giáo dục quốc tế và giao thoa văn hoá, là sự chú trọng vào việc thúc đẩy tiếp cận với thế giới nhưng vẫn giữ gìn bản sắc địa phương, và là sự cam kết nuôi dưỡng đối thoại học thuật tích hợp.

“Là một nhà sử học, tôi luôn tin vào giá trị của việc tái thẩm định những giả thuyết cũ để tìm hiểu và khám phá những góc nhìn mới. Do đó, tôi bị lôi cuốn bởi sứ mệnh của Đại học Fulbright: đây không chỉ là một cơ hội để định nghĩa lại đại học, mà là một cơ hội hiếm có để định nghĩa lại cách chúng ta dạy về lich sử.”

Nghiên cứu của Tiến sĩ Bellisari thiên về các quá trình (và hậu quả) phi thực dân hoá ở mặt chính trị và văn hoá tại các nước thuộc Đế chế Pháp, đặc biệt ở khu vực Bắc Phi. Ông đã xuất bản những nghiên cứu này trên các Tập san nổi tiếng như Tập san về Lịch sử Đương đại và Tập san Nghiên Cứu về các nước Bắc Phi.

Dự án sách hiện tại của ông phân tích những mặt phức tạp của công cuộc phi thực dân hoá tại thời kỳ Pháp thuộc ở Algeria nhằm tìm hiểu về việc quá trình chuyển giao quyền lực được xảy ra như thế nào và chủ quyền đất nước được hình thành ra sao ở cấp địa phương thời kỳ hậu thực dân. Cuốn sách có tên Kết cục của một Đế chế: Văn hoá Phi Thực dân Hoá ở Pháp và Algeria.

Tại Đại học Fulbright, ông Andrew sẽ bắt đầu nghiên cứu một dự án mới về mạng lưới xuyên đế quốc, tập trung vào những cá nhân thuộc quân đội Pháp đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954).

Tiến sĩ Bellisari thông thạo tiếng Ả Rập, tiếng Pháp, và tiếng Đức. Ông nhận bằng Cử nhân về Lịch sử và Tiếng Pháp tại Trường Đại học Rutgers.