Tin Tức

Chương trình Thực tập Khởi nghiệp: Bước đệm trong hành trình giáo dục Fulbright

image

Tháng 7 vừa qua, sau khi kết thúc năm học đầu tiên tại Fulbright, 17 sinh viên đã tham gia vào Chương trình Thực tập Khởi nghiệp (VFP) do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo (CEI) khởi xướng. Các thực tập sinh đã có cơ hội làm việc tại những công ty startup hàng đầu trong nước như VNG, Lixibox, Fram^, CoderSchool hay Aspire… Dù chỉ kéo dài hơn một tháng, kỳ thực tập đã mang đến cho sinh viên Fulbright những trải nghiệm đầy gai góc nhưng thiết thực.

Từ sách vở đến thực tế

Tại Fulbright cũng như nhiều trường đại học khác trong và ngoài nước, chương trình giảng dạy luôn bao gồm những môn học mang tính vĩ mô. Đây là những môn học cần thiết, tuy nhiên nếu chỉ được học về các hiện tượng kinh tế-xã hội ở quy mô lớn và nặng về lý thuyết, sinh viên rất dễ bị xa rời thực tế.

Tùng Lâm, sinh viên tham gia VFP vui vẻ thú nhận, kỳ thực tập đã giúp bạn bớt “ảo tưởng” về thế giới. Lâm nhận ra rằng trước khi đạt đến những chiến lược lớn và dài hạn, các bạn phải biết cách chăm chút, cẩn thận ngay từ những đầu việc nhỏ. Từ viết biên bản cho cuộc họp, soạn thảo một bản hợp đồng hay hoàn thành những mục tiêu nhất định khi tham gia thảo luận, các bạn sẽ được góp sức mình vào một bức tranh toàn cảnh.

Bà Lê Lan Chi, Quản lý Vận hành tại ZaloPay nhận xét, đôi khi văn phong học thuật cũng là điểm yếu của các bạn sinh viên. Khi viết bài luận trên lớp, sinh viên đã quen với lối viết hàn lâm, sử dụng những từ ngữ chau chuốt, trang trọng và tiếp cận mọi vấn đề một cách tuần tự, chi tiết. Tuy nhiên, khi làm việc trong môi trường doanh nghiệp, ngôn ngữ như vậy lại trở nên hình thức và rườm rà. Một trong những kỹ năng mà các thực tập sinh cần trau dồi chính là giao tiếp nhanh chóng, hiệu quả thông qua các email trình bày súc tích và dễ hiểu. Tưởng chừng đơn giản nhưng khả năng linh động và thích nghi với mỗi hoàn cảnh sẽ vô cùng hữu ích trong thực tế công việc.

Mặt khác, sinh viên hoàn toàn có thể tìm cách ứng dụng những kiến thức đã được học vào công việc. Tại vị trí Nghiên cứu Thị trường ở VNG, môn Việt Nam học giúp Tùng Lâm hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam, từ đó có những nhận định về việc điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt. Còn với môn Lịch sử Chính sách Ngoại giao Mỹ, Lâm rút ra được những thách thức và cơ hội mà VNG có thể sẽ đối mặt khi phát triển thị trường ở Đông Nam Á hay Mỹ Latin.

Tùng Lâm, thực tập sinh VNG

Trong môi trường giáo dục khai phóng, cơ hội thực tập ngay từ năm học đầu tiên càng có ý nghĩa quan trọng trong định hướng của sinh viên sau này. Sau khi hoàn thành các môn học nền tảng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, việc trải nghiệm thị trường lao động thực tế sẽ giúp sinh viên lựa chọn được chuyên ngành phù hợp nhất với đam mê và năng lực của bản thân.

Cọ xát trong một mạng lưới an toàn

Tại sự kiện tổng kết chương trình diễn ra tại Fulbright vừa qua, các thực tập sinh VFP đã có cơ hội nhìn lại một quãng thời gian đầy đáng nhớ. Khi bắt đầu hòa nhập với môi trường doanh nghiệp, chắc chắn những sinh viên năm nhất không tránh khỏi nhiều điều bỡ ngỡ. Đặc biệt trong các công ty khởi nghiệp, cường độ và tốc độ làm việc cao đòi hỏi mỗi thực tập sinh phải luôn chủ động và linh hoạt trong công việc.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, sinh viên Hoàng Mai Linh kể về những kỷ niệm khó quên khi thực tập tại Ru9 – startup nghiên cứu và sản xuất sản phẩm chăm sóc giấc ngủ. Ví dụ như, chỉ trong một tuần, công ty của Mai Linh đã hoàn tất toàn bộ việc chuyển đổi địa điểm văn phòng. “Một tháng làm việc tại Ru9 đã cho em tận mắt chứng kiến sự linh hoạt cần có ở một startup. Mọi thứ thay đổi liên tục, khiến mọi người trong công ty luôn phải nhanh chóng thích ứng và đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Em nhận ra, đó là yêu cầu tất yếu ở những công ty startup nói riêng cũng như thị trường lao động hiện nay nói chung.”

Hoàng Mai Linh chia sẻ tại sự kiện tổng kết VFP hè 2020

Tuy nhiên, điểm độc đáo của chương trình thực tập này nằm ở tinh thần giáo dục và dìu dắt. CEI xác định, bên cạnh việc mang lại giá trị cho doanh nghiệp, ưu tiên chính của thực tập sinh là học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Việc làm rõ mục tiêu và kỳ vọng đối với nhà tuyển dụng ngay từ đầu giúp sinh viên có cơ hội thử sức trong một môi trường thân thiện và cởi mở hơn. Là cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp, CEI đảm bảo ý kiến của sinh viên luôn được lắng nghe và hỗ trợ kịp thời để các bạn có được kỳ thực tập thuận lợi và có ý nghĩa nhất.

“Văn hóa thực tập là một điều vẫn chưa phổ biến ở nhiều công ty Việt Nam, do đó, thách thức của chúng tôi là đảm bảo quyền lợi của sinh viên, đồng thời tìm kiếm những đối tác thích hợp với các em, những doanh nghiệp sẵn sàng giúp đỡ các em tiến bộ. Trong số 50 công ty tham gia đàm phán ban đầu, chúng tôi chỉ lựa chọn 11 doanh nghiệp phù hợp nhất để gửi gắm sinh viên,” ông Ken Watari, Giám đốc CEI cho biết.

Ông Ken Watari, Giám đốc CEI

Hoài Linh, thực tập sinh tại UrBox nhớ lại, khoảng thời gian đầu của kỳ thực tập, bạn đã rất bối rối khi phải đảm nhiệm những công việc mới mẻ trong khi chưa có được sự kết nối với người giám sát. Nhờ có những lời khuyên từ CEI, Hoài Linh đã tìm được tiếng nói chung với công ty và có được sự hướng dẫn sát sao hơn, đồng thời giúp bạn rút ra nhiều bài học cho bản thân và hoàn thành những công việc được giao một cách suôn sẻ.

Hoài Linh, thực tập sinh UrBox

Bên cạnh đó, chương trình Thực tập Khởi nghiệp cũng là cơ hội để các bạn sinh viên bứt phá khỏi “vùng an toàn” và bắt tay vào những công việc không thuộc sở trường của mình. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, thái độ cầu tiến và sẵn sàng học hỏi là một trong những phẩm chất được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Vốn không phải người hâm mộ trò chơi điện tử, kỳ thực tập ở VNG là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt với Tùng Lâm. “Đó là một sự thay đổi về mặt tư tưởng và tư duy của em, bởi em bị giới hạn trong những gì em biết. Việc chấp nhận học một cái mình không giỏi và không quen hoàn toàn là một thử thách với chính em. Đây là bài học lớn nhất mà em đã học được.”

Thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp

Tại Việt Nam, một thách thức lớn của nền giáo dục là đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động không ngừng biến đổi. Không hiếm trường hợp cử nhân đại học không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, hoặc phải làm việc trái ngành không theo ý muốn. Để giải quyết thực trạng này, việc tăng cường liên kết giữa khu vực giáo dục và thị trường lao động là hết sức cần thiết.

Theo ông Toby Shregg, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hệ thống quản lý nhân sự EveHR, Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, điều này đồng nghĩa với nhu cầu thu hút nhân tài ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Để nhà trường có thể đào tạo thế hệ nhân lực trẻ được trang bị đầy đủ năng lực và phẩm chất, cần có sự tham gia của doanh nghiệp – người sử dụng lao động ở nhiều cấp độ, từ thiết kế chương trình giảng dạy cho tới tổ chức các chương trình thực tập. Bản thân sinh viên, khi được tạo điều kiện va chạm và học hỏi, cũng sẽ chuẩn bị tốt hơn cả về tâm lý và kỹ năng để bước ra thị trường lao động một cách tự tin.

Sinh viên Lý Minh Tú

Với sinh viên Lý Minh Tú, ngoài những kiến thức về lĩnh vực Fintech, kỳ thực tập tại Aspire còn giúp bạn tạo dựng mối quan hệ với những người anh chị giàu kinh nghiệm trong ngành. Không chỉ giúp sinh viên tìm ra con đường đúng đắn cho riêng mình, những mối quan hệ như vậy sẽ là chất xúc tác để các bạn có thêm nhiều cơ hội và động lực trong sự nghiệp sau này.

“Khi xây dựng một tổ chức không vì lợi nhuận, điều quan trọng nhất là tạo dựng một hệ thống hỗ trợ từ tất cả các nhân tố liên quan. Với một trường đại học như Fulbright, có rất nhiều cá nhân, nhóm và tổ chức xung quanh có quan hệ mật thiết. Chìa khóa ở đây là thiết lập những mối quan hệ bền chặt từng bước một và dần xây dựng lòng tin qua những kết quả cụ thể,” ông Watari khẳng định. Trong tương lai, CEI sẽ tiếp tục nỗ lực gắn kết các doanh nghiệp và nhà trường, thông qua các chương trình hợp tác lâu dài hơn.

Anh Thư

Kết nối với chúng tôi

image

TRƯỜNG FULBRIGHT VÀ HÀNH TRÌNH “VIỆT NAM HÓA” TRI THỨC TOÀN CẦU Bên cạnh hoạt động giáo dục đào tạo, đông đảo công chúng Việt Nam biết đến Fulbright nhờ những nghiên cứu mang tính phản biện khoa học về tình hình kinh tế - chính trị và những đối thoại chính sách thẳng thắn với các nhà lãnh đạo về những vấn đề hóc búa nhất mà đất nước phải đối mặt. Tuy nhiên, ít người biết rằng, những kết nối sâu sắc này đã được ươm mầm từ hơn ba mươi năm trước khi nhóm giáo sư Harvard lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Đầu năm 1989, Thomas Vallely, cựu lính thủy đánh bộ trong chiến tranh Việt Nam, khi đó là Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, cùng Giáo sư Dwight Perkins, lúc đó là Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard đến thăm Việt Nam, khi hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ. Những vết thương chiến tranh với Mỹ đã cản trở bất kỳ khả năng hợp tác nào. Ngoại trưởng Việt Nam khi ấy, ông Nguyễn Cơ Thạch chia sẻ với nhóm giáo sư Harvard rằng ông phải đọc và dịch sang tiếng Việt cuốn Kinh tế học của Paul Samuelson để tìm hiểu về các khái niệm của kinh tế thị trường – bất kỳ điều gì để tìm ra con đường thoát khỏi hiện trạng đổ nát hoang tàn thời hậu chiến. Tầm nhìn thực tế này của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đóng vai trò tiên quyết cho sự hình thành của trường Fulbright. Ngược với những lo ngại ban đầu, nhóm chuyên gia của Harvard thấy mình được chào đón ở Việt Nam và đươc tạo điều kiện nghiên cứu bất kỳ vấn đề kinh tế quan trọng nào (nông nghiệp và công nghiệp là hai trọng tâm nghiên cứu ban đầu). Nhưng có lẽ, những nỗ lực giáo dục mà chương trình Việt Nam của Harvard đã triển khai mới để lại dấu ấn lâu dài hơn cả. Xem toàn bài tại: https://fsppm.fulbright.edu.vn/vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-fsppm/truong-fulbright-va-hanh-trinh-viet-nam-hoa-tri-thuc-toan-cau/ -- Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đang tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công năm 2024 niên khóa 2024-2026 với 2 chuyên ngành Phân tích Chính sách; và Lãnh đạo và Quản lý. Ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức học bổng từ 40% - 100% từ Chương trình. Thời hạn ứng tuyển: 12/3 – 09/6/2024 Link ứng tuyển: https://fsppm.fulbright.edu.vn/don-du-tuyen #FulbrightVietnam #ThacsiChinhSachCong #TuyenSinh2024 #Scholarships

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer