Khác

Con đường đi lên quyền lực tối cao của Tập Cận Bình

image

Giáo sư Anthony J. Saich (GS danh hiệu Daewoo về Quan hệ quốc tế) là Giám đốc Trung tâm Ash về Quản trị dân chủ và Đổi mới, Đại học Harvard. Ông là chuyên gia hàng đầu về chính sách xã hội và hệ thống nhà nước Trung Quốc.

Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc nhận định, từ khi tập trung quyền lực đến nay, ông Tập Cận Bình được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất sau thời Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình. 

Con đường đi lên quyền lực tối cao của Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và xu hướng sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một trong những nội dung của bài diễn thuyết tại Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam của GS Anthony J. Saich (GS danh hiệu Daewoo về Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Ash về Quản trị dân chủ và Đổi mới, Đại học Harvard).

Trong bài diễn thuyết: “Tổng Bí thư Tập Cận Bình mơ về điều gì?”, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc nhận định, từ khi tập trung quyền lực đến nay, ông Tập Cận Bình được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất sau thời Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình.

“Vấn đề đặt ra câu hỏi là với quyền lực trong tay, ông ta sẽ làm gì tiếp theo và có thể trong thời gian Đại hội Đảng 19, Tập Cận Bình chắc chắn sẽ có thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa”, GS Anthony nhận định.

Ưu tiên về chính trị

Năm 2012, khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhậm chức, nắm quyền, bối cảnh chính trị Trung Quốc đóng băng, nền kinh tế đứng trước những ngã rẽ cũng như những động lực cho ngã rẽ tiếp theo chưa rõ ràng.

Trước bối cảnh chính trị chiếm lĩnh bối cảnh kinh tế, Tổng bí thư Tập Cận Bình nhận thấy vấn đề nghiêm trọng và quyết định tập trung củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi chỉ có một Đảng Cộng sản hợp nhất, đoàn kết mới đưa đất nước này sang giai đoạn phát triển tiếp theo.

Một trong những thách thức của bối cảnh 2012 là phải củng cố quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh tranh giành phe phái trong nội bộ.

“Ông Tập Cận Bình ưu tiên cân bằng quyền lực giữa các phe nhóm trong Đảng. Cách duy nhất tập trung quyền lực vào tay mình là loại bỏ những phe nhóm chống, củng cố những nhóm ủng hộ mình”, theo GS Anthony Saich.

Quan sát Trung Quốc năm qua, chuyên gia nghiên cứu cho rằng, mọi diễn biến chủ yếu tập trung quanh việc củng cố quyền lực của Tập Cận Bình.

Có 5 sự kiện quan trọng.

Tại hội nghị Trung ương 6, ông Tập Cận Bình được chính thức ghi nhận là hạt nhân của giới lãnh đạo Trung Quốc. Lãnh đạo hạt nhân là lãnh đạo được bầu rồi chọn ra một hạt nhân lãnh đạo. Lãnh đạo hạt nhân có quyền phủ quyết những bất đồng trong nội bộ Đảng và đưa ra quyết định của chính mình.

Một sự kiện khá đặc biệt, vào tháng 1 năm nay, 5 nhân vật cựu lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật. Họ bị kỷ luật vì cáo buộc tham nhũng và “tham gia vào các âm mưu chính trị”.

“Đây là điều rất đáng lưu ý vì theo thông lệ, chống tham nhũng được sử dụng như một công cụ chính trị để thanh trừng phe phái, chứ chưa khi nào Đảng đả động đến vấn đề ý thức hệ. Việc Tập Cận Bình không ngần ngại sử dụng cáo buộc “dính líu vào các âm mưu chính trị” cho thấy quyền lực của ông, vượt qua thông lệ xưa nay”, GS Anthony Saich nhận định.

Một sự kiện là tháng 3/2017, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức ghi nhận ảnh hưởng thống trị của ông Tập Cận Bình đối với cải cách kinh tế, thu hẹp vai trò của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Đầu năm 2015, học thuyết “Bốn toàn diện” của ông Tập chính thức được công bố và đẩy mạnh truyền bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm: “xây dựng một xã hội giàu mạnh toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước theo luật pháp toàn diện, quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện”.

Một diễn biến chính trị quan trọng khác là việc loại bỏ Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài ngay trước thềm Đại hội 19.

“Tôn Chính Tài vốn được xem là ngôi sao đang lên của nền chính trị Trung Quốc, ứng viên tiềm năng cho vị trí Tổng Bí thư kế nhiệm ông Tập”, GS Anthony nhận định.

Nói tóm lại, trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, ưu tiên hàng đầu của ông Tập là củng cố quyền lực của Đảng và khả năng kiểm soát của mình đối với các băng nhóm và gia tăng thực quyền.

Chống tham nhũng vượt ra khỏi đấu tranh phe phái

Có 6 ưu tiên chính trị liên quan chiến lược của ông Tập.

Thứ nhất là hồi sinh và mở rộng việc truyền bá, thúc đẩy văn hóa truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là tư tưởng Khổng giáo nhằm nâng cao tính chính danh của chính quyền, với ngụ ý rằng Đảng kế thừa và đại diện cho những giá trị truyền thống tinh hoa của dân tộc Trung Quốc.

“Đây là điều đáng ngạc nhiên vì thời tôi đi học ở Trung Quốc những năm 70 của thế kỷ trước, giới lãnh đạo nước này tuyên truyền tẩy chay Khổng giáo như một lực lượng cổ hủ, lạc hậu” – GS Anthony bình luận.

Thứ hai là tiếp tục nhấn mạnh vào chủ nghĩa Marx và ý thức hệ nền tảng cho hệ thống chính trị Trung Quốc.

Thứ ba là xây dựng hình ảnh một chính quyền giản dị và gần gũi hơn với dân chúng, phá bỏ rào cản lãnh đạo cao cấp tinh hoa khác dân thường. Một hình ảnh là ông Tập Cận Bình đi ăn món ăn bình dân của dân chúng.

Trái ngược với những hình ảnh ăn uống xa hoa tiệc tùng của giới lãnh đạo trước đó, ông chọn bữa ăn truyền thống bình dân của người Trung Quốc: bốn món một suất. Sau khi Tập Cận Bình đi ăn nhà hàng ở Bắc Kinh, nhà hàng đó trở nên nổi tiếng. Giới quan chức cũng không bị cấm không được ăn uống xa hoa, tiêu dùng hàng hóa xa xỉ, uống rượu đắt tiền như Mao Đài hay Remy.

Khi lệnh cấm ban hành, doanh số bán Mao Đài giảm 15-20%. Thứ tư, một nỗ lực khác thấy rõ là chiến dịch chống tham nhũng thực chất đã vượt ra khỏi đấu tranh phe phái.

“Nhìn vào lịch sử 3 đời lãnh đạo gần đây, đối thủ nào nhăm nhe vị trí Tổng bí thư là bị cáo buộc tham nhũng và loại khỏi cuộc chơi. Công cụ hiệu quả nhất để thanh trừng phe phái là cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, dưới thời Tập Cận Bình, chiến dịch chống tham nhũng còn nhằm mục đích củng cố tính chính danh của Đảng”, GS Anthony nhấn mạnh.

Thứ năm là, thắt chặt kiểm soát đối với nhà nước và xã hội: Tổng thống Bill Clinton nói một câu nổi tiếng: Việc cố gắng kiểm soát Internet cũng như đóng đinh rau câu vào tường. Chúng ta có thể đóng đinh rau câu vào tường hay không?

“Cái Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn không chỉ kiểm soát nội bộ Đảng mà cả đại chúng. Báo chí bị kiểm duyệt. Thậm chí đại học Trung Quốc bị cấm sử dụng tài liệu tiếng Anh. Nó cho thấy mâu thuẫn: một mặt Trung Quốc muốn biến các trường đại học thành đẳng cấp thế giới, nhưng không cho phát hành tài liệu bằng tiếng Anh thì làm thế nào đạt được mục đích đó?”

Cuối cùng là cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc và “hung hăng” hơn trong các tuyên bố chủ quyền.

“Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách gắn lợi ích của Đảng vào lợi ích quốc gia. Như vậy nó làm cho việc phê phán trên tinh thần yêu nước về chính sách lãnh đạo là không hợp lý. Đảng đại diện quốc gia, phản đối đảng là phản đối quốc gia. Như thế là không được”, chuyên gia về Trung Quốc phân tích.

Dân chủ chừng mực?

Một độc giả đặt câu hỏi băn khoăn về dân chủ ở Trung Quốc. “Một thể chế và chế độ như ông Tập Cận Bình đã xây dựng thì sự ủng hộ của dân chúng đối với Nhà nước và Đảng thế nào? Thách thức từ bỏ của nhóm lợi ích, áp lực từ dân chúng, thể chế Dân chủ ra sao?”

GS Anthony Saich bình luận, nếu ông thuộc nhóm dân số 45 tuổi trở lên thì thấy cuộc sống ở Trung Quốc toàn màu hồng: đời sống tốt, thu nhập gia tăng…

“So với thời tôi sống thì không được tự do như thế….Nhờ tài tình của Đảng, Đảng đã thuyết phục dân chúng rằng không có Đảng cầm quyền thì sẽ xảy ra lũng đoạn.

Nên để có xã hội dân sự khuôn khổ thì hầu như không có, rất khó.

Song song đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra cơ chế khuyến khích phản hồi tiếng nói nhưng lại không đi đến tận cùng như dân chủ phương Tây. Tức nó ở một chừng mực nào đó thôi.

Họ cũng đặt ra cơ chế để khuyến khích minh bạch hơn, thông tin phản hồi chống tham nhũng…Nói chung không có Đảng mọi thứ sẽ lũng đoạn, không hoạt động được.

Nhưng bạn bè tôi là giáo sư đại học, tri thức ở Trung Quốc rất bất mãn với giới lãnh đạo hiện nay. Vấn đề là Đảng cộng sản Trung Quốc không tin dân. Nếu tin tại sao cấm dân xài internet, đóng Facebook, không cho đại học dùng tài liệu Tiếng Anh?

Nó cho thấy dấu hiệu Đảng yếu, anh đang sợ cái gì đó. Rõ ràng không ai biết, mọi chuyện xảy ra thì thế nào. Nhưng hiện tại mọi người đang ủng hộ Tập Cận Bình hơn. Đó là lựa chọn duy nhất. Nhưng nếu có lựa chọn thứ hai, thì họ có thể lựa chọn”, GS Anthony Saich bình luận.

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer