Phản biện trên tinh thần xây dựng khiến Fulbright trở nên độc đáo

image

Đầu năm 2008, một bầu không khí thỏa mãn và lạc quan bao trùm ở Việt Nam. Sau hơn 20 năm Đổi Mới với thành tích tăng trưởng cao, rất nhiều người dân đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu. Vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam, thị trường chứng khoán bùng nổ. Với tư cách một quốc gia, Việt Nam ngày càng nhận được sự nể trọng và có ảnh hưởng lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh đó, bản phân tích chính sách “Lựa chọn thành công” của nhóm tác giả là các học giả Đại học Harvard và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) được công khai, gây xôn xao dư luận. “Lựa chọn Thành công” cảnh báo khẩn thiết về nguy cơ hiện hữu ngày một rõ của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” ở Việt Nam. Nói cách khác, sự xuất hiện của các nhóm đặc quyền được hưởng đặc lợi từ việc giữ nguyên trạng thái hiện tại làm cho quá trình hoạch định chính sách bị biến dạng và thiếu động cơ tiếp tục cải cách.

Bằng các phân tích và dẫn chứng số liệu thuyết phục, nhóm tác giả không ngần ngại chỉ rõ nếu Việt Nam thất bại trong việc xây “bức tường lửa” cách ly quyền lực kinh tế khỏi quyền lực chính trị, đất nước sẽ “mắc kẹt” trong bẫy thu nhập trung bình. Từ đó, nhóm khuyến nghị một khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020.

Khác biệt trong phản biện chính sách

Những đánh giá và cảnh báo của nhóm học giả Harvard và trường Fulbright, không có gì ngạc nhiên, đã “gây sốc” cho cả hệ thống khi đó, nhất là khi Việt Nam không ngớt nhận được những lời ngợi ca của các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng đầu tư, và báo chí quốc tế. Nhiều người lo lắng trường Fulbright, hoặc các tác giả ở trường có thể gặp rắc rối vì những phản biện quá thẳng thắn, thậm chí có phần “đụng chạm” vào những vấn đề nhạy cảm. Nhưng những người trong cuộc, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, không mảy may e ngại hay lo lắng bởi họ ý thức được đó là sứ mệnh của Trường ngay từ buổi ban đầu.

“Sứ mệnh của Fulbright là tham gia sâu rộng vào quá trình thảo luận chính sách để gây ảnh hưởng vào các dự thảo chính sách đúng đắn và khả thi. Để làm được điều này Trường phải có những nghiên cứu chính sách mang tính độc lập, khách quan, nhìn thẳng vào những yếu kém của Việt Nam, trao đổi trực diện với nhà nước, từ những nhà lãnh đạo cao cấp cho tới các cán bộ ở địa phương”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

“Chúng tôi tạo dựng uy tín nhờ phản biện. Việc phê bình tự nó không tạo ra giá trị, nó chỉ thực sự giá trị khi được thực hiện với tinh thần xây dựng nhằm phục vụ lợi ích chung. Phản biện một cách khoa học và chân thành mang đến cho bạn sức mạnh trong tranh luận. Và chúng tôi đã theo đuổi điều đó một cách có ý thức ngay từ ban đầu”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói thêm.

Đúng như những gì Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh chia sẻ, những phê bình chính sách thẳng thắn của trường Fulbright, dù có thể khiến ai đó trong hệ thống khó chịu, nhưng những nhà lãnh đạo đã từng biết hoặc làm việc với nhóm Fulbright đều không xa lạ với phong cách phản biện trực diện nhưng mang tinh thần tích cực và xây dựng.

Ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người sáng lập Trường Fulbright định nghĩa công thức tạo nên sự khác biệt và thành công của các phản biện chính sách mà Trường đã theo đuổi trong hơn hai thập kỷ vừa qua, đó là: nghiên cứu chất lượng cao + phê bình chính sách theo cách có thể ứng dụng được.

“Các nghiên cứu chính sách của Fulbright không được viết để đăng trên tạp chí kinh tế học. Nếu bạn viết cho một tạp chí kinh tế học, không ai ở Việt Nam có thể hiểu được bạn đang nói về cái gì bởi vì nó không khác gì một bài toán. Bạn phải viết và phân tích vấn đề để làm sao dễ hiểu nhất với đại chúng. Bạn phải hiểu vấn đề và viết thành một cái gì đó có thể thực hiện được cho một quan chức chính phủ, cán bộ đảng để họ có thể nắm bắt rõ vấn đề và thực thi các giải pháp”, ông Vallely giải thích.

Một trong những ví dụ sống động về ảnh hưởng tích cực của tinh thần phê bình mang tính xây dựng mà Fulbright đã tạo dựng với giới làm chính sách ở Việt Nam hay được ông Thomas Vallely chia sẻ là việc Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng các quy định đối với hệ thống viễn thông vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

“Ngày nay, các bạn trẻ có thể dễ dàng nhấc điện thoại lên, vào facebook, và họ nghĩ rằng chúng hoạt động một cách tự động. Nhưng thực ra không phải thế. Các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với Internet là bởi vì Việt Nam đã quyết định thực hiện điều mà chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Khuyến nghị của chúng tôi sau các nghiên cứu ấy là: Hãy để hệ thống viễn thông vẫn do nhà nước sở hữu nhưng phải có cạnh tranh. Tôi nhớ là nghiên cứu ấy ra đời khi mà trường Fulbright là một trong số ít trường được tiếp cận với Internet, và lúc ấy chính phủ đang đắn đo về chính sách phổ cấp Internet ở Việt Nam”.

Mặc dù trong nội bộ còn nhiều tranh cãi, chính phủ đã thực sự cân nhắc nghiêm túc khuyến nghị của họ. Năm 1995, Viettel chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thứ hai ở Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với VNPT. Cuộc cạnh tranh dù chỉ giữa các công ty nhà nước với nhau cũng đã giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo thị trường viễn thông, khiến cho Internet trở nên rẻ hơn, dễ tiếp cận và được kết nối rộng rãi khắp đất nước. Giờ đây, Việt Nam trở thành nước có độ phủ Internet thuộc nhóm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á với 58 triệu dân sử dụng Internet. Việt Nam cũng là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới liên tục trong suốt 10 năm qua.

“Chúng tôi biết rằng không phải lúc nào góp ý của mình cũng được tiếp thu, nhưng chí ít chúng tôi đã đóng vai trò nhất định trong cuộc tranh luận về chính sách. Và điều tuyệt vời về Việt Nam là họ thích chúng tôi làm việc đó”, ông Thomas Vallely chia sẻ.

Cổ xúy mạnh mẽ cho cải cách

Khi những phản biện chính sách mang tính phê phán tích cực còn thiếu vắng trong giới làm chính sách ở Việt Nam, việc theo đuổi phong cách này ngay từ đầu đã khiến cho những nghiên cứu chính sách của Fulbright trở nên khác biệt và được đón nhận tích cực. Năm 1994, bản phân tích chính sách “Theo hướng rồng bay” của nhóm học giả Harvard Thomas Vallely, Dwight Perkins, David Dapice đưa ra khuyến nghị về những việc Việt Nam cần làm để có thể công nghiệp hóa thành công như các nước Đông Á đi trước.

Giáo sư Dwight Perkins trong cuộc gặp ông Đỗ Mười, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, về sau là Tổng Bí thư của Việt Nam.

Nhưng những gì diễn ra sau đó cho thấy, việc hiện thực hóa tiềm năng của Việt Nam không hề dễ dàng. Gần hai mươi năm tiến hành đổi mới, Việt Nam và thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trường Fulbright cũng vậy – theo cách mà các giảng viên của Trường dấn thân ngày càng sâu hơn vào quá trình giải quyết các thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Những thách thức đó nảy sinh từ vô số các vấn đề trong hệ thống kinh tế chính trị. Như Giáo sư Dwight Perkins từng viết, các bước đi được thực thi vào năm 1989 như mở cửa buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh và cắt giảm trợ cấp cho khối này dường như cho thấy “về tổng thể có một sự sẵn sàng để tiến nhanh và mạnh theo hướng cải cách”, nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Nguồn doanh thu từ dầu khí, nông sản, sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu dệt may và da giày được gia công trong các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài cũng như nguồn vốn viện trợ phát triển dồi dào sau khi Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ, tất cả các nhân tố này cộng hưởng lại đã ngăn cản những thay đổi sâu hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại một cách rõ rệt, theo TS. David Dapice, và nhà nước bắt đầu gia tăng kiểm soát đối với nền kinh tế. Ngay cả như vậy, các doanh nghiệp tư nhân mới được cởi trói nhờ Luật Doanh nghiệp 1999 đã nhanh chóng bùng nổ với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đạt 8% từ năm 2005 đến năm 2007.

Chính trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ đó của Việt Nam, giữa năm 2007, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã “đặt hàng” Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard phản biện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thập kỷ tới (từ 2011 đến 2020) – nói cách khác là cập nhật nghiên cứu “Theo hướng rồng bay” trong kỷ nguyên toàn cầu hóa thương mại và các chuỗi cung ứng, sự tăng trưởng nóng của TQ và các đòi hỏi quản lý nền kinh tế nội địa ngày càng phức tạp hơn. Nhóm học giả Harvard và giảng viên Fulbright đã nhân lời mời phản biện này để đưa ra những đánh giá về tình hình VN một cách khách quan nhất trong bản phân tích chính sách nổi tiếng “Lựa chọn Thành công”.

Họ nhận thấy “Việt Nam đang đánh mất một phần đáng kể nguồn lực của mình do lãng phí và tham nhũng” trong đầu tư công, với hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng bị chậm tiến độ, đội giá và chất lượng kém. Trong nhiều trường hợp, dự án được lựa chọn mà không hề căn cứ vào những tiêu chí kinh tế thích hợp – ví dụ điển hình là các cảng nước sâu dọc bờ biển miền Trung trong khi cơ sở hạ tầng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi hấp thụ gần 60% lượng gia tăng dân số và lao động của cả nước, lại đang quá tải một cách trầm trọng.

Nền kinh tế quốc gia bị xâu xé bởi “nhiều cá nhân và nhóm có thế lực chính trị…đang hô biến tài sản quốc gia thành sở hữu cá nhân thông qua những phi vụ đất đai mờ ám và cổ phần nội bộ”. Trong khi đó, hệ thống tài chính trở nên méo mó bởi “thất bại trong việc tách bạch quyền lực kinh tế khỏi quyền lực chính trị. Trong khi khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tạo ra hơn 90% việc làm trong khu vực công nghiệp và gần 70% sản lượng công nghiệp thì phần lớn tín dụng và đầu tư của nhà nước lại được dành cho khu vực kinh tế quốc doanh”.

Giáo sư Dwight Perkins, Giáo sư David Dapice trong một cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Thúy ,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.

Bản nghiên cứu chỉ đích danh các nhà hoạch định chính sách và nhóm lợi ích tác động lên họ để hậu thuẫn cho những DNNN làm ăn kém hiệu quả nhưng “nhiều quan hệ” – một chiến lược về thực chất “không khác gì một huấn luyện viên bóng đá đi chiêu mộ những cầu thủ kém nhất để tham gia trận bóng tranh giải vô địch.” Để đạt được các mục tiêu phát triển, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải cải thiện chất lượng giáo dục, cải tổ nền tài chính công, minh bạch hóa (corporate transparency), trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước, và “từ bỏ những chính sách viển vông, ảo tưởng”. Khi so sánh Việt Nam với các nền kinh tế châu Á khác, bản phân tích đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ rằng đưa ra các lựa chọn đúng đắn có thể dẫn đến kết quả mà các nhà lãnh đạo tìm kiếm; nhưng thách thức của họ không nằm ở ý thức hệ, mà ở cách thức quản trị phù hợp của một nhà nước hiện đại.

Chỉ vài tháng sau, những cảnh báo của nhóm tác giả đã thành hiện thực. Các doanh nghiệp nhà nước, như phân tích của nhóm Fulbright, đã tận dụng “mối quan hệ khắng khít” với các ngân hàng nhà nước và lãnh đạo đảng, say sưa vay mượn tràn lan và bành trướng ra ngoài ngành kinh doanh cốt lõi để lao vào bất động sản và các hoạt động đầu cơ khác, góp phần đẩy lạm phát lên tới 23% vào năm 2008.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra nửa cuối năm 2008, kéo theo suy thoái sau đó đã khiến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rớt xuống mức thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng mà các con rồng châu Á đã duy trì trong suốt hơn ba thập niên. Những “ông lớn nhà nước” một thời từng được coi là “cú đấm thép” của nền kinh tế, điển hình như Vinashin, Vinalines rơi vào cảnh thua lỗ, đứng trước bờ vực phá sản, trong khi các doanh nghiệp tư nhân thì èo uột từ trước bởi sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nhà nước.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một phần lẻ mức thu nhập bình quân của Hàn Quốc và Đài Loan (thậm chí còn thua xa những nước Đông Á ít thành công hơn như Thái Lan và Indonesia) – những nơi mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đến tham quan, học hỏi hơn hai mươi năm trước với sự háo hức và khát vọng lặp lại bài học thành công của họ.

Tiêu chuẩn mới cho thảo luận chính sách công ở Việt Nam

Khi những phản biện chính sách mang tính phê phán tích cực còn thiếu vắng trong giới làm chính sách ở Việt Nam, việc theo đuổi phong cách này ngay từ đầu đã khiến cho những nghiên cứu chính sách của Fulbright trở nên khác biệt và được đón nhận tích cực. Trường Fulbright thậm chí còn đi xa hơn nữa với việc công bố công khai các nghiên cứu và phản biện chính sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường và ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam Đại học Harvard, người sáng lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Đại học Fulbright Việt Nam tại Đại học Harvard.

Trước đây, việc phê bình các chính sách công là điều gì đó có tính cấm kị, thậm chí nếu phát biểu cũng chỉ ở những nơi không thật sự chính thức hoặc không có khuôn mặt và sự tham gia của báo chí. Với các nghiên cứu chính sách của Fulbright, công chúng – những người mà Trường tin rằng “có quyền được biết về những gì đang xảy ra trên đất nước mình” – như lời Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – được tiếp cận và tham gia thảo luận về những vấn đề quan trọng của đất nước.

“Lựa chọn Thành công”, “Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng”, “Cải cách thể chế: Từ tầm nhìn đến thực tiễn” – các nghiên cứu chính sách thường niên của Trường Fulbright đã khơi nguồn cho những diễn đàn thảo luận rộng rãi trên nhiều tờ báo khi ấy, quy tụ các trí thức, chuyên gia, và cả những người dân quan tâm và ưu tư trước tương lai phát triển của đất nước. Những tiếng nói mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, “mổ xẻ” những điểm yếu của nền kinh tế ngày càng cất lên mạnh mẽ hơn. Nói như một chuyên gia kinh tế, trường Fulbright đã thực sự “tạo ra một tiêu chuẩn mới, một khuôn khổ mới cho thảo luận chính sách ở Việt Nam”.

Thiết lập kênh đối thoại chính sách định kỳ với chính phủ Việt Nam

Sau khi “Lựa chọn thành công” ra mắt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định “bật đèn xanh” cho một kênh đối thoại cởi mở và thường xuyên hơn về những vấn đề cải cách hóc búa mà đất nước phải đối mặt. Kết quả là Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) ra đời cuối năm 2008, với tài trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc. Kể từ đó đến nay, VELP đã đưa các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách cấp cao của Việt Nam, thường được dẫn đầu bởi một phó thủ tướng hoặc ủy viên bộ chính trị, sang Harvard Kennedy và dành một tuần để thảo luận với các chuyên gia hàng đầu về toàn cầu hóa, sức cạnh tranh và sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Các nghị trình thảo luận của mỗi chương trình VELP do đội ngũ giảng viên FETP và nhóm học giả Đại học Harvard cùng phát triển thông qua tham vấn với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. VELP, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, đã “đóng góp đáng kể vào các cuộc tranh luận chính sách, nhờ vậy, chính phủ có thể làm chính sách tốt hơn”. Với hiểu biết sâu sắc về các vấn đề kinh tế – xã hội của Việt Nam và năng lực ngày một nâng cao của đội ngũ giảng viên, những cuộc thảo luận như thế ngày càng được đón nhận và tìm kiếm trong giới hoạch định chính sách của Việt Nam.

Trưởng Ban Kinh tế Trung Ưowng Nguyễn Văn Bình tham dự VELP 2019

Nếu chủ đề những năm đầu của VELP tập trung vào việc tháo gỡ những “nút thắt thể chế” để kích thích tăng trưởng kinh tế thì những năm gần đây, VELP tập trung thảo luận những xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam. Tháng 12 năm 2019, một nhóm các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, do ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu, đã dành một tuần ở Harvard để học hỏi và thảo luận với những học giả hàng đầu như GS. Jason Furman, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Obama cùng những lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook về các cách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ đám mây, an ninh mạng, và cải cách dịch vụ công nhờ cách mạng kỹ thuật số.

“VELP đã cung cấp những quan điểm và nhận thức mới, sâu sắc về những vấn đề kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU vốn đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Các thảo luận thẳng thắn, cởi mở với những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực liên quan khiến chúng tôi phải nhìn nhận lại những giả định của mình về nền kinh tế Việt Nam, nhất là những yếu tố liên quan đến triển vọng duy trì tăng trưởng cao”, nhận xét của các thành viên tham dự VELP.

“Hiếm có trường chính sách công nào trên thế giới lại có sự kết nối sâu sắc với những vấn đề thực tiễn và tầm ảnh hưởng quan trọng đến quá trình hoạch định chính sách quốc gia như trường Fulbright”, GS Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ nhận xét.

Việt Lâm

Kết nối với chúng tôi

image

Những điều cần biết về chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý 💛💙 Lãnh đạo và Quản lý (LM) là một trong hai chuyên ngành của chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) giảng dạy tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Với nền tảng về kinh tế, chương trình giảng dạy của ngành học được trường thiết kế đặc biệt dành cho các cán bộ quản lý tầm trung và cao cấp, thuộc bất cứ ngành nghề nào. Một thế mạnh lớn của trường Fulbright đó là phương pháp sư phạm có khả năng chuyển tải những kiến thức căn bản về phân tích kinh tế cho những người chưa học về kinh tế trong một thời gian ngắn. Khi đi sâu vào học về lãnh đạo và quản lý, người học có thể hội nhập nhanh nhờ nền tảng phân tích kinh tế vững chắc. Tìm hiểu thêm về chương trình Thạc sĩ Chính sách công, chuyên ngành học Lãnh đạo và Quản lý tại: https://fsppm.fulbright.edu.vn/vn/dao-tao/thac-si-chinh-sach-cong-lanh-dao-quan-ly/ --- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. 📌Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 🌟Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer