Tin Tức

Nhập môn Kỹ thuật: Cuộc phiêu lưu của sự tò mò khám phá

image

Là một trong 7 môn học nền tảng bắt buộc của chương trình Cử nhân của Đại học Fulbright, Nhập môn Kỹ thuật (Sáng tạo và Kiến tạo) trang bị cho sinh viên hiểu biết cơ bản về quá trình thiết kế và chế tạo một sản phẩm.

Phan Bình Giang (Class of 2023) nhớ lại ngày cuối xui xẻo chuẩn bị báo cáo dự án môn học của nhóm. Đài phun nước tre có giai điệu nhạc nước róc rách, sản phẩm môn học bỗng nhiên không hoạt động. Quá tự tin về quy trình làm sản phẩm mẫu, cả nhóm khóc dở khi nhận ra không có thiết bị dự phòng thay thế trong khi ngân sách dự án môn học đã tiêu hết sạch.

Động cơ máy bơm cài bên trong đài phun nước đã bịt kín bằng các thanh tre dán keo. Tháo ra để kiểm tra nguyên nhân cũng có nghĩa phải phá đài phun nước nhưng cả nhóm chỉ còn một lựa chọn.

Điều chúng em lo lắng nhất đã xảy ra đó là máy bơm nước bị hỏng, đồng nghĩa đài phun nước không hoạt động. Nhóm chỉ có 15 tiếng đồng hồ để khắc phục, mỗi người bắt tay một việc. Đến 11h giờ đêm đài phun nước tre mới hoàn thành để kịp báo cáo môn học vào hôm sau. Trong những giờ phút khó khăn, chúng em học được bài học về sự lạc quan, đoàn kết, bình tĩnh đã giúp cả nhóm vượt qua thử thách” – Bình Giang vui vẻ chia sẻ.

Nhóm chế tác Đài phun nước có giai điệu nhạc róc rách bằng tre

Cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng rồi cho phép họ tự khám phá, phiêu lưu môn học là cách mà nhóm giảng viên môn học Nhập môn Kỹ thuật (Tiến sĩ David Bruce, Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh và Tiến sĩ Sebastian Dziallas) dẫn dắt các học trò của mình.

Là một trong 7 môn học nền tảng bắt buộc của chương trình Cử nhân, Nhập môn Kỹ thuật  trang bị cho sinh viên hiểu biết cơ bản về quá trình thiết kế và chế tạo một sản phẩm. Có không ít sinh viên trải qua cảm giác băn khoăn khi bước vào môn học, nhất là sinh viên nữ, bởi cầm búa, dùi đục hay thao tác kỹ thuật máy móc…là những việc từ trong suy nghĩ, các bạn cho rằng không thuộc về mình.

Nhưng, sự trải nghiệm môn học cho họ những khám phá đầy bất ngờ, thú vị.

Tiến sĩ David Bruce cho biết, môn học này được xây dựng dựa trên một triết lý về kỹ thuật, đó là thiết kế sản phẩm cho xã hội. Khi tập trung vào trải nghiệm người dùng, các sinh viên học cách đào sâu gốc rễ vấn đề và từ đó định hình thiết kế hướng tới nhu cầu của người dùng, của xã hội. Họ sẽ học cách tìm hiểu điều gì thúc đẩy nhu cầu (sản phẩm) của con người, làm sao đáp ứng được nhu cầu sử dụng, tối ưu hóa các công năng sản phẩm  cho người dùng. Các giảng viên sẽ xây dựng lớp học xung quanh những cách thức sắp xếp ý tưởng sản phẩm khác nhau để sinh viên tự do trải nghiệm, tìm hiểu về xã hội và tìm ra những cách cống hiến tốt nhất cho xã hội thông qua sản phẩm chế tạo của mình.

Tiến sĩ David Bruce trong một giờ học của lớp Nhập môn Kỹ thuật

Do môn học thiên về sáng tạo và chế tạo thiết kế, các giảng viên sẽ dạy sinh viên các kiến thức cũng như các kỹ năng thông qua thực hành một dự án sản phẩm cụ thể. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh, Nhập môn Kỹ thuật dạy sinh viên bốn kỹ năng chính, bao gồm thiết kế và chế tạo, biết các cách thức làm việc và quy trình làm việc, kỹ năng làm việc theo nhóm và kỹ năng giới thiệu sản phẩm cho đối tượng người dùng cũng như xã hội.

Chúng tôi kỳ vọng sinh viên sẽ học được những kỹ năng có thể áp dụng vào tất cả các môn học khác, áp dụng trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, thậm chí là trong cuộc sống, sau khi họ rời Fulbright. Khả năng sắp xếp suy nghĩ và tạo ra những cách tư duy mới mẻ, khác biệt sẽ cho phép họ phân tách và vượt qua từng phần của dự án. Điều này thể hiện rất rõ qua dự án cuối khóa mà sinh viên đã thực hiện” – Tiến sĩ David Bruce cho biết thêm.

Tự học, tự khám phá

Ở môn học này, giảng viên đóng vai trò như chủ nhiệm dự án, lập dự án và theo dõi, hỗ trợ sinh viên thực hiện, không truyền thụ kiến thức một chiều. Các giảng viên tạo dựng không gian lớp học như một công xưởng, ở đó, việc tự học, tự làm việc, tự khám phá của sinh viên với công việc chế tạo, thiết kế diễn ra một cách tự nhiên.

Chúng tôi phải tính toán mức độ sinh viên phải tự học thông qua những trải nghiệm. Nếu sinh viên làm được và làm tốt, giảng viên có thể tiếp tục dẫn dắt họ các bước tiếp theo. Nếu sinh viên không làm được hoặc không hứng thú, giảng viên phải phải lường trước và thay đổi linh hoạt để phù hợp. Nhưng trên thực tế, sinh viên đã đáp ứng, làm tốt hơn chúng tôi mong đợi” – Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh hướng dẫn sinh viên thực hiện dự án trong giờ học

Tiến sĩ Sebastian Dziallas trao đổi cách thực hiện dự án với sinh viên

Sinh viên sẽ có những cuộc tập rượt trong hai tuần đầu môn học, cụ thể là thực hành một dự án siêu nhỏ để hiểu về quy trình sáng tạo và chế tạo thiết kế, đồng thời giúp sinh viên khám phá thế mạnh, hiểu rõ những điểm yếu để làm việc nhóm hiệu quả. Họ sẽ được tập rượt các sai sót, học cách xử lý các tình huống rủi ro, thử nghiệm các quy trình làm sản phẩm trước khi bắt tay vào dự án chính của môn học.

Vào giai đoạn chạy dự án sản phẩm chính thức, giảng viên sẽ đưa ra một đề tài chung và sinh viên làm việc theo nhóm sẽ thực hiện, triển khai đề tài theo các góc nhìn, quan tâm khác nhau. Mặc dù sinh viên sẽ quyết định sản phẩm chế tạo nhưng giảng viên sẽ “chấm” tính khả thi để lập dự án. Nếu dự án có tính thực tiễn không thuyết phục, giảng viên sẽ góp ý để giúp sinh viên hoàn thiện, đặc biệt giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo trải nghiệm của sinh viên tiến bộ tích cực.

Đề bài các thầy giao cho tất cả các nhóm là phải tạo ra một sản phẩm có sử dụng âm thanh, đồng thời phải giải quyết được vấn đề xã hội. Nhóm em có bốn ý tưởng: một cỗ máy để trong nhà hàng, một cái nút để ở các đèn giao thông giúp người đi bộ qua đường, một hệ thống chặn xe khi vượt đèn đỏ và một hệ thống dùng để phòng chống khói. Tụi em thấy có hai vấn đề liên quan đến giao thông nên quyết định chọn một sản phẩm liên quan. Nhưng sau cùng cả nhóm lại ra ý tưởng làm một cây gậy có gắn thiết bị cảm ứng giúp người khuyết tật di chuyển trên đường an toàn, dễ dàng và nó sẽ phải tốt hơn những cây gậy đang có trên thị trường” – Phạm Nhật Duy (Class of 2023) giải thích thêm.

Quá trình gạt lọc ý tưởng không dựa trên cảm tính. Như trong dự án của nhóm cây gây cho người mù, trước khi quyết định làm thiết bị dò đường cảm ứng cho người khuyết tật, nhóm sinh viên này phải đưa ra những cơ sở lập luận hợp lý. Và điều quan trọng nhất, các sản phẩm phải có yếu tố khác biệt, tức phải trả lời câu hỏi vì sao sản phẩm của họ cần thiết cho người dùng.

Sinh viên Đoàn Đức Nguyên Long, người thực hiện thiết bị cảm ứng cho cây gậy

“Chúng em suy nghĩ liệu một cây gậy gắn thiết bị cảm ứng có thực sự cần thiết cho người mù không hay họ chỉ cần một cây gậy dò đường bình thường là đủ? Để có câu trả lời, nhóm đã khảo sát nhu cầu từ một học sinh khiếm thị thi đỗ vào Đại học Fulbright (bạn Việt Hoàng). Khi Hoàng xác nhận muốn thử một cây gậy có thể cảm biến được những chướng ngại vật trước mặt thì cả nhóm tự tin chọn dự án và quyết tâm thực hiện” – sinh viên Nguyễn Thu Huyền cho biết thêm.

Theo Phạm Nhật Duy, những sản phẩm gậy dành cho người khiếm thị ở thị trường thường mỏng, nhẹ nhưng điểm khác biệt lớn nhất là người khiếm thị dùng những cây gậy này phải chạm vào vật cản mới nhận ra được vật cản để né.

Cây gậy có một chức năng là cảm biến, giúp người khiếm thị không cần chạm vào vật cản vẫn có thể nhận biết được từ khoảng cách từ 1 đến 1,5 mét. Đó là yếu tố khác biệt và tân tiến hơn. Ngày đầu tiên đưa ra ý tưởng, các thầy ủng hộ nhưng quan ngại cảm biến này sẽ đặt ở đâu, như thế nào và chi phí đầu tư chế tạo. Chúng em đã thử rất nhiều cách, cả việc dùng cảm biến có sẵn, không phải lắp đặt nhưng cũng không khả thi. Sau đó, một thành viên của nhóm rành về nối mạch điện tử đã nghĩ ra cách nối được một cảm biến trên cây gậy nhẹ nhàng và đầy đủ tính năng”- Duy kể.

Nguyễn Thanh Lam nhớ lại việc làm mình mệt mỏi nhất đó là viết bảng quy trình làm việc cho dự án thực hành của nhóm. Không nhớ đã phải làm lại bao nhiêu lần công việc này, Lam từng rơi vào cảm giác chán nản đến hoài nghi: công việc này biết để làm gì? Hơn một tháng rời khỏi môn học, trong một lần đi tham quan thực tế tại một công ty in ấn, Lam thấy ở văn phòng công ty này treo một tấm bảng ghi những điều quen quen. Gõ tay lên trán cô mới sực nhớ đó là quy trình làm việc từng làm mình phát ốm của môn học Nhập môn Kỹ thuật.

Khi nhìn vào tấm bảng ở công ty, em hiểu được ngay toàn bộ công việc đang được chạy như thế nào, những công việc và các bước thực hiện cũng như vai trò của từng người. Lúc này em mới thấu hiểu những gì mình học.” – Thanh Lam kể.

Học cách sửa sai và hoàn thiện sản phẩm

Không một sinh viên nào nhập môn Kỹ thuật mà không trải qua việc thay đổi ý tưởng, thử nghiệm ý tưởng, thử nghiệm sản phẩm nhiều lần. Làm sai, hỏng sản phẩm là chuyện tất yếu. Thanh Lam cho hay, các giảng viên luôn kiên nhẫn và phân bổ thời gian để sinh viên nỗ lực khắc phục, hoàn thiện sản phẩm. Quá trình học từ trải nghiệm thất bại, sửa sai giúp cho việc học kiến thức, kỹ năng môn học trở nên hiệu quả.

Sản phẩm luôn phát triển theo thời gian, sản phẩm cuối cùng luôn là sản phẩm hoàn thiện nhất. Việc nỗ lực khắc phục lỗi sai của sản phẩm cũng là cách hình thành tính hoàn hảo của sản phẩm. Tại phòng phát triển sản phẩm của công ty in ấn, họ đã nói về việc thử nghiệm sản phẩm nhiều như cơm bữa hiển nhiên. Em càng thấm thía những bài học không thừa mà các thầy dạy ở lớp” – Thanh Lam cho biết. Tiến sĩ Nguyễn Hợp Minh cho hay, các giảng viên đã tính toán rủi ro, xác suất thành công của các dự án sinh thực hiện.

Sinh viên Nguyễn Thanh Lam – giữa – bên sản phẩm của nhóm

Sinh viên phải làm dự án thật, mà dự án thật là phải có rủi ro, không có rủi ro thì không phải dự án thật. Chúng tôi đã dự trù tình huống đến cuối môn học, có thể các sinh viên sẽ không chế tạo sản phẩm thành công, hoặc thành công ở một mức độ nhất định, không đạt tuyệt đối 100%. Đó không phải là vấn đề lớn. Vấn đề quan trọng đó là các sinh viên học được gì. Đây mới chỉ là khóa học nhập môn, còn nhiều khóa nữa và cả một sự nghiệp lâu dài để bồi đắp kinh nghiệm. Những kỹ năng, kiến thức sinh viên học được, họ tự tin làm được quan trọng hơn cả. Trong trường hợp này, sản phẩm ban đầu và sản phẩm cuối sẽ luôn có những khác biệt nhất định. Đó là điều chúng tôi mong đợi”.

Sinh viên Nguyễn Phương Thảo cho hay hầu hết các môn học ở Fulbright đều ứng dụng cách làm việc, học phân theo nhóm. Nếu như các môn học khác tỉ lệ làm việc nhóm chiếm 50% và 50% còn lại dựa vào cá nhân (viết tiểu luận) thì ở Nhập môn Kỹ thuật, sinh viên làm phải học và làm việc 100% theo nhóm. Làm việc theo nhóm đòi hỏi nhiều kỹ năng, trong đó học cách ứng xử là chìa khoá then chốt. Mỗi người trong nhóm có một thế mạnh, nếu không tận dụng khả năng của từng thành viên thì kết quả chung sẽ không tốt. Càng không thể có kết quả tốt nếu như ai trong nhóm cũng chỉ muốn làm vai trò lãnh đạo.

“Trong suốt khoá học, điều em luôn cảnh giác đó là không để nhóm bị rơi vào trạng thái tụt cảm hứng, cũng không được để mình gây ra trạng thái tiêu cực ảnh hưởng đến nhóm. Điều chăm chú nhất đó là phải nỗ lực để hợp tác ăn ý cùng mọi người” – Thảo cho hay.

Không định hướng theo học những ngành tự nhiên, kỹ thuật nhưng sinh viên Đặng Nguyễn Hướng Dương nhận ra đã học được nhiều từ ứng dụng mô hình Scrum board (khung quy trình quản lý và giám sát công việc) trong môn học này.

“Mô hình này không nhất thiết em phải là kỹ sư hay người thực hiện dự án kỹ thuật mới sử dụng được. Đó là một mô hình làm việc rất thú vị mà em hoàn toàn có thể áp dụng vào những dự án học tập, làm việc khác mà không nhất thiết phải là chế tạo sản phẩm kỹ thuật” – Hướng Dương chia sẻ.

Nguyễn Thanh Lam cho hay Nhập môn Kỹ thuật tạo nên một thói quen tư duy thú vị cho sinh viên đó là bất cứ mỗi khi nhìn thấy một sản phẩm, các bạn luôn tò mò: Nó đã được làm ra sao? Hiểu được mỗi sản phẩm dù nhỏ cũng phải trải qua các công đoạn làm ra không dễ dàng, các bạn thêm trân quý sản phẩm và người đã làm ra nó nhiều hơn.

Sau 8 tuần học, Phan Bình Giang cảm thấy vui nhất đó là được trải nghiệm toàn bộ các loại máy móc trên đời vốn dĩ tưởng chỉ có con trai mới làm như từ cầm cưa, búa, khoan, đục, cắt mica…Những năm học cấp ba, Giang luôn mong manh cảm giác yếu đuối, sợ hãi khi nghĩ đến việc nặng việc khó đụng đến máy móc, kỹ thuật cần phải có sự giúp đỡ của các bạn nam. Nhưng giờ mỗi lần trở về quê thăm nhà, nhìn chiếc quạt hay bất cứ đồ dùng nào trong nhà hư hỏng, Giang đều tự tin bắt bệnh và hiểu được các vấn đề kỹ thuật để mày mò tự sửa.

Những trải nghiệm môn học cho em biết yêu thương bản thân hơn, hình thành tư duy độc lập và thấy không còn phải dựa dẫm vào phái mạnh. ”, Bình Giang cho hay.

Xuân Linh – Anh Thư

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer