Tin Tức

Khám phá thế giới vi sinh vật kỳ thú với bộ môn Sinh học tại Fulbright

image

Tại Fulbright, môn học mang tên “Sinh học các bệnh truyền nhiễm” nằm trong chương trình được giảng dạy hoàn toàn trực tuyến của học kỳ 4 – năm học 2019-2020. Môn học được thiết kế xoay quanh vi sinh vật học, một lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang chi phối mọi mặt của đời sống.

Vi sinh vật – thế giới “vô hình” mà luôn hiện hữu

Tiến sĩ Samhitha Raj, một trong những giảng viên sáng lập hệ Đại học tại Fulbright là chủ nhiệm môn học. Với chuyên môn về sinh học phân tử, Samhitha muốn mang đến cho sinh viên một môn học thú vị mà thiết thực, cụ thể khi cuộc sống của tất cả mọi người đang bị đảo lộn bởi coronavirus.

“Trên thực tế, có vô số loại vi sinh vật tồn tại xung quanh chúng ta và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, cả theo cách tích cực và tiêu cực. Khi cùng tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có vi sinh vật, sinh viên đã có những ý tưởng vô cùng thú vị. Từ việc chúng ta sẽ không thể nào sản xuất bia để uống, cho đến viễn cảnh các xác chết sẽ không thể phân hủy; rõ ràng, thế giới như chúng ta biết sẽ không thể tồn tại nếu không có vi sinh vật.”

Một trong những thí nghiệm thú vị mà Samhitha hướng dẫn sinh viên tự thực hành ở nhà là “thí nghiệm bánh mỳ”. Thí nghiệm được thực hiện khá đơn giản: sáu lát bánh mỳ sandwich được sử dụng làm nơi nuôi cấy vi sinh, mỗi lát bánh mỳ được tác động vào bởi một nhân tố khác nhau như bàn tay trẻ em, bàn tay người lớn, tay lái xe máy, sàn nhà, hay tay vịn cầu thang. Nhóm đối chứng là lát bánh mỳ được chạm vào bởi một bàn tay đã rửa sạch. Phan Thục Anh là một trong những sinh viên tham gia làm thí nghiệm, sau 10 ngày, kết quả Thục Anh nhận được thật bất ngờ: miếng bánh mỳ đối chứng vẫn còn nguyên vẹn, trong khi bánh mỳ chạm vào sàn nhà, tay vịn cầu thang hay tay bẩn của người lớn đã bị mốc phủ kín.

Thí nghiệm bánh mỳ của sinh viên Phan Thục Anh.

Qua thí nghiệm này, sinh viên có thể tận mắt chứng kiến vi sinh vật thực sự hiện diện ở khắp mọi nơi, dù chúng vốn thường “vô hình”. Đến với môn học, sinh viên sẽ được tìm hiểu từ những kiến thức cơ bản nhất về vi sinh vật học: các loại vi sinh vật gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch, cấu tạo và cơ chế hoạt động của virus…, cho đến những tác động của dịch bệnh trên phạm vi toàn xã hội.

Samhitha bày tỏ, một trong những thách thức đối với cô khi thiết kế môn học là cân bằng và đáp ứng kỳ vọng của sinh viên. Tại Fulbright, “Sinh học các bệnh truyền nhiễm” là môn học Tự chọn, do đó kỳ vọng của sinh viên khi tham gia lớp học có thể rất khác nhau. Có những sinh viên chỉ muốn tìm hiểu kiến thức nền tảng và sơ lược, trong khi đó, có những bạn đam mê khoa học và muốn đi sâu nghiên cứu.

“Từ những đóng góp của sinh viên, tôi thiết kế khóa học sao cho có độ khó vừa đủ với khả năng tiếp thu của lớp. Kết thúc môn học, tôi hy vọng sinh viên sẽ hiểu được về bản chất những phân tử sinh học có khả năng gây bệnh cho con người, hay những phản ứng khi vi khuẩn hay virus xâm nhập vào cơ thể.

Với những sinh viên vốn không có thế mạnh về sinh học, ít nhất tôi muốn các bạn nắm được những kiến thức cơ bản để có thể ứng dụng vào những tình huống trong cuộc sống, chẳng hạn như phân biệt được virus – vi khuẩn và hiểu tại sao thuốc kháng sinh lại không thể giúp ta diệt được virus. Mặc dù đây là kiến thức phổ thông, trên thực tế rất nhiều người vẫn thường xuyên nhầm lẫn,” Samhitha cho biết.

Biến thách thức thành lợi thế

Trước sự bùng phát COVID-19, tất cả các môn học tại Fulbright trong kỳ học này đều được chuyển hoàn toàn sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Với Samhitha, đây là lần đầu tiên cô đảm nhiệm một lớp học online. Tiến sĩ sinh học bộc bạch, việc giảng dạy trực tuyến là một thử thách không hề nhỏ bởi cô đã quen với việc giảng dạy trên lớp và tương tác trực tiếp với sinh viên.

Thay vì dành nhiều thời gian giảng giải những kiến thức mới, Samhitha đề cao tính chủ động của sinh viên, tạo điều kiện học tập dựa trên quá trình tự tìm tòi khám phá thông quá các hoạt động trải nghiệm. Ví dụ, để hiểu về lịch sử dịch tễ học, sinh viên được quay ngược về thế kỷ 19 và đóng vai thám tử để tìm ra nguyên nhân bùng phát dịch tả tại London năm 1854. Từ những dữ liệu thực tế như bản đồ thành phố, vị trí các ca tử vong và triệu chứng bệnh, sinh viên phải tự suy luận tìm ra nguồn lây nhiễm vi khuẩn và kiểm nghiệm các giả thuyết về cách thức lây nhiễm – lặp lại từng bước trong hành trình của các nhà khoa học cách đây gần hai thế kỷ. Kết quả, sinh viên đã xác định được chính xác vấn đề nằm ở nguồn nước bị nhiễm bẩn của thành phố. “Với cách học này, tụi em hiểu được quá trình làm việc của một nhà sinh học và cách họ cứu con người khỏi các đại dịch”, sinh viên Nguyễn Trịnh Diễm Quỳnh thích thú kể.

Lê Thế Phi, một sinh viên tham gia lớp học thú nhận, khoa học tự nhiên chưa bao giờ là thế mạnh của mình. Phi đăng ký học vì tò mò trước một môn học dường như đầy tính thời sự giữa đại dịch COVID-19, nhưng điều khiến cậu bạn thực sự ấn tượng chính là bầu không khí gần gũi, thoải mái trong lớp, khác hẳn với cảm giác xa cách, rời rạc thường thấy ở một lớp học trực tuyến. “Em nghĩ thành công nhất là khi cô Sam tạo cho sinh viên không gian học tập thoải mái để sinh viên cảm thấy vui vẻ mỗi khi vào lớp học, các hoạt động trong lớp cũng rất đa dạng nhằm giúp việc học online dễ tiếp thu và thú vị hơn. Em được quan sát những virus nổi tiếng như HIV, Ebola… và tìm hiểu về nó qua nhiều nền tảng trực tuyến,” Thế Phi chia sẻ.

Bên cạnh những hạn chế, việc giảng dạy trực tuyến đem lại nhiều lợi thế nhất định. Samhitha cho biết, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là tin sinh học hiện nay giúp giải quyết các vấn đề về sinh học một cách dễ dàng hơn bằng công nghệ máy tính. Không cần kính hiển vi, người học vẫn có thể quan sát hình thái, cấu tạo của các loại vi khuẩn, virus điển hình qua các phần mềm mô phỏng ba chiều. Những phần mềm này còn cho phép quan sát mẫu dưới nhiều góc độ, so sánh các chủng vi khuẩn khác nhau, phân tích bộ gen hay bộ protein của chúng. Đây là những hoạt động chỉ có thể được thực hiện trực tuyến.

Hình ảnh so sánh cấu trúc khuẩn E.coli và khuẩn tả do sinh viên Fulbright thực hiện bằng phần mềm tin sinh học

Mới đây, các nhà khoa học đã giải mã thành công bộ gen của chủng coronavirus mới, trên cơ sở dữ liệu đó, sinh viên Fulbright cũng có thể tiếp tục phân tích để hiểu thêm về loại virus này.

Tri thức khoa học trong đối phó với dịch bệnh      

Trong cuộc chiến chống COVID, vấn nạn tin giả là một trong những trở ngại lớn nhất trong nỗ lực chống dịch ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Samhitha cho hay, bản thân cô cũng thường xuyên bắt gặp những thông tin thiếu chính xác được lưu truyền khắp nơi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này được cho là do giữa các nhà khoa học, giới chuyên môn và đại chúng vẫn còn một khoảng cách khá lớn.

Theo Samhitha, có hai trường hợp thường xảy ra khi kiến thức khoa học được truyền tải đến công chúng: hoặc quá phức tạp, khiến độc giả không thuộc chuyên ngành đó khó có thể tiếp thu, hoặc bị đơn giản hóa quá mức, khiến thông tin không còn chính xác và gây hiểu lầm. Những bài viết với nhan đề như “Ăn sô-cô-la giúp ngừa ung thư” là một ví dụ, dù rất thu hút và có thể có một phần sự thật, chúng được truyền đạt không đầy đủ và dễ khiến người đọc áp dụng hoàn toàn sai lệch.

Tiến sĩ Samitha Raj

“Kiến thức khoa học luôn thay đổi và được cập nhật mỗi ngày. Ngay trong cuộc khủng khoảng COVID-19, có thể thấy phản ứng ban đầu của một số quốc gia không thực sự hiệu quả. Bản thân các nhà khoa học cũng không thể có lời giải cho mọi thứ ngay lập tức,” Samhitha Raj bộc bạch. “Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta thường xuyên chắt lọc, cập nhật thông tin từ những nguồn thực sự đáng tin cậy.”

Với sinh viên Lê Uyên Nhi, “Sinh học các bệnh truyền nhiễm” giúp bạn biết thêm về hệ miễn dịch, cơ chế lây lan của virus cũng như cách bảo vệ bản thân và gia đình một cách hiệu quả. Còn với Phan Lan Khanh, môn học không chỉ mang lại kiến thức về những đại dịch trong lịch sử nhân loại, mà từ đó còn đem đến một cái nhìn thực tiễn hơn về tình hình hiện nay: “Ngay bây giờ, em cảm thấy kiến thức về dịch bệnh là rất cần thiết. Nhờ có môn học này mà em hiểu thêm về loài vi sinh vật đã làm khuynh đảo thế giới những tháng vừa qua.”

Anh Thư

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer