Nâng cao năng lực cạnh tranh hướng đến chiến lược phát triển bền vững tại ĐBSCL

image

Là một đồng bằng non trẻ của Việt Nam và trên thế giới, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng đất giàu tiềm năng nhưng đang tụt hậu. Các chỉ số kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường của ĐBSCL phác họa một đồng bằng đang dần kiệt quệ vì các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị “tận khai”, tốc độ tăng trưởng thụt lùi, mô hình phát triển lạc hậu, cùng với tỉ lệ tăng trưởng dân số âm và già hóa dân số.

Năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Đại học Fulbright Việt Nam lần đầu tiên hợp tác thực hiện Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong buổi webinar ngày 20/5, TS. Vũ Thành Tự Anh, đồng chủ biên của báo cáo đã tóm tắt lại những phát hiện chính về tình hình kinh tế của đồng bằng và phân tích những lựa chọn chiến lược để đưa ĐBSCL ra khỏi ‘vùng trũng’ về phát triển.

Bức tranh buồn về vùng đồng bằng

Mở đầu webinar, TS. Tự Anh điểm lại trình độ phát triển của ĐBSCL trên các phương diện: kinh tế, năng suất lao động, tăng trưởng dân số, v.v. trong mấy thập niên vừa qua. Từng là vùng đồng bằng trù phú, vào năm 1990, tỷ trọng GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì 20 năm sau, tình thế bị đảo ngược khi GDP của ĐBSCL chỉ bằng 2/3 so với TPHCM. Về chuyển đổi kinh tế, ĐBSCL cũng cho thấy sự chậm chân hơn so với các khu vực khác trong nước. Tuy tỉ lệ đóng góp vào GDP của khối ngành nông lâm ngư nghiệp đã giảm từ 54% trong năm 1990 xuống còn 28,3% trong năm 2019, tỷ lệ này vẫn còn cao gấp đôi tỷ trọng nông nghiệp của cả nước. Như vậy, có thể nói, ĐBSCL về cơ bản vẫn là một xã hội thuần nông nghiệp và nông thôn. Đây là một điều đáng lo ngại, vì theo TS. Tự Anh, không một quốc gia nào có thể trở nên thịnh vượng nếu chỉ dựa vào nông nghiệp.

Cơ hội kinh tế khan hiếm cũng thể hiện qua tỉ lệ xuất cư ròng (-3,89%) và tỉ lệ tăng trưởng dân số ở đồng bằng lần đầu chạm mốc 0% vào năm 2016 và tiếp tục tăng trưởng âm vào những năm sau đó. Trong lịch sử khẩn hoang hơn 300 năm qua, đây là lần đầu tiên dân số của ĐBSCL giảm một cách tuyệt đối.

Khi nông nghiệp không là lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn của những lao động trẻ, hiện tượng những người trẻ ‘thoát li’ tìm kiếm cơ hội kinh tế mới ở các khu vực khác như TPHCM và Đông Nam Bộ là điều dễ hiểu. Tỷ lệ dân số đô thị ở ĐBSCL cũng gần như thấp nhất cả nước chỉ cao hơn khu vực miền núi phía Bắc. Khi dân cư không sống tập trung trong các khu vực đô thị sẽ khó tăng năng suất lao động nhờ hiệu ứng quy tụ và lợi thế theo quy mô.

ĐBSCL còn nằm trong nhóm những khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước. So với các khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và kém ưu đãi như Tây Nguyên hoặc miền núi phía Bắc, người dân ở đồng bằng có mức sống tạm ổn để trang trải những nhu cầu cơ bản của họ, nhưng so với tiềm năng phát triển và vị trí địa lý chiến lược gần TPHCM, tỉ lệ nghèo cao là một chỉ số đáng báo động cho sự đi xuống của ĐBSCL.

Về vốn đầu tư toàn xã hội, tức là nguồn lực đầu tư cho một vùng đất phát triển, vốn đầu tư của nhà nước dành cho ĐBSCL ở mức cao nhất vào năm 2014 nhưng ở tỉ lệ khá khiêm tốn là 19,2% sau đó qua các năm tỉ lệ này liên tục giảm và chạm đến mức thấp kỷ lục trong năm 2018 là 10,1%. Tóm tắt lại hiện trạng phát triển của ĐBSCL, TS. Tự Anh nhận xét bốn nguồn lực phát triển chính của đồng bằng là đất, nước, nhân lực và vốn đầu tư đều đang chịu sức ép và bị đẩy tới điểm giới hạn. Tuy là một đồng bằng trẻ nhưng diện tích đất của đồng bằng đang ngày càng thu hẹp do xói mòn và bị biển xâm thực, tài nguyên nước cũng đứng dưới sức ép lớn từ các con đập thượng nguồn trong khi đó vốn đầu tư của nhà nước không được phân bổ hiệu quả để vực dậy nền kinh tế đang dần chìm của ĐBSCL.

Ưu đãi thiên nhiên: thế mạnh hay lực cản cho phát triển

Vị trí địa lý của ĐBSCL gần kề với TPHCM và Đông Nam Bộ, điều này vô hình trung đã tạo ra sự phân công lao động tự nhiên giữa ba vùng, trong đó khu vực ĐNB là trung tâm công nghiệp, TPHCM là trung tâm dịch vụ, còn ĐBSCL là nơi sản xuất nông nghiệp. Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, ĐBSCL cũng được giao trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Tuy nhiên, khái niệm “tài nguyên” và “an ninh lương thực” bị định nghĩa một cách hạn hẹp đang đẩy đồng bằng đứng trước nhiều nguy cơ về môi trường.

Tại Việt Nam, quốc gia xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước, an ninh lương thực được quy đổi và gắn chặt với an ninh lúa gạo và trong một thời gian dài, hầu như mọi nguồn lực ở đồng bằng đều được dồn vào cho hoạt động sản xuất lúa gạo. Một diện tích lớn phải giữ cho trồng lúa, các nguồn nước ngọt và nước ngầm bị khai thác triệt để, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất và lúa ba vụ đã vắt kiệt sức đồng bằng. Khái niệm “tài nguyên”, đặc biệt là “tài nguyên nước” cũng bị gò bó trong một cách hiểu chật hẹp. Vì tất cả được ưu tiên cho trồng lúa, chỉ có nước ngọt mới được xem là tài nguyên, trong khi đó, nước lợ và nước mặn thích hợp cho nuôi trồng thủy hải sản như tôm cá vốn đem lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần so với trồng lúa lại không được chú trọng, bảo tồn và khai thác một cách hợp lý.

Áp dụng khung phân tích năng lực cạnh tranh của GS. Michael Porter của Trường Kinh doanh Harvard (HBS), TS. Tự Anh còn chỉ ra điểm yếu chí tử của ngành trồng lúa ở ĐBSCL, đó là tuy trồng lúa phát triển, sản lượng cao, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo cũng đứng đầu thế giới, ở ĐBSCL lại chưa hình thành được “cụm ngành lúa gạo”.

“Nếu chúng ta chỉ tập trung vào khâu sản xuất, mà quên mất bên cạnh đó còn có khâu chế biến, thương mại, vận tải, logistics, tín dụng, marketing, chúng ta sẽ mãi rơi vào tình cảnh ‘được mùa rớt giá’, bởi vì chúng ta không kiến tạo ra thị trường, không xây dựng được thương hiệu tốt cho sản phẩm và thiết lập những kênh phân phối hiệu quả. Nếu chỉ tập trung vào một vài khâu có giá trị gia tăng thấp và không xây dựng cụm ngành, chúng ta không thể phát triển và trở nên giàu có được.”

Cơ sở hạ tầng giao thông là một điểm nghẽn chí tử của ĐBSCL. Điều nghịch lý là với hai mặt giáp biển, cùng hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, nhưng ĐBSCL lại không thể phát triển hệ thống giao thông đường thủy. Đây cũng là một hệ lụy khác của việc sản xuất lúa gạo được đẩy lên thành ưu tiên số một của khu vực. Những con đập ngăn mặn và dẫn nước ngọt đã chặn đường di chuyển tự nhiên của tàu bè khiến cho hệ thống giao thông đường thủy ở ĐBSCL bị chia cắt thiếu tính kết nối và thiếu cạnh tranh về mặt thời gian. Chỉ một số ít hàng hóa có giá trị thấp như nguyên liệu thô, cát, xi măng, dăm gỗ, mỡ cá được vận chuyển bằng đường thủy, đây cũng là những loại hàng hóa không quá nhạy cảm với thời gian vận chuyển kéo dài, không đòi hỏi công nghệ bảo quản, làm lạnh hiện đại và tất nhiên không tạo ra giá trị cao.

Phần lớn hàng hóa do đồng bằng sản xuất còn lại được đổ dồn lên và vận chuyển qua các tuyến đường bộ để đến với thị trường hoặc các cảng xuất khẩu ở TPHCM và Đông Nam Bộ. Mặc dù nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn nhưng ở ĐBSCL chỉ có khoảng 100 km đường cao tốc, chưa bằng một nửa so với số km đường cao tốc tại một tỉnh phía Bắc là Quảng Ninh và chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn trên tổng số khoảng 1300 km đường cao tốc trên toàn quốc. Với quy mô của một vùng đồng bằng chiếm 20% dân số và kinh tế của cả nước, toàn bộ khu vực ĐBSCL chỉ có 2 tuyến đường cao tốc ngắn là TP.HCM – Trung Lương và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Tình trạng quá tải của giao thông đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và giảm tính hấp dẫn của ĐBSCL trong mắt các nhà đầu tư FDI mặc dù ĐBSCL có thế mạnh khá lớn về phát triển công nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm.

Thiếu hụt các nguồn lực để bứt phá

Bên cạnh nút thắt về cơ sở hạ tầng giao thông, ĐBSCL còn thiếu hụt các điều kiện cần thiết khác để tăng tốc phát triển. Đầu tiên, về trình độ giáo dục, tỉ lệ dân trong độ tuổi đi học nhưng không đến trường ở ĐBSCL là 13,3%, ngang bằng với tỉ lệ ở Tây Nguyên và cao hơn nhiều so với con số trung bình của cả nước (8,3%). Tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi của ĐBSCL cũng phản ánh thực trạng tương tự, đặc biệt càng lên những cấp học cao hơn, tỉ lệ đi học của ĐBSCL càng giảm sâu và ở cấp THPT tỉ lệ đi học chung 59,6% là mức thấp nhất trên cả nước. TS. Tự Anh cũng ‘minh oan’ cho trình độ giáo dục tụt hậu của ĐBSCL

“Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định rằng người dân ở ĐBSCL có trình độ giáo dục thấp vì họ không có năng lực học tập hoặc không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục. Ngược lại, người dân ở ĐBSCL trọng thực tiễn, nếu đi học mà không làm được việc hoặc không tạo ra lợi ích kinh tế, họ sẽ chọn không đi học. Họ thích những người có thể học và có thể hành, chứ không phải ‘năng thuyết bất năng hành’. Đây mới là yếu tố cơ bản khiến tỉ lệ đi học của ĐBSCL thấp.”

Số liệu thực tế cũng cho thấy ở những nơi có cơ hội kinh tế nhiều hơn, tỉ lệ đi học của người dân ở đó cũng cao hơn. Và điều đó có nghĩa giải quyết vấn đề giáo dục ở ĐBSCL không phải là cưỡng ép người dân đến trường để làm đẹp các con số, chỉ tiêu trên báo cáo thống kê. Để giải quyết tận gốc vấn đề bỏ học, thôi học sớm, cần phải tạo ra những cơ hội kinh tế tốt giúp người dân có cơ hội sử dụng những tri thức họ học được để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân.

Là một chỉ tiêu quan trọng, trên phương diện về ngân sách, ĐBSCL một lần nữa lại đứng trước những bất lợi vô cùng to lớn. Cụ thể là quy mô thu ngân sách trên địa bàn của ĐBSCL chỉ chiếm 6% của cả nước, và cơ cấu thu ngân sách của đồng bằng thể hiện sự kém bền vững khi nguồn thu từ xổ số chiếm 20% và xổ số về bản chất là một loại thuế lũy thoái đánh lên người nghèo. Trong khi ĐBSCL thiếu vốn và thiếu nguồn đầu tư, tỉ lệ chi chuyển nguồn lại rất cao, điều này cho thấy việc sử dụng nguồn vốn cũng chưa thực sự hiệu quả. Một trong những chỉ số rất quan trọng nữa liên quan đến sự năng động của kinh tế địa phương là dư nợ tín dụng ở ĐBSCL tương đối thấp, tỷ trọng dư nợ tín dụng chỉ chiếm 8,1% của cả nền kinh tế Việt Nam.

Chuyển sang nhóm chỉ số liên quan đến doanh nghiệp và phát triển cụm ngành, TS. Tự Anh trình bày một nghịch lý khá thú vị quan sát được tại ĐBSCL. Trong khi đứng nhất nước về chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), số lượng doanh nghiệp mới thành lập ở ĐBSCL lại đứng trong nhóm cuối bảng xếp hạng trên cả nước, chỉ cao hơn miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. “Điều này cho thấy chúng ta có thể cải thiện môi trường kinh doanh, chính quyền có thể đồng hành hơn với doanh nghiệp, nhưng mà cơ hội không có thì doanh nghiệp cũng không đến,” theo lý giải của chuyên gia Fulbright.

Xu hướng PCI của các vùng kinh tế giai đoạn 2009-2019

Lựa chọn chiến lược cho đồng bằng

Sau khi phân tích cặn kẽ và chi tiết các nút thắt về môi trường, hạ tầng và thể chế mà ĐBSCL đang phải đối diện, TS. Vũ Thành Tự Anh đưa ra những khuyến nghị và chiến lược có thể giúp lãnh đạo của đồng bằng thay đổi tư duy và cách làm để chuyển từ mô hình phát triển theo chiều rộng vốn đã đi hết giới hạn của nó sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối diện không thể giải quyết được chỉ bằng ý chí và nỗ lực của một địa phương riêng lẻ mà đòi hỏi sự đồng thuận trong tầm nhìn và phương hướng lãnh đạo. Khuyến nghị đầu tiên của TS. Tự Anh dành cho vùng đất “chín rồng” là cần thay thế cơ chế phân tán bằng một cơ chế quản trị vùng có hiệu lực và theo đuổi lợi ích chung cho toàn vùng. Điều kiện tiên quyết để hội đồng vùng hoạt động có hiệu quả là cần thay đổi cách đánh giá và tạo động lực cho lãnh đạo, không nên tiếp tục đánh giá lãnh đạo qua chỉ số GDP, ngân sách, hoặc những chỉ số mang tính cục bộ của địa phương họ quản lý để tránh tình trạng “mạnh ai nấy chạy”, thậm chí “cạnh tranh xuống đáy”.

Về sản xuất, ĐBSCL phải chú trọng thị trường thay vì thuần túy sản xuất và phải cạnh tranh nhờ giá trị gia tăng cao thay cho giá cả thấp. Trong 10-20 năm tới, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng tăng nhanh và yêu cầu của họ đối với các mặt hàng thực phẩm sẽ ngày càng nâng chuẩn. Để đáp ứng nhu cầu của làn sóng tiêu thụ mới này, đồng bằng phải chuyển sang các hệ thống canh tác hiệu quả hơn, coi trọng chất lượng hơn số lượng, chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường; đặc biệt cần từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên từ lúa gạo – thủy sản – trái cây sang thủy sản – trái cây – lúa gạo theo đúng giá trị gia tăng mà các sản phẩm này tạo ra.

Mặt khác, diễn giả cũng nhắc nhở khán giả về một điểm yếu lâu nay của ĐBSCL nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung là chạy theo sản xuất bỏ quên thị trường. Công nghệ hóa, dịch vụ hóa và thị trường hóa nông nghiệp là những biện pháp chắc chắn phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, tăng cường chuyên môn hóa và ổn định đầu ra tiêu thụ cho nông sản. Và theo tiến sĩ Tự Anh, để thực hiện tất cả những điều này, không thể không dựa vào doanh nghiệp và cần có những mô hình sản xuất-kinh doanh có tổ chức trong đó các hiệp hội phải đóng vai trò trung tâm.

Những điểm yếu trong an ninh lương thực của Việt Nam

TS. Tự Anh cũng lưu ý có hai quan niệm cốt lõi cần được thay đổi ở ĐBSCL. Thứ nhất, nước mặn và nước lợ cũng là những nguồn tài nguyên quý báu chứ không phải là thách thức hay đe dọa các vùng trồng lúa nước ngọt và cần có sự hài hòa giữa các mô hình trồng lúa, tôm cá, và phát triển đô thị. Quan niệm thứ hai cần thay đổi chính là “an ninh lương thực”, phải nhận thức “xuất khẩu gạo không đồng nghĩa với an ninh lương thực” và “giữ gìn diện tích trồng lúa không đồng nghĩa với đảm bảo an ninh lương thực”.

Mặc dù, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới, nhưng về an ninh lương thực, chúng ta chỉ đứng thứ 54 của thế giới. Đây là điều gây ngạc nhiên cho nhiều người nhưng sẽ không quá khó hiểu khi chúng ta nhìn vào phân tích điểm số an ninh lương thực trong đó Việt Nam có những điểm yếu như chi tiêu công và đầu tư R&D cho nông nghiệp rất thấp (1,7/100); thứ hai là GDP trên đầu người thấp, đồng nghĩa là khi thu nhập còn nghèo, nếu có khủng hoảng về lương thực, chúng ta không thể chi tiền để thu mua các nguồn thực phẩm khác. Nói tóm lại, “dù chúng ta xuất khẩu lúa, nhưng không tạo ra được một nền tảng vững chắc về kinh tế, về đầu tư, R&D cho nông nghiệp, thì chúng ta cũng không tự tạo được an ninh lương thực cho mình,” kết luận của diễn giả.

Quỳnh Chi

Kết nối với chúng tôi

image

Cùng lắng nghe những cảm nhận, chia sẻ từ các lãnh đạo cấp cao của TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tỉnh Đồng Tháp, tham dự Tọa đàm Chính sách Cấp cao - Lãnh đạo Quản trị Tài sản công trong kỷ nguyên số trong 2 ngày 16 & 17/3 vừa qua tại Đà Nẵng. Tọa đàm được đồng tổ chức bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). --- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. 📌Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 👉Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer