Tin Tức

Cùng chia sẻ niềm khát khao học hỏi

image

“Thật khó tin là khi các học giả đầu ngành tới thăm TP.HCM, họ thường nghĩ ngay tới việc thuyết trình tại các phòng triển lãm tranh hay quán cà phê. Trong khi đó, chúng ta có cả một trường đại học với đầy đủ tự do học thuật, sinh viên – giảng viên tuyệt vời và một khuôn viên trường rất khang trang. Tôi muốn Fulbright sẽ trở thành điểm đến đầu tiên của họ. Chúng ta có biết bao tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ.”

Bên bờ hồ Bán Nguyệt thơ mộng, đối diện với khuôn viên Đại học Fulbright Việt Nam, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Tiến sĩ Ian Kalman, giảng viên hệ Đại học và đồng thời là người khởi xướng hội thảo khoa học đầu tiên của trường với chủ đề: “Những cách tiếp cận mới với giáo dục đại học ở Châu Á”, được tổ chức vào tháng 2 năm nay. Ngoài các hội thảo tại Singapore, đây là hội thảo lớn nhất về chủ đề này trong khu vực với hơn 129 người đăng ký tham dự từ hơn 20 quốc gia. Bên cạnh đó, Ian cũng góp phần lên ý tưởng và tổ chức các series diễn thuyết tại Fulbright, với diễn giả đến từ khắp nơi trên thế giới trình bày về các lĩnh vực khác nhau từ khoa học máy tính, tâm lý học, lịch sử, cho đến cà phê và ngôn ngữ học.

Chúng tôi đã cùng Ian nhìn lại hành trình của anh – từ vùng ngoại ô thành phố New York nơi anh lớn lên cho đến khi anh dừng bước tại Đại học Fulbright Việt Nam, niềm tâm huyết của anh với giáo dục, cũng như lời hứa của Fulbright về việc trở thành một tụ điểm học thuật giúp xúc tác cho sự giao thoa và nghiên cứu liên ngành trong khu vực.

Tiến sĩ Ian Kalman

Vị giảng viên trầm tính có nhiều kinh nghiệm phát triển những dự án mang tính đột phá: “Tôi luôn say mê kiến tạo những điều mới mẻ và chứng kiến chúng dần phát triển. Ở mỗi ngôi trường mà tôi tới, tôi đều tham gia vào hội sinh viên. Khi còn ở McGill, tôi đã góp sức tổ chức hội thảo đầu tiên dành cho sinh viên cao học ở đây. Khi đó, chúng tôi đã phải rất nỗ lực để có được nguồn kinh phí thực hiện. Giờ đây, hội thảo McGill là một trong những hội thảo bậc cao học lớn nhất thế giới về nhân loại học. Lần gần đây nhất tôi tham dự, hội thảo có sự góp mặt của cả những học giả tới từ Hồng Kông. Nếu chúng ta không ngừng mở rộng các mối quan hệ, chúng ta có thể thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.”

Chính vì điều này, Ian quyết định đến với Fulbright ngay trước thềm năm học Đồng Kiến tạo. Anh cho rằng đây là một quyết định không thể thích hợp hơn bởi tại đây, anh có cơ hội chung tay xây dựng một ngôi trường đại học từ những viên gạch đầu tiên, mang đậm tinh thần “khám phá mạo hiểm”.

Ian tham dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo tại Fulbright

“Tôi cho rằng chúng ta đang xây dựng được một trong những cộng đồng sinh viên tuyêt vời nhất mà tôi từng được tiếp xúc. Tôi từng giảng dạy khắp nơi trên thế giới, tại các lục địa khác nhau, từ các khóa học cơ bản cho đến nâng cao của bậc Đại học. Tôi có thể khẳng định rằng tôi chưa từng được làm việc với sinh viên giỏi như thế này bao giờ, các em không chỉ xuất sắc khi tiếp thu bài giảng, mà các em còn có tính sáng tạo và tư duy phản biện tuyệt vời.”

Hành trình từ New York đến Đại học Fulbright Việt Nam

Ian Kalman sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái tại thành phố New York. Cha mẹ của anh là thế hệ đầu tiên trong gia đình được đi học đại học, và họ đã thúc đẩy anh phải tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp trường cấp ba công lập ở thành phố New York, Ian theo học ngành Nhân loại học tại Đại học Chicago và trở thành người đầu tiên trong gia đình lấy bằng Tiến sĩ. Anh hồi tưởng: “Cha mẹ đã cho tôi hiểu giá trị của giáo dục đối với sự chuyển dịch xã hội, cùng với mô hình giáo dục khai phóng mà tôi được trải nghiệm ở đại học đã biến tôi từ một học sinh phổ thông làng nhàng trở thành một người thực sự nghiêm túc trong học tập. Cho tới tận bây giờ, giá trị cốt lỗi của giáo dục cùng với triết lý ‘học là việc cả đời’ vẫn luôn là động lực to lớn đối với tôi trong cuộc sống.”

Sau khi tốt nghiệp năm 2005, Ian Kalman trở thành tình nguyện viên của tổ chức hòa bình Peace Corps, tham gia giảng dạy tại một ngôi làng nhỏ ở miền nông thôn Trung Quốc. “Năm 2004, tôi bắt đầu bắt đầu đi dạy thêm và dạy chữ ở phía nam thành phố Chicago. Khi đó, tôi đã nhận ra niềm đam mê của mình với giáo dục. Tôi nghĩ mình không phải một giáo viên giỏi ngay từ đầu, nhưng tôi đã không ngừng cố gắng cải thiện bản thân. Trong ba năm tiếp theo, tôi giảng dạy ở các trường đại học và trường tư thục từ Trung Quốc cho tới Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.”

Ian có tình yêu sâu sắc với giáo dục

Năm 2009, Ian bắt đầu làm nghiên cứu Tiến sĩ tại Đại học McGill, với đề tài tập trung vào sự tương tác giữa các cán bộ biên phòng và người Mỹ bản địa. Từ năm 2012-2013, anh thực hiện nghiên cứu trên thực địa với cộng đồng người Mỹ bản địa, thực hiện các báo cáo chính sách cho đối tượng này cũng như xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ biên phòng trong khu vực. Là điểm giao thoa giữa phạm trù văn hóa, quyền lợi cho người dân tộc và quản lý công, nghiên cứu của Ian thuộc một lĩnh vực nghiên cứu mới: luật pháp và nhân loại học. “Sau khi nghiên cứu thực tế, tôi hoàn thành luận án tại Viện Max Planck ở Đức, đồng thời hỗ trợ phát triển Khoa Luật và Nhân loại học tại đây. Những năm đầu của một ngành khoa học mới như vậy thực sự rất thú vị.”

Chất xúc tác cho những góc nhìn đa chiều

Niềm đam mê của Ian với giáo dục, cũng như sự quan tâm đặc biệt của anh đối với nghiên cứu liên ngành dường như có cùng một điểm xuất phát. Về bản chất, cả hai đều thể hiện khát khao truyền tải một cách tốt hơn và hiểu biết sâu sắc hơn. “Tôi rất yêu việc truyền tải kiến thức cho người khác. Khi còn ở McGill, tôi là một trong những giảng viên tham gia giảng dạy tích cực nhất. Sau đó, tôi chuyển sang làm việc tại khoa Chính trị học, tuy nhiên những người nghiên cứu về chính trị và chính sách thường không mấy khi tìm hiểu về lĩnh vực nhân loại học. Chính vì vậy, tôi muốn viết nghiên cứu sao cho tiếp cận được tới đối tượng này.”

Cách tiếp cận đa chiều mang đến vô số những lợi ích to lớn: nó không chỉ giúp đem lại một nền giáo dục khai phóng có chất lượng, mà nó còn liên kết nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thuộc mọi lĩnh vực, đồng thời mài giũa lập luận và sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu. “Giới học thuật thường đi theo hướng cao siêu hóa, dù cần thiết cho sự phát triển chuyên ngành nhưng lại khó lan tỏa và tồn tại lâu dài. Cá nhân tôi luôn tự hào rằng mình là người có kiến thức phổ quát, cho phép tôi hiểu được các lý thuyết và phương pháp luận khác nhau. Tôi cho rằng điều này rất phù hợp với một môi trường như Fulbright.”

Ian trò chuyện cùng Tiến sĩ Daniel Lee Kim đến từ Indonesia tham sự hội thảo tại Fulbright

“Đây là cách chúng tôi giải quyết, hoàn thiện và phát tán những ý tưởng của mình. Cả trong nghiên cứu lẫn ngoài đời, tôi đều cảm thấy việc trò chuyện với những người thuộc chuyên ngành khác vô cùng thú vị. Chúng tôi vừa có cơ hội chia sẻ kiến thức chuyên môn của mỗi người, vừa được bày tỏ về những điều chúng tôi chưa hiểu rõ. Được diễn thuyết cho một đối tượng khán giả biết chăm chú lắng nghe và đặt những câu hỏi hóc búa mà chính bạn chưa từng nghĩ tới, đồng thời tiếp thu những nhận định và ý tưởng hoàn toàn mới mẻ của những người đến từ những vùng miền khác chính là cách tốt nhất để mài giũa tư duy của bản thân. Dưới khía cạnh đó, hội thảo thực sự đã thành công tốt đẹp, cả về mặt chuyên môn học thuật lẫn về sự đa dạng địa lý.”

Điều này quả thật đúng không chỉ với các giáo sư đến từ khắp nơi trên thế giới tới tham dự hội thảo, mà còn đúng với cả những sinh viên đang theo học tại Fulbright. “Việc chúng tôi được biết đến trong khu vực cũng như ở ASEAN mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai, giúp Fulbright từng bước trở thành một trung tâm tri thức của TP.HCM, của Việt Nam cũng như của Đông Nam Á. Chúng ta có thể tạo cơ hội cho các em sinh viên quan sát và tham gia vào công cuộc nghiên cứu đầy đột phá đang được thực hiện tại các trường, viện nghiên cứu khác. Điều này sẽ đặc biệt có giá trị với các em bởi ngoài các bài thuyết trình, các em còn học được mô hình tư duy để hiểu và giải quyết những vấn đề hóc búa một cách sáng tạo. Các em biết cách đặt câu hỏi rất sắc sảo, và các em có trí tò mò vô hạn. Đây chính là điều mà tôi rất trân quý: khi bài diễn thuyết kết thúc và một nhóm các em sinh viên và khán giả xếp hàng để trò chuyện thêm với diễn giả. Điều đó thật tuyệt vời.”

Antoine R. Touch – Anh Thư

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer