Kiến tạo môi trường giáo dục ươm dưỡng năng lực thấu cảm

image

Lê Ngọc Kỳ Duyên, sinh viên năm hai Đại học Fulbright vẫn nhớ trải nghiệm khó quên ở lớp học Đạo đức trong Cuộc sống của thầy Nguyễn Nam, khi Duyên cùng 17 bạn học phải thiết kế và thực hiện một dự án “Service Learning” (Học từ những hoạt động phụng sự cộng đồng), trong đó có một buổi tập huấn về trí thông minh cảm xúc cho các em nhỏ ở trại trẻ mồ côi Lục Hoà.

Đó là lần hiếm hoi, cô sinh viên xuất thân từ một gia đình trung lưu ở thành phố lớn cảm nhận sâu sắc cảnh ngộ của những thân phận kém may mắn. “Chúng tôi đã học được bài học về lòng biết ơn, trân trọng những điều mình đang có và cảm nhận mình quá may mắn trong cuộc sống. Tôi đã học cách tôn trọng và chú ý đến lời nói và hành động của mình nhiều hơn để không làm tổn thương các em nhỏ. Chuyến đi khắc sâu thêm những giá trị của lớp học Đạo đức trong Cuộc sống. Phật giáo dạy đồng cảm và lòng trắc ẩn. Nho giáo dạy cách nhìn thế giới không chỉ từ lợi ích cá nhân của bản thân. Và cá nhân không phải là trung tâm cộng đồng, mà ngược lại, cộng đồng nên là trung tâm của mỗi người” – Kỳ Duyên nói về một phần trải nghiệm của mình.

Dự án “Service Learning” (Học từ những hoạt động phụng sự cộng đồng) của sinh viên Đại học Fulbright tại Đà Lạt

Lớp học Đạo đức trong Cuộc sống, hay các hoạt động service learning chỉ là một phần trong chương trình giảng dạy tại Fulbright nhằm hướng tới ươm dưỡng năng lực thấu cảm cho sinh viên, một trong những phẩm chất quan trọng không chỉ để thành công lâu dài trong sự nghiệp mà còn là nền tảng của cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa trong một thế giới ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng.

Vậy thấu cảm là gì và vì sao giáo dục ươm dưỡng năng lực thấu cảm ngày càng trở nên quan trọng?

Thấu cảm là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được cảm xúc và cách nhìn của họ, và sử dụng sự hiểu biết đó để định hướng cho hành động của chúng ta. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một nhà nghiên cứu tâm lí xã hội nổi tiếng từng ví von “Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tuỷ hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”.

Sự nổi lên của Giáo dục Thấu cảm

Từ đầu thế kỉ 21, Giáo dục Thấu cảm đã trở thành yếu tố trọng tâm trong các cải cách giáo dục hiện đại. Ngày càng nhiều các trường học ở Canada, Anh, Mỹ chú trọng đến việc giảng dạy kĩ năng thấu cảm cho học sinh. Thậm chí ở Đan Mạch, chủ đề dạy về thấu cảm đã trở thành giờ học bắt buộc ở mọi trường học kể từ năm 1993. Đến nay, các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục toàn cầu đều cho rằng Giáo dục Thấu cảm là một nhân tố thiết yếu trong trải nghiệm học tập của học sinh, sinh viên ở mọi độ tuổi.

Sự nổi lên của Giáo dục Thấu cảm bắt nguồn từ học thuyết nổi tiếng của Daniel Goleman về trí thông minh cảm xúc (EQ). Trong cuốn sách gây ảnh hưởng toàn cầu xuất bản năm 1996 “Trí thông minh cảm xúc: Tại sao nó quan trọng hơn IQ”, Goleman chỉ ra rằng những kĩ năng như sự thấu cảm có vai trò then chốt trong việc giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ tích cực với người khác và để hiểu bản thân tốt hơn. Bởi vậy, thấu cảm có thể là một con đường dẫn tới sự thành công lâu dài trong học tập và sự nghiệp khi mỗi cá nhân có thể hiểu biết và làm việc với những người khác tốt hơn.  Hàng loạt các nghiên cứu sau này chứng minh rằng những người trẻ có kĩ năng thấu cảm sẽ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động trên lớp học, đạt được các kết quả học tập tốt hơn, kĩ năng giao tiếp hoàn thiện hơn. Hơn nữa, khả năng thấu cảm giúp khắc chế những rối loạn cảm xúc và hành vi ứng xử xã hội, một vấn nạn của xã hội hiện đại.

Khả năng thấu cảm giờ đây cũng được coi là một chỉ dấu quan trọng của năng lực lãnh đạo trong thế kỉ 21. Nhiều nghiên cứu chỉ ra thế hệ Millenials và gen X (dự kiến sẽ chiếm đến hơn 58% lực lượng lao động trong thập kỉ tới) có những nhu cầu, mong muốn, kỳ vọng rất khác biệt về công việc. Họ sẽ không có được sự hài lòng khi chỉ đi làm để có lương, có tiền thưởng, hay nhận các chế độ đãi ngộ. Họ tìm kiếm những giá trị cao cả hơn như ý nghĩa công việc, niềm hạnh phúc, sự kết nối với đồng nghiệp và cấp trên. Nếu không tìm thấy những giá trị này, nhiều khả năng họ sẽ nhanh chóng rời bỏ tổ chức, hoặc làm việc một cách hời hợt, thiếu gắn kết. Những thay đổi này buộc các nhà quản trị cần phải phát triển những năng lực mới để thích nghi.

Trong một buổi phỏng vấn, ông Javier Pladevall, Giám đốc Điều hành của hãng xe hơi nổi tiếng Volkswagen Audi Retail Tây Ban Nha đã đưa ra một quan điểm khá thú vị: “Ngày nay, lãnh đạo cần tạm quên đi việc quản lý và học lại cách trở thành một con-người”. “Trở thành một con người”, tức là gạt bỏ những chức vị cao xa, để quan tâm, lắng nghe, tạo mối quan hệ gắn bó thân tình với cấp dưới. “Trở thành một con người”, để có thể đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu những vấn đề mà nhân sự đang gặp phải. Nói cách khác, đó chính là kỹ năng lãnh đạo bằng sự thấu cảm.

Thấu cảm trong tam giác Know – Do – Be ở Fulbright

Mặc dù giáo dục thấu cảm đã trở thành xu thế phổ biến trong hệ thống giáo dục ở các nước phát triển trong hai thập kỉ vừa qua thì ở Việt Nam, chủ đề này dường như bị bỏ quên mãi cho đến hai năm trở lại đây. Đó là hệ luỵ của một thời kì dài hệ thống giáo dục chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức cho học sinh, đào tạo ra những thế hệ “chuyên gia biết tuốt” nhưng lơ ngơ bước ra cuộc đời trong khi hoàn toàn bỏ rơi phần giáo dục phẩm chất con người, một trong những nền tảng tốt nhất mà giáo dục châu Á từng làm được trước kia.

Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, Fulbright đã chọn cách tiếp cận hướng đến mục tiêu giáo dục con người hoàn thiện, với mô hình tam giác Know (Tri thức) – Do (Kĩ năng) – Be (Phẩm chất).

“Một con người cần có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện những công việc của mình nhưng nếu thiếu phần quan trọng nhất là phẩm chất cá nhân thì đó vẫn chưa phải một con người hoàn chỉnh, toàn diện. Tại Fulbright, chúng tôi không chỉ muốn sinh viên biết về những vấn đề quan trọng, chúng tôi còn muốn sinh viên có khả năng làm những việc ý nghĩa và trở thành một người sống có chủ đích và trọn vẹn”, bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright chia sẻ.

Trong trụ cột “Be” ở Fulbright, sự thấu cảm có vị trí trung tâm bởi đó là nền tảng của lòng trắc ẩn và sự cảm thông. “Việc xây dựng lòng trắc ẩn rất quan trọng để xây dựng phẩm chất của cá nhân, bởi nếu không có lòng trắc ẩn và sự cảm thông, còn người sẽ khó biết cách đưa ra quyết định đúng sai cho việc cần thiết ở những thời điểm cụ thể”, bà Thuỷ nói thêm.

Nhưng giáo dục năng lực thấu cảm cho sinh viên không chỉ đơn thuần từ những giờ học về Đạo đức, hay những dự án “service learning” (hoạt động phụng sự cộng đồng) được lồng ghép trong nhiều môn học ở Fulbright. Quan trọng hơn, sự thấu cảm đã trở thành một giá trị tự thân trong mô hình giáo dục ở Fulbright, bắt đầu từ triết lý giáo dục khai phóng và tôn trọng sự đa dạng. Sinh viên ở Fulbright đến từ nhiều vùng miền và hoàn cảnh kinh tế – xã hội khác nhau. Cùng với các giảng viên đến từ nhiều nền văn hoá, họ tạo thành một cộng đồng học tập mang tên Fulbright, nơi mỗi thành viên với bản sắc, trải nghiệm cuộc sống, niềm tin và hệ giá trị khác nhau học cách lắng nghe và làm việc cùng nhau để thấu hiểu, đồng cảm và trưởng thành từ những quan điểm khác biệt của mỗi cá nhân. Ở Fulbright, dù là trong môi trường lớp học hay cuộc sống chung trong kí túc xá, mỗi tiếng nói dù nhỏ bé luôn được lắng nghe, mỗi ý tưởng dù phá cách cũng được trân trọng.

Sinh viên khiếm thị Trần Việt Hoàng

Nói như Tiến sĩ Đinh Vũ Trang Ngân, Giám đốc Chương trình Cử nhân Đại học Fulbright, “Mỗi sinh viên đều có tiếng nói, ý tưởng và kĩ năng của riêng mình để đóng góp cho thế giới. Fulbright hi vọng giúp các bạn tìm thấy tiếng nói đó, khơi dậy ý tưởng đó, rèn giũa kĩ năng đó, để mỗi người có thể tìm kiếm và phát triển những phiên bản tốt nhất của chính mình, và biết cách sống với những người khác, để cùng nhau kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.”

Một vị khách dự lễ Khai giảng năm học 2020 của Fulbright sau này có kể lại rằng, điều khiến ông ấn tượng nhất là khi sinh viên khiếm thị Trần Việt Hoàng chuẩn bị bước lên sân khấu phát biểu. Ngay khi Hoàng vừa đứng lên, hai ba bạn học ngồi cạnh lập tức đưa tay ra đỡ và dìu bạn lên sân khấu.

“Đó là một cử chỉ vô cùng tự nhiên, gần như bản năng vậy. Lâu nay, chúng ta vẫn lo ngại về một thế hệ trẻ chỉ biết đề cao cái tôi, nhưng những gì tôi thấy là những người trẻ biết cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ những người bạn có hoàn cảnh khó khăn. Điều đó cho phép chúng ta tin vào một thế hệ tương lai biết sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng”.

Việt Lâm

Kết nối với chúng tôi

image

Cùng lắng nghe những cảm nhận, chia sẻ từ các lãnh đạo cấp cao của TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tỉnh Đồng Tháp, tham dự Tọa đàm Chính sách Cấp cao - Lãnh đạo Quản trị Tài sản công trong kỷ nguyên số trong 2 ngày 16 & 17/3 vừa qua tại Đà Nẵng. Tọa đàm được đồng tổ chức bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). --- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. 📌Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 👉Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer