Tin Tức

Bầu cử Tổng thống Mỹ, COVID-19 và Trung Quốc: Thế giới thay đổi như thế nào?

image

Ngày 8 tháng 6 năm 2020, Đại học Fulbright Việt Nam đã có một buổi thảo luận thú vị về chủ đề “Bầu cử Tổng thống Mỹ, COVID-19 và Trung Quốc: Thế giới thay đổi như thế nào?” với hai vị khách mời là ông Nelson Cunningham, nguyên cố vấn chính trị Hoa Kỳ, và ông David Shear, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Buổi thảo luận được điều phối bởi CEO Hoàng Thị Mai Hương, thành viên Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, hiện là Chủ tịch Tập đoàn Publicis Groupe Việt Nam. Sự kiện nằm trong chuỗi thảo luận với diễn giả do Fulbright khởi xướng nhằm thúc đẩy đàm thoại về khủng hoảng COVID-19, tạo cầu nối giữa các chuyên gia, học giả và nhà hoạch định chính sách toàn cầu với công chúng ở Việt Nam cũng như công chúng quốc tế.

Dịch COVID-19 đã có những tác động rất lớn đến quan hệ Trung-Mỹ, tốc độ suy giảm trong quan hệ song phương diễn ra khá nhanh, khoét sâu những mâu thuẫn hiện có và gia tăng những căng thẳng mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo cựu đại sứ David Shear, để Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể kiểm soát được nguy cơ khủng hoảng, hai cường quốc cần phải “tăng cường lòng tin chiến lược, đối thoại giữa các viên chức cấp cao của hai nước, và phải rất thận trọng” trong mối quan hệ song phương này. Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu những năm 70. Với tác động của Covid-19, bầu không kí giữa hai bên trở nên ngột ngạt chưa từng có.

Ông Nelson Cunningham, nguyên cố vấn chính trị Hoa Kỳ

Mâu thuẫn Trung-Mỹ gia tăng

Covid-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ trở lại đây, khiến hơn 7,15 triệu người nhiễm và hơn 408.000 ca tử vong. Ngoài sức ép về suy thoái kinh tế toàn cầu, Covid-19 là một yếu tố quan trọng đẩy mối quan hệ Trung-Mỹ đến bờ vực đối đầu. Ông David Shear cho biết mối quan hệ này đã từng có những chuyển biến rất phức tạp, nhưng chưa bao giờ tồi tệ như thời điểm hiện tại. Trong quá khứ, hai nước hiểu rằng họ vẫn có những lợi ích chung dù có nhiều khác biệt, và rằng trong khi không thể xóa bỏ khoảng cách tạo nên sự khác biệt đó thì hai nước vẫn có thể tìm cách thu hẹp nó. Thế nhưng, khó có thể nói trước được kết quả của những mâu thuẫn hiện tại vì nền tảng niềm tin chiến lược khó có thể được hàn gắn lại như xưa.

Cựu đại sứ nhận định rằng mặc dù quan hệ hai nước thay đổi theo chiều hướng xấu đi vì Covid-19, sự thay đổi trong mối quan hệ song phương quan trọng này chỉ thực sự xảy ra khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, trước khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Chính tầm nhìn tham vọng và sự quyết đoán của Tập Cận Bình về chính sách đối ngoại đã bắt đầu khiến Mỹ cũng như nhiều đối tác thương mại nhỏ hơn xa lánh, gia tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Washington, và dấy lên một cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã và đang theo đuổi một loạt các chính sách đầy tham vọng. Với Hồng Kông, Bắc Kinh liên tiếp lên sức ép áp dụng luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu hành chính này, khiến Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt chính sách ưu đãi dành cho Hồng Kông nếu điều này xảy ra. Với Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng dùng mọi cách đưa hòn đảo về trở lại đại lục, kể cả dùng vũ lực, khiến Hoa Kỳ liên tục có các động thái như phát biểu chúc mừng bà Thái Anh Văn tái đắc cử hay ủng hộ Đài Loan tham gia WHO.

Chúng ta cũng không thể không đề cập đến tình hình đang nóng dần lên ở khu vực biển Đông khi Bắc Kinh liên tiếp chiếm đóng và quân sự hóa vùng biển này. Sự hung hăng của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ thể hiện một số động thái cứng rắn hơn liên quan tới vấn đề trên biển. Mỹ không những điều máy bay trinh sát của hải quân đến thăm dò trên vùng trời Biển Đông, mà còn muốn tăng cường chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời hỗ trợ các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông gây sức ép mới đối với Bắc Kinh. Theo trang South China Morning Post ngày 19/05, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển “sát cửa” Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 nhiều gấp ba lần so với cả năm 2019.

Về quan hệ thương mại, theo ông David Shear, mặc dù cả hai nước đã đạt được những thỏa thuận thương mại nhất định vào tháng 1 đầu năm nay, Covid-19 đã làm gián đoạn việc hiện thực hóa hiệp định thương mại này. Tuy nhiên, ông Cunningham cho rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục có những đối thoại về thương mại, đơn cử cuộc điện đàm hồi đầu tháng 5 giữa hai nhà đàm phán hàng đầu của hai nước. “Đây là dấu hiệu rất tích cực cho thấy cả hai bên vẫn muốn giữ thỏa thuận thương mại sơ bộ, thận trọng trong việc kiểm soát mâu thuẫn thương mại”, ông Cunning nhận định.

Ông David Shear, , nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ

Mâu thuẫn trầm trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến Trung Quốc trở thành mối quan tâm chính trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đồng thời khiến Trung Quốc trở thành điểm nóng trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới. “Cả hai ứng cử viên sẽ cạnh tranh nhau để chứng minh ai là người có chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong cuộc bầu cử này”, cựu đại sứ nhấn mạnh.

Là một người ủng hộ Joe Biden ngay từ những ngày đầu tiên Biden có ý định tranh cử chức tổng thống năm 2007, ông Cunningham cho rằng đề xuất chính sách của cựu phó tổng thống Biden sẽ tập trung gia tăng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh. “Biden mong muốn gầy dựng trở lại sự tin tưởng, hợp tác và gắn bó mà các quốc gia đồng minh và đối tác thương mại đã từng có với Hoa Kỳ. Việc bình thường hóa mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước đồng minh, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden nếu ông đắc cử”. Ông Cunningham cũng nhấn mạnh thêm rằng ông Biden cũng sẽ gia tăng mối quan tâm của Hoa Kỳ với khu vực Đông Nam Á. “Chúng ta cần hết sức hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng trong một khu vực Đông Nam Á hùng mạnh và thịnh vượng”, ông Cunningham chia sẻ.

Cả hai diễn giả cũng đưa ra những nhận định xoay quanh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thương mại quốc tế trở thành một vấn đề khá nhạy cảm trong chính sách đối nội của Hoa Kỳ, đặc biệt khi chính quyền tổng thống Trump đang có những chính sách chú trọng đến mất cân bằng mậu dịch. Dù rằng điều này có thể sẽ khác đi nếu ông Biden đắc cử, tuy nhiên, cựu đại sứ David Shear cho rằng ông Biden cũng sẽ không tiếp tục theo đuổi TPP. “Chúng ta cần phải tìm một hướng đi khác để xây dựng những cơ chế hợp tác thương mại quốc tế khác nhằm đương đầu với Trung Quốc”.

“TPP là một chiến lược tuyệt vời giúp Hoa Kỳ xích lại gần hơn với các đối tác thương mại lớn như các nước Đông Nam Á, đồng thời giúp tạo sức ép lên Trung Quốc, bắt Trung Quốc phải tuân theo những quy chuẩn quốc tế” ông Cunningham nói thêm. “Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ tham gia vào Hiệp định TPP mới nhưng tôi tin rằng Hoa Kỳ luôn tin vào những tiêu chí TPP đề ra, và sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng mối quan hệ với các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Một số chuyên gia lo sợ rằng Việt Nam sẽ “mắc kẹt” giữa hai người khổng lồ và phải buộc chọn đứng về một phía. Nhưng ông Cunningham cho rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ mong muốn ép buộc Việt Nam phải chọn lựa. “Chúng tôi mong muốn xây dựng một mối quan hệ bền vững với các nước ASEAN và chúng tôi không muốn các bạn phải đưa ra sự lựa chọn thân Mỹ hay là không gì cả. Chúng tôi muốn chúng ta có thể hợp tác với nhau bởi mối liên kết thương mại đa phương, bởi mối quan hệ giữa nhân dân Mỹ và nhân dân các nước Đông Nam Á”, ông chia sẻ.

Đối với cựu đại sứ Shear, Việt Nam cũng sẽ có nhiều lợi ích và có một sức ảnh hưởng nhất định khi đàm phán với Trung Quốc trên nhiều phương diện. Ông giải thích rằng “mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước trong khu vực sẽ giúp tạo ảnh hưởng lên mối quan hệ của các nước này với Trung Quốc. Sức ảnh hưởng càng lớn, chúng ta càng có thể bảo vệ mình trước người khổng lồ phương Bắc”.

Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ sự gia tăng cạnh tranh giữa các khu vực thương mại khác nhau. Ông Cunningham cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục mở cửa kinh tế và có những chính sách có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam, với lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp hùng mạnh và cơ sở hạ tầng tốt, sẽ hưởng lợi rất lớn từ sự thay đổi trong xu hướng kinh tế toàn cầu này.

Việt Nam không những có thể giành thắng lợi bởi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng, đặc biệt khi chuỗi sản xuất dần rời khỏi Trung Quốc, mà còn là ứng cử viên sáng giá của đầu tư GI (greenfield investments), một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động của mình ngay từ đầu. Cựu đại sứ nhận định rằng Việt Nam bắt đầu thấy rõ sự gia tăng trong hình thức đầu tư FDI, và các hợp đồng thuê nhà máy hoặc xưởng sản xuất. Khả năng sản xuất cũng tăng nhanh, với các khu công nghiệp dần dần được xây dựng ngày một nhiều. Đối với cựu đại sứ, xu hướng này sẽ tiếp tục khi chuỗi cung ứng dần rời khỏi Trung Quốc. “Các quốc gia đều rất thận trọng khi dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, một phần vì Trung Quốc có lực lượng lao động co tay nghề cao, một phần vì chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đã được xây dựng rất hiệu quả và dày đặc, đặc biệt ở đồng bằng sông Châu Giang. Sự thay đổi trong chuỗi cung ứng này sẽ không xảy ra ngay lập tức mà sẽ là một hiện tượng mang tính lâu dài”.

“Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy sự thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và năng lực quản trị tốt không chỉ ở trung ương mà còn ở cấp địa phương. Tôi xin chúc mừng những người bạn Việt Nam của tôi vì đã xử lý khủng hoảng một cách hiệu quả, và vì các bạn đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam một cách dễ dàng và thuận lợi hơn”, cựu đại sứ kết luận.

Thạch Thảo

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer