Tin Tức

Khủng hoảng Covid-19 hay cơ hội đồng kiến tạo một trải nghiệm giáo dục mới ở Fulbright

image

Tiến sĩ Phan Vũ Xuân Hùng, một trong những giảng viên sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam từng ví von năm học Đồng kiến tạo ở Fulbright giống như vừa lái một chiếc máy bay vừa hoàn thiện nó. Nhưng tinh thần sẵn sàng đương đầu với những điều chưa biết trước, học cách “sống sót và trưởng thành trong bấp bênh” không dừng lại ở Năm học Đồng kiến tạo. Hơn thế, nó đã trở thành một nét văn hóa ở Fulbright.

Đại dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng giáo dục đại học toàn cầu bất đắc dĩ phải thử nghiệm hình thức học tập trực tuyến mà chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Fulbright cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng, trong vai trò một tổ chức học thuật đổi mới và tiên phong, Fulbright đã học được nhiều bài học trong giai đoạn đầu tiên này, giúp chúng tôi thích nghi nhanh chóng với bất kỳ khó khăn nào và tìm ra hướng đi giữa cơn bão COVID-19.

Đồng kiến tạo một trải nghiệm giáo dục mới

“Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp sinh viên chuẩn bị cho một tương lai đầy biến động. Fulbright được thành lập với sứ mệnh đổi mới giáo dục đại học, vì vậy chúng tôi có khả năng thích ứng với sự gián đoạn và thay đổi một cách linh hoạt hơn. Xét trên nhiều phương diện, cuộc khủng hoảng hiện nay, dù vô cùng nghiêm trọng, cũng chỉ đơn giản là áp dụng lý thuyết vào thực hành,” ông Ian Bickford, Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.

Khi sinh viên bắt đầu bước vào học kỳ 4, việc trường phải đóng cửa đã trở thành một cuộc kiểm nghiệm thực sự đối với sự bền bỉ và khả năng thích ứng của sinh viên và giảng viên Fulbright. Các khóa học được chuyển hoàn toàn sang hình thức trực tuyến, buộc mọi thành viên phải giải quyết những thách thức ở mọi cấp độ, từ vấn đề hậu cần cho đến đường hướng của tổ chức. Họ cũng cần phải trả lời những câu hỏi trừu tượng hơn, ví dụ như một cộng đồng học tập sẽ được định hình theo cách nào trong thời buổi giãn cách xã hội, để các thành viên vẫn có thể sát cánh bên nhau trong khi không thể chia sẻ một không gian địa lý chung?

Các nhà giáo tại Fulbright buộc phải tìm những giải pháp sáng tạo để tổ chức các khóa học trực tuyến một cách hiệu quả, vận dụng đa dạng tài liệu và phương pháp sư phạm. Từ những cuộc tranh luận trên Facebook, những bài kiểm tra được thiết kế như các trò chơi, cho đến những dự án khoa học được tối ưu hóa và các công cụ trực quan hiện đại, các giảng viên đang mang đến những khóa học đầy tính thời sự như nhân dạng ảo hay vi sinh vật học cơ bản giữa mùa dịch COVID.

“Lúc đầu, em từng nghĩ rằng các lớp học trực tuyến sẽ không tạo ra được sự kết nối hiệu quả. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong các lớp học lại vô cùng sôi nổi và thú vị. Các thầy cô đã tìm tòi nhiều phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học đầy sáng tạo để giúp sinh viên hứng thú với việc trao đổi kiến thức và thảo luận các ý tưởng.

Các lớp học trực tuyến của em hiện tại dành phần lớn cho thảo luận, hoạt động nhóm hoặc nhận xét 1-1 với giảng viên. Thầy cô đã ghi hình bài giảng trước và gửi các tài liệu để tự đọc, nên chúng em nắm được các khái niệm cần thiết. Tới buổi học, chúng em chỉ tập trung vào việc chia sẻ, bàn luận ý kiến, thông tin, thắc mắc với thầy cô và các bạn thôi, nên trải nghiệm học online rất vui và hào hứng”, Phạm Nguyễn Đan Tâm, một trong những sinh viên Đồng Kiến tạo chia sẻ.

Môi trường học tập mới này khai thác những ưu điểm của hình thức học trực tuyến – sự linh động về thời gian và nhịp độ, nâng cao sự chủ động trong học tập và giúp sinh viên tham gia một cách sâu sắc hơn vào nội dung bài học, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả học tập như một lớp học thông thường, trong đó sinh viên có thể tương tác đồng thời với các sinh viên khác, với giáo viên và với nội dung bài học. Trong lớp, sinh viên hợp tác với nhau để cùng học và phản hồi trên tinh thần đóng góp.

Sinh viên Vũ Đức Huy kể: “Ở lớp Nhập môn văn học, thầy Kevin cố gắng đổi mới những bài tập để Văn học không bị khô khan với học sinh, nhất là qua môi trường trực tuyến. Rất khó để ngủ gật trong lớp của thầy vì chúng mình luôn có những hoạt động liên tục, từ nhập vai và diễn lại trong vở kịch nàng Antigone, cho đến tranh luận kịch liệt về hành động của Prospero trong Giông Tố”.

Học trực tuyến hoàn toàn có thể là một trải nghiệm phong phú, bổ ích và hiệu quả, nhưng nó đòi hỏi mỗi giảng viên phải đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm của sinh viên. Đây cũng là mục tiêu mà Fulbright luôn nỗ lực hướng tới.

Để kết nối với thế giới

Theo Tiến sĩ Ian Bickford, “Sức mạnh của Fulbright đến từ sự tham gia tích cực và liên tục của sinh viên cũng như các mối quan hệ đối tác chặt chẽ mà Trường đã thiết lập với các đại học quốc tế”. Khi Fulbright chuyển các lớp học sang nền tảng trực tuyến, cách tiếp cận của Trường tập trung vào nỗ lực tìm kiếm các câu trả lời cho câu hỏi: “Những giải pháp nào có thể giúp chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục tại Fulbright một cách lâu dài?”

Quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học quốc tế đã và đang là một trong những lợi thế to lớn của Fulbright. Mới đây, Đại học Dartmouth và Fulbright đã cùng thiết kế một khóa học liên kết, cho phép sinh viên từ Hoa Kỳ và Việt Nam học tập cùng nhau và học hỏi lẫn nhau. Các khóa học liên kết là một hướng đi mới trong xu hướng trao đổi giáo dục quốc tế: mặc dù nội dung giảng dạy tại hai trường sẽ không hoàn toàn giống nhau, mục tiêu và nội dung học tập tại mỗi trường sẽ được giảng viên hai bên cùng thiết kế, điều phối và giảng dạy song song.

Trong tương lai, giáo dục toàn cầu sẽ chứng kiến sự gia tăng hợp tác xuyên quốc gia, tăng cường áp dụng các nền tảng công nghệ sẵn có cũng như các nền tảng mới. Xu hướng này khiến các tổ chức giáo dục như Fulbright phải nhìn nhận lại về tương lai của giáo dục. Dù vẫn còn non trẻ, mô hình này tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác trong tương lai, cho phép sinh viên kết nối linh hoạt hơn với các bạn học và chuyên gia trên khắp thế giới. Nhờ có công nghệ, sinh viên giờ đây có thêm nhiều lựa chọn trong học tập hơn so với các thế hệ đi trước.

Bên cạnh các khóa học hợp tác với các trường đại học quốc tế, mới đây, Fulbright đã khởi xướng series thảo luận trực tuyến mang tên “Tương lai hậu Covid-19”. Chúng tôi hiểu rằng đại dịch này chỉ có thể được ngăn chặn nếu chúng ta hiểu biết thấu đáo về những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Bằng mối quan hệ thân thiết với giới học thuật quốc tế, Fulbright đã mời những chuyên gia hàng đầu thế giới về trò chuyện với công chúng Việt Nam qua chuỗi thảo luận trực tuyến được phát trực tiếp trên trang Facebook nhà trường, hoàn toàn miễn phí và công khai. Các chuyên gia sẽ phân tích tác động của của Covid-19 đối với các lĩnh vực khác nhau, từ hệ thống y tế công cộng đến nền kinh tế, chính sách công, lãnh đạo và kinh doanh.

Cuộc thảo luận đầu tiên với chủ đề “Điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta đẩy lùi làn sóng đầu tiên của Covid-19?”, được trình bày bởi Tiến sĩ Yonatan Grad, Giáo sư về Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Harvard Chan, đã được đón nhận rất tích cực. Trong tháng 4 và tháng 5, Fulbright sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thảo luận về những chủ đề nóng bỏng, trong đó có “Tương lai của nền kinh tế”, trình bày bởi Giáo sư Karen Dylan, Cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Giáo sư Đại học Harvard; “Các chính trị gia nên làm gì trong khủng hoảng”, trình bày bởi Chris Matthews – bình luận viên chính trị và là cựu dẫn chương trình ‘Hardball’ của đài MSNBC. Bên cạnh đó, Giáo sư Xihong Lin, Giáo sư về Thống kê Sinh học đến từ Đại học Harvard, thành viên của Viện Hàn lâm Y khoa Hoa Kỳ sẽ mang đến bài diễn thuyết với chủ đề “Chúng ta học được gì từ Vũ Hán”.

Khi đối mặt với khủng hoảng, chúng ta buộc phải phát huy tối đa ý chí và sự linh hoạt để thích nghi với một hệ sinh thái mới với những thử thách mới. Đổi mới, sáng tạo và sự năng động là chìa khóa để duy trì các hoạt động một cách bình thường nhất có thể. Dù phải thực hành giãn cách xã hội trong không gian thực, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể giữ kết nối chặt chẽ thông qua các công cụ trực tuyến. Thái độ sẵn sàng hợp tác và tin tưởng lẫn nhau chính là tiền đề giúp Fulbright chuyển đổi một cách hiệu quả hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, cả về không gian và thời gian.

Để thích ứng và cùng nhau trưởng thành

Khi phần lớn sinh viên không còn ở lại ký túc xá, việc duy trì cảm giác “thuộc về nơi này” của sinh viên và cộng đồng học tập của họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.“Người ta thường mặc định rằng việc trường đóng cửa sẽ dẫn đến các hoạt động của hội sinh viên hay các câu lạc bộ cũng sẽ bị tạm dừng. Tuy nhiên, chúng tôi lại không nghĩ như vậy. Đội ngũ Đời sống Sinh viên đã nhanh chóng tìm ra các giải pháp để giữ liên lạc với sinh viên và phát triển các chương trình mới phù hợp với tình hình hiện tại,” Tiến sĩ Ian Bickford giải thích.

Từ những buổi chơi nhạc trực tuyến do câu lạc bộ âm nhạc tổ chức, đến các thử thách chụp ảnh về cuộc sống khi phải cách ly, những sáng kiến này ​​đã thực sự lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng sinh viên. Nhưng đối với Steve Paris, Giám đốc Đời sống Sinh viên, thách thức nằm ở việc thuyết phục những em vốn sống nội tâm, kém tự tin hơn tham gia vào những hoạt động này.

“Cảm giác xa cách hoặc bị cô lập có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe tinh thần và khả năng học tập của sinh viên. Nhiều em đã bày tỏ lòng trân trọng đối với sự kết nối đó và chắc chắn nó đã được thể hiện rõ rệt qua rất nhiều hoạt động mà chúng tôi từng thực hiện. Trong điều kiện như hiện nay, việc duy trì và phát huy tinh thần đó là ưu tiên số một của chúng tôi,” ông Steve Paris, Giám đốc Đời sống Sinh viên tại Fulbright khẳng định.

Để giải quyết vấn đề này, đội ngũ Đời sống Sinh viên cùng với Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần tại Fulbright đã và đang thường xuyên gửi tin nhắn động viên, khuyến khích sinh viên tự chăm sóc bản thân, đồng thời hỗ trợ tư vấn hoặc giải đáp về cách giải tỏa những khó khăn tâm lý. Bên cạnh đó, kế hoạch tiếp cận từng sinh viên cũng đang được triển khai nhằm xác định những em cần hỗ trợ và khuyến khích các em chủ động tìm kiếm sự trợ giúp. Cả hai bộ phận đều thường xuyên tổ chức các buổi chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các nhóm sinh viên, tối đa 10 đến 15 người. Các phiên thảo luận được dẫn dắt bởi một cố vấn cùng các khách mời để giúp sinh viên trò chuyện cởi mở về một chủ đề cụ thể, từ các mối quan hệ trong giai đoạn cách ly xã hội, cho đến các biện pháp đương đầu với cảm giác lạc lõng. Đây là một nỗ lực đã được cộng đồng đón nhận hết sức tích cực. “Điều thú vị nằm ở chỗ, các sinh viên thường ít khi tự mình đăng ký tham dự, nhưng các em lại rất tích cực động viên bạn bè mình tham gia, dẫn đến việc thường xuyên có số lượng đăng ký vượt quá dự tính ban đầu. Điều này cho thấy sức mạnh thực sự của sự kết nối, không chỉ từ phía nhà trường, mà chính là giữa sinh viên với nhau,” Steve cho biết.

Mới đây, trong một lá thư gửi cộng đồng Fulbright, Chủ tịch Trường, bà Đàm Bích Thủy viết: “Dù chúng ta không thể biết chắc được những thách thức nào đang chờ đợi phía trước, tôi tin rằng biện pháp giãn cách xã hội giúp chúng ta an toàn hơn, và sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn. Đại dịch này đã chứng minh rằng tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng như nhau, bất kể chúng ta ở đâu trên thế giới này. Một lần nữa, nó cho chúng ta thấy tầm quan trọng sống còn của cộng đồng mà tất cả chúng ta đang xây dựng.”

Đây là một giai đoạn đầy thử thách, và việc cố gắng quay lại với nhịp sống thường ngày chưa chắc đã là cách tốt nhất. Tuy nhiên, có một điều chúng tôi biết chắc chắn: Tất cả chúng ta đều đang nỗ lực và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua cơn bão này.

Kết nối với chúng tôi

image

VAI TRÒ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH BẢO TRỢ XÃ HỘI TRONG VIỆC GIẢM TÍN DỤNG ĐEN. Trong thời gian qua nạn tín dụng đen nổi lên gây bức xúc trong xã hội. Các biện pháp giải quyết hiện tập trung vào triệt phá các nhóm cho vay nặng lãi và nỗ lực cải cách hệ thống tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Những chính sách này là phù hợp nhưng liệu đã đủ? Liệu có thể giải quyết được tận gốc nguyên nhân phát sinh nạn tín dụng đen? Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, sẽ mang đến góc nhìn sâu hơn về vấn đề này. -- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. 👉Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 📌Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer