Tin Tức

Khi tôi 18+: Chọn lối đi riêng của bản thân

image

Lên 8 tuổi, mình như mọi đứa trẻ thừa năng lượng khiến ba mẹ loay hoay tìm cách giải phóng. Sau một khóa học võ ngắn ngủi, mẹ quyết định cho mình nghỉ bởi thay vì giải tỏa năng lượng, rèn luyện sức khỏe, chân tay mình luôn hiếu động, chỉ thích quậy cậu em nhỏ. Mẹ chọn lớp đàn guitar với hy vọng cậu con trai sẽ đằm lại mà không thể ngờ sự lựa chọn này khai phá một niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt bên trong mình.

Chỉ sau 1 tháng học, mình đã nhảy cóc 2 bậc bài vì khả năng tiếp thu, tập luyện nhanh chóng, bài tập khó nhưng mình lại luyện chơi rất nhanh thành thục. Có lẽ, đó là môn học mình thấy dễ dàng hơn cả, thoải mái với nó và ham mê nhiều hơn bất cứ môn học nào khác. Cảm giác thích thú, gắn bó với cây đàn guitar cứ lớn dần.  Mình có buổi trình diễn đầu tiên trên một sân khấu nhỏ sau 5 tháng học với tiết mục độc tấu bản Romance De Amour, cũng là sản phẩm thể hiện cá nhân mà mình nộp trong hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Fulbright sau này.

Không chỉ còn dừng ở lớp học ngoại khóa, guitar trở thành một phần cuộc sống của mình. Không chỉ tập tành biểu diễn trong các hoạt động sinh hoạt văn nghệ ở trường, ở thành phố Pleiku này, nơi nào có guitar nơi đó mình có mặt. Từ các tiết mục biểu diễn đến các cuộc thi, câu lạc bộ âm nhạc, hoặc có lớp học vào về guitar mình đều nhẵn mặt tham gia. Với tần suất hoạt động âm nhạc sôi nổi, mình có một bộ sưu tập nhỏ các giải thưởng cấp trường, cấp thành phố.

Như mảnh đất ươm mầm được vun tưới mỗi ngày, tình yêu của mình dành cho âm nhạc, cho guitar ngày trở nên bền chặt. Càng luyện tập guitar, mình càng hình thành ý thức đó không chỉ còn là môn học ngoại khóa mẹ gửi gắm để cân bằng năng lượng cho cậu con trai nghịch ngợm thủa nào.

Thay đổi từ trải nghiệm

Năm học đầu cấp ba là một cột mốc quan trọng. Vì muốn được học tập trong một môi trường an toàn, năng động và rộng mở – những lựa chọn vốn thật hạn chế ở Pleiku, mình quyết định vào học trường chuyên duy nhất của tỉnh. Sau khi thi rớt lớp chuyên Anh, mình đậu học chuyên Hóa dù chẳng đam mê môn khoa học này. Có lẽ vậy nên mình luôn cảm thấy không trọn vẹn, thể hiện qua điểm số học tập không thực sự tốt. Mình luôn rơi vào cảm giác chán nản vì thấy mọi thứ nửa vời.

Mắc kẹt trong nếp sinh hoạt luẩn quẩn ăn học, mắc kẹt với những buổi học thêm buồn tẻ và bức bối, mình như một chú chim bị giam cầm, khao khát được xổ lồng để vùng vẫy và trải nghiệm bầu trời bao la rộng lớn ngoài kia. Mình muốn học được điều gì đó bên ngoài cuộc sống nhiều hơn là chỉ quẩn quanh trong kiến thức ở lớp học.

Trong một dịp tình cờ, mình trở thành hướng dẫn viên du lịch cho một du khách người Mỹ đến Pleiku. Sự cởi mở, thân thiện và nhiệt tình của mình đã khiến vị khách quý mến và hẹn gặp lại ở Sài Gòn, nơi anh ý đang sống và làm việc. Lời hẹn khiến mình thấy hứa hẹn vì trong thâm tâm vốn luôn tò mò về hoạt động âm nhạc ở thành phố lớn này, trung tâm hoạt động nghệ thuật âm nhạc, giải trí lớn nhất của cả nước. Chẳng phải các nhạc sĩ tên tuổi hàng đầu đều bám vào thị trường âm nhạc ở đây sao?

Hè lớp 10, mình xin phép ba mẹ lên Sài Gòn để trải nghiệm. Mình thấy không gian ở Pleiku đã quá đủ. Không gian âm nhạc nơi đây đã trở nên chật hẹp với mình, môi trường âm nhạc không có nhiều đất để phát triển. Trong khi bản thân mình luôn muốn học hỏi thêm những bậc cao thủ, tìm hiểu môi trường học bài bản chuyên nghiệp guitar và tạo dựng những mối quan hệ trong âm nhạc nghiêm túc. Một lý do cũng thôi thúc mình muốn đi ra khỏi Pleiku đó là mình có thể tranh thủ bồi luyện tiếng Anh với người bạn nước ngoài ở Sài Gòn. Mẹ phản đối ý tưởng này vì lo sợ mình đi một mình không an toàn. Nhưng bất ngờ ba lại ủng hộ và cho mình tiền để lên Sài Gòn. Dù biết mẹ lo lắng nhưng lòng mình đã muốn vậy, mình phải đi thôi.

Chuyến đi đã cho mình những trải nghiệm hơn cả hình dung. Mình gặp lại người bạn quen ở Pleiku ở Sài Gòn. Dường như có một mối duyên khi bạn của anh ấy là nhạc sĩ đang theo học tại Berklee, một nhạc viện danh giá ở Mỹ cũng đến Sài Gòn dịp này. Họ đã chỉ dạy cho mình rất nhiều dù vốn tiếng Anh của mình lúc đó còn khiêm tốn. Mình được chứng kiến một phần cuộc sống của một nhạc công đích thực.

Suốt hai tuần, mình rong ruổi khám phá khắp những nẻo đường của Sài Gòn cùng cây guitar đi mượn. Mình bắt đầu được tiếp xúc với giới chơi nhạc ở đây, những cuộc gặp gỡ hé ra cho mình một khe cửa sổ hẹp nhưng bừng sáng về con đường âm nhạc đầy gọi mời nhưng cũng không ít chông gai. Mình cũng gặp lại một người bạn học chung lớp guitar lúc nhỏ ở Gia Lai. Anh đã chia sẻ với mình những định hướng học tập, theo đuổi âm nhạc bài bản. Bứt ra khỏi không gian chật hẹp, mình như được tiếp sức năng lượng.

Mình ngạc nhiên vì khả năng âm nhạc tiến bộ hơn, tư duy mở rộng và tràn đầy cảm hứng. Và, mình nhận ra đã nặng lòng với âm nhạc nhiều hơn. Những người gặp mình lần đầu chắc hẳn sẽ có ấn tượng về một con người có phần xa cách và khó gần, bởi mình vốn khá khép kín, không tự tin thể hiện trước đám đông và càng không thích trở thành tâm điểm sự chú ý. Thế nhưng, chiếc đàn guitar dường như cho mình một “siêu năng lực” để có thể quên hết mọi thứ xung quanh mỗi khi chơi nhạc. Mình mê cảm giác được lướt tay trên dây đàn, đắm mình vào từng nốt nhạc, được hòa âm một cách đầy cảm xúc với một giọng ca và được lắng nghe bởi những tâm hồn đồng điệu.

Trở lại Gia Lai, mình ấp ủ nhiều kế hoạch về âm nhạc, tham gia năng nổ hơn vào câu lạc bộ âm nhạc ở trường với vai trò Phó chủ nhiệm. Từ những buổi workshop và hòa nhạc nhỏ nhưng chứa đựng đầy tâm huyết, mình muốn góp sức mang một làn gió mới về với Gia Lai, mảnh đất Tây Nguyên nơi đời sống âm nhạc vẫn còn thiếu thốn.

 Con đường phía trước 

Với một học sinh chuyên Hóa, con đường hiển nhiên mà mọi người nghĩ có lẽ là tiếp tục học Y, Dược. Thế nhưng phải chăng phần lớn chúng ta đang đưa ra những lựa chọn theo quán tính, bởi mình tin trong số những bạn lựa chọn theo ngành Y, Dược ấy, không phải ai cũng hiểu rõ về ngành đó và thực sự cảm thấy yêu thích nó.

Năm học cuối cấp ba mình bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về mức độ theo đuổi âm nhạc, đó sẽ là con đường học hành chuyên nghiệp bài bản hay chỉ dừng ở việc theo đuổi như một sở thích vui vẻ? Dù sự dấn thân vào âm nhạc đã có những lớp lang thành hình nhưng mình vẫn chưa đủ dứt khoát con đường phía trước dù chưa từng có giây phút nào mình nghĩ rằng sẽ bỏ âm nhạc.

Một lần mình tìm đến lớp học nhạc với dự định liều lĩnh đăng ký thi vào Nhạc viện. Sự hứng khởi bị dập tắt khi thầy giáo thẳng thừng nhận xét khả năng của mình chưa đủ kịp ôn luyện để vượt qua bài thi. Bộ hồ sơ Nhạc viện bị gạt sang một bên và một lần nữa, mình lựa chọn lối đi an toàn. Trong danh sách nguyện vọng của mình, những trường kinh tế như Ngoại Thương được xếp hàng đầu, rồi sau đó đến khối các trường Nhân văn. Âm nhạc thậm chí còn không được lọt vào danh sách đó. Mình cũng ấp ủ dự định du học, tham khảo các lựa chọn nhưng chưa đủ khả thi cũng như những chuẩn bị cần thiết.

Rồi cuộc sống có những ngã rẽ bất ngờ. Từ một bài viết trên trang Facebook Tony Buổi sáng, mình biết đến Fulbright và đến dự một sự kiện tuyển sinh mà trường tổ chức. Ở đó, Fulbright hiện lên với đủ mọi yếu tố hấp dẫn: khai phóng, năng động, cởi mở và hứa hẹn đầy trải nghiệm. Mình bị hấp dẫn bởi mô hình giáo dục cho phép trải nghiệm rộng rãi để tìm ra điều mình đam mê thực sự. Bạn có thể vẫn theo đuổi học âm nhạc bên cạnh một chuyên ngành khác. Điều đó quá thuyết phục mình. Mình muốn được thử nhiều thứ để khám phá thêm bản thân nhưng không bỏ lại âm nhạc. Và sản phẩm cá nhân mình nộp cùng bộ hồ sơ cho Fulbright khi đó câu chuyện về hành trình đến với âm nhạc, chơi đàn của mình và thu âm lại  bản guitar tự tấu là Romance D’Amour, nhạc phẩm đầu tiên mình biểu diễn trên sân khấu lúc 8 tuổi.

Trong năm đầu đại học ở Fulbright, mình được học rất nhiều môn học nền tảng trải rộng trong các lĩnh vực như Logic học, cho tới Biện luận học. Mình cũng tham gia rất nhiều hoạt động trải nghiệm, hội thảo và cả trại hè khởi nghiệp. Mình lại rơi vào cảm giác chật vật, đau khổ khi học những môn học như không thuộc về mình. Tất cả để rồi nhận ra: Bao lâu nay mình đã đi những vòng ngoài, đã không ngừng tìm kiếm những con đường êm ả hơn, và dường như mình chẳng thể theo đuổi con đường nào khác nếu không phải âm nhạc. Cứ mỗi khi học một môn học nào đó không đủ cảm hứng, không thể hoàn thành với kết quả tốt, trải nghiệm một công việc nào đó ngoài âm nhạc không đủ vui, mình luôn nghĩ rằng, có lẽ mình chỉ có thể làm tốt hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn và thăng hoa hơn nếu đó là một công việc liên quan âm nhạc.

Từ nhỏ mình đã khá độc lập và lì lợm, luôn tự lựa chọn những lối đi của bản thân mà không dựa dẫm, phụ thuộc vào lời khuyên bảo của bất kỳ ai. Ba mẹ không can ngăn, không thúc giục, cũng chẳng ép buộc mình vào một lối mòn nào, mình phải tự tìm hiểu để biết những sự lựa chọn mà mình có. Mỗi khi phải đưa ra một quyết định, mình luôn đắn đo, cân đo đong đếm rất nhiều và khi quyết định gắn bó với âm nhạc cũng vậy.

Tiến Công bên thầy Hiệu trưởng Ian Bickford

Mình không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Trong mắt ba mẹ mình, con đường nghệ thuật là con đường khắc nghiệt đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ mà chẳng thể đem lại sự đảm bảo chắc chắn cho tương lai. Bạn bè cùng nhóm nhạc với mình thời học sinh phổ thông cũng chẳng có một ai đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Thiếu đi chất xúc tác ấy, con đường mà mình lựa chọn trở nên thử thách hơn rất nhiều. Nhưng mình biết sẽ phải bắt đầu từ đâu. Trau dồi kỹ thuật, trang bị kiến thức và không ngừng tìm kiếm cơ hội học tập một cách bài bản. Cánh cửa Berklee vẫn còn quá cao, nhưng trường có những chương trình trao đổi đầy hứa hẹn. Hy vọng một ngày nào đấy, mình sẽ được đứng trên sân khấu lớn để trình diễn những bản nhạc đam mê. Một ngày nào đấy, mình sẽ chia sẻ với mọi những nhạc phẩm mà mình tự sáng tác.

Hành trình của mình giờ mới chỉ bắt đầu.

Nguyễn Lê Tiến Công – Sinh viên khóa 2019-2023

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer