Tin Tức

Thay đổi thế giới với những nghĩa cử từ tâm nhỏ nhất của mỗi người

image

“Thế giới hiện nay với nhiều vấn đề trầm trọng bắt buộc chúng ta phải làm mọi thứ khác đi những gì được xem là vốn dĩ. Một cách kiến tạo tương lai là đầu tư vào giáo dục, đầu tư vào những con người có thể tạo ra thay đổi tích cực.” Ông Nguyễn Phương Lam, một nhà từ thiện có tiếng ở châu Á, đã chia sẻ như vậy trong buổi trò chuyện với Đại học Fulbright Việt Nam.

Không chỉ trao tặng khoản tài trợ hào phóng để Fulbright thành lập Học bổng Gia đình Nguyễn-Phương dành cho các tân sinh viên hệ cử nhân, ông Nguyễn Phương Lam còn toàn tâm toàn ý vun đắp cho các chương trình đào tạo và huấn luyện giúp làm giàu bản sắc của cộng đồng Fulbright và giới trẻ Việt Nam nói chung trong sứ mệnh ươm dưỡng hiền tài vì một xã hội nhân văn, giàu đẹp, và vững bền. Một trong số đó là Chương trình Thúc đẩy Doanh nghiệp Tạo Tác động Xã hội do Đại học Fulbright phối hợp tổ chức cùng Học viện Acumen trực thuộc Acumen, một quỹ đầu tư toàn cầu cho các doanh nghiệp xã hội hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

Ông Nguyễn Phương Lam trao giải cho WeGrow, doanh nghiệp xã hội nhận khoản tài trợ trị giá 10.000 USD thuộc Chương trình Thúc đẩy doanh nghiệp tạo tác động xã hội do Fulbright và Acumen đồng tổ chức.

“Đúng là vì tôi nhìn thấy thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề vốn trầm trọng nay càng trầm trọng hơn. Có hai vấn đề chính mà tôi đặc biệt lưu tâm. Một là biến đổi khí hậu – một thực tế không thể đảo ngược và đòi hỏi chúng ta cần thay đổi cả trong nhận thức lẫn hành động. Vấn đề lớn thứ hai là bất công xã hội, và sự suy giảm cơ hội dịch chuyển trong xã hội của các tầng lớp yếu thế trên toàn cầu, mà tiếng Anh gọi là social mobility. Thành ra, tôi và gia đình chọn làm từ thiện những việc mang tính khẩn trương, cần thiết, bắt buộc phải làm,” ông Nguyễn Phương Lam cho hay.

Song song với Acumen và Đại học Fulbright, ông Nguyễn Phương Lam còn đóng góp cho nhiều quỹ đầu tư doanh nghiệp xã hội và các tổ chức từ thiện khác như Ashoka, Endeavor, Asia Philanthropy Circle, v.v. trong vai trò cố vấn, nhà hảo tâm, lẫn thành viên hội đồng quản trị. “Tôi ủng hộ các nền tảng và tổ chức mang động lực kiến tạo đổi thay tốt đẹp cho con người, và xa hơn là cộng đồng và xã hội… Ở đó, tôi gặp được những con người có cùng ý chí, để ‘ba cây chụm lại nên hòn núi cao,” ông Nguyễn Phương Lam chia sẻ.

Điểm chung cho các nỗ lực từ thiện của ông Nguyễn Phương Lam nằm ở niềm tin sâu đậm: “Mình cho người ta một con cá là mình nuôi người đó một bữa, còn mình dạy người ta đánh cá là mình nuôi người đó cả đời”. Đó là niềm tin xuất phát từ kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân, khi ông là một trong những người Việt đầu tiên theo học tại Trường Kinh doanh Stanford (Stanford Graduate School of Business); để rồi sau này, ông Nguyễn Phương Lam đã tạo dựng cho riêng mình một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực tài chính và đầu tư toàn cầu tại Ermgassen & Co. Ltd, JP Morgan & Co, và cuối cùng là đồng sáng lập quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) của Capital Group.

Như một nghĩa cử tri ân cho việc ông đạt được học bổng của Stanford để theo học chương trình MBA tại trường này, học bổng giáo dục đầu tiên mà ông Nguyễn Phương Lam thành lập là dành cho sinh viên từ Việt Nam và các nước đang phát triển ở châu Á đến học tại Stanford Graduate School of Business. “Đó cũng là lời tri ân đến bố tôi, người đã khuyến khích tôi theo đuổi việc học Thạc sĩ tại Stanford sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư tại Pháp. Nếu tôi ở lại Âu châu, hoặc về lại Việt Nam, chắc chắn cuộc đời mình cũng sẽ khác đi. Nhưng tôi đã chọn theo học tại Mỹ theo gợi ý của ông và suy ngẫm của chính mình. Thành ra, tôi thấy mọi sự trong đời tôi vừa là cái may mắn, vừa là ngẫu nhiên, và không thể thiếu sự giúp đỡ hướng dẫn của những người đi trước như bố tôi. Vì lẽ đó, tôi cũng mong muốn có thể hỗ trợ cho những bạn trẻ tài năng người Việt,” ông chia sẻ.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Phương Lam trong lần gần nhất ông ghé thăm Đại học Fulbright Việt Nam, và lắng nghe những chia sẻ của ông về công việc từ thiện, vai trò của giáo dục ngày nay, và làm thế nào để một con người có thể kiến tạo những đổi thay tốt đẹp cho xã hội.

Thưa ông, dường như giáo dục là mối lưu tâm lớn trong các hoạt động từ thiện của ông?

Trước đây, cũng có người hỏi tôi hay làm từ thiện về những lãnh vực nào. Tôi có bảo, tôi không tập trung vào một lãnh vực nào cả, mà tôi xem người sáng lập, hoặc điều hành tổ chức, có tận tâm hay không. Và thứ nhì, tại sao họ đang làm cái việc họ đang làm. Tức họ làm việc này từ tâm, hay là vì cái ngã của họ.

Trùng hợp là đại đa số những gì mà tôi làm là về giáo dục, nhưng đó chỉ là một sự tình cờ. Tôi chọn người hơn là chọn ngành. Tôi tin là khi mình muốn thay đổi bất cứ việc gì ở đời và ngoài xã hội, thì trước tiên mình phải thay đổi cái nội tâm. Dù mình làm doanh nghiệp xã hội, làm từ thiện, đi giúp người này người kia, v.v. nếu trong tâm mình chưa thay đổi, cái ngã còn to, thì việc làm của mình sẽ không bền vững được và không đi tới đâu cả. Trái lại, càng làm nhiều, nó sẽ càng làm tổn thương, thiệt hại cho xã hội.

Vì sao ông chọn Đại học Fulbright Việt Nam, nơi ông và gia đình tài trợ thành lập học bổng Nguyễn-Phương Family dành cho các sinh viên hệ cử nhân?

Tôi vốn theo dõi Fulbright từ lúc đầu, khi trường mới được thành lập, và nhận thấy hệ giá trị và văn hóa của trường là hoàn toàn hợp với những giá trị của bản thân và gia đình. Những học bổng mà tôi và gia đình ủng hộ luôn cố gắng đầu tư vào nguồn vốn con người, tức những người có khả năng lãnh đạo và kiến tạo thay đổi. Một khi trưởng thành, họ có thể thay đổi đời sống của cả ngàn người, chứ không phải chỉ một người; họ là những người sẽ làm những việc cần thiết để đem lại tác động xã hội tích cực, chứ không phải chỉ được đào tạo để sau này chăm chăm kiếm tiền bỏ túi. Và nước mình cần những người như vậy. Thành ra, nói một cách đơn giản, Fulbright là một sự lựa chọn khá là dễ đối với tôi và gia đình.

Theo ông, thế nào là một nền tảng giáo dục giúp “chắp cánh” thế hệ lãnh đạo kiến tạo tương lai?

Cách đây ba tuần, tôi được tham gia vào một buổi sinh hoạt, ngắn thôi, với các bạn sinh viên Fulbright. So với lứa sinh viên mà tôi từng tiếp xúc bốn năm trước, tôi nhận thấy một sự tiến bộ đáng kể. Tức trường Fulbright đã và đang tiến hành một công trình giảng dạy rất hay, với những giá trị, văn hóa thấm nhuần từ thầy đến trò. Fulbright, trong mắt tôi, không phải là một trường dạy chương trình đại học Anh ngữ ở Việt Nam. Ví như, UNESCO từng đề ra bốn trụ cột về vai trò và mục tiêu của giáo dục. Đa số các trường thường chỉ hoàn thành hai trụ cột đầu tiên, tức là dạy kiến thức và dạy nghề. Fulbright cũng vậy, nhưng tôi nhận thấy, trường còn chú trọng nhiều hơn vào hai trụ cột còn lại. Đó là dạy cách làm người, và dạy cách chung sống trong cùng một xã hội.

Ông Nguyễn Phương Lam cùng ban giám khảo Chương trình Thúc đẩy doanh nghiệp tạo tác động xã hội

Dường như, đó cũng là giá trị đến từ những trải nghiệm cá nhân của ông?

Tôi nhận thấy, sinh viên Fulbright học cách học, chứ không phải học một vài kỹ năng quá chuyên sâu đặc thù, chỉ phục vụ một công việc nào đó. Vì những gì mình học trên ghế nhà trường sẽ dễ dàng bị lãng quên sau vài năm, nếu mình không thực sự ứng dụng kiến thức trong công việc và đời sống. Ngay cả vậy, kiến thức, cái nghề mình được học cũng dần trở nên lỗi thời trong một xã hội luôn vận động. Nhưng nếu chúng ta học cách học, đó là điều sẽ luôn theo chân mình mãi.

Đây không phải là triết lý cá nhân, mà là thực tế hữu dụng tôi thấy ở đời. Trong vài chục năm đi làm về tài chính, ngân hàng, hoặc là các quỹ đầu tư, những người đồng nghiệp mà tôi thấy xuất sắc thường không hẳn là dân học các chuyên ngành kinh tế – tài chính, mà là các bạn tốt nghiệp từ các trường giáo dục khai phóng, tức liberal arts. Họ đi làm với tấm bằng về Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Nghệ thuật, hay nhiều khi là Tôn giáo, v.v. hoàn toàn là các ngành xã hội nhân văn. Nhưng điều đó không quan trọng. Một là vì những quỹ đầu tư, ngân hàng, và công ty tư vấn lớn, họ đều có chương trình đào tạo cho nhân tài. Hai là vì các sinh viên này đã được học cách học, để thích ứng với môi trường, kiến thức, và kỹ năng mới.

Trong một vài tư liệu, ông từng nhắc đến sự đối nghịch giữa “having” (có/sở hữu) và “being” (sống/tồn tại). Theo ông, việc “giving” (cho đi) có là một phần của “being”?

Tùy là mình cho đi như thế nào (cười). Một trong những lý do đưa đến sự khủng hoảng của nền văn minh hiện đại là vì mấy trăm năm nay, người ta chú trọng đến cái phần “having”, và người ta tranh nhau, ghét nhau, giết nhau vì nó. Tất cả sự khổ trên đời là vì ham muốn “having”. Nhưng họ không hiểu, sinh ra đời mình không có gì cả, và lúc đi, mình cũng không có gì. Vậy thì, tranh nhau để làm gì cơ chứ? Người ta quên cái “being”, tức quên đi mình là ai, mình là gì, và thế nào là sống một cách ý nghĩa. Nếu mình hiểu được điều đó, tất cả mọi việc mình làm ở đời sẽ tự nhiên và dễ dàng hơn. Sự khổ cũng sẽ biến đi, hoặc bớt đi.

Nếu mà mình nghĩ “giving” như là “thí”, đó không phải là “giving”. Có câu nói của Lão Tử mà tôi cực kỳ tâm đắc, tức mình cho người ta một con cá là mình nuôi người đó một bữa, còn mình dạy người ta đánh cá là mình nuôi người đó cả đời. Ông Bill Drayton, người sáng lập tổ chức Ashoka năm 1980, cũng từng chia sẻ: “Những doanh nhân xã hội không đơn thuần là cung cấp nguồn cá hay đào tạo kỹ năng đánh cá. Họ sẽ không ngơi nghỉ cho tới khi cấu trúc của ngành đánh cá được thay đổi.” Tức là, làm sao để chúng ta không có người đánh cá nghèo khổ nữa?

Nhưng Đức Phật còn đi xa hơn nữa: cái cho đi thật sự là khi không có người cho, và không có người nhận. Nói một cách khác, cái cho thật là khi không có người đánh cá, không có người ăn cá, và không có con cá nữa – vì tất cả ba thứ đó là một. Tại vì trong cái cho cũng là cái nhận, và trong cái nhận cũng là cái cho. Đối với người cho, trong cái tinh thần cho, họ cảm thấy vui mừng và vui sướng, vì người nhận cho họ lại những giá trị tinh thần còn đáng quý hơn tiền bạc. Nhiều người làm cả đời mà không nhận thức được điều này, hoặc họ hiểu một cách máy móc, mà không sống được với nó.

Có một nghiên cứu cho thấy, những ai dùng tiền của mình vì người khác thường sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu họ chỉ chi tiền vào bản thân. Liệu đây có đúng với những gì ông vừa chia sẻ?

Đúng đấy, nhưng cái mình cho không phải chỉ có là cho tiền. Cho tiền chỉ là một phần rất nhỏ của sự cho. Mình còn phải cho cái tâm của mình. Cũng như trong Thánh kinh Thiên Chúa giáo, có câu chuyện đức Giêsu thấy có người rất là giàu có vào ngôi đền, và họ cho một đống tiền vào đó; và kia là một bà góa phụ nghèo khó, bà tới ngôi đền, và cho vài đồng xu. Vậy ai là người cho nhiều hơn? Số tiền người giàu kia cho rất là lớn, nhưng đó chỉ là phần rất nhỏ trong gia tài của họ; tức đối với họ, giá trị của số tiền này không thấm thía gì hết, đời sống của họ cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều. Trong khi vài đồng xu là phần lớn gia tài của bà góa phụ, nhưng bà đã cho đi tất cả với tấm lòng của mình. Nói một cách nôm na, mọi truyền thống tôn giáo trên thế giới đều dạy một thứ, đó là thương yêu. Thương yêu một cách thật sự, chứ không phải thương yêu với điều kiện. Thương yêu với điều kiện không phải là thương yêu, mà là một sự trao đổi.

Trong cuộc trò chuyện này, ông đề cập đến sứ mệnh kiến tạo thay đổi tốt đẹp (change-making) bằng những nghĩa cử nhỏ nhất từ tâm của mỗi người. Với một sự nghiệp làm từ thiện sâu đậm, và sâu sắc, ông có xem mình là một người “change-maker” hay không?

Thú thật, tôi không có đủ óc mạo hiểm, hay là những phát kiến, ý tưởng xuất chúng để làm một “change-maker”. Trong khả năng khiêm tốn của bản thân, tôi biết và có thể đoán định giữa một người “change-maker” này với một người “change-maker” khác. Nhưng tất cả những gì mà tôi làm, tôi không nghĩ đến cái gọi là di sản cá nhân, là thứ gắn liền với tên họ mình. Tôi năm nay cũng gần 70, nhưng cuộc sống, nhân loại, con người vẫn sẽ tiếp diễn sau này. Đương nhiên, bạn và tôi sẽ muốn để lại một tương lai tốt đẹp, bền vững hơn cho con cháu mình sau này. Và chúng ta nên làm mọi thứ trong khả năng có thể để đảm bảo điều đó. Nói cách khác, để trả lời câu hỏi của bạn, tôi không xem mình mà một “change-maker”, mà tôi chỉ đơn giản là một “agent of change” (một nhân tố hỗ trợ những người kiến tạo đổi).

Cảm ơn ông rất nhiều cho buổi trò chuyện này.

Bảo Quyên

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer