Tin Tức

Giáo dục thế kỷ 21: Giáo dục phẩm chất trở lại trung tâm

image

Giáo dục sẽ không thiên về trang bị kiến thức, kỹ năng – vốn nổi trội trong nhiều thập niên, mà tích hợp trở lại một trụ cột quan trọng: giáo dục phẩm chất. Đó là xu hướng không thể khác của giáo dục Việt Nam.

Những “chuyên gia biết tuốt” nhưng lơ ngơ khi vào đời

Trong nhiều thập niên của thế kỷ 20, châu Á đã dành nguồn lực lớn đầu tư vào giáo dục để bắt kịp phát triển của phương Tây. Một trong những nền tảng tốt nhất mà giáo dục châu Á làm được, khiến phương Tây chú ý và đánh giá cao đó là giáo dục tính cách, phẩm chất cho người học trên nền tảng văn hóa, đạo đức phương Đông. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, cùng với nhu cầu bắt kịp giáo dục phát triển của phương Tây, châu Á đã tập trung vào giảng dạy kiến thức, kỹ năng nhiều hơn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Thảo luận trong các diễn đàn giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, CEO của Tổ chức giáo dục IEG nhấn mạnh nghịch lý, giáo dục chú trọng chạy theo kiến thức (Know) khiến học sinh được dạy dỗ nhiều mà không thể nhớ hết. Trong khi các kỹ năng (Do) được dạy là những kỹ năng phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp. Đó là những kỹ năng “làm mọi thứ nhanh, chính xác, ít lỗi nhất có thể, trong thời gian ngắn nhất có thể” với mục tiêu giúp gia tăng năng suất lao động cho nền kinh tế, không phải những kỹ năng sáng tạo, đột phá, hợp tác, giao tiếp cần thiết cho thế kỷ 21.

“Xu hướng chú trọng chạy theo giáo dục nặng về kiến thức khiến đa phần học sinh được rèn theo kiểu trở thành chuyên gia biết tuốt nhưng cuối cùng bước ra cuộc đời không dùng đến những kiến thức phức tạp đánh đố từng được học. Trong khi đó, chúng ta đã bỏ rơi phần giáo dục tính cách, phẩm chất (tức “Be”) trong thời gian dài” – Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho hay.

Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu

Các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh cũng từng bước vào thời kỳ đề cao kiến thức và kỹ năng để rồi phải quay lại, cân bằng giáo dục phẩm chất, tính cách cho học sinh. Trong suốt nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngồi ghế nhiều hội nghị về giáo dục nhân cách, tích hợp giáo dục nhân cách vào chương trình giảng dạy của trường học trên cả nước. Tổng thống George W. Bush nối tiếp người đồng nhiệm và đặt giáo dục nhân cách làm trọng tâm trong chương trình cải cách giáo dục quốc gia. Lý lẽ của ông đối với trọng tâm này đó là: “Tương lai của quốc gia phụ thuộc vào khả năng phân biệt đúng sai và hành xử có đạo lý của thế hệ trẻ. Để giúp thế hệ trẻ phát triển tiềm năng của mình và sống một cách tự trọng và cao đẹp, chúng ta phải dạy cho trẻ lòng nhân hậu, tính trách nhiệm, sự thật thà và tính kỷ luật”.

“Bỏ rơi” không có nghĩa biến mất nhưng giáo dục phẩm chất đã không được đầu tư nghiêm túc và xứng đáng như nó phải có trong thời gian rất dài. Việt Nam có thể viết lại câu chuyện này trong hệ thống giáo dục ra sao?

Trải nghiệm tại Fulbright

Cuối mùa hè năm ngoái, Tiến sĩ Nguyễn Nam (Đại học Fulbright Việt Nam) cùng các “cộng sự” là những sinh viên năm học Đồng kiến tạo (là năm học đầu tiên của Đại học Fulbright, thiết kếchương trình học cho hệ Cử nhân dựa trên trải nghiệm mẫu của lứa sinh viên đầu tiên) thiết kế xong môn học Đạo đức trong Cuộc sống (Ethics in Context).

Lê Ngọc Kỳ Duyên, 1 trong 18 sinh viên tham gia thiết kế lớp học cùng Tiến sĩ Nguyễn Nam cho hay, ở lớp học này, Tiến sĩ Nguyễn Nam đứng lớp giới thiệu cho sinh viên những giá trị đạo đức quan trọng của phương Đông qua Phật giáo, Nho giáo. Đó là lý thuyết Phật giáo về Vô ngã, những bài học đạo đức của Khổng Tử về cân bằng các mối quan hệ và nhiều bài học ý nghĩa khác…Nhưng lớp học không chỉ dừng ở lý thuyết. Hợp phần quan trọng nhất của môn học đó là giảng viên yêu cầu sinh viên phải thực hiện một dự án có tên gọi “Service Learning” (Học từ những hoạt động phụng sự cộng đồng). Dự án này yêu cầu mỗi sinh viên dành ít nhất 10 giờ để thực hiện các hoạt động phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Duyên và các bạn trong lớp đã lên một dự án ở Đà Lạt. Chỉ có một tháng chuẩn bị, nhóm sinh viên tham gia môn học này phải thiết kế một dự án hoạt động bài bản, từ phác thảo kế hoạch đến đề xuất ngân sách dự kiến và chuẩn bị hậu cần. Chuyến đi kéo dài 2 ngày gồm hoạt động tham gia nhặt rác ở Suối Vàng và tổ chức buổi tập huấn về Trí thông minh Cảm xúc cho các em bé ở trại trẻ mồ côi Lục Hòa.

Tiến sĩ Nguyễn Nam trong chuyến đi Đà Lạt

“Service Learning” và chuyến đi đến Đà Lạt không phải là “bài thi” để qua môn Đạo đức. Chúng tôi đã học được bài học về lòng biết ơn, trân trọng những điều mình đang có và cảm nhận mình quá may mắn trong cuộc sống. Tôi đã học cách tôn trọng và chú ý đến lời nói và hành động của mình nhiều hơn để không làm tổn thương các em nhỏ. Trong chuyến đi, có lúc tôi rơi vào một khoảnh khắc lặng nhìn hồ Suối Vàng sau một ngày dọn dẹp và ngạc nhiên về vẻ đẹp của nó. Cảnh đẹp bình yên nhắc tôi rằng mỗi người cần có trách nhiệm với thiên nhiên và chính bản thân mình bởi chủ thể gây ra hành động xả rác cho môi trường là con người. Chuyến đi khắc sâu thêm những giá trị của lớp học Đạo đức trong Cuộc sống. Phật giáo dạy đồng cảm và lòng trắc ẩn. Nho giáo dạy cách nhìn thế giới không chỉ từ lợi ích cá nhân của bản thân. Và cá nhân không phải là trung tâm cộng đồng, mà ngược lại, cộng đồng nên là trung tâm của mỗi người” – Kỳ Duyên nói về một phần trải nghiệm của mình.

Đạo đức trong Cuộc sống (Ethics in Context) là một môn học nhằm hiện thực hóa triết lý giáo dục ba chân kiềng của Đại học Fulbright: “Know/Do/Be”. Nếu Know là kiến thức – bao gồm các khái niệm và định nghĩa, Do bao gồm các kỹ năng như giao tiếp, nghiên cứu hay phân tích dữ liệu thì Be là những phẩm chất – những giá trị, niềm tin và thái độ mà người học thực hành trên thực tế. Trong tam giác này, Know và Do được dẫn dắt bởi Be, vì chính nhân cách của học sinh sẽ quyết định việc các em áp dụng những kiến thức và kỹ năng mình đã được học vào cuộc sống như thế nào.

Chủ tịch Đại học Fulbright Đàm Bích Thủy cho biết, Fulbright có sự may mắn của một đại học mới ra đời, không bị ràng buộc bởi các di sản cũ. Đội ngũ xây dựng đại học đã tâm huyết nghiên cứu những di sản tốt đẹp của quá khứ trong giáo dục đại học ở các nước phát triển, cụ thể là Mỹ, nhưng cũng đồng thời tích hợp các xu hướng không thể đảo ngược của giáo dục trong bối cảnh thế kỷ 21. Từ tam giác trên, với một trụ cột là “Be” – tức giáo dục phẩm chất, bà Thủy cho hay, Fulbright tin rằng, một con người cần có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện những công việc của mình nhưng nếu thiếu phần quan trọng nhất là phẩm chất cá nhân thì đó vẫn chưa phải một con người hoàn chỉnh, toàn diện.

Chủ tịch Fulbright Đàm Bích Thủy tại Hội nghị Giáo dục 2019 của Forbes. Nguồn ành: Forbes Việt Nam

“Qua những giờ học như ở Đà Lạt, mỗi sinh viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và thời gian của mình với các em học sinh nghèo hoặc các em nhỏ ở trại trẻ mồ côi. Việc xây dựng lòng trắc ẩn rất quan trọng để xây dựng phẩm chất của cá nhân, bởi nếu không có lòng trắc ẩn và sự cảm thông, còn người sẽ khó biết cách đưa ra quyết định đúng sai cho việc cần thiết ở những thời điểm cụ thể”.

Không để sản phẩm lỗi

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu từng làm việc với Tiến sĩ Angela Duckworth (Đại học Pennsylvania)- một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất hiện nay, người giành giải thưởng MacArthur danh giá (được mệnh danh là Giải Thiên tài), diễn giả của một trong những TedTalk nổi bật nhất. Angela Duckworth là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về tính kiên gan, bền chí, lì đòn, can đảm (Grit) ở của trẻ em. Trong những công trình nghiên cứu của Angela Duckworth, bền chí, lì đòn, kiên gan là những phẩm chất giúp dự đoán chính xác, hơn cả tài năng hay trí thông minh về thành tựu của một người. “Grit” là tổ hợp phẩm chất khả năng đương đầu thử thách, ý chí vươn lên từ thất bại, sự quyết tâm và tập trung cao độ, khả năng chịu kỷ luật và tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục tiêu của một con người.

Nhà tâm lý học người Mỹ này cũng cho rằng, một trong những điều quan trọng giáo dục cần làm cho học sinh từ cấp bậc mầm non, tiểu học, cho đến cấp 2 đó không phải là dạy cho trẻ biết bao nhiêu kiến thức, có bao nhiêu kỹ năng, mà quan trọng hơn cả là dạy khả năng tự kiểm soát bản thân. Đó là một kỹ năng cốt lõi quan trọng giúp hình thành những phẩm chất, tính cách tốt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, kiến thức, kỹ năng có thể học nhanh trong vòng 1-2 năm nhưng để có tính cách, phẩm chất tốt, mỗi người phải dành từ 12-18 năm học tập để có được không chỉ nhận thức mà hình thành, rèn rũa tính cách, nhân phẩm con người. Kiến thức, kỹ năng là cần thiết nhưng nếu không có phẩm chất, mọi thành công của học sinh sẽ chỉ dừng lại trong khuôn viên nhà trường. Điều này cũng đã được đúc kết qua trăm năm nghiên cứu của các nhà tâm lý giáo dục trên thế giới.

Sinh viên Đại học Fulbright trong chuyến đi trải nghiệm dự án cho môn học Đạo đức trong Cuộc sống

“Trong thời kỳ cách mạng 4.0, công nghệ có thể cho chúng ta kiến thức chỉ nhờ một cái click chuột, kỹ năng có thể học từ nhà trường, từ các trung tâm, từ xã hội nhưng tính cách, phẩm chất mới là khó xây nhất và là điều cần được giáo dục coi trọng nhất. Một sản phẩm tiêu dùng hư có thể thu hồi được, nhưng một sản phẩm giáo dục lỗi không thể thu hồi được.”

Nền tảng từ phẩm chất cá nhân cũng chính là hành trang có giá trị nhất giúp sinh viên tự tin thích nghi với thị trường lao động liên tục biến đổi không lường trước trong những thập niên sắp tới. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, sự phát triển của công nghệ theo hướng tự động hóa và sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những thay đổi căn bản đối với thị trường việc làm thế giới. Dự báo đến năm 2030, khoảng 75-375 triệu người, chiếm 3-14% lực lượng lao động toàn cầu sẽ phải thay đổi ngành nghề lao động, trong khi tất cả đều sẽ phải thích nghi, học hỏi, cập nhật kiến thức liên tục.Những phẩm chất cá nhân như bản lĩnh, sự trung thực, thái độ cầu tiến và khả năng hợp tác mới chính là điều các nhà tuyển dụng thực sự tìm kiếm.

Xuân Linh – Anh Thư

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer