Tin Tức

Khúc gãy sự nghiệp và những người tự kiến tạo đam mê *

image

Nguyến Yến Phi vẫn nhớ những ngày đầu trở về Việt Nam từ Boston với cảm giác hoang mang. Bốn năm vùi đầu ở trường kiến trúc Harvard (Phi theo học Thạc sỹ kiến trúc, Đại học Harvard) được Phi mô tả là quãng thời gian “kinh khủng” với một lịch trình chỉ ngủ 4 tiếng/ngày ròng rã 4 năm, ngồi trong studio kín tuần để làm việc và làm việc. Trở thành kiến trúc sư là điều Phi mong ước từ bé, để có thể góp phần “thay đổi ngành kiến trúc của Việt Nam”.

Năm 2017 là một bước ngoặt thay đổi khi Phi quyết định từ bỏ công việc tại một hãng kiến trúc có tên tuổi ở Boston để trở về Việt Nam sau 10 năm sống và làm việc ở Mỹ. Trở về để được làm nghề vì Boston đã phát triển bão hoà, khó có cơ hội trải nghiệm những thứ mới như ở Việt Nam. 

Dù còn những cơn buồn ngủ vì jetlag, Phi hăng hái gia nhập một công ty và là người trẻ nhất trong nhóm quản lý ở đây. Rồi cô bỏ việc vì không phù hợp. Có không ít sự trách nhẹ vì sự ngông cuồng bỏ về Việt Nam. Nhưng một người bạn nhắc Phi rằng, những điều mình không biết đôi khi là một món quà của cuộc sống. Có những người luôn luôn làm những công việc hàng ngày mà biết ngày mai sẽ có những gì thì cuộc sống không còn những bất ngờ và sự thay đổi. 

Từ trái qua:
chuyên gia Hà Xuân Trừng, Nguyễn Yến Phi – áo đỏ, GS.TS Nguyễn Nam

Quyết định trở thành một người làm tự do cho những dự án kiến trúc, những ngày vác máy làm việc ở quán cà phê đã dẫn đến con đường khởi nghiệp của Phi “sớm hơn so với dự định”. atelier NgNg của Phi và một người bạn ra đời luôn ấp ủ những ý tưởng thiết kế kiến trúc trên nền tảng mà cô đam mê đó là gây dựng và bảo tồn kiến trúc như di sản văn hoá. 

“Lúc chán nản nhất, mình ngồi nghĩ lại và tự hỏi bản thân: Điều gì đã khiến mình quay trở về Việt Nam? Mục đích sống của mình là gì? Khi đã trả lời được rồi thì xốc lại chính mình để đi tiếp bởi suy cho cùng, để được làm thứ mình thích thì phải bắt đầu từ những việc nhiều khi mình không hề thấy thích chút nào. Những va vấp, trải nghiệm sẽ giúp chúng ta trưởng thành”, Yến Phi chia sẻ.

Không có việc ưa thích sẵn có

GS.TS Nguyễn Nam, Đại học Fulbright nhớ lại thập niên đầu 90, sau 8 năm công tác tại Đại học KHXH&NV TP.HCM, ông bất ngờ nhận được đề nghị của Chủ nhiệm khoa nơi công tác về việc tham gia phỏng vấn học bổng du học Mỹ. Lời đề nghị làm ông kinh ngạc vì thời điểm đó Mỹ vẫn chưa gỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam và chuyên môn của ông là về Hán Nôm, ngoại ngữ ông biết duy nhất là tiếng Pháp. 

Ông lao vào học một khoá học cấp tốc tiếng Anh 2 tháng và sau đó được Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định để đến Mỹ du học. “Rất nhiều câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ cho tôi. Họ không hiểu tại sao một người học Hán Nôm lại du học Mỹ” – GS Nguyễn Nam kể.

GS.TS Nguyễn Nam

Du học Thạc sỹ chuyên ngành Đông Á học tại Đại học Harvard là một bước ngoặt dẫn đến một hành trình dài hơi hơn trong sự nghiệp học thuật. Sau khi trở lại Việt Nam giảng dạy thêm 2 năm, ông tiếp tục trở lại Harvard làm Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, đi sâu vào nghiên cứu về văn chương Trung Quốc. 

“Nhiều người nhìn tôi như một gã tâm thần vì nếu học về văn chương Trung Quốc, nhẽ tôi phải sang Trung Quốc?” – GS Nguyễn Nam kể. Trong thời gian học, nghiên cứu tại Harvard, ông tham gia giảng dạy chữ Nôm tại chương trình Học tập độc lập của Khoa EALC của Harvard cũng như phụ trách Quản lý Chương trình Tiến sĩ của Viện Harvard-Yenching.

Từng giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính của chính quyền Việt Nam Cộng hoà, ông Hà Xuân Trừng rời Việt Nam giữa thập niên 70 đến Mỹ với ước vọng sẽ có ngày quay trở về làm việc, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Khi đang học Quản lý Nhà nước ở trường Kennedy, Đại học Harvard thì cuộc sống xảy ra biến cố khiến ông đứng trước ngã rẽ lớn của sự nghiệp. Ông quyết định chuyển sang học MBA ở trường Kinh doanh Harvard với mục tiêu lập nghiệp từ đầu trên đất Mỹ. 

Sau hơn 15 năm sống và làm việc ở Mỹ, kinh qua những vị trí quản lý ở khu vực tư nhân, có một sự nghiệp tốt, ông Hà Xuân Trừng quyết định trở về Việt Nam đầu thập niên 90. Ngoài công việc làm cố vấn chính sách và phát triển kinh doanh cho một công ty dược phẩm, ông tìm thấy niềm đam mê ở việc giảng dạy và cố vấn cho một số chương trình đào tạo kinh doanh tại Việt Nam. 

Chuyên gia Hà Xuân Trừng đúc kết ra một giá trị trải nghiệm quan trọng đó là trong cuộc sống cần chọn một công việc yêu thích. Nhưng công việc ưa thích đó phải được tạo dựng, nuôi dưỡng, duy trì đam mê bằng sự bồi đắp, tìm tòi, sáng tạo, không thể có việc ưa thích sẵn có. 

Ông Trừng kiến giải, để có được công việc ưa thích, duy trì được cảm hứng cần phải xây dựng, tìm cảm hứng trong công việc mình làm. 

“Trong công việc, muốn cải tiến phải tìm cách có những ý tưởng mới. Bất cứ một việc gì, nếu cứ làm như hôm qua sẽ không thể có bước tiến trong sự nghiệp và xa hơn là không thể duy trì được cảm hứng vì không có gì mới mỗi ngày” – ông Trừng chia sẻ. 

Tái tạo bản thân mỗi ngày

Từ trải nghiệm cá nhân, Bùi Việt Lâm, Giám đốc Truyền thông Đại học Fulbright tin rằng, “nếu lúc nào chúng ta cũng cố gắng học hỏi những điều mới, làm mới mình mỗi ngày, bạn sẽ sẵn sàng hành trang khi cơ hội đến.”

Giám đốc Truyền thông Đại học Fulbright Bùi Việt Lâm

Hơn mười năm làm báo vào thời kỳ sôi động của báo chí Việt Nam, có được những thành công nhất định và đang làm thư ký tòa soạn của một tờ báo lớn, đến một ngày, Việt Lâm thấy mình bắt đầu chựng lại.

Chị ý thức được mình cần phải thay đổi, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, Lâm quyết định đi học như một cách “làm mới” bản thân và chuẩn bị cho bước chuyển tiếp của sự nghiệp.

Khi đang học ngành Chính sách công tại Đại học Georgetown, Lâm tình cờ gặp một thành viên sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam. Đó là lần đầu tiên chị biết đến dự án xây dựng một trường đại học mới, theo mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ.

“Những trải nghiệm của chính mình ở cả môi trường giáo dục đại học Việt Nam và Mỹ khiến tôi bị thu hút bởi sứ mệnh của Trường: kiến tạo một môi trường và trải nghiệm giáo dục độc đáo, cho phép mỗi bạn trẻ Việt có cơ hội để khám phá và phát triển bản thân.” 

Sau khi tốt nghiệp về nước, Lâm quyết định vào TP.HCM, tham gia đội ngũ xây dựng Đại học Fulbright từ những ngày đầu sau khi được cấp phép thành lập. Những kinh nghiệm làm báo và học tập tại Mỹ giúp cho một người U40 không quá chật vật khi thích nghi với môi trường công việc vốn rất xa lạ. 

Câu chuyện của Huỳnh Hạnh Phúc cũng có phần tương tự. Xuất phát điểm từ một kế toán viên của Intel Việt Nam, đến một ngày, Phúc thấy nhàm chán với công việc cần mẫn xử lý hàng trăm hóa đơn hàng ngày. Phúc quyết định nghỉ việc, ở nhà ôn tiếng Anh để xin học bổng đi du học tại Mỹ. 

Trong 4 năm du học thạc sỹ ở Mỹ (Phúc học liên tiếp hai trường: ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Missouri và Chính sách công tại Đại học Harvard), Phúc bắt đầu để mắt tới Teach for All (một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận quốc tế, có mặt ở 44 nước trên thế giới) và manh nha ý tưởng triển khai Teach for Vietnam.

Quãng giữa hai đại học, Phúc đồng sáng lập và dẫn dắt Thư Quán Doanh nhân, một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận đào tạo các khóa học GMAT, IELTS cho các em học sinh tài chính eo hẹp nhưng ước mong du học, nhận học bổng ở nước ngoài. 

Sau khi du học trở về, Phúc gia nhập Grab làm quản lý chiến lược và điều hành cho hãng này với mức lương khủng cả trăm triệu đồng một tháng. Công việc vẫn không chạm đến được những đam mê đã manh nha và một lần nữa, anh quyết định nghỉ việc. Lúc này, Phúc nhìn rõ hơn vào lựa chọn: làm một công việc có ích cho cộng đồng thông qua giáo dục. 

Huỳnh Hạnh Phúc nói về Teach for All

Hai năm xây đắp ý tưởng và giấc mơ Việt hóa Teach for All với bao thử thách nhẫn nại tưởng chừng có lúc đẩy chàng trai trẻ trở lại ranh giới kiếm việc làm công ăn lương. Thông qua sự hỗ trợ của những người bạn, Phúc đã đưa Teach for Vietnam (tổ chức thành viên của Teach for All) khởi nghiệp với dự án đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh.

Đó là một dự án giáo dục phi lợi nhuận dành cho trẻ em ở những vùng khó khăn giảng dạy miễn phí kiến thức chuyên môn lẫn đào tạo các kỹ năng mềm, truyền cảm hứng cho người học. Đã có 5000 học sinh cùng nhiều giáo viên được hưởng lợi từ dự án này của Phúc và các cộng sự.

Đến giờ, Phúc cảm thấy những gì mình nhận được từ cộng đồng là phần thưởng xứng đáng cho những liều lĩnh một thời bởi “theo đuổi công việc mình thấy ý nghĩa tiếp thêm năng lượng cho mình tiếp tục mỗi ngày. Trên hành trình đó, mình nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người khi họ cảm nhận được tâm trong mỗi việc mình làm”

Theo GS.TS Nguyễn Nam, những trải nghiệm dạy ông bài học về việc luôn cố gắng phát triển bản thân để thích nghi được với nhiều hoàn cảnh. 

“Trong cuộc sống, luôn luôn có những bất trắc xảy ra và hãy luôn sẵn sàng chờ đợi tình trạng đó. Hãy cố gắng trong từng khoảnh khắc, sống hết mình, làm bất cứ việc nào cũng cố gắng tối đa để không phải hối tiếc…Nếu chúng ta đã cố gắng hết sức mà mọi việc không đến được cũng là chuyện bình thường”.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Tiến sĩ Đô thị – Đại học Harvard) cho rằng, bản chất của người có kinh nghiệm là người thất bại thường xuyên, không thất bại không có kinh nghiệm. 

“Làm thế nào có được công việc ưa thích, tức là “có được” chứ không phải là “chọn”. Chọn có nghĩa có cái này cái kia. Để có được công việc ưa thích, trong quá trình làm việc, có những ngày thăng hoa rất hạnh phúc nhưng sẽ luôn có những lúc thăng trầm, khó khăn. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải không ngừng nỗ lực, đón nhận những thử thách và tìm ra sự sáng tạo, đam mê”.

Xuân Linh – Thanh Tuyền

* Câu chuyện chia sẻ trong diễn đàn của Câu lạc bộ cựu sinh viên Harvard tại Việt Nam, sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại Đại học Fulbright Việt Nam.

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer