Tin Tức

Cùng nhau trải nghiệm và trưởng thành từ cuộc thi lập trình

image

Hai năm trước, khi Nguyễn Phùng Nhật Khôi làm hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Fulbright Việt Nam, bạn ghi trong hồ sơ tuyển sinh mong muốn nếu được vào học sẽ “chiêu mộ” các bạn khác để cùng lập đội tuyển đi thi cuộc thi lập trình quốc tế ICPC. Một năm sau, khi đã trở thành sinh viên Fulbright, Khôi cũng không thể ngờ điều ước của bạn nhanh chóng trở thành hiện thực và vượt hơn cả mong đợi khi đội tuyển do bạn dẫn đầu được đi thi và còn giành giải khá cao.

Là một học sinh chuyên tin học những năm cấp 3, Nhật Khôi có niềm đam mê và hứng khởi rất lớn với cuộc thi ACM-ICPC (ACM International Collegiate Programming Contest) – là cuộc thi lập trình quốc tế lâu đời và danh giá nhất dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng trên toàn cầu. Giống như một World Cup của giới lập trình, ICPC là một hoạt động ngoại khóa mang đến cho những sinh viên tài năng cơ hội tương tác, thể hiện và cải thiện khả năng làm việc nhóm, lập trình và giải quyết vấn đề của mình.

Trong cuộc thi ICPC năm 2020, Đại học Fulbright có hai đội thi, mỗi đội có 3 thành viên. Vượt qua các vòng thi tỉnh và quốc gia, hai đội thi đã lọt vào vòng thi khu vực châu Á của ICPC tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào ngày 10-11/12/2020. Trong đó, đội thi FUV_Crescent do Nguyễn Phùng Nhật Khôi làm trưởng nhóm cùng hai bạn Đoàn Đức Nguyên Long và Lê Hoàng Phúc đã đạt được huy chương đồng của cuộc thi ICPC khu vực châu Á tại Cần Thơ, một thành tích ấn tượng đối với một đội thi gồm toàn các sinh viên năm thứ hai.

Trong cuộc thi ICPC khu vực châu Á năm 2019 tổ chức tại Đà Nẵng, đội của Đại học Fulbright cũng đạt được thành tích ấn tượng ở vị trí xếp hạng 25/112 đội thi trong lần đầu tiên tham dự.

Từ trái qua: sinh viên Đoàn Đức Nguyên Long, Lê Hoàng Phúc và Nguyễn Phùng Nhật Khôi tại cuộc thi ICPC khu vực châu Á tại Cần Thơ vào ngày 10-11/12/2020. Ảnh: BTC

Hơn cả coding

Trong 6 thành viên của hai đội thi đến từ Đại học Fulbright, phần lớn các bạn là các sinh viên theo chuyên ngành Khoa học Máy tính (computer science), nhưng cũng có trường hợp là bạn Trần Nhựt An chọn chuyên ngành kép là Khoa học máy tính và Nghiên cứu Truyền thông và Nghệ thuật.

Đối với các bạn, cuộc thi ICPC đã vượt qua khỏi khuôn khổ thông thường của một cuộc thi chuyên ngành, bởi nền tảng giáo dục khai phóng của Đại học Fulbright đã xây dựng cho các bạn một nền tảng từ các ý tưởng và kỹ năng cho tới khi thành thạo một lĩnh vực cụ thể.

Trong môi trường Fulbright, các bạn được tiếp cận một chương trình học gồm những môn được tổng hợp từ các ngành khác nhau trên tinh thần tư duy tự do – suy nghĩ tự do – lựa chọn tự do để lựa chọn những ngành nghề phù hợp nhất. Nhờ có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực bổ trợ cho nhau, các bạn biết cách kết nối, ứng dụng kiến thức và kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó các bạn có khả năng sáng tạo để giải quyết tốt công việc, cũng như khả năng thích nghi và cạnh tranh hơn so với người chỉ biết cái họ chuyên.

Bởi vậy, khi đứng riêng từng thành viên thì các sinh viên của đội tuyển Fulbright có thể không phải là người giỏi nhất trong lĩnh vực lập trình, nhưng nền tảng giáo dục khai phóng đã phát huy tác dụng, thể hiện qua sự linh hoạt trong kỹ năng tiếp cận và xử lý các vấn đề về thuật toán và sự phối hợp giữa các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm của các thành viên trong nhóm.

Theo Trần Nhựt An, tư duy mạch lạc và hệ thống của chuyên ngành khoa học kỹ thuật giúp bạn viết và phân tích trong lĩnh vực khoa học xã hội tốt hơn, và ngược lại việc học một chuyên ngành khoa học xã hội giúp bạn có những kỹ năng linh hoạt và uyển chuyển hơn khi theo học chuyên ngành khoa học máy tính tưởng như rất khô khan và mang nặng tính kỹ thuật.

Em áp dụng tư duy của ngành khoa học máy tính để kết nối, ứng dụng kiến thức nhằm viết các bài luận trong các môn học của chuyên ngành nghệ thuật. Đồng thời, kỹ năng có được khi học ngành nghệ thuật thường giúp em có hướng tiếp cận sáng tạo đối với các bài tập trong môn lập trình,” Nhựt An cho biết.

Còn Nguyễn Phùng Nhật Khôi cho rằng khi tham gia cuộc thi ICPC với tư cách là một sinh viên Fulbright, bạn mang một tâm thế thoải mái và sảng khoái, không đặt nặng thắng thua mà chỉ có niềm vui và cảm hứng được khám phá thêm những chân trời mới của tri thức.

Khác với hồi học cấp 3 khi tham dự một cuộc thi nào đó với tính cạnh tranh, cố gắng giành giải để được tuyển thẳng vào đại học chẳng hạn, thì ở đây em được học vì mục đích là để học, vì niềm vui khi được học, được khám phá những kiến thức mới,” Nhật Khôi chia sẻ.

Những cuộc thi như ICPC chính là những cơ hội trải nghiệm và cọ xát thực tế ngoài lớp học mà sinh viên Fulbright luôn được khuyến khích tham gia. Theo Nhật Khôi, mặc dù cuộc thi mang tính học thuật, giống như một bài tập cho não, và có thể “đụng” đến những mảng kiến thức mà nếu có lẽ không tham dự cuộc thi thì bạn sẽ không biết đến, nhưng những kỹ năng mà các bạn có được từ trải nghiệm này là rất đáng giá.

Các bạn sinh viên cho biết những kiến thức trong cuộc thi ICPC không quá xa lạ với các bạn vì trong chuyên ngành Khoa học máy tính của Fulbright cũng có bộ môn dạy về cấu trúc dữ liệu và thuật toán; tuy nhiên phạm vi của cuộc thi rất rộng nên các bạn phải học thêm rất nhiều mới có thể bao quát được các dạng bài trong cuộc thi này.

Đội thi Fulbright (áo đỏ) tại cuộc thi ICPC năm 2019.

Bộ môn Khoa học Máy tính I: Nhập môn Lập trình ở Fulbright cũng giúp tụi em tìm hiểu thêm về lập trình, nhưng điều quan trọng nhất là nó giúp bạn tư duy một cách mạch lạc, và giảng viên bộ môn dạy các bạn cách viết những “code sạch,” nôm na là những code mà ai đọc cũng hiểu được chứ không phải chỉ viết cho mình hiểu,” sinh viên Đoàn Đức Nguyên Long cho hay.

Nguyên Long quan sát và nhận thấy nếu không có khả năng tương tác, cụ thể là cách trình bày ý tưởng của mình một cách mạch lạc, rõ ràng, và tư duy linh hoạt thì khó lòng giải quyết hết các bài thi trong khoảng thời gian giới hạn.

Quan trọng là tư duy vì nhiều khi mình làm không được nhưng cứ cố, trong khi mình cần lùi lại một chút để quan sát xem chỗ nào không ổn, rồi mình dùng một phương pháp khác thì sẽ hợp lý hơn. Những kiến thức trong lớp giúp em ứng dụng vào cuộc thi ở chỗ nó giúp em viết, hoặc nếu không viết được thì cũng trao đổi làm sao cho các bạn hiểu được hướng đi của mình, cũng như nghe được hướng đi của các bạn để tiết kiệm thời gian trong lúc thi,” Nguyên Long giải thích.

Tinh thần teamwork

Đối với Nhật Khôi, Nguyên Long và Hoàng Phúc, trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc thi là việc các bạn được cùng học, cùng chơi, cùng phối hợp và cùng thể hiện trong cả quá trình thi từ lúc học ôn, thi thử và thi thật.

Ngay sau khi “chiêu mộ” được các thành viên cho hai đội thi, Nhật Khôi và các bạn bắt đầu quá trình ôn thi ngay từ mùa hè. Trong quá trình ôn thi, một đội gồm 9-10 bạn cùng ngồi học với nhau, mỗi thứ 7 hàng tuần các bạn tập trung ở trường để dành 3 tiếng ngồi học thuật toán, ôn luyện các chủ đề của cuộc thi giống như đang học một môn học trên trường.

Các bạn nhận được sự hướng dẫn từ giảng viên thỉnh giảng chuyên ngành Khoa học Máy tính của Fulbright là thầy Nguyễn Hùng Sơn, hiện đang ở Ba Lan. Vào tối thứ 3 hàng tuần thầy sẽ tổ chức học online với các bạn trong khoảng 1 tiếng, sau đó thầy cho các đội vài đề thi để cùng giải. Gần đến ngày thi, các bạn tổ chức thi thử với những đề thi trên mạng, thời gian thi thử cũng khoảng 3-4 tiếng để xem khả năng phối hợp teamwork đã nhịp nhàng chưa.

Ba thành viên của đội Fulbright tại cuộc thi ICPC khu vực châu Á tại Đà Nẵng năm 2019.

Một điều thách thức nhưng thú vị đối với cuộc thi ICPC là các đội phải đề ra những chiến thuật để có thể làm bài tốt nhất bởi áp lực thời gian (cuộc thi diễn ra trong 5 giờ đồng hồ) và cả đội 3 người chỉ được sử dụng một máy tính.

Theo Nhật Khôi, đội thi của Fulbright không có được lợi thế về kiến thức so với các đội từ các trường đại học chuyên về khoa học kỹ thuật, tuy nhiên chính điều này khiến các sinh viên Fulbright phải nỗ lực phối hợp ăn ý với nhau bằng chiến thuật thi đấu để có thể phát huy thế mạnh của từng thành viên trong đội.

Nguyên Long cũng chia sẻ quan điểm rằng đội thi Fulbright phải linh hoạt hơn các đội khác vì những đội khác có thể sở hữu cả 3 thành viên đều xuất sắc và lập trình rất nhanh, còn các thành viên đội thi Fulbright phân chia công việc để “chạy đua” với thời gian và áp lực trong phòng thi.

Điều mà em thấy đội thi của Fulbright có thể hơn các trường khác là sinh viên Fulbright đã quen với làm việc theo nhóm (teamwork), ít nhất là trong những cuộc thi thuần khoa học như thế này,” Nguyên Long chia sẻ.

Việc thảo luận và trình bày các bài luận, các dự án theo nhóm là một nhiệm vụ bắt buộc đối với sinh viên Fulbright. Do vậy, các thành viên trong đội không bị bỡ ngỡ khi phối hợp trong phòng thi.

Điều mà Nhật Khôi rút ra từ cuộc thi cũng là tinh thần làm việc theo nhóm và việc tối đa hóa nguồn lực. “Sau cuộc thi này, tụi em trở nên gắn kết hơn trong học tập và trải nghiệm cuộc sống sinh viên. Em sẽ tiếp tục tuyển thêm thành viên cho đội Fulbright để ôn luyện cho cuộc thi năm 2021,” Nhật Khôi cho biết.

Từ cuộc thi ICPC, các sinh viên Fulbright đã học thêm được rất nhiều về lập trình và giải quyết vấn đề, cũng như học từ những người bạn trong đội của mình, những người bạn xung quanh, những người thầy và các đội khác. Một điều quan trọng nữa là trải nghiệm mang tính học thuật này cũng rèn giũa thêm các kỹ năng tương tác, tư duy và làm việc nhóm cho các bạn trong thời điểm mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi thị trường lao động một cách chóng mặt. Theo nghiên cứu của McKinsey, các công việc mang tính lặp đi lặp lại hoặc liên quan nhiều đến kỹ thuật có khả năng cao bị thay thế. Trong khi đó, các vị trí có nhiệm vụ kết nối, quản lý con người hay sáng tạo lại có tỉ lệ đào thải khá thấp. Do vậy, khả năng kết nối, ứng dụng kiến thức và kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực khác nhau là điều rất cần thiết cho các bạn sinh viên khi bước ra thế giới.

Thúy Hằng

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer