Tin Tức

Chính trị Việt Nam trong Truyện Kiều

image

Trong khuôn khổ Hội thảo: Nguyễn Du với đương đại do Đại học Fulbright tổ chức nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, ông Hà Văn Thạch, Nhà Kiều học, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bàn về chủ đề chính trị trong Truyện Kiều. Đại học Fulbright trích giới thiệu với độc giả nội dung tham luận của ông: 

Chính trị Việt Nam trong Truyện Kiều

Biểu hiện tập trung của chính trị trong Truyện Kiều là lên án, tố cáo chế độ Phong kiến đương thời, bênh vực người lương thiện và khát khao giải phóng con người. Trong bài này ta chỉ nghiên cứu Nhà nước Phong kiến đương thời, nguyên nhân gây ra mọi khổ đau cho dân chúng.

Nhiều học giả ca ngợi, một trong những nét thiên tài của Nguyễn Du là nhìn thấu được con người, nhìn thấu tận cõi lòng, nhìn được sự thật, cả những điều tốt-xấu-thiện-ác, cái mà người đời cho là khó nhất“. Tri nhân tri diện bất tri tâm”, Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì tri nhân, tri diện, tri được cả tâm, đến từng nhân vật. Bởi vậy Truyện Kiều như một tấm gương soi để mọi người thấy được phần mình trong đó cả những điều sâu xa bí ẩn nhất, cả phần sáng và tối khi chúng ta thành thật với chính mình.

Không chỉ nhìn thấu con người mà nhìn thấu xã hội, chế độ, nhà nước Phong kiến đương thời cũng là tuyệt bút của Nguyễn Du. 

Truyện Kiều không dành nhiều thời lượng để miêu tả trực tiếp vấn đề này, chỉ với một số đoạn ngắn, một số câu chữ đặc sắc, Nguyễn Du đã làm hiện hình đích thực, bản chất, sống động một bộ máy nhà nước Phong kiến từ thấp đến cao, từ trong ra ngoài và cả cơ chế vận hành của nó. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã có những bài viết dày dặn nói rõ Truyện Kiều là bản án đanh thép chế độ Phong kiến Việt Nam đương thời. 

Nếu Hoài Thanh nêu ấn tượng nhất của xã hội Phong kiến trong truyện là nhà chứa đĩ: “Cái điều mà bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ngay sau khi nghe câu chuyện nàng Kiều là những nhà chứa đĩ. Thật là đầy rẫy. Thuý Kiều vừa ra khỏi nhà cha mẹ là rơi vào nhà chứa của Tú bà, Mã Giám Sinh, vừa ra khỏi nhà Thúc Sinh là rơi vào nhà chứa của Bạc Bà, Bạc Hạnh” (bài Xã hội Phong kiến trong Truyện Kiều của Hoài Thanh). Thì đối với tôi ấn tượng nhất là hình ảnh nhà nước Phong kiến trong Truyện Kiều .

Lần giở theo ngòi bút của Nguyễn Du ta sẽ thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước đó từ dưới lên trên, từ sai nha, ông quan nhỏ cho đến quan Triều đình-quan Tổng đốc trọng thần .

Đoạn Kiều phải quyết định bán mình chuộc cha, đầu tiên ta gặp cấp thấp nhất là sai nha, tay chân của quan địa phương, người thực thi quyền lực với dân, số này là đông nhất nơi nào cũng có:

“Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao

Người nách thước, kẻ tay đao

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi

Già giang một lão một trai

Một giây vô loại buộc hai thâm tình

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh

Rụng rời khung dệt, tan tành gói may

Đồ tế nhuyễn của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”

Trong Truyện Kiều, họ không còn là người, đã thành súc vật, hung ác tàn bạo như quỉ dữ “Đầu trâu, mặt ngựa.”

Bọn người nay không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái, đạo lý, công lý (vô loại). Chúng nhơ bẩn như bầy ruồi, bầy muỗi chuyên đi hút máu của loài khác, của Nhân Dân không trừ ai, mục tiêu của chúng là “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Tác giả đã cho xuất hiện cái túi tham ở đây, bắt đầu nêu lên nguyên nhận sâu xa, sự hư hỏng của chế độ, khổ đau của con người kể cả kẻ mang túi tham và dân chúng lương thiện. Túi tham thì bao giờ cho đầy được, chúng vơ vét đến cả những cái nhỏ nhất “Đồ tế nhuyển của riêng tây” cái gì cũng vơ hết, kể cả những vật nhỏ nhất.

Sai nha gần với dân nhất, trực tiếp hành xử với Dân nhưng không còn nghe được tiếng nói của Dân nữa. Mặc cho những tiếng khóc than, kêu oan, kêu cứu thảm thiết của người dân lương thiện, chúng vẫn cứ tra tấn đánh đập như thường, đây cũng là một dấu hiệu hư hỏng của chế độ:

“Điếc tai lẫn tuất, phủi tay tồi tàn

Dương cao treo ngược dây oan

Dẫu là đá cũng nát gan lọ người”

Thời bấy giờ, những trò bịp bơm ấy không phải là hạn hữu một nhà, một lúc mà là phổ biến thường xuyên vì mục tiêu là kiếm tiền:

“Một ngày lại thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”

Đến đây Tác giả đã bắt đầu giải mã được chiều sâu bên trong của chế độ Phong kiến đương thời, một xã hội vì lòng tham, vì đồng tiền, có tiền muốn làm gì cũng được:

“Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong

Kể cả đổi trắng thành đen”

“Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì “

Tiếp tục ta gặp ông quan nhỏ “kẻ lại già”, người có thâm niên, có tính chuyên nghiệp trong bộ máy quan lại, hiểu rõ cách hành xử của chính quyền, có chút lòng thương với cô Kiều vì thấy Kiều “hiếu trọng tình thâm” đã bày cách ứng xử rõ ràng dứt khoát, ở đây không có chuyện kêu khóc van lạy, không có đạo lý, công lý gì cả mà phải “chạy”. “Tính bài lót đó luồn đây”. Con đường hối lộ (chạy án) đã xuất hiện. Phải chạy bằng rất nhiều tiền. “Có ba trăm lạng, việc này mới xuôi”. (Về ông quan này còn có cách hiểu, đánh giá khác nhau, có ý kiến cho rằng Chung công có chút từ tâm, có động lòng thương và muốn giúp gia đình Kiều, có ý kiến cho rằng ông cũng là một khâu của bộ máy Phong kiến, chính ông đã tiếp tay và đẩy Kiều phải bán mình).

Nhà Kiều học Hà Văn Thạch

Ba trăm lạng là cách nói ước lệ, hiểu là phải rất nhiều tiền. Một gia đình “thường thường bậc trung thì lấy đâu ra tiền. Chỉ có con người mà thôi. Ai có thể bán được để có món tiền ấy? Không thể là Vương bà, cũng không thể là Thuý Vân, mà phải là người đep Thuý Kiều, người có đức, có tài. Phải là người “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Ở đây đã xuất hiện một xã hội buôn người kinh tởm. (Tôi không biết có phải cụ Nguyễn Du ca ngợi Nàng Kiều ở phần đầu là để nâng giá bán ở phần sau không?).

Việc buôn người được vận hành thể nào? Đã có cả một sân sau chờ sẵn; có ngay mụ mối, có ngay người mua:

“Gần miền có một mụ nào

Đưa người viễn khách tim vào vấn danh”

Họ mua bán người như một đồ vật, mua để buôn bán kinh doanh “Đem về rước khách kiếm lời mà ăn”. Bán cho ai cũng đã được tính toán sẵn, phần khúc này là của “Vương tôn quý khách ắt là đua nhau“, họ tính chắc chắn sẽ hoà vốn và có lời to “Trước là vừa vốn còn sau thì lời”. Một cơ chế thị trường đã được vận hành từ thời đó (đã có hình bóng kinh tế trong Truyện Kiều chẳng? vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu). Điều đáng nói ở đây là một xã hội vì đồng tiền, đồng tiền đã hủy hoại mọi giá trị, huy hoại nhân phẩm, công lý, một xã hội buôn bán người, buôn bán thân xác, phẩm hạnh, cái thiêng liêng nhất của người phụ nữ, thật là một xã hội đồi bại, suy tàn đến cực độ.

Đoạn nói về gia đình Hoạn Thư:

Bà Hoạn là vợ, Hoạn Thư là con của một ông quan to trong triều Thượng Thư lại bộ, đại diện cho gia đình quan lại trong Truyện Kiều. Từ ngữ của Nguyễn Du gần như dè dặt hơn đối với hạng người này. Gia đình này bên ngoài có vẻ giữ gia phong lễ giáo phong kiến, nhà cao cửa rộng, bài tri oai phong, thưa dạ ran ran trong nhà nhưng lòng dạ thi thâm hiểm, lộng hành, độc ác. Họ là một thế lực trong xã hội phong kiến, muốn làm gì cũng được, bất chấp công lý, kể cả đánh người, bắt cóc hành hạ, đốt nhà … đến nhà Chùa cũng kinh hãi khi nghe có liên lụy đến gia đình Hoạn Thư. Đằng sau họ là bọn xã hội đen, đầu trộm đuôi cướp như Ưng, Khuyết sẵn sàng thực thi chỉ giáo của gia chủ bất cứ việc gì và bên cạnh là một nhóm người hầu hạ ngoan ngoãn. Sự khác biệt và nổi tiếng của mẹ con nhà Hoạn Thư là cách đánh ghen. Đành rằng “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình” nhưng cách đánh ghen của Hoạn Thư thật là quái dị, thâm hiểm có một không hai trên cõi đời, đã đẩy Kiều xuống địa ngục lần thứ hai:

“Làm cho nhìn chẳng được nhau

Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!

Làm cho trông thấy nhãn tiền

Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”

hoặc là:

“Làm cho cho mệt cho mê

Làm cho đau đớn ê chề cho coi!

Trước cho bỏ ghét những người

Sau cho để một trò cười về sau”

Mưu kế của Hoan Thư được quan bà duyệt và tiếp tay thực hiện:

“Phu nhân khen chước rất mầu

Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay”.

Thật là mẹ nào con nấy. Không hay chi tiết nhặt xác người chết bên sông đưa vào nhà Kiều đốt để đánh lộn sòng người sống với người chết:

Sẵn thây vô chủ bên sông

Đem vào để đó lộn sòng ai hay”

Chước này nằm trong sắp đặt của Hoạn Thư hay là bột phát của Ưng Khuyết. Nếu là của Hoạn Thư thì quả là ghê gớm không còn có đạo lý, lương tâm. Đến cả phần sâu lắng, thiêng liêng nhất của con người là tâm linh cũng không còn, thật là kẻ vô đạo.

“Đàn bà dễ có mấy tay

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan”

Cái đáng buồn nhất của hạng người này và có lẽ điều sâu xa, cay đắng mà Nguyễn Du muốn nhắn gửi lại là sự giả dối, gian dối của con người. Họ sống giả dối với cả chính mình :

“Buồng đào khuya sớm thảnh thơi

Ra vào một mực nói cười như không”,

Trong khi bụng dạ thì đầy ắp mưu toan, sân hận. 

Đối với người thì :

“Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao”

Một cuộc sống mà không còn sự thật, không được sống thật với chính mình thì còn đâu là giá trị, còn gì là hạnh phúc, một xã hội khi mà sự giả dối ngự trị thì làm sao nói đến đạo đức, văn minh, phát triển. Đây cũng là dấu hiệu suy thoái của con người, suy đồi của xã hội đương thời.

Tiếp đến ta gặp ông quan to nhất trong Truyện Kiều. Có người nói Nguyễn Du có phần nể nang ông quan này vì quyền cao chức trọng:

“Có quan Tổng đốc trọng thần

Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài”.

Nhưng Nguyễn Khắc Viện lại nói ” bước vào cung điện của tên quan đầu triều, người ta rùng mình và nghẹt thở.”

Hồ Tôn Hiến là bề tôi của của nhà Vua, có tài kinh luân (tài mưu tính chính sự) được nhà Vua tin cẩn giao việc lớn và phải nói là được việc cho triều đình.

Đoạn này Nguyễn Du đã lược bớt và không bình phẩm nhiều về việc lập mưu dụ hàng rồi giết Từ Hải của Hồ Tôn Hiến so với nguyên truyện, chỉ đủ cho người đọc có cảm giác đơn đau thương xót và khinh bỉ; đớn đau vì thấy Từ Hải bị mắc lừa mà chết đứng :

Con người thường là chết nằm, vì đã chết thì còn sức đâu mà đứng, vậy vì sao Từ Hại lại chết đứng? Đã có nhiều bài viết về cái chết đứng của Từ Hải rằng: vì bị kẻ tiểu nhân bội ước; vì nhẹ da nghe theo lời đàn bà; vì một chút sơ sẩy mất cảnh giác mà chết nên quá oan ức. Tôi thì thấy Từ Hải chết vì lòng chân thật, cả tin vào Triều đình, chết vì người quân tử giữ lời hứa khi đã cắt máu ăn thề, chết vì yêu thương và tin vào người bạn đời tri kỷ (theo Từ Hải), trong đó có việc nghĩ đến “Đống xương Vô Định đã cao ngang đầu”… Cái chết ấy xứng đáng có một dáng đứng thẳng, chắc Nguyễn Du đã chọn cho Từ Hải tư thế đó ngay từ những đoạn đầu của truyện:

“Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”…

“Quyết lời dứt áo ra đi

Gió đưa bằng tiện đền kỳ dăm khơi”…

“Cánh hồng bay bổng tuyệt vời “…

Chết như thế mới đúng là “Đến điều sống đục sao bằng thác trong”.

Trong khi Từ Hải đứng thẳng thì Hồ Tôn Hiến “kinh luân gồm tài” phải gục mặt xuống, từ một người quân tử, ông quan lớn trở thành kẻ tiểu nhân gian dối, bội ước, hèn hạ, đáng khinh bỉ.

Đoạn bắt Kiều thị yến trong buổi yến tiệc càng lộ rõ hơn sự đểu cáng của vị quan này.

Tôi đã có một thời gian dài không đồng tình với Nguyễn Du, có phần giận và trách nàng Kiều duy chỉ vì đoạn này: chồng vừa chết, Kiều thương chồng:

“Khóc rằng trí dũng có thừa

Bơi nghe lời thiếp nên cơ hội này”…

“Thà liều sống chết một ngày với nhau!”.

Thế mà ngay đêm đó chịu vào thị yến, vẫn đàn, vẫn để cho kẻ mặt sắt gẹo tình. Thật là không thể chấp nhận được. Tôi muốn Kiều phải chửi thằng vào mặt kẻ giết chồng mình và dứt khoát không chịu vào thị yến. Nhưng rồi đọc kỹ truyện, đọc nhiều ý kiến khác nhau của các học giả, đặc biệt là lắng nghe Nguyễn Du hơn, mới thấy đây là bút pháp nghệ thuật tài tình của tác giả để làm lộ diện rõ bộ mặt thật của quan triều đình. Cũng có lẽ vì vậy mà Nguyễn Du phải cho Kiều vào thị yến .

Hoài Thanh viết “Nguyễn Du đã giết chết Hồ Tôn Hiện với một chữ “ngây”…” Trong bao nhiêu người say mê Kiều, Nguyễn Du đã riêng dành chữ “ngây” cho mối tình Hồ Tôn Hiến. Và không cần nói nhiều, con người “ngây” vì tình “ấy là người thế nào, tự nhiên đã rõ”.

Tiếp lời Hoài Thanh ta bàn thêm về quan triều đình: gần như ở đây mọi trò nhơ nhớp, bịp bơm đều được nâng cấp lên và tinh vi hơn nhiều so với cấp quan nhỏ. Trước hết ta thấy sự hèn hạ, tiểu nhân nhất là đánh vào phụ nữ, vào sự nhẹ dạ tin người của họ, lợi dụng tình cảm yêu thương, tin nhau của Từ Hải với Thuý Kiều “Nàng thì nhẹ dạ tin người”; Tiếp đến việc sử dụng trò đút lót, hối lộ ở đây được nâng lên tầm nghệ thuật, không chỉ bằng tiền bạc mà cả thể nữ, không chỉ một lần mà nhiều lần “Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu”; Sự dả dối thành lừa đảo đã trở thành phương thức hành xử phổ biến trong xã hội, càng lên cao càng tinh vi xảo quyệt: quan nhỏ dựng lên vụ “thằng bán tơ” để bắt người “Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ”; Mã Giám Sinh “Giả danh hầu hạ, dạy nghề ăn chơi” Tú Bà, Sở Khanh cao tay lừa cho Kiều phạm tội chạy trốn để ép Kiều phải tiếp khách; Mẹ con Hoạn Thư dựng cả màn kịch để lừa Kiều; Đến quan triều đình thì càng thâm hiểm, xảo quyệt hơn, đến kẻ anh hùng như Từ Hải cũng bị mắc mưu. Trong khi Từ Hải đã thuận hàng, giải binh, và đã uống máu ăn thề với nhau mà vẫn “Lễ tiền binh hậu, khắc cờ tập công”.

Không còn sự đều cáng, phi nhân tính nào hơn khi vừa giết chết chồng người ta, Kiều khóc than xin một miếng đất để chôn cất chồng cho tử tế “Xin cho tiện thổ một doi” thì chỉ được “cảo táng di hình bên sông”, chôn cất qua loa bằng cỏ khô, vừa mới xong đã bắt Kiều vào hầu tiệc mừng thắng trận, giở say lại ép Kiều đánh đàn, còn nỗi đau nào hơn cho Kiều nữa không?

“Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”

Trong cơn đau đớn nhất của Kiều, Hồ Tôn Hiến lại đòi gẹo tình, rồi nói lời cầu hôn với Kiều “Dây loan xin nối cầm lành cho ai”. Nếu nàng đồng ý thì đã thành mệnh phụ nhân của quan Tổng đốc trọng thần. Bị Kiều từ chồi thì ngay lập tức sáng hôm sau lật lọng ép nàng lấy một gã thổ quan “Ép tình mới gán cho người thổ quan”. Thật là đê tiện hết chỗ nói.

Nếu Nguyễn Du nói bọn sai nha là “đầu trâu, mặt ngựa” súc vật, thì quan Tổng đốc trọng thần vẫn là người, nhưng là người “ngây”. Người mà không còn tính người thì có khi không bằng súc vật. Nếu sai nha và quan nhỏ gây đau khổ cho Kiều đến mức nàng phải bán mình chuộc cha. Tú Bà bắt Kiều phải làm đĩ. Gia đình Hoạn Thư buộc Kiều phải chạy trốn, thì quan Triều đình đẩy nàng xuống địa ngục lần thứ ba, đau đớn, nhục nhã tột cùng, đến mức Kiều phải nhảy xuống sông Tiền Đường để kết liễu đời mình. Phải chăng nơi đỉnh cao của quyền lực thối nát, cùng chính là nơi gây ra đau khổ tột cùng cho con người?

Từ các thế lực điển hình trong nhà nước phong kiến nói trên, vòi bạch tuộc đã toả ra bao phủ khắp xã hội: nào là Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh … một mạng lưới buôn người đã nhấn chìm Thuý Kiều xuống tận đáy của bể khổ trầm luân.

Đến đây ta thấy: từ “những điều trông thấy” Truyện Kiều đã khắc họa nguyên hình một xã hội phong kiến như đang tồn tại, sống động, sâu sắc với tất cả các chiều kích của nó. Một xã hội, một nhà nước phong kiến tàn bạo, thối nát, lòng tham và đồng tiền ngự trị, là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ, đẩy con người xuống tận bùn đen, làm cho Dân tộc, Đất nước suy tàn. Truyện Kiều là bản án đanh thép chế độ phong kiến Việt Nam đương thời, là tấm gương soi, hồi chuông thức tỉnh cho mọi người, mọi xã hội, mọi thời đại.

Nhìn thấu lòng người đã khó; nhìn thấu một xã hội không phải là dễ; nhìn thấu mà nói lên được sự thật càng khó; nói lên được mà bằng cả tấm lòng trắc ẩn, vì con người, vì giống nòi, vì non sông đất nước cho đến nay thiết nghĩ chỉ có một, đó là Thiên tài Nguyễn Du. 

Sinh viên Đại học Fulbright đặt câu hỏi cho Nhà Kiều học Hà Văn Thạch xoay quanh chủ đề Chính trị Việt Nam trong Truyện Kiều

Truyện Kiều đối với các nhà chính trị

Một khía cạnh nói lên Truyện Kiều trong chính trị Việt Nam là ứng xử của các nhà chính trị đối với Truyện Kiều. Trước hết phải khẳng định rằng từ khi ra đời đến nay hơn 200 năm, không có một triều đại nào người đứng đầu chê bai hoặc cấm đoán Truyện Kiều, điều mà họ có thể làm được nếu họ muốn. Ngược lại, Truyện Kiều được người đứng đầu đất nước yêu thích, trận trọng, sự dụng, giữ gìn và phát huy. Hơn thế có những vị vua đã mê Truyện Kiều. Ngay từ khi mới ra đời Truyện Kiều được nhà Vua Minh Mạng, Tự Đức say mê đưa vào trong sinh hoạt cung đình và cho ghi chép để lại cho mai sau như đã trình bày ở phần trên.

Có thể nói trong thế kỷ XX Lãnh tụ Hồ Chi Mình là người am hiểu sâu sắc, vận Kiều, lẫy Kiều, tập Kiều nhiều nhất. Có rất nhiều tư liệu nói về điều đó, trong cuốn “Văn hoà Kiều” nhà Kiều học Phạm Đan Quế đã thống kê 54 lần Bác Hồ dùng Kiều được đăng tải trên sách vở, báo chí trong hoạt động đa dạng của Người. Nói chuyện tại buổi Lễ mế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá hai có đoạn : “So sánh bản đồ thế giới ngày nay với 15 năm trước thì ai cũng thấy rõ ràng: Phe địch xuống dốc phe ta lên cao. Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” (Bao Nhân dân số 2310 ngày 16/7/1960).

Bài sẵn sàng giúp đỡ , phần kết luận có câu

“ Trăm năm trong cõi người ta

Giàu lòng bác ái ấy là người Việt Nam”

(Báo Nhân dân số 3107 ngày 27/9/1962)

Bác thường làm thơ chúc mừng năm mới đồng bào, trong thư mừng năm mới năm 1963 có đoạn: “Nhân dịp đầu năm, tôi thân ái gửi lời thăm hỏi tất cả đồng bào miền Nam ruột thịt:

Nước Việt Nam ta là một

Dân tộc Việt Nam ta là một

Dù cho sông cạn đá mòn

Nhân dân Nam Bắc là con một nhà”

(Báo Nhân dân số 3128 ngày 27/1/1963)

Bác thường lẩy Kiều nhiều trong hoạt động ngoại giao. Trong diễn văn buổi tiển đưa Chủ Tịch Vổrôxlốp, (Liên Xô cũ ), Bác viết: “Bất kỳ đến đâu, đồng chí Chủ Tịch cùng các đồng chí trong đoàn vẫn gặp anh em con cháu bà con bầu bạn thân yêu. Thật là:

Quan san muôn dặm một nhà.
Vì trong bốn biển đều là anh em”

(Bao Nd số1173 ngày 25/5/1957)

Đặc biệt trong di chúc,  một văn kiện thiêng liêng nhất Người để lại cho toàn Đảng toàn Dân có hai câu lẫy Kiều:

“Còn non còn nước còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”

Khẳng định niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng, cổ vũ toàn Dân thi đua bảo vệ và xây non sông đất nước.

Trong cán bộ cao cấp hồi đó, có Bộ Trưởng Phan Anh thuộc lòng Truyện Kiều và hay lẩy Kiều trong công việc. Một lần đến mừng thọ Bác ( ngày 19/5/1946 ), Bộ Trưởng lẩy 4 câu Kiều:

“ Từ khi đá biết tuổi vàng

Mỗi giây mỗi buộc ai dằng cho ra

Mong sao muôn dặm một nhà

Tương tri nhường ấy mới là tương tri”

Khi tiễn Bác Hồ sang Pháp đàm phán, tại sân bay Bạch Mai Bộ Trưởng lẩy câu Kiều:

“Trời mây đường dăm xa xôi

Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”.

Vừa qua Tổng Bí Thư Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã lẩy Kiều trong những bài phát biểu quan trọng. Tại lẽ nhậm chức Chủ Tịch Quốc Hội ngày 26/6/2006, Chủ Tịch đã lẩy câu Kiều :

“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!”

Khi nhậm chức Chủ Tịch Nước ( ngày 23/10/2018 ) Ông nhắc lại: “… Lúc ấy tôi cũng vừa mừng, vừa lo, phần lo là nhiều hơn, vì tôi chưa từng làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ, chưa quen với công việc của Quốc hội (lúc bấy giờ tôi đang làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng). Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!

Và bây giờ đây, tâm trạng tôi cũng tương tự như thế, thậm chí có phần còn lo lắng hơn”.

Ngày 26/4/2020 Tổng Bí Thư Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.” Khi nói về tiêu chuẩn cán bộ Ông viết : “ Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”).” Khi nói về công tác tổ chức cán bộ Ông viết: “công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu (“Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già!”) (đoạn này là khi thấy Từ Hải lượng cả bao dung, Kiều đã đoán “Tấn dương được thấy mây rồng có khi”). Trong bài phát biểu tại Đại Hội Đảng bộ Quận đội có đoạn: Quân đội “ phải là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường “trong ấm, ngoài êm” cho đất nước.”         

Gần đây nhất, phát biểu tại Đại Hội Đảng bộ tĩnh Hà Tĩnh, tâm huyết với quê hương Nguyễn Du Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lẩy ba câu Kiều: Đánh giá kết quả đặt được trong điều kiện rất khó khăn của Hà Tinh Thủ Tướng nói “ là nhờ có quyết tâm lớn tấm lòng lớn như cụ Nguyễn Du đã nói “ Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra “, tấm lòng ở đây là tinh thần đoàn kết vượt khó đi lên của quân và dân Hà Tĩnh “. ..Thời gian đến có nhiều việc phải làm nhưng “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm “ tấc là một tinh thần đoàn kết mới nâng cao hơn trong lãnh đạo các cấp, vận dụng ở quê hương Nguyễn Du thế nào đó chính là một đòi hỏi lớn … Và “Chữ tâm kia mới bằng ba chư tài “ Chữ tâm là tấm lòng lơn qui tụ đoàn kết, là tâm lòng với công việc được giao. 

Những câu Kiều vận vào bài viết bài nói đã truyền tải những quan điểm, tư tưởng lớn của những người đứng đầu đất nước, vừa sâu sắc vừa tinh tế, dễ đi vào lòng người.

Đối với các nhà chính trị nước ngoài 

Việc các đời Tổng Thống, phó Tổng Thông Mỹ lẩy Kiều khi sang thăm và đón Việt nam cũng là điều bất ngờ thú vị. Vào tháng 11/2000, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam với vai trò Tổng thống, tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: 

“Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”

 Tháng 5 2016, tại trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, Tổng Thống Barack Obama kết thúc bài phát biểu với giới trẻ Việt Nam bằng hai câu Kiều:

“Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi”

Vào tháng 7/2015, khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thủ đô Washington, Phó Tổng thống Joe Biden đã đọc hai câu Kiều:

“Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời “

Những câu Kiều được lựa chọn tinh tế, đúng với ngữ cảnh, đồng thời chứa đựng những thông điệp chính trị lớn trong quan hệ hai nước, vừa thể hiện sự thân thiện, gần gũi, dễ đi vào lòng người. Các sự kiện đó, càng khẳng định giá trị và sức lan toả Truyện Kiều trên thế giới.

 Những nghiên cứu bước đầu diễn trình Truyện Kiều trong chính trị Việt Nam trên đây cho ta thấy Truyện Kiều Nguyễn Du như một dòng mạch nguồn chảy mãi, chuyên chở và bồi đắp không ngừng cho hồn cốt tinh hoa văn hoá dân tộc suốt hơn 200 năm qua mà dâu ấn là:

        -Thứ nhất, Truyện Kiều ra đời và trở thành biểu tượng của Tiếng Việt văn học . “Đưa Tiếng Việt văn học lên trình độ cổ điển tuyệt vời, trở thành mẫu mực của ngôn ngữ nghệ thuật dân tộc “(Trần Đình Sử). Giải phóng Tiếng Việt khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào tiếng ngoại bang.

        -Thứ hai, những giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng của Truyện Kiều đã trở thành một phầm linh hồn của nền văn hoá và bản sắc dân tộc Việt Nam, tạo thành nguồn nội lực của sức mạnh dân tộc trong bảo vệ và xây dựng đất nước 

        -Thứ ba : Sức lan toả mãnh liệt của Nguyễn Du và Truyện Kiều ra thế giới khảng định vị thế toàn cầu của Tiếng Việt, văn học, văn hoá Việt Nam là niềm tự hào chính đáng của nhân dân Việt Nam trên trường Quốc tế .

       -Thứ tư: Vấn đề của chúng ta hôm nay là làm cho Nguyễn Du và Thuý Kiều ở lại với quê hương đất nước, gìn giữ hồn cốt dân tộc, tinh thân dân tộc; phát huy các giá trị văn hoá, làm trụ cột cho hội nhập toàn cầu. Theo cách nói của triết gia Phạm Công Thiện, “tinh thần dân tộc không phải là việc ái quốc ấu trĩ , thiển cận và cực đoan, và lúc nào cũng chủ trương bài ngoại một cách tích cực hay tiêu cực. Tinh thần dân tộc đúng nghĩa là giải thoát cái tinh hoa và tinh anh ra ngoài điều xa lạ…rồi chuyển hoá triệt để tất cả những điều xa lạ ấy vào tận bên trong tinh tuý của tính thể và thể tính Việt Nam. Điều ấy phần lớn trông chờ vào thế hệ trẻ hôm nay. 

Lời cuối tôi muốn nói trong bài này răng đọc truyện Kiều, nghiên cứu truyện Kiều là một lần được soi mình vào tấm “gương trong chẳng chút bụi trần” để thấy mình, hiểu mình hơn, để gột rửa, sáng tạo, làm mới mình như sự chuẩn vần của vạn vật, “ Hoa tàn mà lại thêm tươi, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, để được sống hạnh phúc và có nhiều niềm vui mỗi ngày “ Tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”, và góp phần làm cho mạch nguồn Nguyễn Du và Truyện Kiều chảy mãi trong dòng sông văn hoá dân tộc không bao giờ cạn vơi “ Còn non còn nước còn dài. Còn về còn nhớ tới người hôm nay”.

Hà Văn Thạch 

Cựu Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

(Trích từ tham luận tại Hội thảo: Nguyễn Du với đương đại của Đại học Fulbright Việt Nam nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du)

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer