Tin Tức

Học lịch sử từ trải nghiệm: Bến Tre trong dòng chảy cách mạng Việt Nam  

image

Cuối tháng 10 vừa qua, 40 sinh viên của Đại học Fulbright Việt Nam đã có chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa về tỉnh Bến Tre. Đây là hoạt động trọng tâm trong chương trình Việt Nam học tại Fulbright, môn học được thiết kế và giảng dạy bởi Tiến sĩ Nguyễn Nam và Tiến sĩ Andrew Bellisari. Môn học này xoay quanh những biến đổi về văn hóa, kinh tế xã hội và chính trị đã định hình nên nước Việt Nam từ thời nhà Nguyễn cho đến nay.

Thầy Nguyễn Nam

Bến Tre, vùng đất màu mỡ nơi hạ lưu sông Cửu Long được biết đến với bề dày truyền thống cách mạng và di sản văn hóa phong phú. Thầy Nguyễn Nam cho biết, địa danh này có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là nơi an nghỉ của nhiều trí thức nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản. Ngoài ra, Bến Tre còn là quê hương của nữ tướng, anh hùng Nguyễn Thị Định, là nơi sinh học giả Trương Vĩnh Ký và là xứ sở của Đạo Dừa.

“Đây là cơ hội tuyệt vời để các em sinh viên được về với cội nguồn và học về lịch sử dưới lăng kính địa phương, để những bài học trên lớp được bước ra cuộc sống. Bằng cách tương tác với lịch sử trên thực địa, chúng tôi muốn các em bàn luận một cách sâu sắc và có một con mắt bao quát hơn về lịch sử Việt Nam”, Tiến sĩ Bellisari giải thích.

Ký ức địa phương, bản sắc dân tộc

Ở Bến Tre, các bạn sinh viên đã được đến thăm khu mộ và nhà lưu niệm của những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại, từ anh hùng cách mạng cho đến các Nho sĩ, văn sĩ, nhà vận động hòa bình và cả nhà quân sự – trước, trong và sau thời kỳ Pháp thuộc. Mỗi nhân vật này đều để lại những dấu ấn riêng trong lịch sử, nhưng có người được tôn vinh, có người lại bị người đời khiển trách. Chuyến đi nhằm giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn vai trò của những nhân vật này đối với lịch sử nước nhà, đặt họ trong mối tương quan với lịch sử địa phương.

“Những bài học ở trên lớp của chúng em trở nên sinh động hơn. Chúng em được đến thăm những di tích nổi tiếng và có những cảm nhận cá nhân cho riêng mình”, Phương Thảo, một sinh viên của lớp Việt Nam học cho biết.

Mai Anh, một bạn sinh viên khác chia sẻ, “Được đi về quê hương của những nhân vật nổi tiếng và tận mắt thăm quan những địa danh lịch sử rất khác so với khi học trên sách vở. Chúng em có thể hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của những nhân vật đó.”

“Mỗi người đều có những nhận định và thái độ khác nhau đối với các nhân vật lịch sử này. Chúng em học được rất nhiều khi chứng kiến người dân địa phương gìn giữ những di tích lịch sử, chăm sóc cho những khu mộ và bảo tồn di sản của những người đi trước,” Thảo nói thêm.

Phương Thảo (áo trắng) và các bạn lắng nghe thuyết minh tại khu tưởng niệm Nguyễn Thị Định

Với môn Việt Nam học, sinh viên được khuyến khích trao đổi về tính đa chiều và mâu thuẫn của những góc nhìn về lịch sử; từ đó liên hệ lịch sử địa phương tới bức tranh toàn cảnh lịch sử Việt Nam và hiện thực ngày nay.

Với Mai Anh, “chuyến đi này khiến chúng em nghĩ về cách chúng ta đang nhìn nhận quá khứ, về cách lịch sử được kể lại luôn thay đổi, cũng như về mối quan hệ giữa lịch sử và xã hội, con người hiện tại”

Từ lịch sử đến trách nhiệm xã hội 

Quả thực, việc thảo luận về các góc nhìn lịch sử đưa ta về hiện tại với câu hỏi, làm sao sinh viên có thể sống một cách có ý nghĩa trong một xã hội biến chuyển không ngừng như hiện nay. Bên cạnh mục đích học về lịch sử, chuyến đi còn nhằm xây dựng cho các bạn sinh viên ý thức quan tâm đến cộng đồng.

“Học về lịch sử giúp em dễ dàng trò chuyện hơn với những bậc ông bà, cha mẹ, và em cảm thấy thật may mắn khi được học hỏi từ những thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, tiếp xúc với những góc nhìn đa chiều về lịch sử và học một cách độc lập cho phép em thực sự được tương tác và tham gia vào dòng chảy của lịch sử. Được trò chuyện cùng những nhân chứng đã sống qua những năm tháng cách mạng là một trải nghiệm thật quý giá,” Mai Anh kể lại.

Mai Anh (áo xanh) trò chuyện cùng thầy và các bạn

Còn với Phương Thảo, đó còn là cách em học về sự thấu hiểu và thấu cảm. “Khi bàn luận về lịch sử, chúng em đặt ra những câu hỏi ‘vì sao’ – vì sao người ta lại hành xử như họ đã làm trong quá khứ, vì sao họ lại đưa ra những quyết định như vậy. Em cảm thấy đây là một nguồn động lực to lớn bởi chúng ta không thể dựng xây tương lai nếu không hiểu rõ về quá khứ. Lòng tự hào dân tộc không chỉ thể hiện ở việc xây dựng bản sắc dân tộc, mà nó còn nằm ở việc hiểu rõ những góc nhìn khác nhau về Việt Nam trong quá khứ và chung tay xây dựng tương lai.”

Đặt mình vào vị trí của các nhà sử học

Kết thúc môn Việt Nam học, sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ để thực hiện bài tập cuối kỳ. Trong vai những nhà sử học, các bạn sinh viên đã viết tiếp những trang sử còn dang dở về những mảnh ghép của xã hội Việt Nam. Mỗi nhóm lựa chọn những chủ đề khác nhau, từ ghi chép và bảo tồn di sản văn hóa của con đường Đồng Khởi nổi tiếng ở TP.HCM, cho đến thảo luận về cuộc sống của những người lính thợ Việt Nam tại Pháp trong hai cuộc Thế chiến, hay tập hợp những lời kể về cuộc sống trong thời kỳ bao cấp.

“Chúng em đã chuẩn bị cho bài tập cuối kỳ từ trước, nhưng chuyến đi Bến Tre đã cho chúng em thời gian và không gian để suy nghĩ về lịch sử một cách sâu sắc hơn. Nhóm em chọn làm một phim tài liệu ngắn, lấy cảm hứng từ một bộ phim mà thầy Nam đã giới thiệu ở đầu khóa học. Trong quá trình nghiên cứu, hai thầy đã luôn theo dõi sát sao quá trình làm bài của chúng em, nhờ có sự giúp đỡ của hai thầy mà chúng em tìm được những nguồn tài liệu quý, biết đặt câu hỏi và mài giũa phương pháp điều tra, thúc đẩy chúng em suy nghĩ độc lập nhưng không đi chệch hướng,” Mai Anh bày tỏ.

Thầy Bellisari cùng các bạn sinh viên trên chuyến đò tới thăm Cồn Phụng

Theo thầy Bellisari, các bạn sinh viên đã hoàn thành môn học một cách thành công tốt đẹp. “Bài tập cuối kỳ cũng như chuyến đi Bến Tre đã cho các em sinh viên thấy bản chất của lịch sử là đa chiều; mỗi vùng miền, quốc gia hay thậm chí là cả thế giới đều có thể hiện hữu khác nhau qua mỗi góc nhìn của lịch sử. Điều nay đã được nhấn mạnh xuyên suốt môn học, nhưng chính chuyến đi và bài tập cuối kỳ đã cho các em trải nghiệm thực tế mà các em khó có được nếu chỉ nghiên cứu qua sách vở,” thầy Bellisari chia sẻ.

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer