Tin Tức

Sáng kiến & giải pháp cho những vấn đề xã hội đặc thù từ Fulbrighters – Điều mà trí tuệ nhân tạo không thể thay thế

image

“Chúng ta học thế giới nhưng phải đóng góp cho Việt Nam” 

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, với một giọng nói truyền lửa của hơn 40 năm nghề giáo pha lẫn với sự ngập ngừng trong xúc động, đã gửi gắm như thế đến sinh viên Fulbright trong buổi trao học bổng mang tên ông cho Đại học Fulbright Việt Nam. Sự tin tưởng và ủng hộ của những người như Thầy Nguyễn Tùng Lâm đã tiếp thêm sức mạnh cho Fulbright trên chặng đường theo đuổi nền giáo dục “khác biệt”, nơi mà tinh thần chinh phục những thách thức lớn không ngừng được khơi dậy, ươm dưỡng, bồi đắp và phát triển suốt bốn năm học.

Việt Nam hôm nay đối diện với rất nhiều thách thức, từ những biến động liên quốc gia và toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh đến những xáo động trong nước như thiếu hụt thiết bị y tế hay mất cân xứng giáo dục. Bên cạnh những tác động từ tầng chính sách nhà nước hay nỗ lực của các tập đoàn, tổ chức, những tác động âm thầm và nhỏ bé từ những cá thể hay tập thể từ trong nhân dân cũng thật quan trọng và đáng trân quý. Bởi lẽ, những sáng kiến sinh ra và lan tỏa trong chính cộng đồng mới có thể tiếp cận được những vấn đề cụ thể, sát sườn và tạo ra kết quả bền vững, để rồi “góp gió” thì ắt sẽ “thành bão”. 

Và tại Fulbright, rất nhiều những sáng kiến như vậy được sinh ra và phát triển, đã, đang và hứa hẹn tạo ra giá trị cho xã hội, góp phần vào giải quyết những thách thức của đất nước. Đây không phải là một triết lý suông hay một kỳ vọng viển vông đặt lên vai của những người sẽ tốt nghiệp Fulbright, mà nó là một tinh thần bên trong mỗi sinh viên, là sợi dây gắn kết những cá nhân và là một chất xúc tác để những ý tưởng, những hành động có thể thành hình bất kỳ lúc nào, từ bài tập môn học, đồ án tốt nghiệp đến hoạt động câu lạc bộ, chương trình thực tập và quỹ sáng kiến. 

Nếu nhìn Fulbright là một xã hội thu nhỏ với muôn vạn khía cạnh của “đời sống sinh viên”, thì trong bài này hãy cùng Fulbright “xoay tiêu cự” nhìn sâu vào hành trình phục những thách thức của Việt Nam và toàn cầu của sinh viên trải dài qua 4 năm học nhé! 

Để trở thành Fulbrighter: Tinh thần chinh phục

 

Với nhiều ứng viên, việc “làm đơn ứng tuyển vào Fulbright” là một hành trình thử thách nhưng cũng thật thú vị. Thông qua quá trình làm bài luận hoặc sản phẩm sáng tạo, mỗi ứng viên có cơ hội nhìn nhận kỹ lưỡng chính mình qua hành trình phát triển bản thân và trong tương quan với cộng đồng, xã hội xung quanh. Cũng chính vì “tiêu chí” đặc biệt này mà cộng đồng sinh viên Fulbright trong những năm qua rất đa dạng, đến từ nhiều vùng miền và hoàn cảnh khác nhau với những mối quan tâm riêng. Cộng đồng ấy dù đa dạng nhưng chia sẻ chung những giá trị “Ham học hỏi, Tính tiên phong, Tinh thần trách nhiệm và biết quan tâm đến người khác” – chị Lê Thị Quỳnh Trâm, Giám đốc Tuyển sinh và Hỗ trợ tài chính tại Fulbright chia sẻ. 

Quá trình tuyển sinh ở Fulbright khác biệt là thế, nhưng lại rất đồng điệu với nhu cầu nguồn vốn con người tại Việt Nam và thế giới hiện nay. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát triển kinh tế gắn liền với trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp là hướng đi bền vững, nhằm tạo ra giá trị nhân văn, bồi đắp văn hóa doanh nghiệp. Điều này góp phần tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. 

Trải qua một thập kỷ đầy biến động cùng với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, nhu cầu và quy trình tuyển dụng tại các tập đoàn, công ty đã thay đổi rất nhiều. Khi biến đổi khí hậu, quá tải y tế và khủng hoảng tài nguyên trở thành những thách thức toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp doanh nghiệp thì khi đó họ nhận ra mình không chỉ cần những nhân sự giỏi chuyên môn, mà còn cần phải có tư duy hệ thống và trách nhiệm cộng đồng để sản phẩm và dịch vụ mình tạo nên có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững. Khi AI nói chung và ChatGPT nói riêng làm khuấy động thế giới với sự thông minh và “chuyên nghiệp” của mình, thì những giá trị và khả năng mà “máy” không thể nào thay thế được người lao động lại càng được đề cao, đó chính là sự kết nối và những giải pháp liên ngành. Những hình thức mới như “test” tính cách, giải tình huống, thuyết trình dự án, v.v. đang dần trở nên phổ biến trong quy trình tuyển dụng, điều này cũng phần nào thể hiện xu thế quan tâm nhiều hơn đến “trách nhiệm cộng đồng” ở các doanh nghiệp. 

Nhận ra điều đó từ ngày đầu thành lập, Fulbright đón chào các ứng viên đa dạng với khát khao phụng sự cộng đồng của mình, xã hội Việt Nam và cả thế giới rộng lớn ngoài kia. Tại Fulbright, tinh thần ấy được nuôi dưỡng và tạo điều kiện phát triển thành những dự án và hành động cụ thể! 

Fulbrighters làm chủ công nghệ để giải quyết những thách thức xã hội 

Nhận ra sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, thay vì lo sợ bị thay thế, sinh viên Fulbright đã tự tin vận dụng công nghệ vào những dự án và đam mê của mình, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. 

Đam mê công nghệ từ ngày đầu vào trường, Nguyễn Phùng Nhật Khôi (Sinh viên Khóa 2023) đã được các giảng viên khuyến khích “tự thiết kế chương trình học” dưới sự hướng dẫn tận tình của GS.TS. Nguyễn Nhựt Tiến (Quyền Trưởng khoa Khoa học Máy tính). Trong suốt quá trình đó, Nhật Khôi không ngừng mày mò tìm tòi phát triển kỹ năng lập trình, cọ xát trong nhiều cuộc thi,  đồng thời phát triển nghiên cứu và sản phẩm ứng dụng. Cậu từng được nhận học bổng TPBank để phát triển đề án nghiên cứu “Cây giả lập—Mô hình Trò chơi cho Trí tuệ Nhân tạo”. Hiện tại, cậu bạn đang phát triển công nghệ “dạy” AI phân tích các chỉ số canh tác cây trồng để máy có thể tự tính toán giờ giấc và liều lượng chất dinh dưỡng. Công nghệ này sẽ giúp cho quá trình canh tác được chính xác và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và các mô hình kinh doanh cây cảnh và vườn đô thị. 

Một sinh viên cũng “làm chủ” trí tuệ nhân tạo khác là Lê Hoàng Phúc (sinh viên Khóa 2023). Bén duyên với tổ chức bảo tồn quốc tế Fauna & Flora qua “Chương trình Phát triển những người kiến tạo thay đổi, phụng sự xã hội” của Fulbright, Lê Hoàng Phúc (sinh viên Khóa 2023) đã tìm ra con đường để có thể ứng dụng chuyên ngành Khoa học máy tính vào dự án tác động xã hội. Tại tổ chức Fauna & Flora, cậu bạn lần đầu tiên biết đến một lĩnh vực được chú ý trên thế giới nhưng còn mới lạ ở Việt Nam, đó là “conservation tech” (tạm dịch: công nghệ trong bảo tồn). Cậu nảy ra ý tưởng dùng AI nhận diện rùa để ai cũng có thể dễ dàng đánh giá và nhận biết những loài rùa quý hiếm, từ đó lan tỏa hành động bảo vệ loài rùa khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Với cậu, đây không đơn thuần là một dự án thực tập mà là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển tương lai của bản thân. 

Tối ưu hóa giải pháp từ vận dụng công nghệ là bước đi hợp thời đại và có triển vọng lớn trong tương lai. Với tinh thần ham học hỏi, sự hỗ trợ đặc biệt từ các giảng viên tầm cỡ quốc tế và cơ hội cọ xát thực tế, sinh viên Fulbright luôn sẵn sàng và tự tin trên hành trình chinh phục tương lai! 

Fulbrighters rèn luyện tư duy kinh doanh với tinh thần phụng sự cộng đồng 

 

“Học qua trải nghiệm” (experiential learning) có lẽ không còn là một khái niệm xa lạ ở Việt Nam, nhưng ở Fulbright “trải nghiệm” ấy đặc biệt hơn cả vì gắn bó sâu sắc với giá trị xã hội. Ngay từ năm nhất, sinh viên Fulbright đã được tiếp cận với những môn học nền tảng và tự chọn mà bài tập kết thúc môn là một hoạt động hoặc dự án giải quyết thách thức của xã hội. Hai trong những môn học ấy là Đạo đức học thực hành và Tư duy Thiết kế & Hệ thống. 

Môn học “Đạo đức học thực hành” tại trường Đại học Fulbright Việt Nam được Tiến sĩ Nguyễn Nam (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Fulbright) thiết kế và giảng dạy. Để “tốt nghiệp” môn này, các bạn sinh viên sẽ chia nhóm và cùng thực hiện dự án phụng sự cộng đồng. Dẫu chỉ là “bài tập” của một môn học nhưng đã có những dự án được các bạn phát triển và theo đuổi lâu dài, trong đó có EM-IN, một doanh nghiệp xã hội chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trò chơi Giáo dục Cảm Xúc.

Lê Kiều Oanh (sinh viên Đồng kiến tạo) khi ấy cùng với nhóm đã chọn một mái ấm tình thương ở Đà Lạt để giới thiệu về trí tuệ cảm xúc cho 30 trẻ mồ côi. “Chuyến đi đã để lại cho chúng em nhiều cảm xúc, có thương nhớ, có hạnh phúc và trên hết là tiếc nuối vì chẳng thể ở lại lâu hơn để giúp các em nhỏ hiểu thêm về trí tuệ cảm xúc.” – Oanh chia sẻ. Từ đó, dự án EM-IN ra đời và với mong muốn có thể đi xa hơn, dự án được phát triển thành doanh nghiệp xã hội. Oanh cùng các bạn đã ra mắt hai bộ trò chơi mang tên “Universal Children’s Day” (tạm dịch: Ngày Thiếu nhi Thế giới) và “Biết Mình Biết Ta”. 

Còn môn học Tư duy Thiết kế & Hệ thống là một môn nền tảng về “kỹ thuật và chế tạo” được giảng dạy và thực hành theo cách đặc biệt. Theo Tiến sĩ Trương Trung Kiên (Trưởng Bộ môn Kỹ Thuật tại Fulbright) thì chương trình giảng dạy được xây dựng và học hỏi từ mô hình của trường Đại học Kỹ thuật Olin, Hoa Kỳ với triết lý “Không chỉ chuyên sâu về thực hành kỹ thuật, mà còn phải biết rộng, phải có tư duy kinh doanh và biết xã hội đang cần gì, sản phẩm mình tạo ra thì có ảnh hưởng như thế nào đến xã hội.”. Qua đó, lớp được chia thành hai vai trò người cung cấp sản phẩm và người mua sản phẩm để cùng thảo luận và lên ý tưởng, thiết kế tính năng sản phẩm. Điều này giúp sinh viên phát triển kỹ năng thương lượng thực tế và đặt “người mua” làm trung tâm, đồng thời cân nhắc đến những tác động xã hội khác. 

Tiếp cận với mô hình giảng dạy và giảng viên mang tầm quốc tế, nhưng lại được thực hành trong bối cảnh xã hội Việt Nam là điểm đặc sắc của chương trình học tại Fulbright. Những lý thuyết và kỹ năng mà sinh viên học trong lớp luôn được các giảng viên hướng dẫn và khuyến khích soi chiếu qua các quan sát ngoài xã hội, ứng dụng vào việc giải quyết những thách thức của xã hội và duy trì tính bền vững của những giải pháp! 

Di sản Fulbright: Cộng đồng những nhà chinh phục

Có lẽ vì được ươm dưỡng trong một môi trường hướng đến phụng sự cộng đồng như thế nên rất nhiều Đồ án Tốt nghiệp của sinh viên năm cuối tại Fulbright chọn hướng về vấn đề xã hội gắn liền với trải nghiệm và cộng đồng mình thuộc về. 

Lý Minh Tú (Sinh viên Đồng kiến tạo) là một trong số đó. Với mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần và là sinh viên chuyên ngành Kinh tế, Tú đang xây dựng mô hình trường học cung cấp những khóa ngắn hạn về tham vấn tâm lý cho những người trẻ. Sau thời điểm đại dịch, cô bạn nhận ra nhu cầu tham vấn tâm lý ngày càng tăng trong khi người có chuyên môn tâm lý thì rất ít, từ đó cô nảy ra ý tưởng cung cấp những kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ để các bạn có thể hỗ trợ người thân và bạn bè khi cần. Sinh ra trong một gia đình có mẹ theo ngành y tế, cô bạn rất hiểu tính đặc thù của lĩnh vực này tại Việt Nam. Vì vậy, khi xây dựng mô hình trường học này, ngoài chuyên môn về Kinh tế, cô đã phải tham khảo ý kiến các bạn học và thầy cô thuộc các ngành khác nhau để có hình dung liên ngành và thực tế nhất. Sau tốt nghiệp, cô bạn sẽ đi làm trong tập đoàn đa quốc gia với mong muốn cọ xát và tìm ra con đường phù hợp nhất để có thể cống hiến vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam trong tương lai. 

Sự tương trợ lẫn nhau của những người đồng môn chung chí hướng này có lẽ là một “đặc sản” của Fulbright. Đặc biệt hơn cả là sự tương trợ này còn liên cấp và liên bộ môn, vì sinh viên ở đây luôn nhận thức sâu sắc giá trị của những giải pháp liên ngành cho các thách thức của thời cuộc. Cộng đồng những người chung chí hướng ấy còn được khuyến khích phát triển hơn khi tại nơi đây có những học bổng ủng hộ tư duy vì xã hội, trong đó có học bổng Change-Makers. Mỗi năm, học bổng đã hỗ trợ sinh viên Fulbright hiện thực hóa rất nhiều dự án hướng đến giải quyết những thách thức khác nhau từ cấp địa phương đến toàn quốc, như giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, xây dựng môi trường giáo dục thúc đẩy đa dạng giới, lưu giữ các giá trị nghệ thuật truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số, v.v. 

Nhờ trải nghiệm học và phát triển trong cộng đồng chung chí hướng và nhiệt tình hỗ trợ này mà các bạn trẻ tại Fulbright thêm vững tin về sự phát triển tốt đẹp hơn của Việt Nam và thế giới, sẵn sàng chinh phục những thử thách đang chờ đợi mình ở tương lai! 

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer