Tin Tức

Chúng ta đã làm gì để những đứa trẻ từ hỏi nhiều không ngớt thành im lặng?

image

“Trong rất nhiều năm làm việc với học sinh, tôi vẫn luôn đau đáu một câu hỏi: “Mình và các đồng nghiệp đã làm gì với những đứa trẻ, để chúng cứ nhấp nhổm chờ tiếng trống tan trường???”. PEN đã trả lời cho tôi. Đó là vì, chúng tôi – giáo viên, luôn mang lại “đáp án” cho những tò mò của con trẻ. Lời giải cho một bài toán, lý giải cho một hiện tượng vật lý, bài bình mẫu cho một câu thơ…Bao lâu nay, hóa ra chúng ta luôn đặt những câu hỏi đóng cho học sinh.”

Đó là tự sự của cô Ngô Mai Hương, giáo viên trường THPT Wellspring (Hà Nội) sau khi tham dự hội thảo đào tạo thực hành PEN (Pioneering Educators Network) do Đại học Fulbright Việt Nam và Qũy phát triển Giáo dục IEG Foundation đồng tổ chức. Cô Hương là một trong 100 giáo viên đóng vai “học sinh” trải nghiệm phương pháp dạy học kích thích tư duy Tò mò do Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu (CEO của IEG) trực tiếp thị phạm.

Những nghiên cứu giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ cho thấy học sinh thường rơi vào trạng thái mệt mỏi và bị động trong các giờ học. Trong những năm học đầu tiên, trẻ luôn đặt câu hỏi không ngớt nhưng càng về sau càng ít đặt câu hỏi và có xu hướng không muốn đặt câu hỏi trong các giờ học.

Tư duy Tò mò luôn bắt đầu bằng những câu hỏi. Tiến sĩ, Nhà khoa học thần kinh Allyson Mackey (Đại họcPennsylvania-Mỹ) nhấn mạnh không có một đứa trẻ nào không tò mò cả. Chỉ là chúng chưa tò mò hoặc chưa được cho phép tò mò mà thôi. Một giáo viên có năng lực, biết đặt những câu hỏi tốt là hỏi những câu hỏi kích thích sự truy vấn, tìm hiểu tiếp từ học sinh hơn là chú trọng tìm ra câu trả lời. Do đó, các câu hỏi sư phạm càng tốt, học sinh càng tò mò và chúng càng hỏi nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu – CEO Qũy phát triển Giáo dục IEG Foundation

Nhà khoa học Stuart Firestein (Đại học Comlumbia – Mỹ) cho hay, một câu hỏi tốt có thể dẫn đến tầng tầng lớp lớp các câu trả lời, truyền cảm hứng khám phá và nghiên cứu lâu dài để tìm ra giải pháp, sáng tạo ra những lĩnh vực mới và có thể tạo ra những thay đổi đột phá trong tư duy tiềm thức. Ngược lại, các câu trả lời lại thường chấm dứt quá trình này.

Một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania chỉ rõ sự tồn tại của hệ thần kinh Tò mò trong não bộ con người (Mescocorticolimbic). Khi học sinh càng tò mò, chúng càng kết nối tốt với kiến thức và càng chú tâm vào học tập. Vì vậy, lập luận logic, sáng tạo, kiên định và tò mò là 4 năng lực tuy duy thay đổi dựa theo sự thay đổi của não và phương pháp dạy-học mà một học sinh trải qua từ bé đến lớn. Do đó, sẽ không có việc học tập nào diễn ra nếu như học sinh không đặt những câu hỏi xuất phát từ sự thôi thúc của tò mò, ham muốn khám phá của chúng.

Các giáo viên tham dự tập huấn đồng tình, sự tưởng tượng và tò mò của học sinh mờ nhạt đi nhiều ở học sinh THPT, một phần do chưa được tạo dựng tốt ở các bậc học dưới. Giáo viên cần có những kỹ năng để chủ động kích hoạt và giữ lửa cho sự tưởng tượng và tò mò của học sinh.

Quan trọng là biết cách đặt câu hỏi

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu khởi động một bài thực hành đơn giản với câu hỏi “Cây cần gì để lớn?”, yêu cầu người học trong ba phút đưa ra câu trả lời. Các thầy cô giáo trong vai học sinh đã đưa ra một loạt các đáp án như đất, nước, oxy, không khí, phân bón…Khi Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu so sánh với trả lời của học sinh thì tất cả các thầy cô đã ồ lên khi thấy đáp án của mình không bằng những đứa trẻ. Không chỉ trả lời được nhiều hơn, học sinh đã vận dụng trí tưởng tượng để nghĩ nhiều điều vượt ngoài những câu trả lời chuẩn mực như cây cần sự chăm sóc, hòn đá (để bảo vệ cây), âm nhạc (để nuôi dưỡng tinh thần phát triển), thời gian, nhiệt độ, que gậy (để làm khung chống đổ), thời tiết, côn trùng (để thụ phấn), sâu róm, độ ẩm, môi trường sống…

Một câu hỏi tốt có thể dẫn đến tầng tầng lớp lớp các câu trả lời, truyền cảm hứng khám phá và nghiên cứu lâu dài

Quá trình đặt câu hỏi là quá trình tư duy. Những câu hỏi thúc đẩy tư duy hội tụ diễn ra khi học sinh giải thích, diễn giải, tổng kết, so sánh và đối chiếu. Trong khi tư duy phân nhánh (tư duy buộc suy nghĩ đa dạng, đa chiều) giúp cải thiện vượt bậc thành tích học tập và tăng sự tự tin đáng kể, giúp ứng phó với các thử thách và căng thẳng tốt hơn cho người học. Việc này phải được hành động thường xuyên đến mức thành quán tính.

Có nhiều dạng câu hỏi mà giáo viên có thể áp dụng linh hoạt trong các tình huống. Một câu hỏi đóng sẽ nhận được một câu trả lời đúng của học sinh nhưng nó chỉ buộc học sinh tư duy nhận diện, ghi nhớ và học thuộc. Ví dụ: Màu chàm là màu gì?

Một câu hỏi đóng có thể nhận được một câu trả lời đúng nhưng cần phân tích và tổng hợp dữ liệu thì buộc học sinh tư duy nhận diện, ghi nhớ, học thuộc và phân tích. Ví dụ: theo đoạn văn, màu chàm có ý nghĩa gì?

Một câu hỏi mở để nhận được nhiều câu trả lời sẽ buộc học sinh tư duy theo cách tìm kiếm những phương án thay thế. Ví dụ: Khi nhìn thấy màu chàm, con còn có cảm giác gì khác?

Một câu hỏi kỳ vọng nhận được những câu trả lời độc lập và có đánh giá của cá nhân sẽ buộc học sinh phải tư duy đánh giá lựa chọn. Ví dụ: Liệu con có muốn sống trong một thế giới không có màu sắc hay không? Vì sao?

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh ba phương thức quan trọng trong cách đặt câu hỏi cho học sinh: Thị phạm quy trình đặt câu hỏi hiệu quả và Thị phạm việc nói lên tư duy; Dạy cho học sinh cách thiết lập câu hỏi qua các tiến trình đặt câu hỏi và tư duy; Đặt một dạng câu hỏi có thể dẫn dắt/buộc học sinh đưa ra nhiều câu hỏi khác.

Chiếu một video dài 30 giây về hình ảnh thủy triều, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đưa ra một câu hỏi từng đặt cho học sinh lóp 7: “Con có câu hỏi gì không? và gợi ý các thầy cô thử cùng làm. 18 câu hỏi “hại não” của học sinh được Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu giới thiệu cho các thầy cô xem khiến ai nấy đều “choáng”. Có người thừa nhận họ cũng không thể nghĩ ra được những câu hỏi quái đến vậy. Ví dụ: Các giai đoạn của mặt trăng đóng vai trò gì với thủy triều? Vì sao thủy triều thay đổi nhiều ở một số nơi nhưng lại không ở những nơi khác? Hoặc Chuyển động xoay của trái đất làm cho thủy triều thay đổi thế nào? Cá và các sinh vật dưới nước sống sót thế nào khi thủy triều luôn thay đổi? Nếu mặt trăng biến mất, còn có thủy triều không?

Cô Ngô Mai Hương cho rằng, bản chất của việc kích thích và nuôi dưỡng trí tò mò là chẳng có câu trả lời nào cả. Khi đã có câu trả lời rồi, động lực gì để chúng ta tìm hiểu tiếp. Không có câu trả lời đúng và cũng không có câu trả lời sai.

Quan trọng nhất là quá trình mà các em đi tới đáp án của riêng mình và các thầy cô phải “dám” buông để các con được thỏa sức tìm tòi, được đặt những câu hỏi ngoài giáo án mà chúng đang rất băn khoăn. Thay vì bắt đầu câu hỏi “Thủy triều là gì?”, hãy để các em thấy hiện tượng đó và tự hỏi về nó theo nhiều cách khác nhau. Đó chính là lúc các em tư duy và khám phá”, cô Hương nhận xét.

Làm thế nào nếu một số học sinh không chịu đặt câu hỏi

Nếu học sinh không chịu đặt câu hỏi về bài học, giáo viên phải ứng xử như thế nào? Một trong những kỹ thuật Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu khuyến khích các giáo viên thực hiện đó là đưa ra càng nhiều câu hỏi càng tốt, thay tất cả câu khẳng định (nếu có) thành câu hỏi. Giáo viên cũng không nên đánh giá, nhận xét, thảo luận về các câu hỏi của học sinh. Ngoài ra, nên chuyển toàn bộ câu hỏi đóng (có/không) thành câu hỏi mở. Cần phải lên chiến thuật tìm câu trả lời, mà trong đó, giáo viên phải hiểu rõ mình cần thêm thông tin gì và sẽ làm gì? Và, một câu hỏi quan trọng cho chính giáo viên đó là họ có biết gì thêm về “Một số học sinh không chịu đặt câu hỏi”?

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đưa ra một bài toán yêu cầu học sinh thử tính nhanh: 24= :)+ :)+ :). Không khó để tìm ra ngay đáp án là 8. Nhưng không dừng ở đây, đề bài hỏi: Con có câu hỏi gì không về phép tính này? Những học sinh lớp 4 đã đặt ra hàng tá câu hỏi ngược khiến các thầy cô chóng mặt: Vì sao số 24 xuất hiện trước? Vì sao chỉ có 3 mặt cười? Liệu các con số có nhất thiết phải giống nhau vì 3 mặt cười giống nhau không? Vì sao phải là mặt cười? Con có thể thay bằng biểu tượng khác không?3 mặt cười có cùng ý nghĩa không? Các mặt cười có ý nghĩa gì, Có phải con số nào khác cũng sẽ thế được vào số 24? Các câu hỏi này của học sinh cho thấy chúng đang tò mò, tư duy.

Do đó, tư duy tò mò được đo lường qua các câu hỏi và qua việc quan sát sự khám phá và đặt câu hỏi của học sinh. Tò mò gắn liền với hệ thần kinh bao gồm mức độ hứng thứ, trí nhớ, chú tâm và ra quyết định. Tò mò sẽ càng tăng cao khi học sinh bắt gặp một điều ngạc nhiên hoặc thán ồ. Và, học sinh định kỳ được nghe những câu hỏi sư phạm, được chơi và trải nghiệm nhiều, được động viên và ít bị stress sẽ càng tò mò.

Một giáo viên sau khi tham gia các bài tập thực hành thừa nhận mình cảm thấy có lỗi vì trong quá trình dạy học có lúc đã vô tình giết chết óc tò mò của học sinh bằng những câu hỏi đóng hoặc ấn định câu trả lời.

Theo Tiến sĩ Allyson Mackey, đôi khi những khái niệm, kỹ năng giải mẫu bài và cách tìm những câu trả lời đúng, đề thi này được 9 điểm, đề thi kia được 10 điểm, giành giải này giải nọ…tuy cũng cần, nhưng chưa chắc đã quan trọng bằng việc xây dựng cho học sinh năng lực tự học và thói quen tự tìm tòi trong tư duy. Vì những khái niệm đúng trong hôm nay rất có thể sẽ sai vào ngày mai, hoặc chúng ta lỡ quên nó qua thời gian, kỹ năng thực hành hôm nay có thể tốt nhưng mai kia có thể lại mai một, hoặc do quá khuôn mẫu nên vô tình sẽ kìm hãm sức sáng tạo của học sinh.

Bà cho rằng, những kỹ năng học và thói quen tư duy không dễ gì bị sứt mẻ, mai một, nếu mỗi ngày giáo viên giúp trẻ góp nhặt một ít. Những điều một ít sẽ mãi cháy trong những đứa trẻ. Để mai kia, khi đi học xa, nhiều khi chính các em phải tự đi lần mò tìm khái niệm và câu trả lời, mà chưa chắc lúc nào cũng có lời giải đúng hay sai. Vì bản chất  cuộc sống vốn dĩ ít có vấn đề nào được phân định đúng sai  rõ ràng.Vậy thì những đứa trẻ thật sự cần học gì? Đó là tự tìm tòi. Có tự tìm tòi mới tự đọc, tự học, tự hiểu và cuối cùng mới tự tin đi đâu cũng được và làm gì cũng…không sao đâu.

Xuân Linh

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer