Học viện YSEALI: Bài học về chuyển đổi số từ nhà lãnh đạo Google

image

Đúng như câu nói bất hủ “Tri thức là sức mạnh”, với mỗi khóa học do Học viện YSEALI tổ chức, các học viên ưu tú được tuyển chọn – vốn là những chuyên gia, tài năng lãnh đạo trẻ đến từ 10 nước ASEAN và Timor Leste – luôn cảm thấy háo hức. Bởi họ biết rằng, khóa học luôn đem đến cơ hội đặc biệt để học tập và giao lưu với các học giả, nhà lãnh đạo và chuyên gia kỳ cựu, để cùng nhau thảo luận về các vấn đề nổi bật mà khu vực đang phải đối mặt. Là một trong ba khóa học do Học viện YSEALI tổ chức trong năm 2021, Khóa học Công nghệ & Đổi mới cũng không là ngoại lệ khi đã quy tụ gần 40 diễn giả Việt Nam và quốc tế nhằm lan tỏa tri thức và chia sẻ cảm hứng đến các học viên.      

“Thế giới đã đổi thay.” Đó là lời mở đầu bài diễn văn của bà Stephanie Davis, Phó Chủ tịch Google Khu vực Đông Nam Á, tại buổi khai giảng trực tuyến Khóa học Công nghệ và Đổi mới vào ngày 13/9. Những tác động và hệ lụy mà đại dịch gây ra là điều mà ai trong chúng ta cũng đã và đang chứng kiến, sống cùng và đối mặt. Riêng tại Đông Nam Á, đại dịch đã tạo nên những chuyển biến thế nào trong quá trình chuyển đổi, phát triển nền kinh tế số? Đâu là giải pháp và hướng đi mà các nước có thể áp dụng nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch? Vấn đề này đã được bà Stephanie Davis phân tích và trình bày cụ thể sau đây.  

Chuyển đổi số – Chìa khóa để phát triển

Theo báo cáo e-Conomy SEA report 2020 của Google, trong năm 2020 có đến 40 triệu người tại Đông Nam Á lần đầu tiên kết nối internet. So với con số 100 triệu người dùng mới mà khu vực ghi nhận được trong giai đoạn 2015-2019, đây là một tín hiệu đáng kinh ngạc. “Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ người dùng tiếp cận và chuyển đổi công nghệ,” bà Stephanie Davis nhận định. “Kết quả trên có được chỉ sau vỏn vẹn 10 tháng năm 2020, trong khi chúng tôi từng dự đoán phải mất 5 năm khu vực mới đạt được con số ấy.”

Việc các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa chính là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu sử dụng công nghệ số của người dân tăng cao. Công nghệ là cầu nối để mọi người tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như đi chợ, mua sắm, y tế, cho đến giải quyết nhu cầu học tập, giải trí, hay làm việc từ xa. Cụ thể, 36% người dùng dịch vụ số tại Đông Nam Á là hoàn toàn mới, tức trước đây họ chưa từng mua sắm hay đăng ký sử dụng bất kỳ sản phẩm, dịch vụ gì trên mạng. Riêng 94% trong số họ khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng những dịch vụ số trên dù sau này đại dịch đã được kiểm soát. Theo bà Stephanie Davis, người dùng đã nhận ra sự tiện ích và hiệu quả của công nghệ trong thời kỳ dịch bệnh, nên chắc chắn họ sẽ trung thành với lựa chọn của mình.  

Stephanie Davis, Phó Chủ tịch Google Khu vực Đông Nam Á

Với 400 triệu dân hiện đang kết nối internet, tức 70% dân số khu vực, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ được xem sẽ mang lại tiềm năng phát triển kinh tế lớn cho Đông Nam Á. Một nghiên cứu đã ước tính các hệ sinh thái số sẽ tạo ra 60 nghìn tỷ USD, tức 30% doanh thu doanh nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, 70% giá trị doanh nghiệp mới trong 10 năm tới sẽ đến từ các nền tảng ứng dụng công nghệ số. Và đến năm 2030, một nền kinh tế tuần hoàn do công nghệ hỗ trợ có tiềm năng đem lại giá trị kinh tế lên đến 4.5 nghìn tỷ USD. 

Tạo đà tăng tốc cùng công nghệ

“Với hiện trạng nêu trên, công nghệ số nên là ưu tiên trọng điểm của các doanh nghiệp,” bà Stephanie Davis chia sẻ. “Công nghệ giúp nâng cao năng suất làm việc, tiêu chuẩn vận hành và khả năng cạnh tranh.” Theo quan sát của bà, các công ty nên chọn cho mình giải pháp công nghệ mang tính thông minh và linh hoạt, giúp thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các bên. 

Trong vài năm trở lại đây, vấn đề an ninh và bảo vệ dữ liệu cá nhân đã trở thành một trong những mối lưu tâm hàng đầu của người dùng internet. Vì vậy, hoạt động thu thập thông tin khách hàng từ dữ liệu bên thứ ba (third-party data) đang dần nhường chỗ cho nguồn dữ liệu từ bên thứ nhất (first-party data). “Không gì giúp cải thiện hiệu suất lao động hơn là phân tích dữ liệu,” bà Stephanie Davis khẳng định. “Công cụ này giúp ta am hiểu rõ hơn về tâm lý khách hàng, cũng như phán đoán nhu cầu luôn đổi thay của họ.”  

Một trong những dẫn chứng cụ thể mà bà Stephanie Davis đưa ra là REA Group, công ty bất động sản số hiện đang hoạt động tại Malaysia và Thái Lan. Nhờ vận dụng công cụ Google Analytics, công ty đã có thể kết nối các nguồn dữ liệu với nhau và xây dựng các mô hình mô phỏng. Nhờ phân tích dữ liệu đầu ra, REA Group đã có thể nhanh chóng áp dụng những thay đổi tự động và linh hoạt lên giá bất động sản, từ đó mở ra cơ hội thu hút nhiều khách hàng hơn. Điều quan trọng nhất ở đây, theo bà Stephanie Davis, chính là việc trang bị giải pháp công nghệ thông minh nhằm liên kết các nguồn dữ liệu tồn tại trong cùng một công ty để tối ưu hóa kết quả, vốn dễ rơi vào tình trạng tản mác. 

Warung Pintar, một công ty công nghệ tại Indonesia, là một ví dụ khác cho quan điểm trên. “Tôi chọn doanh nghiệp này để chia sẻ với các bạn vì nó cho thấy những tác động tích cực mà công nghệ có thể đem lại, ngay cả với những công ty địa phương vừa và nhỏ chứ không chỉ riêng các tập đoàn có nguồn lực lớn,” bà Stephanie Davis nói. Cụ thể, Warung Pintar đã áp dụng điện toán đám mây để hỗ trợ các tiệm hàng, quầy hàng nhỏ (tức warung) ở Indonesia quản lý kho hàng và giao dịch, đồng thời phân tích hoạt động chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu suất bán hàng. Nhờ đó, thời gian giao hàng được rút ngắn đến 3-5 tiếng, còn chi phí tồn kho giảm 20%.   

Tiến sĩ Huỳnh Nhật Nam, Nghiên cứu viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, điều phối phần hỏi đáp giữa bà Stephanie Davis và học viên YSEALI Aye Hninn Khine.

Trong lĩnh vực tài chính, nhằm thu hút đối tượng khách hàng trẻ cũng như cạnh tranh với các startup fintech vốn đem đến những đột phá trong cách thức hoạt động, ngân hàng TPBank tại Việt Nam đã ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ tiên tiến. Trong đó phải kể đến tính năng nhận diện khuôn mặt trong ứng dụng và kênh ngân hàng tự động, giúp khách hàng nhanh chóng giao dịch nhưng vẫn bảo mật hiệu quả. Ngoài ra, chiến lược truyền thông số nhằm quảng bá về sự tiện lợi và dễ dàng sử dụng của ngân hàng số cũng giúp TPBank tăng lượng khách hàng mới từ 5% lên 45%, lượng giao dịch trên ứng dụng cũng tăng gấp 1.5 lần.     

Nhu cầu cần thiết của mọi người

Khi được hỏi, 62% khách hàng cho hay họ kỳ vọng doanh nghiệp sẽ thích ứng để đáp ứng hành vi tiêu dùng của mình. Song song đó, những công ty áp dụng ít nhất một ứng dụng công nghệ sẽ đạt được doanh thu cao gấp 1.5 lần. Điều đó cho thấy chuyển đối số là bước đi cực kỳ thiết yếu cho thành công của doanh nghiệp. 

Bà Stephanie Davis gợi nhắc mọi người về cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ truyền thống và trực tuyến: “Ở giai đoạn đầu, không ít công ty cho rằng e-commerce không phải là đối thủ của mình. Họ nghĩ chỉ cần trung thành với đường lối kinh doanh truyền thống, vốn đem lại cho họ thành công trong nhiều năm trời, sẽ là đủ. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Nhiều công ty đã phải loay hoay nhằm bắt kịp xu thế, thậm chí là phá sản.” Bà Stephanie Davis cho rằng, ngay cả khi ngành hàng của doanh nghiệp chưa có đối thủ e-commerce, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc công ty sẽ an toàn và thành công lâu dài. “Thực chất, điều mà bạn cạnh tranh trong trường hợp này là một trải nghiệm số toàn vẹn, điều mà khách hàng luôn kỳ vọng.”  

Trả lời câu hỏi của Aye Hninn Khine, một học viên tham gia Khóa học Công nghệ và Đổi mới đến từ Myanmar, bà Stephanie Davis chia sẻ thách thức lớn nhất mà Đông Nam Á cần giải quyết nằm ở vấn đề nhân lực công nghệ. Trong số 6 yếu tố giúp phát huy hết tiềm năng nền kinh tế số của vùng, gồm truy cập internet, phương thức thanh toán, lòng tin khách hàng, kinh phí và logistics, chỉ riêng nhân lực là chưa có sự cải thiện rõ rệt trong 5 năm qua. Tanyag John Paul Salvador (học viên người Philippines) và Sima Sanda Biondi (học viên người Indonesia) cũng lần lượt đặt câu hỏi về nỗi sợ mất việc vào tay công nghệ và hoạt động tái đào tạo kỹ năng cho người lao động, cũng như vai trò của khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số.   

Bà Stephanie Davis trả lời câu hỏi của học viên YSEALI Sima Sanda Biondi từ Indonesia.

Bà Stephanie Davis cho hay, để giải quyết các vấn đề nêu trên, ta cần chú trọng nhiều hơn vào hoạt động đào tạo nguồn lực chất lượng cao tại các trường đại học, đồng thời thu hút nhân tài từ các khu vực khác trên thế giới đến làm việc nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự trên thị trường, biến Đông Nam Á thành nền kinh tế xuất khẩu công nghệ cao. Riêng các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng chương trình tập huấn hiệu quả, luôn được cập nhật thường xuyên, và dành cho cả sinh viên mới ra trường và nhân viên lâu năm. “Tại Google, hàng năm tôi luôn được tham gia các buổi tập huấn, nhiều lần trong một năm,” bà Stephanie Davis chia sẻ. “Chúng ta nên tạo ra cơ hội giúp người lao động luôn cảm thấy tự tin, an tâm nhờ những nguồn lực và công cụ hỗ trợ từ công ty, rằng họ luôn có động lực và lạc quan trong công việc nhờ những cơ hội mà công nghệ luôn có thể mang lại.”    

Mấu chốt ở đây cần nằm ở việc tổng hợp nguồn lực và thúc đẩy hợp tác giữa các bên, bao gồm vai trò giáo dục của trường đại học, vai trò của chính phủ trong xây dựng chính sách hay hướng dẫn, và vai trò phát triển công nghệ và nâng cao năng lực của tư nhân. Bà Stephanie Davis cho hay: “Tôi luôn hứng thú với sự phong phú và đa dạng văn hóa ở Đông Nam Á. Thế nhưng khi bàn đến chuyển đổi số, tôi cũng nhận thấy nhiều nét tương đồng giữa các quốc gia nơi đây. Đầu tiên phải kể đến số người dùng internet đang tăng nhanh, và đa số họ đều kết nối qua điện thoại thông minh. Người dân Đông Nam Á cũng chuộng hình ảnh, giọng nói và video hơn là văn bản. Và họ đều xem công nghệ là cơ hội và công cụ để phục hồi kinh tế. Tầm quan trọng của chuyển đổi số là điều mà chính phủ các nước luôn đề cao ngay cả trước khi đại dịch diễn ra.” 

Gửi gắm đến 35 học viên được xuất sắc chọn tham dự Khóa học Công nghệ và Đổi mới do Học viện YSEALI tổ chức, bà Stephanie Davis chia sẻ: “Tôi hy vọng sau khóa học, các bạn sẽ mang trong mình tinh thần lạc quan, nhưng quan trọng không kém là tinh thần trách nhiệm. Các bạn chính là những nhà lãnh đạo tương lai, Đông Nam Á và ASEAN trông cậy vào đôi vai của các bạn.”

Bảo Quyên

Kết nối với chúng tôi

image

Những điều cần biết về chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý 💛💙 Lãnh đạo và Quản lý (LM) là một trong hai chuyên ngành của chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) giảng dạy tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Với nền tảng về kinh tế, chương trình giảng dạy của ngành học được trường thiết kế đặc biệt dành cho các cán bộ quản lý tầm trung và cao cấp, thuộc bất cứ ngành nghề nào. Một thế mạnh lớn của trường Fulbright đó là phương pháp sư phạm có khả năng chuyển tải những kiến thức căn bản về phân tích kinh tế cho những người chưa học về kinh tế trong một thời gian ngắn. Khi đi sâu vào học về lãnh đạo và quản lý, người học có thể hội nhập nhanh nhờ nền tảng phân tích kinh tế vững chắc. Tìm hiểu thêm về chương trình Thạc sĩ Chính sách công, chuyên ngành học Lãnh đạo và Quản lý tại: https://fsppm.fulbright.edu.vn/vn/dao-tao/thac-si-chinh-sach-cong-lanh-dao-quan-ly/ --- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. 📌Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 🌟Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer