Ô nhiễm từ nồng độ bụi mịn PM2.5: Lời giải nào từ quản trị?

image

Tiến sĩ Lê Thái Hà (Giám đốc Nghiên cứu Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright), cùng hai đồng tác giả là Giáo sư Chang Young Ho (Đại học Khoa học Xã hội Singapore) và Nhà Kinh tế, Giáo sư Park Donghyun (Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB) mới công bố gần đây một nghiên cứu chủ đề “Quản trị, tổn thương môi trường và nồng độ bụi mịn PM2.5: Bằng chứng quốc tế”. Nghiên cứu đánh giá vai trò của chất lượng quản trị và mức độ dễ bị tổn thương về môi trường của quốc gia đối với nồng độ bụi mịn PM2.5, đây là một trong những chất gây ô nhiễm không khí có hại nhất.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Năng lượng (The Energy Journal – tạp chí SSCI, xếp hạng Q1 theo danh mục ISI/Scopus và A theo danh mục Australian Business Deans Council) của Hiệp hội Kinh tế Năng lượng Quốc tế (IAEE) tháng 3/2021. Nhóm tác giả mở rộng khung lý thuyết EKC để nghiên cứu tác động của quản trị và tính dễ tổn thương về môi trường của quốc gia đối với nồng độ bụi mịn PM2.5 bằng cách sử dụng bộ dữ liệu toàn cầu gồm 128 nước trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2014.

Vấn nạn toàn cầu

Theo giả thuyết về Đường cong môi trường Kuznets (EKC) – thường được sử dụng để biểu thị mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường, ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, các quốc gia ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm hơn là làm sạch ô nhiễm không khí và nước. Hơn nữa, các nước nghèo thường không có đủ nguồn lực để giải quyết các vấn đề suy thoái môi trường và các quy định/khung pháp lý về bảo vệ môi trường ở các quốc gia này cũng tương đối yếu. Do đó, mức độ ô nhiễm của các nước nghèo ngày càng tồi tệ hơn khi các nước này tiến hành công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, khi một quốc gia ngày càng giàu có, người dân có xu hướng coi trọng chất lượng môi trường sống hơn, và điều này sẽ dẫn đến sự đòi hỏi các thể chế quản lý vấn đề này mạnh mẽ hơn. Kết quả là các ngành công nghiệp quan trọng sẽ trở nên “sạch” hơn. Ô nhiễm thường lên đến đỉnh điểm khi một quốc gia đạt được mức thu nhập bình quân trên đầu người ở một ngưỡng nhất định và sau đó ô nhiễm sẽ giảm xuống mức tiền công nghiệp (pre-industrial levels) khi thu nhập bình quân tiếp tục tăng hơn nữa.

Trong những năm qua, lý thuyết đường cong EKC đã trở thành cách tiếp cận chủ đạo của các nhà kinh tế để mô hình hóa nồng độ ô nhiễm môi trường xung quanh và tổng lượng phát thải.

Kịch bản môi trường nêu trên cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước đang phát triển đang theo đuổi chính sách “phát triển trước, làm sạch sau” một cách công khai hoặc ngấm ngầm. Kịch bản này không phải là dự báo tốt cho triển vọng môi trường của các nước đang phát triển. Nhiều quốc gia ở nhóm thu nhập thấp đến trung bình có thể sẽ mất nhiều thời gian để đạt đến mức thu nhập ở ngưỡng mà môi trường sống sạch được coi trọng hơn. Hậu quả là người dân ở các nước này có thể phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng trong nhiều thập kỷ.

Ô nhiễm không khí đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới. Cái giá phải trả cho ô nhiễm không khí đối với các quốc gia rất lớn. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống; gây ra các bệnh mãn tính và thậm chí tử vong. Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe hiện nay lớn hơn nhiều so với những dự báo của vài năm trước đây.

Mỗi năm, ba triệu người trên thế giới chết do ô nhiễm không khí ngoài trời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng trong năm 2012, có khoảng 7 triệu ca trẻ chết non liên quan đến ô nhiễm không khí, cao hơn gấp đôi so với các ước tính trước đó. Trong đó, ô nhiễm không khí ngoài trời được cho là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 3,7 triệu trẻ và ô nhiễm không khí trong nhà đã cướp đi sinh mạng của 4,3 triệu trẻ.

Theo Cơ sở dữ liệu về ô nhiễm không khí ở đô thị toàn cầu của WHO tính đến tháng 5/2016, bao gồm 3.000 thành phố ở 103 quốc gia, hơn 80% người dân sống ở các khu vực đô thị đã hít thở không khí chứa nhiều chất ô nhiễm hơn nhiều so với giới hạn của WHO. Thực tế còn đáng lo ngại hơn vì nhiều quốc gia chỉ có hệ thống quan trắc chất lượng không khí được cài đặt ngẫu nhiên, hoặc thậm chí còn không có hệ thống quan trắc nào. Như vậy, ô nhiễm không khí không chỉ được các nhà nghiên cứu mà còn cả các nhà hoạch định chính sách trên thế giới quan tâm. Do nền kinh tế thế giới rất đa dạng và bao gồm các quốc gia ở các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, nhóm tác giả nghiên cứu đã phân tích và so sánh kết quả nghiên cứu giữa các nhóm quốc gia có mức thu nhập khác nhau. Họ nhận định quản trị có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng không khí đối với toàn bộ các quốc gia được khảo sát. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng xem xét một yếu tố gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí là tính dễ tổn thương về môi trường của quốc gia, không chỉ gây ra bởi khí hậu mà còn bởi một loạt các nhân tố tiềm ẩn như môi trường chính trị – xã hội, cấu trúc kinh tế và các đặc điểm thể chế và chính trị.

Chìa khoá Quản trị tốt

Đối với toàn bộ các quốc gia được khảo sát, nghiên cứu nhận định quản trị tốt hơn sẽ cải thiện chất lượng không khí, trong khi mức độ dễ bị tổn thương về môi trường của quốc gia càng cao thì sẽ gây ra suy giảm chất lượng không khí càng nhiều. Kết quả nghiên cứu cho rằng, vì vậy, quản trị tốt hơn và giảm tính dễ bị tổn thương về môi trường của một quốc gia sẽ có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng không khí ở đó.

Nghiên cứu nhận thấy quản trị được cải thiện còn giúp giảm tác động tiêu cực của tình trạng dễ bị tổn thương về môi trường (của quốc gia) đối với chất lượng không khí. Phát hiện này ngụ ý rằng các quốc gia có khuôn khổ thể chế mạnh mẽ hơn giúp cho việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường tốt hơn sẽ có xu hướng có nhiều đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao khả năng đối phó với các chất gây ô nhiễm không khí, góp phần làm sạch không khí. Do đó, các chính sách cải thiện quản trị và giảm tính dễ bị tổn thương về môi trường của quốc gia có thể thúc đẩy không khí sạch hơn.

Nhìn chung, bằng chứng quốc tế chỉ ra rằng các nước phát triển thành công hơn các nước đang phát triển trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí. Lý do là nhiều quốc gia có xu thế tập trung vào các ngành công nghiệp và kỹ thuật sản xuất tương đối sạch khi họ trở nên giàu có hơn. Điều này có thể dẫn đến việc loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu và kém hiệu quả để áp dụng các công nghệ sạch hơn và hiệu quả hơn. Thu nhập cao hơn cũng có thể cung cấp nhiều nguồn lực tài chính hơn cho đầu tư công vào bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng nồng độ bụi mịn PM2.5 có xu hướng tăng theo thu nhập bình quân đầu người ở các nước thuộc nhóm thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhưng lại giảm theo mức thu nhập trung bình đối với các nước thuộc nhóm thu nhập cao. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đó của Suri và Chapman (1998), cho rằng các nước phát triển “dịch chuyển” các hoạt động sản xuất hàng hóa gây ô nhiễm sang các nước đang phát triển, do đó làm giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nước họ.

Các nước phát triển đã đạt được mức sống tương đối cao và do đó họ có thể đủ khả năng để thực hiện những nỗ lực để cải thiện môi trường hiệu quả. Cụ thể hơn, họ có các nguồn lực tài chính, công nghệ và năng lực thể chế, bao gồm cả việc sở hữu một chính phủ mạnh và hiệu quả, để giải quyết các vấn đề môi trường. Đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng bao trùm (inclusive growth) là yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường cũng như nâng cao mức sống chung và giảm nghèo.

Tăng trưởng bao trùm đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ, nhưng công nghiệp hóa đồng nghĩa với việc gia tăng sử dụng tài nguyên năng lượng và điều này sẽ dẫn đến ô nhiễm và suy thoái môi trường. Các nước đang phát triển theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế thường ưu tiên cho công nghiệp hóa hơn là các vấn đề môi trường. Ví dụ, Trung Quốc ít chú ý đến môi trường trong nhiều thập kỷ tuy đạt mức tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Kết quả là công dân của họ, dù có mức thu nhập trung bình cao hơn trước, nhưng lại sống với mức ô nhiễm bụi mịn cao hơn nhiều lần so với ở Mỹ, khiến chất lượng không khí trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng của Trung Quốc. Nhiều nước đang phát triển hiện nay cũng đang áp dụng mô hình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Trung Quốc – vốn sử dụng nhiều năng lượng.

Như vậy, đây là tình thế lưỡng nan mà các nước đang phát triển phải đối mặt: để đạt được tăng trưởng bao trùm nhằm nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề môi trường, họ phải trải qua quá trình công nghiệp hóa gây ô nhiễm môi trường.

Tóm lại, nghiên cứu chỉ ra rằng cần có nhiều nỗ lực phối hợp hơn nữa để thúc đẩy quản trị môi trường và giảm tính dễ bị tổn thương về môi trường, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chúng bao gồm các sáng kiến ​​phát triển hài hòa với nhu cầu xã hội và kinh tế, cũng như các chương trình phát triển bền vững như nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, phát huy vai trò của người dân và các tổ chức xã hội trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tắc nghẽn giao thông. Quản trị được cải thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và giúp các doanh nghiệp theo đuổi các hoạt động đổi mới sáng tạo, giảm tính dễ bị tổn thương về môi trường của một quốc gia.

Nghiên cứu cho rằng để các nước đang phát triển đạt được môi trường sạch hơn, đặc biệt là giảm nồng độ chất ô nhiễm, cần rất nhiều sự hỗ trợ đáng kể về nguồn lực, công nghệ và tài chính từ cộng đồng quốc tế. Sự hỗ trợ này sẽ cải thiện năng lực thể chế về môi trường của các nước đang phát triển, tăng cường các nguồn lực khan hiếm cho mục đích bảo vệ môi trường của họ và giảm thiểu chi phí mà họ phải chịu trong công cuộc chống ô nhiễm. Nghiên cứu cũng đề xuất một số sáng kiến để cải thiện chất lượng quản trị và tính dễ bị tổn thương về môi trường ở các nước đang phát triển, ví dụ, nâng cao nhận thức về môi trường của cộng đồng và tổ chức các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường.

  • Thúy Hằng

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer