Tin Tức

Cái bóng của Bắc Kinh và lựa chọn của Việt Nam

image

Đại học Fulbright Việt Nam vừa tổ chức buổi thảo luận trực tuyến mang tên “Cái bóng của Bắc Kinh: Lựa chọn cho Việt Nam” bàn về cách thức ứng xử của các nước Đông Nam Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, với sự tham gia của ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), think-tank hàng đầu Hoa Kỳ về quan hệ quốc tế.

Buổi thảo luận trực tuyến xoay quanh cuốn sách mới xuất bản của Murray Hiebert: Dưới cái bóng của Bắc Kinh: Thách thức mang tên Trung Quốc của Đông Nam Á. Hai diễn giả khác cùng tham gia thảo luận là Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, và Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore.

Các diễn giả tập trung thảo luận về ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị ở khu vực Đông Nam Á và cách thức mà 10 quốc gia ASEAN đối phó với chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc, cũng như đưa ra các gợi ý để các nước trong khu vực có cách ứng xử hài hòa lợi ích quốc gia mà vẫn giữ được chủ quyền trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cuốn sách “Under Beijing’s Shadow: Southeast Asia’s China Challenge” của Murray Hiebert

Theo ông Murray Hiebert, luận điểm chủ đạo trong cuốn sách của ông là 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với họ: cơ hội được hưởng lợi từ sự trỗi dậy về mặt kinh tế của Trung Quốc nhưng thách thức là làm sao giữ vững chủ quyền trước sự bành trướng của siêu cường.

Dùng kiến ​​thức thu thập được trong sự nghiệp báo chí hơn 40 năm của ông ở khu vực Đông Nam Á để viết nên cuốn sách, ông Hiebert cho rằng Đông Nam Á “giữ một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc do địa lý, mối quan hệ kinh tế có tính lịch sử và sự di cư của hàng triệu người gốc Hoa đến khu vực.”

Diễn giả Lê Hồng Hiệp cho rằng cuốn sách gần 600 trang đã đưa ra những phân tích chi tiết, sâu sắc về cách ứng phó của cả 10 quốc gia Đông Nam Á đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều mà những học giả trước đây chưa làm được. “Những phản ứng này tuy khác nhau nhưng có thể được tóm tắt là “một ly cocktail của cả hy vọng và lo lắng,” như Murray đã viết trong cuốn sách, nhưng mức độ của hy vọng và lo lắng ở mỗi quốc gia là khác nhau và các nước Đông Nam Á nhìn nhận và phản ứng trước cái bóng ngày càng lớn của Bắc Kinh theo những cách khác nhau,” ông chia sẻ.

Từ “ẩn mình chờ thời” đến Trung Quốc ngày nay

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng để nhìn nhận về sự trỗi dậy của Trung Quốc thì cần hiểu về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này: từ khẩu hiệu “ẩn mình chờ thời” (Hide your strength, bide your time) từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, Trung Quốc đã trở nên ngày càng cứng rắn hơn trong quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á.

Tại buổi thảo luận trực tuyến, ông Hiebert tóm tắt sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự… Về mặt kinh tế, nhìn chung các nước ASEAN đều muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc vì những lợi ích đối với phát triển kinh tế từ thương mại, du lịch, tiếp cận thị trường, đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng, với điểm nhấn là Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc. Kể từ những năm 90, số lượng người gốc Hoa nhập cư vào các nước Đông Nam Á, nhất là vào các vùng phía bắc Thái Lan và Myanmar, để làm nông nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ngược lại Trung Quốc ngày càng tăng.

Theo ông Hiebert, Trung Quốc cũng tăng cường ảnh hưởng tại khu vực bằng sức mạnh mềm (soft power) thông qua việc cấp học bổng cho các sinh viên khu vực, thành lập 30 viện Khổng Tử khắp Đông Nam Á, mời các lãnh đạo cấp cao, các học giả, nhà báo và lãnh đạo tôn giáo của các nước trong khu vực tới thăm Trung Quốc. Về mặt quân sự, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ quân sự, mua bán vũ khí, tập trận quân sự với các nước.

Như cuốn sách của ông đề cập, ngoài những lợi ích kinh tế mà Trung Quốc mang lại, những thách thức và rủi ro tiềm ẩn đối với các nước Đông Nam Á cũng không hề nhỏ. Việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước kém phát triển hơn trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar cũng đặt những nước này vào “bẫy nợ” và kéo theo các hệ lụy về môi trường, dự án kém chất lượng, tham nhũng, hối lộ và sự phụ thuộc về mặt chính trị.

Sự bành trướng của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự thể hiện rõ nhất trong tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã xây cất 7 đảo nhân tạo trên khu vực Biển Đông, trong đó 4 đảo đã được quân sự hóa, có sân bay cho máy bay chiến đấu, radar và hệ thống phóng tên lửa. Trong những năm gần đây, các lực lượng hàng hải Trung Quốc liên tục quấy nhiễu và đe dọa hoạt động thăm dò dầu khí cũng như hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân các nước trong khu vực, ông Hiebert phát biểu tại cuộc trò chuyện.

Diễn giả Murray Hiebert

Ông cũng bày tỏ sự lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, chặn đứng phần lớn nguồn nước khiến các nước hạ lưu sông Mekong phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng.

Một tổ chức NGO đã chụp những bức ảnh vệ tinh và phát hiện ra đằng sau hai con đập, số 7 và số 11, Trung Quốc đang dự trữ một lượng nước lớn cho năm nay đến mức đủ làm đầy cả Vịnh Chesapeake ở Hoa Kỳ,” ông chia sẻ.

Ông và hai diễn giả còn lại đều đồng ý với quan điểm rằng vấn đề sông Mekong cũng nghiêm trọng và đáng được chú ý không kém gì vấn đề tranh chấp Biển Đông. Những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, đã hứng chịu những đợt hạn hán khủng khiếp và ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp, cũng như đứng trước nguy cơ bị xâm mặn gây ra do việc thiếu hụt lượng phù sa từ thượng nguồn do các đập thủy điện của Trung Quốc chặn dòng, giữ nước.

Chính sách ứng phó của các nước ASEAN

Theo TS. Lê Hồng Hiệp, cuốn sách của Murray Hiebert tựu trung đã chia các nước ASEAN thành ba nhóm trong đối sách với Trung Quốc: những nước như Lào, Campuchia, Brunei và Myanmar nghiêng về chính sách “phù thịnh” (bandwagoning) vì họ đặt lợi ích kinh tế lên làm ưu tiên; những nước như Indonesia, Singapore và Việt Nam nghiêng về chính sách “cân bằng cứng” (hard balancing) vì họ cảnh giác trước ảnh hưởng của Trung Quốc và đặt an ninh làm ưu tiên; nhóm còn lại là những nước ở giữa hai nhóm này với chính sách nước đôi (ambivalent) như Philippines, nghiêng về phòng ngừa rủi ro (hedging) như Thái Lan và “cân bằng mềm” (soft balancing) như Malaysia.

Trong chương về Việt Nam, ông Hiebert cho rằng Việt Nam theo đuổi chính sách “cân bằng cứng” bằng cách tăng cường sức mạnh quốc phòng trước áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; năm ngoái, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt 116,9 tỷ USD. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ 4 trên thế giới vào Việt Nam với 39 tỷ USD, nếu tính cả đầu tư từ Hồng Kông.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (phải)

Theo TS. Lê Hồng Hiệp, Việt Nam có đầy đủ lý do để tiếp tục duy trì mối quan hệ hòa bình và ổn định với Trung Quốc, và Việt Nam không có nhiều lựa chọn nếu xét tới sự gần gũi về mặt địa lý cũng như tầm quan trọng về kinh tế, thương mại, du lịch… của láng giềng Trung Quốc đối với Việt Nam.

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quan hệ hòa bình và ổn định với Trung Quốc và để đạt được điều này, hai nước sẽ cố gắng tách biệt vấn đề tranh chấp Biển Đông khỏi quan hệ chung của hai bên,” ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Việt Nam cần đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vì nó đe dọa chủ quyền và ảnh hưởng quan trọng tới năng lượng và an ninh lương thực của Việt Nam, cũng như tiếp tục củng cố sức mạnh nội lực cả về kinh tế lẫn quốc phòng để thu hút bạn bè và đồng minh, và đa dạng hóa các mối quan hệ song phương với các cường quốc khác.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng với những nước nhỏ hơn như Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác, cách ứng xử đối với các cường quốc như Trung Quốc cần “khôn khéo và phức tạp hơn”, và không thể đơn giản là lựa chọn một trong hai – giữa Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng chúng ta (ASEAN) cần đa dạng hóa các mối quan hệ về mặt kinh tế, an ninh và chính trị. Chúng ta cũng cần lôi kéo sự tham gia của các nước khác như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước EU dưới cơ chế của ASEAN. Đa phương hóa, đa dạng hóa, tự lực tự cường… là những chính sách cần thiết nhưng đồng thời các nước ASEAN cũng phải thành thật với nhau,” ông phát biểu trong cuộc thảo luận trực truyến.

Các diễn giả đều chia sẻ quan điểm rằng các nước ASEAN cần tìm cách huy động sự ủng hộ của công chúng từ các quốc gia khác, kể cả từ Trung Quốc, để giải quyết những vấn đề như vấn đề sông Mekong.

Thúy Hằng

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer