Tin Tức

Học Sáng tác Văn chương ở Fulbright

image

Sáng tác Văn chương (Creative Writing) là môn học tự chọn (Elective Course) trong năm học thứ hai của chương trình Cử nhân. Môn học là hợp phần của ngành Việt Nam học Đại học Fulbright Việt Nam. Sự trải nghiệm đa dạng cũng như cách cấu trúc không gian môn học đa dạng, sống động khiến cho người học thu lượm những giá trị không chỉ dừng ở năng lực sáng tác một tác phẩm đơn lẻ.

Những sinh viên trong lớp học Sáng tác Văn chương ồ lên và cười thích thú khi nghe nhà thơ Nguyễn Duy kể chuyện “thất bại” làm thơ lúc còn là cậu nhóc lớp 8, tập tành với thể Thơ mới sáng tác bài “Người Vợ của tôi” vào năm 1962 (Thơ mới – một trào lưu sáng tác thơ ở châu Á, chịu ảnh hưởng thơ hiện đại của phương Tây). Không khí thơ thiếu nhi sôi động ở miền Bắc Việt Nam những năm thập niên 50 của thế kỷ 20 đã cuốn cậu bé Nguyễn Duy tập tành phác bút những áng thơ đầu tiên trong đời từ thủa lên 9. Những bài hát dân ca, hò vè, ca dao của bà ngoại từ thuở lọt lòng nuôi dưỡng một tình yêu thơ ca trong trẻo mãnh liệt trong tâm hồn cậu bé. Không chỉ có “Người Vợ của tôi”, những bài thơ làm quen với phong trào Thơ mới đang lên khi đó của Nguyễn Duy cũng chung số phận, gửi đi khắp các tờ báo nhưng đều “mất hút”.

“Sau đó, tôi mới chiêm nghiệm về những thất bại: Có lẽ do mình bắt chước. Dù háo hức với việc thử nghiệm hiện đại thơ ca, muốn những sáng tác mang không khí Thơ mới thời cuộc nhưng tôi nhận ra mình phải sáng tác bằng nền tảng, bản sắc và ngôn ngữ của mình. Đó là lúc tôi quyết định trở về với Lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc – khi đó dần bị bỏ quên trong không khí tân canh, siêu thực hay tượng trưng” – ông chia sẻ về định hướng sáng tác mà sau này “Thơ Lục bát của Nguyễn Duy” trở thành một thương hiệu trong văn đàn thi ca Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Duy là khách mời của lớp học Sáng tác Văn chương. Tiến sĩ Đào Lê Na, giảng viên phụ trách môn đã mời ông và Nhà thơ Nhật Chiêu – người giới thiệu Thơ đôi – đến chia sẻ với sinh viên Fulbright trong một tiết học bàn về các thể loại thơ. Khách mời là một đặc trưng nổi bật của môn học. Mỗi thể loại sáng tác văn chương sẽ có những khách mời tên tuổi, giàu kinh nghiệm và ảnh hưởng trong văn đàn Việt Nam. Có nhiều thể loại được giảng dạy. Thơ là một hợp phần bên cạnh Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Ký, kịch bản phim…

Khai phóng bản sắc

Sáng tác Văn chương là môn học duy nhất dạy bằng tiếng Việt ở chương trình Cử nhân của Đại học Fulbright. Nó được hình thành bắt đầu từ ý niệm đẹp đẽ thông qua sáng tác văn chương nuôi dưỡng sự hiểu biết, sự phồn thịnh của tiếng Việt trong bối cảnh môi trường học tập quốc tế ở Việt Nam có tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chủ đạo.

Tiến sĩ Nguyễn Nam (phải) đón chào Nhà thơ Nguyễn Duy đến dự một hội thảo văn học của chuyên ngành Việt Nam học

Nhà văn Nhật Chiêu trao đổi với sinh viên Fulbright

Tiến sĩ Đào Lê Na trong nhiều năm giảng dạy nhận thấy sinh viên Việt Nam, đặc biệt là các sinh viên học tập trong môi trường quốc tế, một mặt có khả năng ngoại ngữ tốt vượt trội, cộng với nền tảng kiến thức vững vàng, phong phú nhưng có không ít em lúng túng khi lựa chọn từ ngữ để diễn tả, biểu đạt tư duy, suy nghĩ, đặc biệt từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Chính bởi vậy, cô đã khởi xướng ý tưởng xây dựng môn học Sáng tác Văn chương tại Fulbright giúp sinh viên hiểu biết sâu sắc về tiếng Việt. Ý tưởng này đặt trong nền tảng của ngành Việt Nam học trở nên hoà hợp khi hướng tới định hình bản sắc, căn tính Việt một cách sâu sắc cho sinh viên.

Trong tổng phổ của ngành Việt Nam học, Sáng tác Văn chương được thiết kế theo truyền thống khai phóng (liberal arts) năng lực người học để giúp sinh viên nhận diện căn tính, bản sắc Việt của mình thông qua phương tiện nghệ thuật mà trong đó, văn chương là một phương tiện rất hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Nam, giảng viên xây dựng ngành Việt Nam học cho biết, việc một nhà văn Việt Nam hay nhà văn nước ngoài khi viết có thể lay động được cảm xúc hoặc suy tư của độc giả thế giới không phải do họ nói cùng một ngôn ngữ với người đọc mà trước hết, họ chinh phục độc giả bởi bản sắc, cá tính sáng tác riêng. Chính bản sắc khiến những nhà văn, nhà thơ đó khác biệt và nổi bật cho dù họ sáng tác bằng bất cứ ngôn ngữ nào. Và, mọi sáng tác dù dưới vỏ bọc ngôn ngữ nào cũng sẽ ẩn chứa những giá trị, quan điểm, khía cạnh nhân văn chung của nhân loại mà người đọc có thể thấu hiểu, đồng cảm.

 Đối tượng sáng tác mà môn học dạy các bạn tiếp cận là bạn đọc Việt Nam. Chỉ khi tiếp cận được người Việt tốt, họ mới có thể tiến xa hơn, tiếp cận với người đọc thế giới bằng căn tính, bản sắc của mình” – Tiến sĩ Nguyễn Nam cho biết.

Tiến sĩ Đào Lê Na (ảnh bìa phải) trong chuyến đi thực tế cùng sinh viên lớp học

Một nét thú vị của lớp học đó là tuy dạy sáng tác bằng tiếng Việt nhưng giảng viên vẫn dạy song ngữ (Tiếng Anh) các khái niệm, kỹ thuật viết lách. Bởi lẽ các tài liệu đọc dùng trong môn học bao gồm các nguồn sách tham khảo của cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, đồng thời có thêm những khách mời là những nhà văn nước ngoài. Điều này giúp người học không bị gói trong phạm vi sáng tác bản địa mà còn mở rộng hiểu biết về các trào lưu, sáng tác viết lách, người viết của thế giới. Qua đây hình thành một trường vốn từ vựng, một nền tảng hiểu biết chung sẵn sàng cho những nhu cầu công việc trong tương lai.

Một trải nghiệm khác làm phong phú năng lực ngôn ngữ trong khuôn khổ môn học đó là dịch thơ nước ngoài. Tiến sĩ Đào Lê Na đã giao một bài thơ của nữ nhà thơ Mỹ Louise Glück được giải Nobel Văn chương 2020 để sinh viên dịch. Việc dịch tác phẩm thơ không chỉ là công việc chuyển ngữ thuần tuý. Nó cho phép sinh viên diễn đạt ý tưởng thơ của tác giả trong vỏ ngôn ngữ tiếng Việt, một cách trải nghiệm công việc sáng tác thêm một lần từ phiên bản gốc khi người dịch có thể mở ra những tầng ý thơ mới từ ngôn ngữ bản địa của mình.

Hiểu biết nhu cầu đọc

Mặc dù sáng tác là quá trình riêng của mỗi cá nhân, sinh viên được sắp xếp học theo nhóm để có không gian thảo luận, chia sẻ về các kỹ năng viết, cũng như phân tích và phản hồi về tác phẩm của nhau. Bên cạnh đánh giá của giáo viên phụ trách môn học, ý kiến từ các thành viên trong lớp cũng giúp người học chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm của mình. Nhưng việc thẩm định khẩu vị đọc của công chúng không giới hạn trong căn phòng lớp học. Họ được đưa đến một nơi “kiểm tra” những ý tưởng viết lách một cách thực dụng nhất: Nhà xuất bản.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên đón tiếp những sinh viên Fulbright trong căn phòng nhỏ bên hông khu làm việc của các biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi phát hành sách cho thiếu nhi lớn nhất cả nước. Những phương thức làm việc của người sáng tác và nhà xuất bản, biên tâp viên, quy trình để một ấn phẩm hay đến với đối tượng đọc, sự thiếu hụt của những cây bút sáng tác cho thiếu nhi, hay thậm chí câu chuyện phân chia tỉ lệ lợi nhuận tác quyền của người viết được nhà văn Phan Hồn Nhiên chia sẻ giúp sinh viên mở mắt với thực tiễn ngồn ngồn ngoài những trang sách.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên trong cuộc trao đổi với sinh viên Fulbright tại Nhà xuất bản Kim Đồng

Cuộc thăm viếng làm việc ở nhà xuất bản Tuổi trẻ lại giúp sinh viên nắm bắt xu hướng của thị trường đọc ở phân khúc độc giả lớn tuổi, đa dạng thành phần, sự cạnh tranh của các phân khúc bạn đọc…Những trải nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau của ngành xuất bản giúp sinh viên hình dung rõ cách thức làm việc chuyên nghiệp với các kênh phát hành sáng tác hiệu quả và tối ưu nhất.

Sau những tiết học về kỹ năng cảm thụ và kỹ thuật viết, những trải nghiệm đi-nghe-nhìn, sinh viên bắt tay vào những sáng tác. Không có một đề bài bắt buộc, sinh viên được tự do phóng tác và thể hiện tác phẩm theo ý đồ riêng của mình. Từ những câu thơ dí dỏm, những câu chuyện ngắn đầy ẩn ý, cho đến những bài thơ trĩu nặng ưu tư hay thậm chí cả những cuốn tiểu thuyết đầy táo bạo, những tác giả trẻ thỏa thích nhào nặn, tô vẽ trên chất liệu ngôn từ.

Giảng viên môn học đã nỗ lực tạo cho sinh viên một không gian cuộc chơi tự do với ngôn từ và cảm xúc. Ngược lại, sinh viên cũng không phụ lòng giảng viên khi biến bài tập thành một cuộc chơi lãng mạn đầy sáng tạo. Đêm thơ, nhạc“Chắp một trống canh – 200 năm cảo thơm còn truyền” lấy Truyện Kiều làm cảm hứng. Các sinh viên thậm chí khoác lên những sáng tác thơ của mình những hình thức nghệ thuật từ ngâm thơ, đọc thơ (spoken word poetry), cải lương, đến rap, hay ballad ca. (Đọc chi tiết tại ĐÂY).

“Trong quá trình học, đôi khi em cảm thấy những kỹ năng viết hướng dẫn trên lớp dường như hơi bị gò bó. Nhưng khi làm bài cuối môn học, cô Na lại rất khuyến khích tụi em viết, thể hiện theo cách của mình và tôn trọng những điều riêngbiệt của sinh viên. Đó là điều khiến em vô cùng cảm kích” – sinh viên Trần Vũ Thanh Thảo chia sẻ.

Mẫu số tình yêu văn chương

Sáng tác Văn chương không chỉ có những sinh viên theo ngành khoa học xã hội quan tâm mà cả những sinh dự định học Kinh tế, Khoa học, Kỹ thuật cũng lựa chọn. Dù khác nhau về sở trường và định hướng tương lai, họ chia sẻ niềm yêu thích và đam mê sáng tác văn chương. Bởi vậy, mỗi sinh viên mang đến lớp học nhãn quan thú vị, soi chiếu và phân tích tác phẩm văn học qua các lăng kính đa chiều, làm phong phú trải nghiệm cho bạn học.

Thanh Thảo chia sẻ, môn học đã đưa bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ viết theo bản năng, Thanh Thảo đã học được cách viết một cách giàu hình tượng, đưa người đọc vào thế giới của mình một cách uyển chuyển, khéo léo hơn.

Sinh viên Thanh Thảo

Sinh viên Minh Tiến trình diễn tiết mục thơ – bài tập cuối môn học của mình trong đêm thơ nhạc của môn học

Trong tiết học đầu tiên của lớp, giảng viên Đào Lê Na đặt câu hỏi cho sinh viên: phẩm chất quan trọng nhất của Nhà văn là gì? Câu trả lời làm nhiều sinh viên bất ngờ. Không phải năng khiếu, sự lưu loát hay trí tưởng tượng mà lòng biết ơn mới chính là yếu tố đầu tiên của người cầm bút sáng tác. Chỉ khi biết ơn với cuộc sống xung quanh, người cầm bút mới có thể khai mở con mắt quan sát tinh tế và miêu tả sự vật-sự việc một cách trọn vẹn và sâu sắc.

Ở chiều ngược lại của người học, Nguyễn Minh Tiến cũng coi sáng tác như một phương pháp trị liệu tâm hồn, duy trì thói quen viết mỗi ngày ngay cả khi môn học kết thúc.

“Đôi khi có thể chỉ viết một từ hoặc miêu tả ngắn những sự việc xảy ra trong không gian ở một thời điểm nào đó nhưng nó thúc đẩy em giải toả cảm xúc. Cùng với việc quan sát, mình rèn được tính học tập suốt đời và luôn trong trạng thái không ngừng sáng tạo tư duy” -Tiến chia sẻ.

Xuân Linh – Anh Thư

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer