Tiến sĩ Lê Thái Hà: Đam mê nghiên cứu như thấy nắng trong lòng

image

Lê Thái Hà lục “kho kỷ vật” thời đi học tìm lại cuốn ấn phẩm giới thiệu về chương trình nghiên cứu sau đại học của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và bồi hồi tổng kết 10 năm sự nghiệp đầu tiên. Trên trang bìa ấn phẩm có hình ảnh của Thái Hà ngồi trên một hòn đá cảnh, đứng cạnh là 5 người bạn cùng nghiên cứu Tiến sĩ quốc tịch Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ và Phần Lan.

Lê Thái Hà là nghiên cứu sinh người Việt duy nhất ở trường Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (HSS-NTU) khi đó, làm nghiên cứu Tiến sĩ bằng học bổng toàn phần khi chưa tròn 22 tuổi, không lâu sau khi tốt nghiệp Cử nhân tại đại học danh giá này của quốc đảo Sư tử. 6 tháng trước khi bước vào con đường này, cô từng trở về Hà Nội, đi làm trong một ngân hàng của Nhật. Công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc dù tốt đẹp nhưng luôn gợi cảm giác mơ hồ cô không thực sự thuộc về không gian này.

Trở lại Singapore, học bổng chỉ cam kết cho 4 năm học khiến Thái Hà phải suy nghĩ. Tấm gương của những đồng môn ngậm ngùi đổi ngành/hướng nghiên cứu vì luận án đi vào ngõ cụt, hay lời cảnh báo của Giáo sư hướng dẫn về khả năng phải mất tới 5-6 năm mới hoàn thành chương trình khiến Thái Hà lao vào học điên cuồng. Hơn hai năm sau, cô hoàn thành chương trình Tiến sĩ của Đại học Công nghệ Nanyang với kết quả điểm học các bộ môn coursework cao nhất khóa (4.92/5.0) và thành tích nghiên cứu xuất sắc về kinh tế năng lượng với hai bài báo được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Lĩnh vực này đã trở thành xu hướng quan tâm nóng bỏng trong một thập kỷ nay.

Đúng kỷ niệm 10 năm ngày bắt đầu con đường làm nghiên cứu sinh tại Nanyang của cô vào tháng 8 năm ngoái, Thái Hà nhận được thư thông báo nghiên cứu khoa học mới của cô được duyệt xuất bản trên một tạp chí quốc tế và là công bố quốc tế thứ 40.

“Sự thay đổi rõ nhất sau 10 năm qua có lẽ là tinh thần và thái độ với nghiên cứu. Nếu như cách đây 10 năm, mình cảm thấy có chút bỡ ngỡ, hơi áp lực – không phải do từ trường hay từ thầy hướng dẫn – mà do mình tự đặt ra những kỳ vọng cho bản thân về số lượng và chất lượng của công bố khoa học; thì theo thời gian, một cách rất tự nhiên, mình thực sự tìm thấy niềm đam mê và tình yêu với nghiên cứu” – Thái Hà tự sự với bạn bè về kỷ niệm dấu mốc thập kỷ đầu sự nghiệp.

Trở về nước, Thái Hà bắt đầu sự nghiệp với công việc giảng dạy kinh tế tại Đại học RMIT Việt Nam. Cô nổi lên là một giảng viên kinh tế trẻ năng động, đặc biệt gây ấn tượng trong lĩnh vực nghiên cứu với thành tích công bố quốc tế đáng nể. Hơn 40 bài báo nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín, bao gồm nhiều tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng khác như Energy Economics, Energy Policy, Energy Journal, International Review of Financial Analysis.

Tất cả các bài báo nghiên cứu khoa học của cô đều thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có khoảng 85% thuộc nhóm Scopus Q1 hoặc ABDC (Australian Business Deans Council), với chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*. Cô cũng là đồng chủ biên của một xuất bản sách độc lập, và tham gia 9 công trình sách với tư cách là (đồng) tác giả của các chương do các nhà xuất bản uy tín trong giới nghiên cứu học thuật ấn hành như Elsevier Science, Routledge (London – Anh), Springer, Asian Development Bank Institute (ADBI-Japan) và World Scientific Publishing. Bảng xếp hạng của dự án Nghiên cứu kinh tế RePEC công bố tháng 6/2021 xếp hạng Thái Hà đứng thứ 3 về công bố khoa học trong nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam tính từ trước đến nay.

Lê Thái Hà là nghiên cứu sinh người Việt duy nhất ở trường Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (HSS-NTU) khi đó, làm nghiên cứu Tiến sĩ bằng học bổng toàn phần khi chưa tròn 22 tuổi, không lâu sau khi tốt nghiệp Cử nhân tại đại học danh giá này của quốc đảo Sư tử.

Trong gần một thập kỷ đầu sự nghiệp, Thái Hà tập trung phát triển đam mê nghiên cứu trong không gian học thuật chuyên môn của mình với các bài báo khoa học công bố xuất bản quốc tế đa dạng. Sự nghiệp của Thái Hà chuyển sang bước ngoặt mới sau cuộc gặp với một đồng nghiệp trong giới nghiên cứu vào cuối năm 2018.

Cuộc gặp bắc cầu

Cuối năm 2018, Tiến sĩ Lê Việt Phú của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tình cờ gặp Tiến sĩ Lê Thái Hà khi tham gia Hội đồng bảo vệ luận văn chương trình Thạc sĩ kinh tế Việt Nam – Hà Lan (Đại học Kinh tế TP.HCM). Cùng lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy về kinh tế năng lượng và kinh tế môi trường, họ nhanh chóng kết nối quan hệ và trao đổi về các hoạt động nghiên cứu.

“Điều khiến tôi ấn tượng là Thái Hà rất trẻ nhưng nằm trong số ít người đứng đầu về số bài nghiên cứu khoa học xuất bản quốc tế. Cô có một đam mê nồng nhiệt với nghiên cứu, lĩnh vực nam giới áp đảo đa số. Có nền tảng học vấn đào tạo ở nước ngoài rất tốt, tư duy nghiên cứu hiện đại và sở hữu số lượng xuất bản quốc tế dồi dào, Thái Hà thực sự là nhà nghiên cứu điển hình thế hệ mới ở Việt Nam.” – Tiến sĩ Lê Việt Phú nhận xét về đồng nghiệp.

Cuộc gặp tại Đại học Kinh tế TP.HCM trở thành cơ duyên để Tiến sĩ Lê Việt Phú kết nối Thái Hà với trường Fulbright. Từ đây, cô bắt đầu tham gia tìm hiểu nghiên cứu chính sách – thế mạnh độc đáo của Fulbright với đội ngũ các chuyên gia phản biện chính sách kinh tế hàng đầu ở Việt Nam. Trong suốt hơn hai thập kỷ, từ nền tảng Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP), trường đã tham gia sâu rộng vào quá trình thảo luận chính sách để gây ảnh hưởng đến các dự thảo chính sách đúng đắn và khả thi của Nhà nước. Nền tảng cho hoạt động này là các nghiên cứu chính sách chất lượng cao, mang tính độc lập, khách quan, nhìn thẳng vào những mặt hạn chế của Việt Nam. Với các nghiên cứu và phê bình chính sách trên tinh thần xây dựng, theo cách có thể ứng dụng được khiến Fulbright dấn thân ngày càng sâu hơn vào quá trình giải quyết các thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Tiến sĩ Lê Việt Phú (trái) và Tiến sĩ Lê Thái Hà trong một hội thảo về môi trường tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.

Tiến sĩ Lê Thái Hà chủ trì một phiên thảo luận về kinh tế với đồng nghiệp từ Trường Harvard Kennedy và các chuyên gia Việt Nam.

Trong vài tháng tham gia các hoạt động hội thảo, trao đổi học thuật, nghiên cứu, tiếp xúc giảng dạy tại đây, Thái Hà ấn tượng với địa hạt nghiên cứu mà cô chưa từng trải nghiệm để rồi lung lay vùng an toàn với những thành công nhất định đang có. Những trải nghiệm giúp cô nhận ra những giới hạn trong nghiên cứu học thuật của mình, những nghiên cứu mới chỉ được nắm bắt trong cộng đồng chuyên môn. Thái Hà trở nên hào hứng với việc khám phá, thử nghiệm những nghiên cứu chạy số liệu trên những mô hình giả định của mình ứng vào thực tế.

Trong một dịp, Tiến sĩ Lê Việt Phú mời cô tham gia chuyến đi thực địa dự án về năng lượng gió, mặt trời. Mặc dù từng làm nhiều nghiên cứu về đề tài năng lượng tái tạo nhưng đó là lần đầu tiên Thái Hà đi thực địa. Các câu chuyện của người dân, doanh nghiệp xung quanh những lo lắng liên quan đến chính sách, những kinh nghiệm thực tế ứng dụng năng lượng trong cuộc sống đã cho cô cách nhìn vấn đề mở rộng.

“Tôi như được mở rộng tầm mắt, nhận ra những nghiên cứu của mình chưa đo lường được hết những câu chuyện thực tế. Và tôi nhận ra nghiên cứu mà không tìm thấy điểm kết nối với thực tiễn cuộc sống thì sẽ trở nên vô ích” – Thái Hà chia sẻ.

Do đặc thù lịch sử phát triển, FSPPM với tiền thân là Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP)trong nhiều thập kỷ đặt trọng tâm vào nghiên cứu, phân tích chính sách, theo ưu tiên gắn với những vấn đề nóng hổi thuộc thể chế, chính sách, pháp luật có tác động trực tiếp đến đời sống ở Việt Nam. Trong khi đó, mặc dù các giảng viên, chuyên gia kinh tế của FSPPM trong nhiều năm qua đầu tư cho sự phát triển nghiên cứu học thuật hàn lâm, xu hướng trẻ hoá đội ngũ nghiên cứu kế cận là quy luật tất yếu. Cùng lúc này, FSPPM đứng trước một thời điểm chiến lược.

Đầu năm 2019, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường trong cuộc gặp với Thái Hà đã mời cô gia nhập FSPPM trong vai trò Giám đốc Nghiên cứu để phát triển một chân kiềng quan trọng còn khuyết của tổ chức. Đó là đưa FSPPM trở thành trường chính sách công với các hoạt động nghiên cứu gắn liền với tầm nhìn vươn tới đẳng cấp quốc tế và là một thành viên của NASPAA (tổ chức kiểm định quốc tế cho các chương trình đào tạo sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, hành chính công và quản lý công của Hoa Kỳ).

Một đặc thù phản biện chính sách của FSPPM đó là thực hiện các nghiên cứu hàn lâm hoặc lấy kết quả của các nghiên cứu hàn lâm để diễn dịch thành thông điệp chính sách. Khi đưa ra các nghiên cứu chính sách cho những nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam, các chuyên gia Fulbright thường cố gắng diễn giải bằng một ngôn ngữ chính sách phù hợp với đặc thù của một nền kinh tế chuyển đổi.

“Cái khó của những trường chính sách công đó là làm thế nào để các nghiên cứu đưa ra dựa trên cơ sở lý thuyết chắc chắn và cơ sở thực tiễn đầy đủ cũng như diễn giải nó theo ngôn ngữ mà các nhà làm chính sách có thể hiểu được. Tiến sĩ Thái Hà làm nghiên cứu hàn lâm nhưng bổ sung nghiên cứu có thông điệp chính sách là một bước chuyển tự nhiên. Điều này thể hiện sự dũng cảm của người làm nghiên cứu khi bước ra khỏi không gian an toàn của nghiên cứu học thuật. Đưa ra những nghiên cứu có hàm ý chính sách là cách đo lường nghiên cứu có hữu ích với thực tiễn không. Như vậy, người làm nghiên cứu mang tính nhập thế, dấn thân cao vào một địa hạt rủi ro hơn nhưng có tiềm năng tạo ảnh hưởng nhiều hơn và điều này phù hợp sứ mệnh của một trường chính sách công như FSPPM” – Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói về vai trò của Thái Hà.

Đại sứ Thuỵ Điển Ann Mawe và Tiến sĩ Lê Thái Hà tại hội thảo “Thủ đô Xanh Bắc Âu – Lãnh đạo, Quản lý, Bền vững và Đổi mới sáng tạo” do Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) cùng với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu.

Trong năm nay, Tiến sĩ Lê Thái Hà vừa công bố hai nghiên cứu chính sách được sử dụng để đăng trên Báo cáo toàn diện thường niên Triển vọng Phát triển Châu Á (Asian Development Outlook – ADO) của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS – Mỹ). Cô hào hứng với những thay đổi trong sự nghiệp.

“Xuất bản một nghiên cứu vừa thoả mãn đam mê nghề nghiệp vừa có thể hữu dụng cho cuộc sống sẽ khiến mình vui hơn. Các nghiên cứu học thuật dù thế nào cũng có độ “vênh” với thực tế. Nếu kết hợp được cả hai mảng, trong đó các nghiên cứu có thể tạo ra một hàm ý chính sách hay tạo ra ảnh hưởng chính sách thì thật tuyệt vời” – Tiến sĩ Lê Thái Hà chia sẻ mục tiêu phát triển nghiên cứu ở FSPPM.

Trong vai trò Giám đốc Nghiên cứu của trường Fulbright, cô đã tham gia nhiều hoạt động phản biện, đối thoại chính sách với các bộ, ngành và các tổ chức, khu vực, các diễn đàn kinh tế trong nước và quốc tế. Không gian này giúp cô “thực nghiệm” các nghiên cứu, khuyến nghị và nhìn thấy cách các nghiên cứu, khuyến nghị được đón nhận và phản hồi ra sao.

“Tôi nhớ cuộc họp đầu tiên về vấn đề môi trường với Bộ Tài Nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về môi trường ở góc độ kinh tế nhưng đó là lần đầu tiên tôi được nghe trực diện phản ánh từ bộ, ngành về các phản biện, khuyến nghị hàm ý chính sách của mình. Sự va chạm này giúp tôi nhìn rõ tính thực dụng của nghiên cứu” – Thái Hà chia sẻ.

 “Cổ phiếu IPO xịn”

Ngày tin tức ra mắt tạp chí quốc tế Fulbright Review of Economics and Policy (FREP) của Đại học Fulbright xuất bản trên hệ thống của NXB Emerald Group Publishing (Anh), một người bạn “trách” Thái Hà có “cổ phiếu IPO xịn” mà lặng lẽ. Trong suốt gần hai năm dịch bệnh Covid, Thái Hà gần như mất ăn mất ngủ chuẩn bị cho FREP theo đặt hàng đầu tiên của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh giao cho cô trong vai trò Giám đốc Nghiên cứu.

Tạp chí FREP là nền tảng xuất bản nghiên cứu kết nối cộng đồng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chính sách, học giả quốc tế trong không gian nghiên cứu đối thoại cởi mở do Fulbright khởi xướng. FREP hoạt động theo cơ chế bình duyệt (peer-reviewed) để xuất bản các bài viết, nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm có chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế và chính sách công.

Nếu như kinh tế học là lĩnh vực nghiên cứu có tính hàn lâm cao với những mô hình lý thuyết và thực nghiệm đa dạng, phương pháp nghiên cứu và công thức tính toán phức tạp thì chính sách công lại gần gũi với thực tiễn hơn nhờ những quan sát và phân tích về các vấn đề chính sách, thể chế, pháp luật có tác động trực tiếp đến cuộc sống. FREP cân bằng hai lĩnh vực tưởng chừng như khá khác nhau này bằng cách đưa kết quả nghiên cứu kinh tế học vào đời sống chính sách và cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho các phân tích chính sách. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, người định hướng chiến lược phát triển nội dung của tạp chí cho biết:

“Chúng tôi muốn tạo ra một diễn đàn trao đổi những nghiên cứu nghiêm túc dựa trên bằng chứng, có cơ sở lý thuyết rõ ràng nhưng giải quyết các bài toán và đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể cho các vấn đề không chỉ của Việt Nam mà cả khu vực và thế giới. Chúng tôi muốn đo lường tác động của các nghiên cứu không phải ở việc có bao nhiêu nghiên cứu khác trích dẫn lại mà trên thực tế có bao nhiêu người được hưởng lợi từ chính sách đúng đắn có đóng góp xây dựng từ các nghiên cứu kinh tế chính sách”.

Đóng vai trò là Chủ biên của tờ tạp chí, Thái Hà mô tả tâm trí của cô “đến trong giấc ngủ cũng nghĩ” suốt một năm đầu xây dựng. Trong bối cảnh cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid, các cuộc trao đổi làm việc với nhà xuất bản bên Anh trong suốt năm 2020 chỉ tập trung vào giai đoạn kỹ thuật. Mặc dù cũng là thành viên trong ban biên tập của một số tạp chí khoa học quốc tế uy tín, việc xây dựng một tạp chí nghiên cứu học thuật quốc tế hoàn toàn mới vẫn là điều chưa từng trải nghiệm với Thái Hà. Cô thất bại nhiều lần trong việc liên hệ, tìm nhà xuất bản phù hợp, tìm hiểu các quy trình pháp lý quốc tế về xuất bản nghiên cứu quốc tế, tổ chức hội đồng biên tập xuất bản…Nhưng sức ép lớn nhất đó là việc quy tụ được các nhà nghiên cứu và xây dựng được chất lượng của tạp chí như kỳ vọng.

“Đây là một trải nghiệm vô tiền khoáng hậu trong sự nghiệp của tôi.” – Thái Hà chia sẻ.

Điều khích lệ là dù FREP là cái tên mới trong cộng đồng xuất bản nghiên cứu học thuật quốc tế, nhưng giống như khởi thuỷ của FSPPM, nó được đứng trên vai những người khổng lồ. Một Hội đồng Biên tập gồm những nhà khoa học, học giả tên tuổi ở các trường đại học uy tín hàng đầu trên thế giới và ở Hoa Kỳ nhận lời làm thành viên cố vấn cho tạp chí. Rất nhiều người trong đó có sự gắn bó và hiểu rõ về trường Fulbright từ những năm đầu thập niên xây dựng FETP như Giáo sư Dwight Perkins (Đại học Harvard), Giáo sư David Dapice (Đại học Harvard), Giáo sư James E. Anderson (Đại học Boston), Giáo sư Terry Buss (Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ), Giáo sư Eddy Malesky (Đại học Duke), Giáo sư Scott Fritzen (Đại học Oklahoma).

Bước ra khỏi vùng an toàn

Một vai trò nổi bật khác của Tiến sĩ Lê Thái Hà đó là giảng viên cao cấp giảng dạy các môn kinh tế học tại trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Những cảm xúc thường nhật của Thái Hà luôn quay trong không gian công việc nghiên cứu và giảng dạy mà cô ví là niềm vui cuộc sống của mình. Là người mang tinh thần tích cực, cô tìm thấy niềm vui trong những chia sẻ nhỏ bé. Đôi khi là lá thư chấp nhận (acceptance letter) của tạp chí xuất bản, một giờ giảng trên lớp nhiều cảm xúc…Hay đôi khi tâm tư tự gieo trong lòng câu hỏi của học viên “Sao em thấy cô làm nhiều nghiên cứu suốt ngày, làm nhiều thế để làm gì ?” và rồi tự đi tìm câu trả lời theo cách nhẹ nhàng an nhiên nhất.

Hôm nay nhận được thêm lá thư chấp nhận lại thấy vui ngay, lại thấy nắng trong lòng, và đã tìm ra câu trả lời cho bản thân: làm nghiên cứu nhiều để thỉnh thoảng có bài được chấp nhận, lại lấy làm động lực cho mình theo đuổi tiếp những nghiên cứu khác” – cô viết nhật ký trên mạng xã hội chia sẻ.

Thái Hà coi việc làm nghiên cứu là một cách để thư giãn, giải tỏa những áp lực trong công việc và cuộc sống. Khi chờ hồi âm xuất bản nghiên cứu, khi gặp chuyện buồn, vui, hay khi phải “sống chậm” trong những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, cô lại vùi đầu vào nghiên cứu. Không có thành công nào dễ dàng. Đằng sau những bài báo công bố xuất bản thành công là rất nhiều bài nghiên cứu gửi đi thất bại, bị từ chối. Thông thường, tỉ lệ các bài nghiên cứu được chấp thuận bởi các tạp chí khoa học uy tín nằm trong danh mục ISI chỉ trên dưới 10%. Bởi vậy, Thái Hà định nghĩa công thức thành công trong nghiên cứu khoa học của mình là nhờ sự chăm chỉ và cần mẫn theo đuổi đam mê.

Sau một năm chuẩn bị kĩ thuật cho Tạp chí FREP, Thái Hà và các cộng sự mất thêm nửa năm chuẩn bị nội dung cho số xuất bản đầu tiên vào mùa Hè 2021. Công việc này đang cuốn cô vào một lịch biểu làm việc bận rộn bên cạnh các lớp giảng dạy cho sinh viên của Chương trình Thạc sĩ Chính sách công Fulbright và Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Đại học Fulbright Việt Nam. Ấn bản đặc biệt đầu tiên và một hội thảo ra mắt FREP với giới nghiên cứu sẽ tập trung vào phản ứng chính sách thời kỳ hậu dịch bệnh Covid của thế giới và khu vực.

“Tại Fulbright, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi, không chỉ trong môi trường làm việc với các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ, khu vực tư nhân. Với công việc hiện tại, tôi cũng có nhiều dịp đi nói chuyện với các đại học khác trong nước. Càng mở rộng không gian, tôi càng trân trọng môi trường mình đang làm việc. Một môi trường để tôi phát huy chuyên môn mà không bị phân tán năng lượng. Ở Fulbright, tôi đã bước ra khỏi vùng an toàn trong nghiên cứu và giảng dạy.” – Tiến sĩ Lê Thái Hà chia sẻ.

Xuân Linh

Kết nối với chúng tôi

facebook

(English below) ASEAN SOCIAL IMPACT PROGRAM 2023 - VÌ MỘT “HÀNH TINH” KHỎE MẠNH HƠN Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 - ASIP (Tác động xã hội ASEAN) đã chính thức khép lại với phần trình bày ý tưởng của các đội thi. Trước ban giám khảo và các nhà tài trợ tài năng...

image

(English below) ✨ LỜI CHÚC NĂM GIÁP THÌN 2024 ✨ Bước sang thềm năm mới Giáp Thìn, Đại học Fulbright Việt Nam xin được gửi đến mọi nhà lời chúc tốt đẹp nhất 🐉 Với trái tim tràn đầy hy vọng hoà cùng niềm vui đầu năm, chúng tôi vô cùng trân trọng sự tin tưởng và hỗ trợ vô giá Fulbright nhận được trong hành trình vừa qua, là động lực hướng đến những điều tuyệt vời sẽ tiếp nối trong năm nay 🌟 Nhân dịp năm Rồng, Fulbright xin kính chúc vạn sự hanh thông, mọi niềm mong thành hiện thực 🌟 --- ✨ HAPPY LUNAR NEW YEAR 2024 ✨ As we step into New Year, the Year of the Dragon, Fulbright University Vietnam would like to extend our best wishes to everyone 🐉 With hearts filled with hope and joy as we embark on the new year, we deeply appreciate the invaluable trust and support Fulbright has received on our journey thus far, serving as motivation towards the wonderful things that will continue in the year ahead 🌟 As the Dragon's year unfolds its tale, Fulbright extends wishes, setting sail. Prosperity's breeze, in every gale, May dreams come true, without fail 🌟

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer