Tin Tức

Lớp học “Việt Nam trên đường phát triển”: Toàn diện bức tranh Việt Nam từ những lăng kính đa dạng

image

Hàng năm vào Kỳ mùa Thu, lớp học “Việt Nam Trên Đường Phát Triển” luôn nhận được sự đón nhận đông đảo. Là lớp học liên kết giữa hai trường Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ và Đại học Fulbright Việt Nam, sinh viên được nhìn ngắm một Việt Nam dưới nhiều lăng kính khác nhau, trải dài từ lịch sử, tôn giáo, đến môi trường. Năm nay, lớp học đã có nhiều dự án nổi bật, được phân tích từ đa lĩnh vực như Lịch sử, Nghiên cứu Phim, Văn học hay cả Khoa học Môi trường và Thương Mại. 

Được tổ chức vào Kỳ Thu hàng năm, lớp học “Việt Nam Trên Đường Phát Triển” là lớp học liên kết giữa Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ (một trong các trường đại học thuộc nhóm Ivy League). Với chủ thể là Việt Nam, các sinh viên có cơ hội nghiên cứu sâu sắc từ đa dạng các lăng kính, tưởng như khác biệt nhưng liên kết chặt chẽ với nhau. Năm nay, lớp học tập trung khảo cứu ba khía cạnh hiện đang được các bạn trẻ và cộng đồng quan tâm mạnh mẽ: lịch sử, tôn giáo và môi trường. 

Chương trình học gồm hai giai đoạn chính. Trong nửa kỳ đầu, sinh viên học tập trực tuyến và làm bài tập nhóm. Nửa kỳ sau, cả lớp hoàn thiện dự án và các sinh viên trường Dartmouth đến Việt Nam. Các bạn trẻ của hai trường đã tham gia vào các chuyến thực địa nghiên cứu sôi nổi đến Chợ Lớn, Rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố Vũng Tàu, hay tỉnh Bến Tre. Bên cạnh đó, xuyên suốt chương trình học, sinh viên còn có nhiều buổi thảo luận sôi nổi bằng nhiều hình thức. Khoảng cách địa lý chưa từng là trở ngại khi các bạn cùng nhau khám phá về Việt Nam trên đà phát triển. 

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Sinh viên Dartmouth và Fulbright đến thăm Cống Đập Ba Lai tại tỉnh Bến Tre

Kết nối và phát triển: những giá trị đúc kết từ lớp học

Mong muốn thành lập môn “Việt Nam Trên Đường Phát Triển” xuất phát từ một cuộc nói chuyện giữa hai người bạn thân tình từ thời gian học thạc sĩ tại Harvard, Tiến sĩ Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Fulbright Việt Nam và Tiến sĩ Edward Miller, Phó giáo sư Ngành Lịch sử tại Đại học Dartmouth của Hoa Kỳ. Hai thầy hy vọng có thể tạo ra lớp học liên kết xoay quanh chủ đề “Phát Triển” này dành cho những sinh viên đến từ nhiều ngành học khác nhau.

Thầy Nguyễn Nam giải thích, việc chọn Việt Nam để nghiên cứu là vì tính đa dạng và những biến đổi xã hội còn rất nhiều góc nhìn cần khai phá. Hơn nữa, hình thức học kết hợp với nghiên cứu thực địa là một điểm sáng trong chương trình học. Chỉ khi quan sát song song giữa tình huống thực tiễn và những kiến thức lý thuyết, sinh viên mới thật sự có một cái nhìn toàn diện về chủ đề mà mình quan tâm. 

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Tiến sĩ Nguyễn Nam và Tiến sĩ Edward Miller vốn là hai người bạn lâu năm từ khi còn là sinh viên Harvard.

Thầy Edward Miller còn chia sẻ tính cạnh tranh thông qua quá trình tuyển chọn kỹ càng: 

“Năm nay, chúng tôi nhận được gấp 3 lần số lượng đơn đăng ký so với sĩ số cho phép! Quá trình tuyển chọn đã diễn ra một cách căng thẳng nhằm tìm ra những học sinh đủ tiêu chí cho lớp học. Chúng tôi muốn đánh giá sinh viên ở mức độ quan tâm của từng bạn về Việt Nam, thái độ cởi mở với các trải nghiệm mới lạ và đặc biệt là tầm quan trọng của chuyến đi đến những hoạch định cá nhân của các bạn”. 

Các sinh viên đã có những kỷ niệm khó quên khi tham gia lớp. Bạn Nguyễn Ngọc Minh Khuê (Sinh viên năm 2, Fulbright) cảm nhận được sự trưởng thành rõ rệt của bản thân: “Học lớp Việt Nam Trên Đường Phát Triển, mình được trải nghiệm, thực hành và nhận về rất nhiều giá trị. Những chuyến đi thực địa không chỉ cho mình một góc nhìn thực tế về những điều mình học, mà đây còn là một trải nghiệm khó quên khi bản thân có cơ hội được kết nối, học hỏi từ những bạn sinh viên Dartmouth cách mình hơn nửa vòng trái đất”.

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Minh Khuê (ngồi chính giữa), một sinh viên năm 2 của Fulbright cảm thấy tự hào khi chứng kiến được những bước tiến của bản thân.

Minh Khuê (ngồi chính giữa), một sinh viên năm 2 của Fulbright cảm thấy tự hào khi chứng kiến được những bước tiến của bản thân.

Anh-Ton Xuân Nguyễn, một sinh viên năm 2 thuộc chuyên ngành Nghiên cứu Môi trường ở Dartmouth bày tỏ: 

“Thay vì đơn thuần là một chuyến đi trao đổi của sinh viên, mình thấy lớp học giống như một lời mời thân mật của Fulbright gửi đến Dartmouth. Dù ngành học của mình tưởng như không quá liên quan đến nghiên cứu Việt Nam, việc tham gia vào lớp đã giúp mình rèn luyện tư duy liên ngành. Khi thực hiện dự án, mình đã vận dụng những kiến thức như Hóa, Sinh thuộc chuyên ngành của mình vào việc phân tích phát triển Việt Nam. Mình rất thích cách học mới này, vì nó tạo được sự chặt chẽ, logic và còn ứng dụng được vào dự án thực tế” – Anh-Ton cười hào hứng.

Những dự án nghiên cứu táo bạo của sinh viên về một Việt Nam đang trên đường phát triển

Lớp học năm nay có 7 nhóm, mỗi nhóm lại có sinh viên của cả hai trường, điều này đã thúc đẩy các bạn hòa nhập để làm việc tốt hơn. Phối hợp với nhau từ khi bắt đầu kì học, các đội đã có thời gian thảo luận, nghiên cứu và chọn ra những khía cạnh hết sức thú vị nhằm toàn diện hóa những góc nhìn về Việt Nam đang phát triển.

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Nhóm GDP-o-What nghiên cứu về hành trình xây dựng sự nghiệp của sinh viên Việt Nam và vai trò của các nguồn lực cơ bản ảnh hưởng lên quan điểm của họ. Kết quả cho thấy, những người theo học trường nghề và đại học mở thường có tư duy khác biệt so với những học viên trường tư thục, quốc tế. Dù có điểm chung là mơ ước lớn, nhóm theo học tại các trường tư thục có kế hoạch cụ thể và theo đuổi mục tiêu một cách bài bản. Trong khi đó, học viên trường nghề tin rằng họ có thể đạt được sự thành công bằng sự cần cù.

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Nhóm Phở khám phá văn hóa tiêu dùng (“Consuming” Culture) trong nền ẩm thực đường phố trước bối cảnh toàn cầu hóa của Thành phố Hồ Chí Minh. Các bạn sinh viên đã phỏng vấn nhóm khách du lịch quốc tế, người tiêu dùng trong nước và người bán hàng rong. Qua đó,nhóm bạn trẻ nhận ra sự khác biệt trong các góc nhìn giữa những đối tượng này đối với tính “đặc sản” của nền ẩm thực đường phố. 

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Nhóm The Kings and Queens phân tích về vai trò của chợ Tân Mỹ bên cạnh sự phát triển của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Kết quả là, mặc dù các hình thức phân phối thương mại hiện đại như siêu thị ngày càng phổ biến, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua hàng ở chợ truyền thống. 

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Sự chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong bốn bánh sang xe điện (electric vehicles) là chủ thể nghiên cứu của nhóm Sustaining our Phởbulousness. Sau quá trình nghiên cứu, các bạn nhận ra những quyết định giữa chính phủ, doanh nghiệp và góc nhìn người tiêu dùng sẽ là nhân tố quyết định sự phát triển của ngành này trong tương lai. Hơn thế nữa, các bạn còn đánh giá tính khả thi của mục tiêu Việt Nam trung hòa lượng carbon vào năm 2050 bằng việc tăng số lượng các mẫu xe “xanh”.

Không chỉ dừng lại ở các chủ đề kinh tế, xã hội, nhân chủng học, các bạn sinh viên còn thử sức ở nhiều lĩnh vực mới như chính trị, nghệ thuật và môi trường. Nhóm AmVietCulturalists tìm hiểu về phương thức cách chất độc màu da cam được đề cập trong các phiên ngoại giao. Thông qua việc quan sát các văn bản được ký kết, các bạn sinh viên đã phân tích cách Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán về vấn đề này qua các công tác hòa giải hậu chiến tranh.

lop-hoc-viet-nam-tren-duong-phat-trien

Nhóm Tree Squared phân tích mục đích, quan điểm về lịch sử và chính trị xung quanh nghệ thuật vẽ đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các bạn bất ngờ về mối quan hệ cộng đồng mạnh mẽ giữa các nghệ sĩ và cách họ phát triển vẻ đẹp địa phương thông. Tranh đường phố không chỉ biểu đạt tính cá nhân của giới trẻ, mà còn là đại diện của cả một cộng đồng.

Cuối cùng, nhóm Milikat phân tích và làm sáng tỏ các nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong các dự án sinh thái ở huyện Cần Giờ. Qua việc đánh giá sự tương đồng và khác biệt trong quan điểm về phát triển bền vững, các bạn sinh viên hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về những vấn đề thực tế tồn đọng. Ngoài ra, nghiên cứu còn nhằm đào sâu những tác nhân ảnh hưởng lên rừng ngập mặn Cần Giờ và cuộc sống của người dân địa phương trong bối cảnh kinh tế phát triển.

Nhìn lại cả một hành trình dài đã qua, thầy Nguyễn Nam cảm thấy tự hào về những sinh viên của mình. Các bạn đã có những nỗ lực, tìm tòi trong việc nghiên cứu khi tìm ra được những đề tài rất đa dạng và hoàn thiện rất tốt. Ngoài ra, thầy cũng nhìn nhận việc lớp học có thể phát triển nhiều hơn nữa. Trong một tương lai gần, rất có thể sẽ có một “bộ sưu tập” về những bài nghiên cứu giá trị được ra đời.

Hữu Nguyên

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer