Boston, Hoa Kỳ. Ngày 24.6.2005 là ngày Chủ tịch Đại học Harvard, Giáo sư Lawrence H. Summers đón tiếp một vị khách đặc biệt: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải. Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước kết thúc chiến tranh và bình thường hoá quan hệ đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Đại học Harvard là điểm đến quan trọng trong lịch trình của Thủ tướng Phan Văn Khải bởi đây là một gạch nối trong hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), một chương trình hợp tác giữa Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được thành lập từ trước khi hai nước bình thường hoá quan hệ.

Khởi nguồn với mục tiêu dạy những kiến thức cập nhật nhất về kinh tế thị trường và quản lý cho các cán bộ nhà nước trong bối cảnh đất nước bắt đầu mở cửa, cho đến khi đó, FETP đã giúp đào tạo hàng trăm cán bộ quản lý cho các cơ quan chính phủ và địa phương ở Việt Nam. 

Câu chuyện của Thủ tướng Phan Văn Khải với Chủ tịch Harvard Lawrence H. Summers không dừng ở việc hợp tác đào tạo những học viên Việt Nam theo chương trình trên.

Thủ tướng Phan Văn Khải với Chủ tịch Harvard Lawrence H. Summers tại Đại học Harvard ngày 24.6.2005. Người ngồi sau Chủ tịch Harvard phiên dịch là Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành

Ông chủ động đề cập một tầm nhìn rộng lớn hơn, đó là đặt vấn đề nhờ Harvard, với kinh nghiệm và uy tín của một trường đại học số một thế giới, sẽ giúp Việt Nam xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Cho người Việt Nam. 

Giáo sư Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người sáng lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, khi đó không thể ngờ rằng cuộc gặp này chính là khởi đầu cho hành trình xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam mà ông cùng các cộng sự miệt mài theo đuổi suốt hơn một thập niên. 

Sau chuyến thăm, một nhóm nghiên cứu đặc trách do ông dẫn đầu đã thực hiện các nghiên cứu, phân tích quan trọng về cách thức làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng được trường đại học đẳng cấp quốc tế.

“Từ vài văn bản đề xuất đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt vấn đề với chúng tôi: Tại sao các ông không thử làm đi? Chúng tôi đã bắt đầu ý tưởng xây trường đại học đẳng cấp quốc tế theo cách như vậy”, ông Thomas Vallely nhớ lại. 

Vào thời điểm mà rất nhiều thứ khác ở Việt Nam đang được nhìn nhận, đánh giá lại, bản đề xuất đó đã đem đến “cả sự hào hứng lẫn e ngại” khi được đặt trên bàn của các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một thành viên nòng cốt trong nhóm sáng lập Đại học Fulbright kể lại. Giống như Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright trước đó, Đại học Fulbright Việt Nam khi ấy có thể xem như một thách thức mới với một hệ thống chủ yếu được xây dựng trên nền tảng những trường đại học công lập hiện có và những cơ sở tư thục vì lợi nhuận, tập trung vào đào tạo ngoại ngữ và kinh doanh.

Suốt nhiều năm sau đó, bằng các mối quan hệ thân thiết với chính giới ngoại giao hai nước, đặc biệt cùng các bạn bè của ông là Thượng nghị sĩ John Kerry-sau đó là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ John McCain cùng nhiều cựu binh Mỹ, Thomas Vallely đã nỗ lực vận động để ý tưởng xây dựng một đại học kiểu Mỹ ở Việt Nam chính thức hiện diện trên bàn nghị sự trao đổi giữa hai nước.

Đi bên trái Thủ tướng Phan Văn Khải là ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Harvard, ông Nguyễn Xuân Thành và Ben Wilkinson (cà vạt đỏ) – những thành viên nòng cốt của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright và sau này là dự án Đại học Fulbright
Nhóm thành viên Fulbright cùng đoàn đại biểu Việt Nam và Thủ tướng Phan Văn Khải chụp ảnh lưu niệm bên tượng John Harvard

Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển nhanh chóng. Sự gia tăng tin cậy chính trị được xem là nền tảng quan trọng bậc nhất giúp cho ý tưởng hợp tác giáo dục trên có cơ hội thành hiện thực.

Tháng 7 năm 2013 đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình theo đuổi giấc mơ xây trường đại học đẳng cấp quốc tế của những người bạn Mỹ – Việt. Trong Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên đề cập đến sáng kiến này. Dòng chữ trong Tuyên bố chung ghi rõ: “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama ghi nhận thành công của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sáng kiến thành lập trường Đại học Fulbright ở Việt Nam”.

***

Hà Nội, Việt Nam. Một ngày năm 2007 tại Hà Nội, bà Đàm Bích Thủy – Tổng giám đốc Điều hành Ngân hàng ANZ ngồi trong căn phòng ở trụ sở phố Lê Thái Tổ, nhìn trực diện Hồ Hoàn Kiếm – một không gian xanh mướt mắt của trung tâm thủ đô.

Bà đang chờ hai người khách đặc biệt của mình là Giáo sư Thomas Vallely và Ben Wilkinson – Đại diện Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard tại dự án Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright ở Thành phố Hồ Chí Minh. 

Hai người bạn quen của bà ghé qua in nhờ một số tài liệu và trò chuyện thân tình. Khi đó, Giáo sư Thomas Vallely bỗng hỏi bà về ý tưởng lập ra một đại học kiểu Mỹ ở Việt Nam. Bà Thủy tỏ ra hào hứng về chủ đề giáo dục bởi lúc đó đang tìm hiểu các mô hình giáo dục của Mỹ chuẩn bị cho con gái du học.

Họ chia sẻ sôi nổi những suy nghĩ chung về một ý tưởng giáo dục táo bạo nhưng không một ai nghĩ ý tưởng này có thể đi xa hơn trong thời điểm đó.

Các cuộc gặp của bà Thủy với những người bạn Mỹ sau đó luôn xoay quanh ý tưởng dự án này. Câu chuyện dần trở nên nghiêm túc khi ý tưởng được gieo hạt bằng những hành động của nhóm Giáo sư ở Harvard.

Năm 2009 là thời điểm nhóm đặc trách do Thomas Vallely dẫn dắt cho ra mắt một nghiên cứu chi tiết cho việc xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Họ đã chia sẻ nghiên cứu này với bà Đàm Bích Thủy. Ông Thomas Vallely có lời mời bà Thủy tham gia chính thức nếu dự án có cơ hội trở thành hiện thực.

Sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Thomas Vallely sáng lập Qũy Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV), một tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở ở Boston với sứ mệnh xây dựng dự án đại học quốc tế ở Việt Nam, đại học mang tên Thượng nghị sĩ J.William Fulbright.

“Thời điểm tôi bắt đầu dấn thân thực sự vào dự án đó là lúc nhóm sáng lập đại học chuẩn bị trình ý tưởng này cho lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Năm 2015, nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhóm sáng lập đại học đã chính thức đề xuất thực hiện dự án”, bà Đàm Bích Thủy nhấn mạnh thời điểm có ý nghĩa quyết định.

Tại thành phố New York, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Đại học Fulbright của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho Chủ tịch Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) Thomas Vallely.

Chủ tịch Qũy Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) Thomas Vallely và Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án Đại học Fulbright do Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải trao dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo giấy chứng nhận đầu tư, trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ xây dựng trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trên khu đất có diện tích 15 héc-ta. Fulbright sẽ là trường đại học độc lập, hoạt động không vì lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam.

Tuyên bố về Tầm nhìn chung của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: “Việt Nam và Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy hợp tác giáo dục, bao gồm hợp tác thông qua những tổ chức như Trường Đại học Fulbright Việt Nam”. 

***

Tháng 5 năm 2016, Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm chính thức Việt Nam đánh dấu hai thập niên bình thường hóa quan hệ song phương. Tại Hà Nội, ông đã tuyên bố việc thành lập Đại học Fulbright với nguồn tài trợ ban đầu từ Chính phủ Hoa Kỳ. 

Bà Đàm Bích Thủy chia tay ngành tài chính đã theo đuổi hàng thập kỷ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp để đảm nhận vai trò Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam. Bước ra khỏi thế giới hào nhoáng của tập đoàn đa quốc gia, sự thoải mái, tiền bạc để dấn thân vào việc xây dựng một trường đại học từ ban đầu đối với bà là một lựa chọn phù hợp với những giá trị và niềm tin cá nhân.

“Mối quan tâm với dự án Đại học Fulbright xuất phát từ sự hào hứng trước một ý tưởng giáo dục đầy táo bạo, sau đó tôi quyết định dấn thân để thỏa mãn đam mê theo đuổi một công việc ý nghĩa, phụng sự cho xã hội đó là chuẩn bị tương lai cho những người trẻ tuổi Việt Nam, một thế hệ mới nhiều năng lượng, tri thức và khát khao đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam trong thế kỷ 21”, bà chia sẻ.

Hành trình tìm ý tưởng sáng tạo đại học

Sau khi có giấy phép đầu tư, bên cạnh quá trình chuẩn bị bộ máy, cơ cấu tổ chức, giấy phép hoạt động, một nhóm sáng lập nòng cốt gồm ông Thomas Vallely, Ben Wilkinson, bà Đàm Bích Thủy và Tiến sĩ Đinh Vũ Trang Ngân – cựu giảng viên của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) lúc đó đang chuẩn bị hoàn thành Tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh)- đã theo đuổi một hành trình miệt mài tìm kiếm ý tưởng cụ thể xây dựng chương trình đại học của Fulbright.

Ben Wilkinson thành viên tích cực phía Mỹ của nhóm sáng lập nòng cốt Đại học Fulbright cùng bà Đàm Bích Thuỷ trong lúc chuẩn bị đi gặp Bard College lần đầu tiên (16/12/2015)

Bà Đàm Bích Thủy không nhớ được nhóm sáng lập nòng cốt đã có bao nhiêu chuyến đi tham quan học hỏi, tìm hiểu các mô hình, các trường đại học khắp nước Mỹ. Họ dùng tất cả các kênh quan hệ do bạn bè giới thiệu, kết nối các tổ chức giáo dục đại học của Mỹ để tìm hiểu các chương trình đào tạo. Mỗi một chuyến đi dần chắt lọc, định hình những giá trị giáo dục cốt lõi mà Fulbright theo đuổi.

“Một chuyến đi rất đáng nhớ của chúng tôi đó là từ Boston đến New Hamsphire. Chặng đường vô cùng xa mà những con đường ngập chìm trong tuyết dày. Ben cầm lái cả chặng đường dài, chở tôi và Ngân trên chiếc xe ô tô gia đình.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là chúng tôi đã làm việc trên xe trong chặng đường đi và thảo được những điểm cơ bản trong sứ mệnh giáo dục của Đại học Fulbright. Sứ mệnh đó chúng tôi đặt treo trong văn phòng đầu tiên của Đại học. Cho đến khi Fulbright có cơ sở đào tạo đầu tiên, những điểm trong sứ mệnh giáo dục đó vẫn ở lại, không thay đổi”- Bà Thủy kể lại.

Một thách thức mang tính quyết định đối với những thành viên sáng lập đại học Fulbright khi đó là lựa chọn mô hình giáo dục nào? Nhóm đã từng có những thảo luận nghiêm túc về việc Fulbright nhập khẩu chương trình của một đại học hàng đầu của Mỹ. 

“Giống như việc một đại học nước ngoài vào đây mở cơ sở đào tạo, chuẩn bị sẵn mọi nguồn lực học thuật và Fulbright chỉ việc tham gia cùng. Như vậy sẽ tiện lợi cho chúng tôi nhưng sẽ có những ràng buộc, cam kết theo mục tiêu của những chương trình nhập khẩu mà Fulbright phải đáp ứng.

Tổng thống Barack Obama cùng các thành viên Việt Nam trong nhóm sáng lập Đại học Fulbright. Nguồn ảnh: Nhà Trắng cung cấp cho Đại học Fulbright khai thác như ảnh tư liệu

Nhưng chúng tôi nhận thấy phải có một điều gì đó xứng đáng để dấn thân và đóng góp cho giáo dục đại học ở Việt Nam hơn là chỉ dừng ở việc nhập khẩu 100% chương trình đào tạo của nước ngoài”, bà Đàm Bích Thuỷ chia sẻ.  

Bước ngoặt quyết định đối với nhóm sáng lập đại học đó là cuộc gặp gỡ Chủ tịch đại học kỹ thuật Olin, Giáo sư Richard Miller ở Massachusetts thông qua giới thiệu của một thành viên trong Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright. 

“Chúng tôi thực sự bị cuốn hút và được truyền cảm hứng bởi ý tưởng giáo dục đại học cực kỳ thú vị của Olin. Họ tham vọng thay đổi cách giảng dạy về khoa học kỹ thuật. Đó thực sự là ý tưởng đầy thách thức bởi cách dạy khoa học kỹ thuật của MIT hay của Đại học Harvard, Standford hoặc các trường đại học kỹ thuật khác của Mỹ đã thống trị từ lâu và có nền tảng cực kỳ bền vững. Chúng tôi bị hấp dẫn về cách thức họ thực hiện sáng tạo giáo dục đại học và vươn lên trở thành một trong những trường đào tạo về kỹ thuật xuất sắc của Mỹ chỉ trong một thập kỷ”, Chủ tịch Đại học Fulbright nhớ lại.

Tiến sĩ Mark Somerville đến thăm trường chuyên Trần Đại nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) trong giai đoạn giúp Fulbright xây dựng ý tưởng kiến tạo đại học

Thông qua Giáo sư Richard Miller, nhóm đã có cuộc gặp với Giáo sư, Tiến sĩ Mark Somerville, người được coi là kiến trúc sư của những đổi mới, sáng tạo ở Olin. Những tư vấn, trao đổi về học thuật với Tiến sĩ Mark Somerville trong một thời gian dài đã giúp những thành viên sáng lập đại học Fulbright định hình được ý tưởng thiết kế đại học của mình. 

Nhóm cũng nhận thấy rằng Fulbright cần đáp ứng cơn khát nguồn nhân lực có kỹ năng tư duy đa chiều ở Việt Nam. Sau một thời gian dài đắm chìm trong hệ thống giáo dục nặng về học thuộc lòng, sinh viên khi ra trường “không có chính kiến trong bất kì việc gì. Họ có bảng điểm tốt nhưng họ khó thích ứng được với những yêu cầu thực tế của công việc”, bà Thuỷ cho biết.

Bởi vậy, nhóm sáng lập Fulbright cuối cùng đã đi đến quyết định kiến tạo một mô hình giáo dục đại học dựa trên nền tảng truyền thống giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ, vốn đã chứng minh được khả năng đào tạo ra những người có khả năng tư duy bao quát và thích ứng được với những thay đổi.

“Tôi luôn tin giáo dục khai phóng sẽ là một mô hình phù hợp cho những ý tưởng đổi mới của xã hội Việt Nam trong những thập kỷ tới”, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright cho hay. Bà kể đã từng mang một môn học (Nghệ thuật biện luận) do các sinh viên Năm học Đồng kiến tạo xây dựng cùng các giảng viên quốc tế ngay tại đại học Fulbright giới thiệu với các đồng nghiệp tại Mỹ. Họ đã ngạc nhiên thích thú trước năng lực sáng tạo của những sinh viên Việt Nam.

Xuân Linh – Việt Lâm

Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam có bài nói chuyện tại TEDxHanoi về câu chuyện xây dựng đại học Fulbright trên tinh thần sáng tạo giáo dục đại học, định nghĩa lại đại học. Trân trọng giới thiệu bạn đọc. Nguồn video: TEDxHanoi

Hãy tưởng tượng nếu bạn được trao một cơ hội tuyệt vời để xây dựng một trường đại học từ đầu ở Việt Nam, lựa chọn nào là tối ưu?

Đó là câu chuyện của Đại học Fulbright Việt Nam, một dự án mất hơn 10 năm để thực hiện. Ý tưởng ban đầu được định hình đó là Đại học Fulbright, với sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, sẽ là một trường đại học tư thục độc lập, hoạt động không vì lợi nhuận, lấy cảm hứng từ nền giáo dục khai phóng kiểu Mỹ, nhưng đặt ở Việt Nam và dành cho người Việt Nam.

Tiếp cận khác biệt

Chúng tôi có hai lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là xem xét tất cả các mô hình giáo dục trên thế giới đã thành công trong 100 hay 200 năm qua. Thậm chí ở một số nước, có những mô hình đại học đã tồn tại hơn 400 năm. Chúng tôi có thể triển khai một mô hình tương tự như thế ở Việt Nam bằng cách nhập khẩu sử dụng.

Nhưng, sẽ nhiều thứ thay đổi xảy ra trong vòng 10 năm tới, thậm chí còn thay đổi nhanh hơn những gì chúng ta đã chứng kiến trong suốt 200 năm qua. Vậy, chúng tôi có nên lãng phí một cơ hội quý báu xây dựng một trường đại học mới bằng cách rập khuôn một mô hình cũ?

Chúng tôi không nghĩ như vậy và quyết định dấn thân vào một con đường không ai đi trước. Fulbright tham vọng đổi mới cách tiếp cận với giáo dục đại học và định nghĩa lại đại học để trường đại học có thể thích ứng với những biến động, thay đổi đang diễn ra hiện nay.

Nhưng, để định nghĩa lại trường đại học, Fulbright đứng trước một loạt những hướng đi và lựa chọn khác nhau.

Hướng đi đầu tiên dễ được nhiều người đặt ra: Mời đến Việt Nam một loạt các chuyên gia về giáo dục, những người đã chiêm nghiệm và trải nghiệm nhiều mô hình giáo dục. Họ sẽ ngồi trong một căn phòng và sau khoảng hai, bốn tháng hay sáu tháng hoặc thậm chí một năm làm việc, họ sẽ đề ra một hành trình giáo dục hoàn hảo cho sinh viên Việt Nam.

Một lần nữa, chúng tôi lùi lại và tự hỏi: Đây có phải con đường đúng đắn để đi? Ngày nay, tri ​​thức sẵn có, mênh mông còn cách sinh viên học tập cũng không còn giống cách mà những chuyên gia đã trải qua, thậm chí cả 10 năm trước cũng không còn giống.

Do đó, chúng tôi quyết định tiếp cận theo một hướng khác biệt.

Chúng tôi quyết định tụ họp các giáo sư và sinh viên lại với nhau để cùng tạo ra một năm học gọi là Năm Đồng Kiến tạo. Trong năm học này, các giáo sư và sinh viên cùng làm việc để hoàn thiện hành trình trải nghiệm bốn năm tại trường đại học, bao gồm việc học tập trên giảng đường, học tập qua trải nghiệm thực tế, cuộc sống nội trú, quản lý sinh viên….

Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách đồng kiến tạo những trải nghiệm này, các sinh viên sẽ thật sự trở thành người nắm giữ vận mệnh hành trình giáo dục của họ và điều đó cũng sẽ giúp họ chuyển từ lối học truyền thống sang cách học chủ động, thiên về phân tích và giải quyết vấn đề nhiều hơn.  

Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thuỷ

Hiện tại, lý thuyết thiết kế không hề mới mẻ trong kinh tế. Lý thuyết thiết kế đang được áp dụng tại rất nhiều công ty công nghệ và có lẽ không ai ứng dụng lý thuyết này tốt hơn Apple với sản phẩm là chiếc iPhone. Tôi không phải là người thích chạy theo những mẫu Iphone mới nhất nên tôi không biết đến giờ họ đã có bao nhiêu phiên bản.

Nhưng tôi biết đích xác thời điểm họ ra mắt một phiên bản, họ đưa nó ra thị trường, họ trò chuyện với người dùng và sau đó cải thiện nó. Tại sao chúng ta không thể thực hiện điều tương tự với giáo dục? Tại sao giáo dục cứ phải giậm chân một chỗ, không có gì đổi khác từ năm này qua năm khác cho đến tận bây giờ?

Những giả định

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số câu chuyện đã diễn ra trong năm học đồng kiến tạo và lý do vì sao Fulbright tin rằng đây là cách tốt nhất để xây dựng một nền giáo dục phù hợp với những gì đang xảy ra và có thể xảy đến trong tương lai rất gần.

54 sinh viên và khoảng 16 giảng viên cùng nhau làm việc, kiểm nghiệm rất nhiều giả định đã được chấp nhận như những mặc định về giáo dục trên thế giới cũng như kiểm nghiệm các giả định về giáo dục Việt Nam, về sinh viên Việt Nam.

Giả định đầu tiên mà nhiều người hay tin tưởng đó là: cách để sinh viên học tốt nhất là đặt họ vào một môi trường vô cùng quy củ. Họ đọc sách, họ đến lớp, các giáo sư giảng bài và sau đó về nhà, làm bài tập và sẽ tìm thấy câu trả lời cho các giải pháp đã được lên khuôn từ trước.

Bạn đoán xem điều gì xảy ra khi vào một buổi học lúc 4 giờ chiều, chúng tôi quyết định giao vấn đề cho một nhóm sinh viên liên quan đến lập trình máy tính. Phần lớn 54 sinh viên chưa bao giờ tham dự một lớp khoa học máy tính nào. Giảng viên giới thiệu các đường link mà các em có thể lên mạng xem và đề bài đặt ra là ngày hôm sau, khi đến lớp, chúng tôi sẽ đưa cho các em một số vấn đề mà các em cần phải sử dụng Python (một ngôn ngữ lập trình máy tính bậc cao) để giải quyết.

Bạn có thể tưởng tượng ra phản ứng của các sinh viên: “Thầy cô có bị mất trí không? Thầy cô quá sức vô lý. Tại sao có thể yêu cầu tụi em làm một thứ mà tụi em chưa từng được dạy trong đời?” Nhưng đoán xem, ngày hôm sau, cả 5 nhóm đều tìm ra giải pháp với ngôn ngữ lập trình Python – chương trình để giải quyết câu hỏi về số nguyên tố. Họ tìm ra giải pháp và đi đến câu trả lời theo những cách khác nhau nhưng tất cả đều có câu trả lời chính xác.

Đây là một giả định mà chúng tôi muốn thách thức. Liệu sinh viên sẽ học tốt hơn trong một môi trường có vẻ lộn xộn? Có lẽ họ làm tốt trong một căn phòng lộn xộn hơn là một căn phòng ngăn nắp. Hãy suy ngẫm về chính bản thân mình.

Bài nói chuyện tại TEDxHanoi của Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thuỷ

Nếu bạn là một đầu bếp giỏi, có lẽ bạn dành rất nhiều thời gian trong bếp. Đôi khi bạn làm thức ăn bị khét, đôi khi thức ăn quá mặn. Nhưng bạn vật lộn với những điều đó và rồi một ngày bạn trở thành đầu bếp bậc thầy. Không có đầu bếp bậc thầy thực sự nào răm rắp nấu theo một cuốn sách nấu ăn. Đây là một ví dụ.

Ví dụ thứ hai mà tôi muốn chia sẻ đó là giả định: kỹ thuật thì khô khan, kỹ thuật thì khó nhằn, học về kỹ thuật phải nằm trong khuôn mẫu. Khi bạn xây một cây cầu, bạn không muốn nó đổ sụp và gần như không thể kết hợp kỹ thuật với bất kỳ ngành học nào khác. Đừng nói với tôi rằng chúng tôi nên dạy kỹ thuật với nhân văn hay với nghệ thuật. Giờ là một nhiệm vụ khác.

Chúng tôi cho hai nhóm sinh viên đến tiếp xúc với những người cao tuổi ở Sài Gòn. Định nghĩa về người cao tuổi của chúng tôi là những người trên 80 tuổi. Chúng tôi muốn các sinh viên nói chuyện với họ, tìm cách để chia sẻ cuộc sống, câu chuyện cá nhân của họ và hiểu tất cả những khó khăn họ đang gặp phải trong thường nhật, từ đó đưa ra ý tưởng về một sản phẩm có thể giúp họ cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Khi nói về thế hệ Millennial (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), nhiều người luôn tin rằng họ suốt ngày dán mắt vào iPad, iPhone, thậm chí họ còn không nói chuyện với bố mẹ trong bữa tối. Nhưng giờ họ phải ra ngoài và cố tìm câu trả lời từ một người giống như ông bà của họ. Họ làm điều đó như thế nào? Vâng, đó chính là bài tập!

Lại một lần nữa, sau hai tuần, hai nhóm tự hào giới thiệu các sản phẩm mà họ đã thiết kế đặc biệt cho những người này. Tôi phải nói rằng tôi chưa bao giờ được chứng kiến ​​một sợi dây kết nối đầy mạnh mẽ và tình cảm giữa các sinh viên và những người ở ngoài xã hội như vậy.

Một giả định nữa tiếp tục bị thách thức. Nếu bạn muốn trở thành một kỹ sư giỏi, bạn không chỉ cần trau dồi những kỹ năng về kỹ thuật. Bạn cần nhiều hơn thế. Bạn cần sự thấu cảm. Hiện tại chúng ta đang nói rất nhiều về sự thấu cảm, thấu cảm mới giúp bạn kết nối được với những người sẽ sử dụng sản phẩm của bạn.

Bạn cần có khả năng đặt câu hỏi, kỹ năng giao tiếp để mọi người sẵn sàng tiết lộ tất cả điểm yếu của họ cho bạn. Và nếu không có điều đó, có lẽ sản phẩm bạn làm ra sẽ không bao  giờ được sử dụng và không bao giờ bán được. Như thế, một giả định khác đã bị thách thức.

Chấp nhận thách thức

Ví dụ thứ ba tôi muốn chia sẻ là người ta thường hình dung về sinh viên Việt Nam như những người cực kì thụ động trong học tập. Họ răm rắp nghe lời, răm rắp nhận bài tập và rồi lặng lẽ đi về và làm bất cứ thứ gì mà giáo viên bảo họ. Bạn không hề trông đợi sinh viên Việt Nam sẽ chủ động và hết mình với những trải nghiệm giáo dục của chính bản thân họ.  

Tôi sẽ đưa một ví dụ khác. Chúng tôi quyết định tạo ra một khóa học gọi là Nghệ thuật biện luận. Với hầu hết các trường ở Việt Nam thì đây là một thứ rất mới. Vì thế, chúng tôi đưa cho sinh viên hai sự lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất, chúng tôi mượn giáo trình từ nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ, nghiên cứu và chạy thử rồi các bạn cho ý kiến phản hồi. Lựa chọn thứ hai: chính các em sẽ cùng với giảng viên xây dựng môn Nghệ thuật Biện luận này hoàn toàn từ một trang giấy trắng.

Tất nhiên cũng giống như tất cả các sinh viên, họ chọn cách dễ hơn. Được rồi, chúng ta hãy mượn giáo trình, chúng ta làm việc với nó và chúng ta có một khóa học ngay lập tức. Nhưng hai ngày sau, các sinh viên đến gặp các giáo sư và nói: Chúng em có một câu hỏi. Biện luận ở phương Tây không giống với biện luận ở Việt Nam. Cách chúng em thuyết phục hay lập luận bằng tiếng Việt ở Việt Nam không giống như cách các thầy cô – những người Mỹ thuyết phục hay lập luận ở phương Tây. Chúng em không tin rằng giáo trình này phù hợp với mình. Chúng ta hãy làm lại một giáo trình mới hoàn toàn.”

Họ quyết định chấp nhận thách thức và tôi phải nói rằng thử thách đó, đôi lúc, chúng tôi nghĩ nó quá lớn và không thể vượt qua được. Và bạn có thể tưởng tượng tất cả những cảm xúc mà các sinh viên đã trải qua.

Ngày hôm nay họ vô cùng hạnh phúc, phấn khởi. Nhưng ngày hôm sau họ lại cảm thấy vô cùng thất vọng. Bởi vì họ không thể đến được nơi mà họ muốn đến. Nhưng sau một tháng, họ cùng nhau thuyết trình, với một số hướng dẫn từ các giảng viên, và một giáo trình hoàn chỉnh cho khóa học Nghệ thuật biện luận ra đời.

Và khi tôi giới thiệu nó với nhiều đồng nghiệp tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, họ xem xét giáo trình với một sự kinh ngạc. Họ không thể tin rằng chỉ trong vòng một tháng, các sinh viên có thể làm được điều này, (tất nhiên là dưới sự hướng dẫn của giảng viên), và họ có thể thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ này để tạo ra một khóa học hoàn chỉnh, phản ánh được sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới.

Dám nghĩ khác, vượt qua ranh giới

Tất cả các ví dụ tôi vừa đưa ra giúp chúng ta nhìn lại và suy nghĩ về việc chúng ta nên làm gì. Chúng tôi tin rằng chúng tôi nên trao cho sinh viên cơ hội để họ làm chủ những trải nghiệm của chính mình, trao cho họ cơ hội để đặt mình vào vị trí của các giáo sư và giáo sư ở trong tâm thế của các sinh viên và quan sát toàn bộ trải nghiệm dưới góc nhìn của nhau. Về cơ bản, điều đó sẽ giúp chúng tôi đưa ra ý tưởng về một trường đại học mới và những trải nghiệm giáo dục mới.

Một giờ học của Năm học Đồng kiến tạo

Và khi bạn nghĩ về điều này, bạn nghĩ về việc cố gắng tạo ra những đổi mới trong giáo dục, nhưng rất nhiều người nói rằng điều đó là không thể bởi giáo dục hay trường đại học được hiểu là nơi để mọi người truy cầu sự thật và kiến thức.

Trong số tất cả các tổ chức trong xã hội, đại học là nơi bảo thủ nhất và đó là lý do khiến bạn không nhận thấy nhiều thay đổi trong cách trường đại học cấu trúc và tiến hành các hoạt động giảng dạy và học tập. Nhưng ở đây chúng tôi có thể làm điều đó.

Tất nhiên chúng tôi biết rằng mình được trao một cơ hội tuyệt vời để đặt những viên gạch đầu tiên cho điều này và ngay từ đầu chúng tôi cũng thừa nhận rằng Việt Nam là một nơi rất đặc biệt. Người dân Việt Nam rất cởi mở với bất kỳ thay đổi nào trong giáo dục, có thể là vì những lý do sai lầm, bởi họ quá thất vọng với những thứ họ được chứng kiến trong hệ thống giáo dục của chúng ta cho đến hiện tại.

Vì vậy, đó là lý do họ hồ hởi chào đón bất cứ điều gì mới, bất cứ điều gì trông có vẻ khác. Nhưng đồng thời, ở một đất nước như Việt Nam, nơi có dân số rất trẻ, mọi người cởi mở với những thay đổi và họ đang khao khát sự thay đổi; nếu chúng tôi có thể làm điều đó trong một tổ chức nổi tiếng trên toàn thế giới về độ bảo thủ của nó như trường đại học, thì hãy tưởng tượng chúng ta có thể làm được gì với nhiều thứ khác trong xã hội, chỉ bằng cách dám nghĩ khác đi một chút, cố gắng từ từ vượt qua các ranh giới và tái định hình lại thế giới – nơi chúng ta có thể sáng tạo và chung sống ở đó.Nguồn video: TEDxHanoi

“Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Đại học Fulbright Việt Nam. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Khuôn viên mới ở đây thật đẹp.

Bạn có thể nói nó được thiết kế cho việc học tập và cộng tác, và tôi nghĩ nó thực sự nói lên cách mà Đại học Fulbright Việt Nam mang đến một phương pháp tiếp cận mới cho giáo dục và tiếp cận giáo dục” – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, bà Michelle S. Giuda thăm Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đến Thành phố Hồ Chí Minh trong lịch trình thăm Việt Nam hai ngày (26-27.8). Tại đây, cùng với cuộc gặp gỡ các thành viên Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và nói chuyện tại Trung tâm Hoa Kỳ tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, bà Michelle S. Giuda đã đến thăm Đại học Fulbright Việt Nam.

Giáo dục đại học giờ đây không thể chỉ bó hẹp trong những khu nhà bê tông, nơi kiến thức truyền đạt một chiều đến học sinh.

Lớp học phải được mở rộng ra ngoài những cánh đồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hay những ngọn núi phía Bắc đến vùng duyên hải miền Trung của Việt Nam.

Sau bốn năm học ở Fulbright, chúng tôi hy vọng sinh viên sẽ trở thành người không chỉ có kiến thức nền tảng sâu rộng, có khả năng làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, đương đầu, giải quyết nhiều vấn đề thách thức khác nhau, mà còn trở thành một công dân tốt của xã hội.

XEM ĐẦY ĐỦ: