Tin Tức

Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam trong kỷ nguyên mới

image

Tiến sĩ Evan Medeiros, chuyên gia hàng đầu về châu Á của Mỹ, từng là Giám đốc các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc Gia Mỹ dưới thời của Tổng thống Barack Obama, theo lời mời của Đại học Fulbright Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế của Mỹ, đến TP.HCM diễn thuyết về quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ với chủ đề “Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong kỷ nguyên mới và tương lai” (Tháng 1.2018).

Xin chào Quý vị Quan khách, bạn bè, đồng nghiệp đã mời tôi đến buổi hội thảo ngày hôm nay. Lần cuối tôi ở Việt Nam là vào 2 năm về trước. Và chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, đã có quá nhiều thay đổi lớn trên thế giới, thay đổi trong Hoa Kỳ, thay đổi ở Châu Á, và có lẽ sẽ có nhiều thay đổi trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Và đây cũng là những nội dung mà tôi muốn chia sẻ ngày hôm nay, với chủ đề “Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong kỷ nguyên mới và tương lai.”

Trước khi tôi trình bày về “Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong kỷ nguyên mới và tương lai,”tôi muốn bắt đầu bằng một câu chuyện mà tôi hy vọng rằng sẽ giúp nói lên quan điểm của tôi về tương lai của mối quan hệ giữa hai nước. Xin hãy quay trở lại khoảng thời gian tháng 7 năm 2013. Vào buổi sáng ngày 25 tháng 7 đó (theo tôi nhớ đó là một buổi sáng nắng rực rỡ với độ ẩm khá cao tại Washington), tôi bước vào Căn phòng Bầu dục để báo cáo với Tổng thống Obama.

Tại thời điểm đó, tôi đã làm việc tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia khoảng 4 năm. Tôi đã dần quen với những trải nghiệm đặc biệt chỉ có ở Nhà Trắng: bạn có thể tiếp cận với khối thông tin khổng lồ và những con người kiệt xuất, có rất nhiều trải nghiệm mà ta chỉ có thể có một lần trong đời, gặp Đức Dalai Lama rất nhiều lần, và đương nhiên là sẽ có rất nhiều những quyết định về an ninh rất khó khăn mà bạn sẽ phải có, cũng như cường độ làm việc rất cao tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Chúng tôi hay gọi đây là “sprintathon”- hay là chạy nước rút trong những cuộc đua marathon. Nhưng điều duy nhất mà chắc bạn sẽ không bao giờ làm quen được, đó cũng là việc làm tôi rất lo lắng, là việc phải báo cáo với Tổng thống. Việc này luôn rất khó và đòi hỏi sự chuẩn bị rất chu đáo. Tôi luôn rất hồi hộp, hồi hộp đến thót bụng mỗi khi tôi phải bước vào căn phòng đấy.

Và vào buổi sáng rực rỡ ấy, tôi bước vào phòng Bầu Dục, và ngồi xuống chiếc ghế sofa ấy. Và thường thì sẽ có 2 ghế phía trước dành cho Tổng thống và Phó Tổng thống, và 2 chiếc ghế sofa. Và tôi ngồi xuống ghế, và thật sự có chút bất tiện khi ghế sofa trong phòng Bầu Dục lại rất thoải mái. Ghế thoải mái rất thích hợp khi bạn xem phim, nhưng không phải là sự lựa chọn tốt khi bạn cần báo cáo. Khi bạn ngồi vào ghế, bạn gần như là ngồi ngửa ra, đây không phải dáng ngồi mà bạn muốn có khi báo cáo Tổng thống Obama. Ngồi trước mặt tôi là Bộ trưởng Bộ Thương mại Penny Pritzker, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman, và Cố vấn An ninh Quốc Gia Susan Rice. Họ đã yên vị, và trông họ khá là thoải mái, vì tôi là người phải báo cáo Tổng thống.

Ông Obama luôn có một ánh nhìn khá nghiêm nghị, chăm chú, nhưng có một chút xa cách và hoài nghi. Bạn luôn thấy rằng bạn phải chứng minh khả năng của mình trong mỗi lần họp với Ông Obama. Tôi bắt đầu như thế này: Thưa Tổng thống, hôm nay tôi đến trình bày một cơ hội chiến lược đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Châu Á. Ông Obama dừng tôi lại một chút, hơi ngẩng đầu lên và nói: “Evan, tất cả những ai bước vào phòng họp này đều cần báo cáo với tôi những vấn đề nghiêm trọng hoặc những khủng hoảng, thế nên báo cáo này của anh tốt nhất nên là cái tôi cần nghe.”

Và tôi bắt đầu trình bày về việc chuyến công du sắp tới của một nguyên thủ quốc gia đến từ Châu Á sẽ có ảnh hưởng như thê nào đến việc chuyển hướng lịch sử sang trang mới trong công cuộc hoà giải, giúp Châu Á – Thái Bình Dương vượt qua cuộc chiến tư tưởng chính trị sau Chiến Tranh Lạnh, giúp hiện thực hoá những quy luật và chuẩn mực thương mại và đầu tư toàn cầu.

Những yếu tố này sẽ giúp đem lại phát triển kinh tế, và giúp tạo nên một môi trường phát triển chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương, nơi các quốc gia sẽ có một môi trường tự do hơn, và không bị các quốc gia lớn hơn lợi dụng. Và Tổng thống Obama đã nói rằng: “Những gì anh vừa trình bày nghe thật có lý.” Và đương nhiên, lúc đó, tôi đã nói về Việt Nam. Đây là báo cáo của tôi cho Tổng thống Obama vào buổi sáng trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Washington, gặp Tổng thống Obama trong phòng Bầu Dục, và tuyên bố lần đầu tiên về mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam.

Đó cũng đã 4.5 năm về trước, và đã có quá nhiều thay đổi xảy ra. Đây cũng là nội dung mà tôi muốn chia sẻ tiếp theo sau đây – đã có những thay đổi gì, kỷ nguyên mới mang ý nghĩa gì. Và sau đó, tôi sẽ chia sẻ thêm về tương lai và những gì ta có thể kỳ vọng.

Kỷ nguyên mới mang ý nghĩa gì? Nhận định của tôi về kỷ nguyên mới này gồm 3 phần: kinh tế, chính trị, và địa chính trị. Tôi sẽ nói rõ hơn về từng phần. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không xoay quanh Tổng thống Trump. Kỷ nguyên mới này mang lại những thay đổi lớn hơn, mang tính cơ cấu trên thế giới, tại Châu Á, cũng như đối với hai quốc gia của chúng ta. Những thay đổi này, theo đó, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, tích cực và tiêu cực đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Thế giới đang ở trong một giai đoạn khi những vấn đề trọng tâm đang được đàm phán như quản trị toàn cầu, hoặc những yếu tố thiết lập nên quản trị toàn cầu ở cấp quốc tế; mối quan hệ gữa nhà nước – xã hội; vai trò của của thị trường và vai trò của nhà nước ở cấp quốc gia… đây không phải là giai đoạn đơn giản đối với mối quan hệ quốc tế. Tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính thế giới đang có những bước tiến mới và quan trọng; và một số yếu tố được ảnh hưởng bởi sự đồng bộ giữa phát triển toàn cầu và phát triển thương mại toàn cầu.

Năm 2017 là một năm tốt cho nền kinh tế toàn cầu. Tôi đang quan tâm đến 4 xu hướng của nền kinh tế toàn cầu. Đầu tiên, khái niệm toàn cầu hoá mà khá nhiều người hiểu như là giảm rào cản tiếp cận hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn, ý tưởng, hay con người, hiện không còn là một con đường thẳng tắp nữa. Nói cách khác, nhiều quốc gia không nghĩ rằng việc giảm rào cản tiếp cận hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn, hay ý tưởng… là một điều tốt cho tất cả mọi người và tất cả quốc gia. Quốc gia như Mỹ hay khối EU đang đàm phán trên việc chính sách mở cửa cần được cân nhắc và điều chỉnh như thế nào.

Và thật ra, ở phía bên này của thế giới, chúng ta đang dần quên đi quan ngại này vì các quốc gia Châu Á như Việt Nam đang hưởng lợi rất nhiều từ chính sách toàn cầu hoá và sự tiếp cận với các thị trường phát triển. Trung Quốc rất thích một thị trường mở cửa, miễn rằng thị trường đó không phải là thị trường Trung Quốc. Và đương nhiên hiện đang có rất nhiều thảo luận về chính sách bảo hộ mậu dịch. Điều này có nghĩa là chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế đang được ưa chuộng; những hiệp định thương mại sẽ dần chuyển hướng sang khu vực thay vì toàn cầu, và tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư đang giảm tốc độ trong một vài năm nữa. Châu Á có thể là một ngoại lệ, nhờ vào viễn cảnh của TPP 10 hay TPP 11, hiện ta vẫn chưa biết được chính xác.

Thứ hai là nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những bước cuối cùng trong quá trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu chỉ đang mới bắt đầu. Nói cách khác, như việc Mỹ, khối EU, và có thể Nhật Bản rút lui khỏi những dự án kích cầu, lãi suất sẽ tăng cao, ta không thể biết tăng nhanh như thế nào nhưng ta biết nó sẽ tăng. Tuỳ thuộc vào sự kỳ vọng của thị trường và tốc độ tăng trưởng, tuỳ thuộc vào những cú sốc ngoại sinh, đây có thể là sự kiện gây biến động. Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến tiền tệ. Điều này sẽ dẫn đến yêu cầu cần có một hệ thống nhà nước mạnh mẽ, và chú trọng đến sức đột phá. Nói đơn giản hơn, quốc gia nào có một hệ thống ngân hàng yếu kém sẽ yếu thế hơn.

Thứ ba là Trung Quốc đang trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, và điều này đem lại cả những triển vọng và rủi ro. Tập Cận Bình gần đây đang củng cố lại sức mạnh và bước đầu thực hiện kế hoạch cải cách nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính, bảo vệ môi trường, tạo sự thông thoáng về mặt chính sách, chính sách công nghiệp, … Nhưng Trung Quốc không thực sự mở cửa tại thị trường nội địa, và họ có một chiến lược khá xông xáo nhằm tăng ảnh hưởng lên nền kinh tế bên ngoài: Chiến dịch Một vành đai Một con đường, hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB.

Nguồn vốn đầu tư vào thị trường nước ngoài của Trung Quốc hiện đang là một công cụ lớn giúp tạo ảnh hưởng lên kinh kế và chính trị. Và Trung Quốc cũng không ngại sử dụng các mối liên hệ kinh tế với mục đích chính trị. Hãy cứ hỏi các nhà hoạch định chính sách tại Na Uy, Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, thậm chí là Việt Nam – những quốc gia đang chịu sức ép kinh tế từ Trung Quốc. Và như vậy, Trung Quốc đang trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, và chúng ta cần học cách thích nghi với điều này.

Điều thứ tư, cũng là điều cuối cùng, là đối với nền kinh tế toàn cầu, ta cần quan tâm hơn đến sự lên ngôi của robot và tự động hoá trong sản xuất. Nó sẽ chèn ép chuỗi cung ứng hiện đã được phân bổ tuỳ theo yếu tố địa lý, và có thể dẫn đến việc tái tập trung sản xuất và tiêu dùng. Và nếu ta còn nhớ, ý tưởng đằng sau giai đoạn hai của chiến dịch toàn cầu hoá là việc tiêu dùng và sản xuất sẽ được tái tập trung nhằm tận dụng nguồn lao động rẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng tôi không biết sẽ ảnh hưởng như thế nào.

Nhưng nếu Trung Quốc bắt đầu thay đổi công nghiệp sản xuất vì sử dụng công nghệ máy móc sẽ rẻ hơn thuê nhân công ở một số quốc gia, điều này sẽ ảnh hưởng đến ván cờ sản xuất. Và giả sử những nền kinh tế như Việt Nam muốn chạy theo cuộc đua nâng tầm giá trị gia tăng trong sản xuất, điều gì sẽ xảy ra khi công nghệ máy móc và tự động hoá đang nâng mức chuẩn đánh giá trong khi những quốc gia như Việt Nam chỉ mới bắt đầu cuộc đua? Tôi chưa có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng có lẽ đây là sự kiện quan trọng nhất của nền công nghiệp sản xuất và kỹ thuật toàn cầu trong 10 năm tới.

Tôi muốn nói thêm một chút về chính trị – chính trị toàn cầu – và nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Thật ra, diễn tiến chính liên quan đến chính trị (và ý tôi không phải nói đến địa chính trị mà là chính trị cấp quốc gia): là chuyện gì đang xảy ra đối với nền kinh tế chính trị của các quốc gia trên toàn thế giới, và hiện tượng chính và quan trọng nhất ta cần lưu ý đến là sự nổi lên của chủ nghĩa dân tuý. Nói cách khác là sự nổi lên của xu hướng chính trị chống lại thể chế hiện hữu.  

Xu hướng ủng hộ các chính khách đến từ bên ngoài khuôn khổ của các đảng phái và thể chế chính trị hiện hành của bất cứ một bộ máy chính trị của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới hiện đang khá thịnh hành. Nhìn chung, xu hướng này xảy ra bởi nỗi thất vọng và bất mãn, bởi những nhóm lớn tiếng thuộc tầng lớp chính trị và kinh tế tinh hoa ở các quốc gia trên thế giới. Nó cũng xảy ra bởi xu hướng thay đổi về cấu trúc kinh tế và dân số. Nhưng quan trọng hơn là, chủ nghĩa dân tuý ở các quốc gia phát triển khác với ở các quốc gia đang phát triển, và sự khác nhau đó liên quan đến buổi thảo luận hôm nay về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong thị trường đã phát triển như của Mỹ hay khối EU, nỗi thất vọng và mối bất mãn xảy ra do những cú sốc về kinh tế, nhập cư, hay công nghệ.

Nói cách khác, những cá nhân mất việc làm do việc chuyển giao sản xuất ra nước ngoài, sử dụng máy móc công nghệ, và đối với một số nơi nhất định, do dân nhập cư. Những cá nhân đã mất việc đấy thường cảm thấy biên giới quốc gia đang bị xâm phạm và họ lo lắng về sự gắn kết văn hoá và gắn kết quốc gia. Đây là một trong những lý do chính để quyết định Brexit xảy ra. Đây cũng là những cử tri cảm thấy rằng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng bởi cú sốc kinh tế, gây ra việc mất việc làm bởi công nghệ và chuyển giao sản xuất. Đây cũng là những cá nhân ủng hộ xu hướng chính trị chống lại thể chế hiện hữu tại Mỹ và khối EU.

Trong khi đó, chủ nghĩa dân tuý ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở Châu Á, lại rất khác, và nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Nó không xảy ra bởi cú sốc kinh tế, và đặc biệt không xảy ra bởi sự tước đoạt phương tiện hoạt động kinh tế. Ngược lại, nó xảy ra vì sự kỳ vọng của tầng lớp dân số trẻ đang tìm cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ không chỉ muốn công việc tốt và lương cao – đây là những yêu cầu của 10, 15 năm về trước. Giới trẻ giờ đây mong muốn có một nền giáo dục tốt hơn, bảo vệ môi trường, và một chất lượng sống tốt hơn. Họ rất tích cực online, và có rất nhiều tương tác trên mạng xã hội, họ nêu lên chính kiến của mình và được lắng nghe, và họ tiếp nhận, hoặc thử nghiệm với những chính trị gia không thuộc thể chế chính trị hiện hữu.  

Ta thấy những ví dụ như những cuộc bầu cử của Rodrigo Duterte ở Philippines, Jokowi ở Indonesia, Aung San Suu Kyi ở Myanmar. Một số nhà lãnh đạo nhận ra điều này, và tôi nghĩ đây là một phần lý do tại sao có một làn sóng chống tham nhũng mạnh mẽ ở Châu Á, Ấn Độ, Trung Quốc, và thậm chí Việt Nam, bởi vì các nhà lãnh đạo này hiểu rằng tầng lớp trẻ đang kỳ vọng một chất lượng cuộc sống tốt hơn và họ cũng yêu cầu nhà nước trở nên có trách nhiệm hơn và minh bạch hơn.

Và công cuộc chống tham những là một cách để đạt được yêu cầu này. Tôi nghĩ rằng những hiện tượng này đang xảy ra rất rõ ràng tại Việt Nam. Tầng lớp trẻ không đe doạ hệ thống cai trị nhưng họ đang dần thay đổi mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội và nền kinh tế chính trị tại Việt Nam. Khi tôi nhìn lại khủng hoảng cá chết năm 2016, tôi nghĩ đây là một dấu hiệu cho thấy niềm mong mỏi của tầng lớp trẻ cho một nhà nước có trách nhiệm hơn, và minh bạch hơn.

Và yếu tố thứ ba và cũng là cuối cùng của một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là địa chính trị. Tôi cũng muốn chia sẻ một số quan điểm của riêng tôi. Đầu tiên, thay đổi dễ thấy nhất của nền chính trị toàn cầu trong những năm vừa qua là Hoa Kỳ. Nói rõ hơn là việc Donald Trump thắng cử và nay vai trò của nước Mỹ khá là không chắc chắn. Tổng thống Trump tượng trưng cho một sự quay ngoắt khá đột ngột trong chính sách ủng hộ những quy ước quốc tế dựa trên luật lệ, quy tắc, và thể chế chung trong 7 thập niên vừa qua.  

Tổng thống Trump khá mâu thuẫn đối với quy ước tự do quốc tế. Nhưng ta nên nhớ rằng về mặt cơ bản, nước Mỹ hiện đang rất chú trọng vào tình hình trong nước; do đó, họ quan tâm nhiều hơn đến tình trạng nhập siêu hơn là những chính sách về quan hệ thương mại song phương. Nước Mỹ đã trải qua giai đoạn này trong những năm 1970 và có lẽ là lịch sử đang lặp lại. Nhưng tôi nghĩ ta cần quen dần với sự thật là nước Mỹ sẽ trở thành nguồn cơn của những bất định trong những năm tiếp theo.

Thứ hai là Trung Quốc. Đây là một vấn đề khá hiển nhiên nhưng vẫn rất quan trọng để nhắc đến. Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình, đang vươn lên theo một cách rất mới và rất khác. Về mặt kinh tế, dấu chân kinh tế ở nước ngoài của Trung Quốc đang mở rộng và rất rõ ràng. Trung Quốc đang sử dụng nguồn vốn như là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng để làm công cụ nhằm đạt được những mục tiêu chính trị và kinh tế. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã có những bước phát triển xa hơn so với thời Đặng Tiểu Bình. Đã không còn là một thời mà Trung Quốc giữ một hình ảnh thận trọng.

Trong bài diễn văn tại Đại Hội Đảng lần thứ 19, Tập Cận Bình có những diễn đạt rất quan trọng về ‘phương án Trung Quốc’ và ‘giải pháp Trung Quốc.’ Và câu hỏi đặt ra là tầm nhìn mới này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những khu vực khác trên thế giới. Về mặt quân sự, sự có mặt của Trung Quốc tại Châu Á đang gia tăng. Chỉ trong vòng 10 năm, sẽ có 4 tàu bay Trung Quốc hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, và lượng tàu ngầm sẽ tăng gấp đôi. Đến năm 2020, hải quân Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi năm 2010. Việc này sẽ thay đổi hoàn toàn về môi trường chiến lược của chúng ta.

Và quan trọng hơn nữa, giờ đây Trung Quốc đã nhìn thấy một cơ hội chiến lược rất lớn. Họ thấy rằng qua việc Donald Trump đắc cử, Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội để tiến xa hơn. Đơn cử là bài xã luận đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm qua. Bài báo nói về những thiếu sót của chế độ dân chủ dẫn đến những cơ hội lịch sử giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Dưới thời Chủ tịch Tập, Trung Quốc sẽ trở thành một thách thức lớn ta cần đối mặt.

Xu hướng địa chính trị thứ ba là Bắc Triều Tiên. Tương lai của Bán đảo Triều Tiên sẽ là một sự kiện quan trọng của địa chính trị Châu Á. Đây là giai đoạn sẽ định hình những mối quan hệ quyền lực giữa những quốc gia uy quyền nhất. Hiệu ứng lan truyền trong khối ASEAN sẽ toả rộng và có thể sẽ có nhiều thay đổi về địa chính trị ở Châu Á. Chúng ta không thể bỏ qua khả năng sẽ có những xung đột quyền lực tại Bán đảo Triều Tiên.

Điểm thứ tư cũng là điểm cuối cùng tôi muốn nói là chúng ta cần chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới của mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc. Mối quan hệ này sẽ căng thẳng, có va chạm, và đầy tính cạnh tranh. Nỗi thất vọng và mối lo lắng của Hoa Kỳ với Trung Quốc đang tăng cao. Ta có thể dễ dàng thấy điều này qua ngôn ngữ dùng trong chiến lược an ninh quốc gia: “cho rằng sẽ có những va chạm mới và sâu sắc trong mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc.”

Giờ đây, sự kiên nhẫn của nước Mỹ đối với những va chạm và tình trạng căng thẳng của mối quan hệ giữa hai nước vẫn chưa được kiểm chứng. Ta vẫn chưa rõ sự kiên nhẫn của Washington sẽ ở mức nào đối với mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng điều này có nghĩa là Châu Á, thậm chí ASEAN, sẽ trở thành một nhân tố cạnh tranh quyền lực lớn trên thế giới, lớn hơn rất nhiều so với hiện giờ. Liệu rằng Việt Nam đã chú ý đến xu hướng này hay chưa, và liệu điều này có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam? Và đây cũng là nội dung chính của những chia sẻ tiếp theo của tôi về tương lai của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tôi thấy có khá nhiều quỹ đạo trong mối quan hệ này. Và Đại sứ Kritenbrink cũng đã chia sẻ sáng nay về những dự án thiết thực trong mối quan hệ Mỹ – Việt Nam. Tôi hoàn toàn đồng ý. Đây là những dự án rất thiết thực và sâu sắc, và Trường đại học Fulbright Việt Nam là một ví dụ hoàn hảo cho những thành công ta có thể đạt được. Khi tôi có buổi nói chuyện tại hai năm về trước, cũng chính tại khách sạn này, tôi đã nói về những khả năng tiềm tàng chưa được khai thác trong mối quan hệ Mỹ – Việt Nam. Tôi đã sử dụng phép ẩn dụ về một “trần rào cản vô hình” để diễn tả quan điểm của tôi về tương lai chung.

Ta có thể thấy ngay khả năng nhưng ta không phải lúc nào cũng sử dụng kịp hết khả năng này do những rào cản chính trị, hệ tư tưởng, và chiến lược của hai phía. Đó là lý do tại sao ta có “trần rào cản vô hình”. Và tôi vẫn nghĩ rằng đây là phép ẩn dụ phù hợp. Nhưng trong 2 năm vừa qua, tôi thấy rằng có một phép ẩn dụ khác cũng phù hợp để diễn tả về mối quan hệ này: “sàn rào cản vô hình.” Ý của tôi là gì? Tôi nghĩ rằng chúng ta đều lo lắng về nền móng của mối quan hệ này; nền móng này có đủ vững vàng không, liệu nó có vỡ dưới chân ta không, hay nó sẽ nứt và ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai quốc gia nếu chúng ta tạo quá nhiều sức ép trong thời gian quá nhanh. Do đó chúng ta cần giảm thiểu rủi ro tối đa trong những quyết định quan trọng. Tôi nghĩ rằng suy nghĩ này thường thấy nhiều ở phía Việt Nam hơn là Mỹ.

Do đó, khi tôi nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và về vấn đề “sàn rào cản vô hình,” tôi thấy có hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên là những bất định, và vấn đề thứ hai là vấn đề về sự cân bằng. Hai vấn đề này, bất định và cân bằng, là những vấn đề trọng tâm ta đều cần và vai trò của chúng ta, nếu ta muốn hưởng lợi từ mối quan hệ này. Do đó, tôi nghĩ ta cần thảo luận thêm về những vấn đề này.

Đối với những bất định, tôi nghĩ đầu tiên, các nhà chiến lược Mỹ và các nhà hoạch định chính sách mà quan tâm đến Châu Á cũng hiểu tình trạng chiến lược khó khăn và cấp bách của Việt Nam. Việt Nam là một nước rất độc lập, và muốn gìn giữ nền tự chủ chiến lược này. Việt Nam không muốn phải chọn giữa các đối tác  với nhau. Việt Nam đang tìm kiếm những lợi ích đòn bẩy trong những gì Việt Nam làm, dù là với Mỹ hay các quốc gia khác, và chúng tôi hoàn toàn tôn trọng những khó khăn cấp bách này, và tin rằng hiện vẫn có những cơ hội lớn trong những khó khan này để Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hợp tác.

Và khi nhắc đến tính bất định trong những dự định chiến lược của Hoa Kỳ, chúng tôi cũng rất hiểu. Chúng tôi hiểu rằng uy quyền của nước Mỹ hiện tại đang khó có thể đoán trước được. Quan ngại này trở nên sâu sắc hơn dưới thời vị tổng thống mới này với sự rút lui khỏi TPP và hiệp định Paris, và những câu hỏi lớn hơn về những cam kết của Mỹ đối với quy luật tự do quốc tế. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam nên suy nghĩ về những bất định này theo những hướng khác nhau.

Đầu tiên, Hoa Kỳ không thể đem đến cho Việt Nam sự chắc chắn mà Việt Nam muốn trừ phi hai nước liên minh. Nói cách khác, mối quan hệ nào cũng có những bất định mà ta cần chú trọng đến, và nó cũng không nên là rào cản phát triển.

Điều thứ hai là ta cũng thấy Hoa Kỳ rất nhất quán trong chiến lược về an ninh quốc tế và an ninh quốc phòng đối với Châu Á Thái Bình Dương trong 70 năm qua, đặc biệt sau Chiến Tranh Lạnh. Trong việc xác định rõ những mối quan tâm chiến lược: Hoa Kỳ rất nhất quán và nhận được sự đồng thuận từ cả hai đảng về chính sách đối với Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những thực tại mang tính chiến lược, như là sự nổi lên của Trung Quốc, thì sẽ khó tiến triển khác đi; nó chỉ có thể trở nên mạnh mẽ hơn.

Điều thứ ba là, ta nên xem những bất định này là một tác động tích cực đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; sử dụng nó để hướng đến nhiều cơ hội hợp tác, giao tiếp, tương tác, và xây dựng một mối quan hệ chế định. Chỉ có những nỗ lực này mới có thể làm giảm đi những bất định.

Thứ tư là ta nên hành động và thử nghiệm. Nhưng ta không nên đi quá chậm bởi vì nó sẽ phát sinh ra một số điều phật ý. Hãy nhìn những gì chính quyền Obama đã đạt được trong năm 2013 đến 2016 – đó là những phát triển quan trọng ở đa số lãnh vực. Trong 3 năm đó và trong thời kỳ đầu của Quan hệ đối tác toàn diện và đón tiếp Tổng Bí Thư của Việt Nam đến thăm Phòng Bầu Dục, ta có thể thấy trong 3 năm ngắn ngủi ta đã đạt được những bước tiến đáng kể – và đương nhiên, không thể không nhắc đến chuyến công du của Tổng Thống Obama đến Việt Nam năm 2016.  

Điều thứ năm và sau cùng là, một phần tất yếu và đặc biệt quan trọng của vấn đề về sự bất định là mối quan hệ về con người giữa hai nước. Và đây là nhận định đến từ những nhà hoạt định chính sách nòng cốt cấp cao của Hội đồng an ninh quốc gia. Chỉ có thể từ những mối quan hệ chế định và sâu nặng trong tất cả các cấp xã hội, ta mới loại bỏ được những bất định.

Tiếp theo tôi muốn nói về sự cân bằng. Tôi nghĩ cả hai phía đều đấu tranh để giữ vững sự cân bằng giữa mối quan hệ giữa Hoa Kỳ – Việt Nam và những mối quan tâm chiến lược. Và thường thì đấy chính là Trung Quốc; không phải luôn luôn, nhưng khá thường xuyên. Và đây là vấn đề của sự cân bằng. Chúng ta đều muốn và tìm sự cân bằng. Ta biết đối phương cũng muốn và tìm kiếm điều này nhưng đôi khi một bên lại muốn nhiều hơn đối phương một chút.

Hoặc họ nghĩ rằng họ xứng đáng được hơn. Nên tôi cũng muốn nói rõ. Hoa Kỳ không muốn và không nên muốn Việt Nam hoặc bất cứ một quốc gia Đông Nam Á nào phải chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và trọng tâm của Quan hệ đối tác toàn diện (và tôi biết điều này bởi tôi là một phần của quá trình đàm phán) là hiểu rằng Việt Nam không cần phải lựa chọn đi theo một phía nào. Chúng tôi đưa ra đề nghị rằng Việt Nam có quyền tự do không cần phải lựa chọn. Nhưng ta cần thận trọng bởi công cuộc tìm kiếm sự cân bằng không nên kìm hãm việc phát triển mối quan hệ song phương. Nhìn chung, sự cân bằng cần đưa ra một định hướng và đà phát triển của một mối quan hệ. Và đây sẽ là một thử thách cho cả hai bên.

Kính thưa các bạn và đồng nghiệp, để tạm kết, tôi xin quay lại câu chuyện tôi kể ban đầu và đưa chúng ta quay trở lại Phòng Bầu Dục năm 2013. Sau khoảng một giờ báo cáo cho Tổng thống Obama, và sau khi tất cả mọi người hoàn tất bài báo cáo của mình, Tổng thống Obama nói với tôi rằng: “Evan, thật tuyệt vời. Tôi nghĩ chúng ta đã sẵn sàng gặp Chủ Tịch Sang. Anh có cần bổ sung thêm gì không?” Và tôi trả lời, “Không”. Và khi tôi đang thu lại các giấy tờ, Obama quay sang và nói: “Evan, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tôi cần cho họ biết rằng ta tôn trọng họ. Chúng ta tôn trọng những sự hy sinh, thành quả, và sự lựa chọn của Việt Nam, cũng như những rủi ro họ sẽ gặp phải khi trở nên thân thiết hơn với Hoa Kỳ.” Và tôi đã nói, “Chính xác, thưa Tổng thống.”

Ngay lúc đấy, tôi biết tôi có một cơ hội, và bước tiến tiếp theo là việc mời Tổng Bí Thư đến thăm Phòng Bầu Dục như một cách bày tỏ lòng kính trọng. Và ta cũng biết câu chuyện này có kết cục như thế nào. Xin cám ơn.

 

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer