Tin Tức

Học đàm phán từ Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA)

image

Vừa qua, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã mời diễn giả Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam và Mỹ (BTA), một hiệp định có vai trò tác động, mở đường cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập toàn cầu sau thời kỳ dài cấm vận, tham gia thỉnh giảng môn học Thương Lượng, với những bài học tình huống từ thực tiễn đàm phán hiệp định này.

Tháng 7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hoá quan hệ ngoại giao, biến quan hệ hai nước từ cựu thù thành đối tác, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương. Dù ý chí chính trị mở đường nhưng quan hệ hai nước chỉ thực sự chuyển động với việc Mỹ gửi đến Việt Nam bản dự thảo Hiệp định Thương mại song phương vào một năm sau đó. Theo bản dự thảo đầu tiên này, “luật chơi” được Hoa Kỳ vạch rất rõ: các điều khoản sẽ được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, việc đàm phán thành công bản hiệp định này có một ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, như một cuộc tập dượt thử sức, va đập trước khi bước vào sân chơi lớn toàn cầu là WTO.

Nguyên chuyên gia đàm phán Nguyễn Đình Lương trao đổi với học viên FSPPM qua nền tảng trực tuyến

Nguyên tắc đôi bên cùng có lợi

Chuyên gia đàm phán Nguyễn Đình Lương nhớ lại bối cảnh đàm phán BTA với đánh giá tương quan bất cân xứng giữa hai bên.

“Nếu như trong chiến tranh, Hiệp định Geneva được đàm phán với lợi thế là chiến thắng Điện Biên Phủ, hay Hiệp định Paris về Việt Nam được đàm phán với lợi thế là những chiến trường thắng lợi làm Mỹ nao núng thì chúng tôi đàm phán BTA chỉ có một lợi thế duy nhất là vị thế quốc gia độc lập. Nền kinh tế vừa thoát khỏi cấm vận, bao cấp và bắt đầu bước vào quá trình chuyển đổi. Trong khi đó, các lĩnh vực đàm phán trong khuôn khổ BTA Mỹ có thế mạnh, tiềm lực ở đẳng cấp dẫn dắt, tạo ra luật chơi cho toàn cầu”– ông nhớ lại.

Với nền tảng đàm phán dựa trên các quy định của WTO, chuyên gia Nguyễn Đình Lương cho hay, nước bạn gửi đến bản dự thảo đầu tiên có những mẫu quy định, nguyên tắc với tiêu chuẩn cao tham chiếu từ hiệp định NAFTA (Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ gồm Canada, Mỹ, Mexico). Khi đó, GDP của Việt Nam mới chỉ ở quy mô 20 tỷ USD trong khi giá trị của Mỹ là 20 nghìn tỷ USD. Việt Nam mới khởi động quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh vẫn còn di sản điều hành nền kinh tế theo cách riêng của mình.

Trong khi đó, đàm phán BTA thúc đẩy việc thiết lập khung pháp lý điều tiết mọi hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Khung pháp lý này được thiết kế trên các chuẩn bị, quy định của WTO, vốn xa lạ đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam thời kỳ đó. Đặc biệt là các nguyên tắc như công khai, minh bạch pháp luật, nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử giữa hàng hoá trong nước và nhập khẩu, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…

Học viên FSPPM trao đổi về bài học

Do đó, bối cảnh đàm phán đã được các chuyên gia xem xét nghiêm túc. Ông Nguyễn Đình Lương cho hay, tính chất của đàm phán không phải tìm kiếm mẩu lợi ích riêng lẻ của mỗi bên để ghép lại thành BTA. BTA thúc đẩy một quá trình để Việt Nam từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử để hội nhập vào kinh tế thế giới. Nếu không đạt được BTA, Việt Nam sẽ khó có cửa gia nhập WTO, một tổ chức mà luật chơi do Mỹ định hình và dẫn dắt. Trong khi đó, Mỹ và Việt Nam cùng cần BTA như một nỗ lực bình thường hoá quan hệ đầy đủ để hướng tới xây dựng quan hệ đối tác lâu dài. Khi bản dự thảo được chuyển lại phía Mỹ với những điều chỉnh, đề xuất từ phía Việt Nam, các nhà đàm phán của Washington đã tỏ ra ngạc nhiên.

“Đây thực chất là cuộc tìm kiếm một lối thoát những quy định, nguyên tắc đưa nền kinh tế Việt Nam kết nối với Mỹ trong sân chơi chung, qua đó kết nối nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thương mại toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đề xuất những lộ trình phù hợp cho hạng mục công việc phải làm và cam kết những điều nằm trong khả năng thực hiện theo lộ trình, qua đó tiến tới việc hình thành một nền kinh tế thị trường chuẩn mực. Sau cùng, Mỹ đồng thuận với những điểm cam kết của Việt Nam phù hợp với thực lực xuất phát điểm. Dù quan điểm, lập trường tiếp cận các vấn đề khác nhau nhưng hai bên thống nhất về mục tiêu cuối cùng và cùng tìm ra những phương cách, nguyên tắc đạt được sự thông hiểu chung”– ông Nguyễn Đình Lương diễn giải.

Nhìn về phía trước

Với những chuyên gia đàm phán Việt Nam, bài học sâu sắc mà họ thu được từ đối tác đặc thù như Mỹ đó là phải luôn trung thực, thẳng thắn. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị kiến thức, hiểu biết sâu rộng về thế giới và những nội dung chuyên môn đàm phán. Trong đàm phán BTA, một khó khăn lớn của đoàn đàm phán Việt Nam đó là lần đầu tiên tiếp xúc với một khối lượng khổng lồ các quy định pháp lý quốc tế điều chỉnh thực tiễn sinh động của thương mại toàn cầu mà những thực tiễn đó còn chưa xảy ra, chưa hình thành ở Việt Nam. Thể hiện ở việc các quy định pháp luật của Việt Nam trên các lĩnh vực đề cập trong hiệp định chưa được xây dựng, hoặc chưa được xây dựng một cách có hệ thống, đồng bộ, kết nối thông lệ quốc tế.

Tiến sĩ Christopher Balding giảng dạy môn Thương lượng

Giảng viên Quý Tâm dẫn dắt các thảo luận tình huống

Ông Nguyễn Đình Lương cho hay, các chuyên gia đàm phán đã phải ngồi thảo luận hàng nghìn khái niệm mới mẻ trên tiếng Việt của các quy định thương mại quốc tế mà trong các từ điển tiếng Việt còn chưa có.

“Tôi vẫn nhớ hệ thống pháp luật của WTO mênh mông, các tài liệu đàm phán cân nặng tổng cộng 48 kg. Áp lực lớn ở chỗ, có những quy định pháp lý quốc tế mà chỉ một hai từ khái niệm có thể làm rúng động, va đập toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam, đòi hỏi ta gần như phải làm mới hệ thống pháp luật để khớp với các luật quốc tế”. 

Sau 4 năm đàm phán, ngày 14/7/2000, Việt Nam chính thức ký Hiệp định BTA với Mỹ. Ông Nguyễn Đình Lương tâm đắc việc phải hiểu đối tác một cách sâu sắc để từ đó chuẩn bị các phương án đàm phán kỹ càng, tự tin.

“Quan hệ Việt-Mỹ vừa mới bình thường hoá nên chưa thể có ngay sự tin tưởng, hiểu biết sâu rộng về nhau. Hai bên hiểu rằng phải thiết lập sự tin tưởng đối tác và điều này dần được hình thành trong quá trình đàm phán. Dù vậy, cơ sở cho điều này đó là hai bên phải xác định tầm nhìn, hướng đi chung: Phấn đấu có hiệp định theo hướng đôi bên cùng có lợi. Nếu chỉ loay hoay đấu đá lặt vặt sẽ không dẫn đến kết quả toàn cục. Hai bên có thể vênh nhau quan điểm nhưng phải thống nhất tầm nhìn, hướng đi chung”– chuyên gia đàm phán cho hay.

Dựa trên tình huống và trải nghiệm đàm phán BTA, các giảng viên của Trường Fulbright đã thảo luận với các học viên về những kỹ thuật, nguyên tắc đàm phán mà diễn giả Nguyễn Đình Lương chia sẻ. Tiến sĩ Christopher Balding lưu ý với các học viên về những nguyên tắc quan trọng trong những tình huống rủi ro, khó khăn khi bắt đầu một quá trình đàm phán.

Xuân Linh

Kết nối với chúng tôi

image

VAI TRÒ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH BẢO TRỢ XÃ HỘI TRONG VIỆC GIẢM TÍN DỤNG ĐEN. Trong thời gian qua nạn tín dụng đen nổi lên gây bức xúc trong xã hội. Các biện pháp giải quyết hiện tập trung vào triệt phá các nhóm cho vay nặng lãi và nỗ lực cải cách hệ thống tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Những chính sách này là phù hợp nhưng liệu đã đủ? Liệu có thể giải quyết được tận gốc nguyên nhân phát sinh nạn tín dụng đen? Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, sẽ mang đến góc nhìn sâu hơn về vấn đề này. -- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. 👉Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 📌Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer